Sáng tạo hay sự bắt chước sống sượng?

Thứ Năm, 18/06/2015, 08:05
Trong vòng sơ tuyển phía Nam của chương trình tìm kiếm nhà thiết kế thời trang Project Runway Vietnam 2015 xuất hiện nhiều bộ trang phục quái dị, lố lăng. Thí sinh Nguyễn Thanh Tài khoác lên người mẫu nam chiếc đầm dài đen xẻ cao khoe đôi chân và cắt cúp khoe lưng, bờ vai. Người mẫu này còn được Tài trang điểm đậm và cho mang giày cao gót. Riêng Tài mặc chiếc áo hoa rực rỡ và giày đế xuồng của nữ. 

Tài cùng người mẫu của mình không ngại tạo dáng, uốn éo đủ kiểu trước ống kính truyền thông. Nam người mẫu còn được diện chiếc váy sọc trắng đen và khoác thêm áo gile jean. Một số nam thí sinh khác cũng trang điểm đậm, đi giày cao gót, mặc trang phục xuyên thấu, đục khoét táo bạo khiến người khác khó phân biệt giới tính.

Khi ban giám khảo là Trương Ngọc Ánh và Tùng Leo phản ứng trước những bộ trang phục này thì Nguyễn Thanh Tài cho biết, anh thiết kế bộ cánh này dành cho nam giới và theo anh đó là phong cách unisex. Tùng Leo khẳng định, đây không phải là unisex.

Thanh Tài ra sức bảo vệ ý tưởng của mình: "Thời trang là không có giới hạn và không hề có một ranh giới rõ ràng nào cả. Tôi muốn trở thành một nhà thiết kế có thể dung hòa được những khoảng cách mà con người đã tạo ra bằng việc nam có thể mặc đồ của nữ và ngược lại".

Một làn sóng ném đá tập thể, gọi người sáng tạo trên là biến thái, dị hợm, quái đản... Thế nhưng, một số bạn trẻ lại tỏ ra cay cú với nhận xét của ban giám khảo và ra sức ủng hộ những bộ trang phục trên. Ở đây, bài viết không bàn về cảm tính nhất thời của người xem mà nhìn nhận những bộ trang phục này dưới góc độ thời trang.

Thí sinh Nguyễn Thanh Tài (trái) và người mẫu nam diện thiết kế của Tài tại vòng sơ tuyển Project Runway Vietnam 2015.

Thứ nhất, theo cách Nguyễn Thanh Tài giải thích, đó là trang phục của anh thuộc trào lưu unisex. Đây là một sai lầm. Trào lưu unisex xuất hiện từ thập niên 60 của thế kỉ trước và bắt đầu nở rộ ở Việt Nam vào năm 2007. Đó là phong cách thời trang trung tính nhằm chỉ những đồ dùng hoặc cách ăn mặc thích hợp cho cả nam và nữ. Unisex mang đến cho nam giới sự mềm mại, quyến rũ hơn cách ăn mặc của nam giới bình thường; nữ giới lại khá mạnh mẽ so với những bộ trang phục thường thấy.

Bản chất của unisex không phải là nam mặc đồ của nữ hay ngược lại mà đó là dòng thời trang độc lập, có các nhà thiết kế riêng để sáng tạo nên những trang phục sao cho phù hợp cả nam và nữ. Do đó, unisex có những quy chuẩn của nó, không phải là thời trang "xóa nhòa giới tính" như cách mà thí sinh Thanh Tài đang lầm lẫn. Và unisex là tên gọi trào lưu thời trang chứ không phải ám chỉ đến đồng tính.

Ngoài những sản phẩm riêng do các nhà thiết kế sáng tạo, người theo trào lưu này vẫn có thể tự phối đồ để tạo ra bộ trang phục mang hơi hướng unisex. Chẳng hạn như việc mặc váy, áo ren lưới hay những trang phục khá điệu đà, nữ tính không xa lạ gì với nhà thiết kế Marc Jacobs. Justin Bieber có một thời gian chỉ mặc quần jeans của nữ giới. Hay ngôi sao nhạc rock Ronnie Wood tự tin với đôi bốt cổ ngắn giống hệt của siêu mẫu Kate Moss... Nhưng họ biết cách phối trộn vài món đồ của nữ giới với trang phục của nam để tạo ra nét mềm mại vừa phải. Còn bộ trang phục mà Nguyễn Thành Tài khoác lên nam người mẫu hoàn toàn là trang phục nữ giới. Tài và nhiều bạn trẻ Việt Nam không hề hiểu về bản chất của trào lưu unisex nên vấp phải sự học đòi phản cảm.

Thứ hai, nếu xét ở khía cạnh trang phục của nữ giới, bộ trang phục của Tài  không có gì nổi bật, mang tính đột phá hay sáng tạo. Đơn giản đó là sự sao chép của những bộ đồ nữ mà chúng ta thấy nhan nhản, không hề có một sự phối trộn độc đáo nào. Có lẽ vậy mà Thanh Tài gây sốc bằng cách cho nam mặc. Anh cứ ngỡ rằng như thế là mình đã sáng tạo ra một sản phẩm ghê gớm, có thể làm nên một cuộc cách mạng "xóa nhòa ranh giới thời trang" bằng cách cho nam mặc đồ nữ và ngược lại (!). Có sáng tạo hay tính nghệ thuật nào nằm ở sự sao chép? Dù đó có là sự sao chép tinh vi, đạt đến tuyệt xảo thì đó vẫn chỉ là cái tài của người thợ, không phải tài của người nghệ sĩ.

Nếu sáng tạo, sự sáng tạo đó cũng phải nằm trong một quy chuẩn, không phải đi ngược lại quy luật tự nhiên. Nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng, nhiều bạn trẻ cứ tưởng thời trang là mảnh đất để tha hồ thể hiện cái tôi, sáng tạo những trang phục, cách ăn mặc khác người. Nhưng các bạn chỉ mải mê khẳng định cái tôi trong khi chức năng của thời trang là định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Những bộ trang phục họ sáng tạo ra trước hết phải đúng, phù hợp những quy chuẩn về văn hóa, xã hội nơi họ sống và chính cơ thể mỗi con người. Sự phá cách, khác biệt cũng nên đáp ứng một trong những quy chuẩn đó, được số đông công chúng ủng hộ, chứ không phải là bất chấp, đạp đổ tất cả. Lúc đó trật tự xã hội sẽ loạn, thẩm mỹ của công chúng cũng loạn theo.

Nguyễn Thanh Tài mong ước thiết kế những bộ trang phục mà cả nam và nữ đều mặc được thì xem như ước mơ đó đã bị phá sản. Vì dám chắc không có chàng trai nào mặc những bộ đồ đặc sệt nữ tính như thế ra đường. Ở nước ngoài cũng có những trường hợp các nhà thiết kế cho nam người mẫu mặc đồ nữ, nhưng chỉ phục vụ cho một chiến dịch nào đó chứ không phải đem bán đại trà cho nam giới. Ngay cả người đồng tính nam dù muốn trang phục mang nhiều tính nữ vẫn không muốn mặc những bộ đồ để biến mình hoàn toàn thành nữ trừ trường hợp họ là người chuyển giới.

Thông điệp của Nguyễn Thanh Tài xem ra quá non nớt và khập khiễng, thậm chí không khác gì lời ngụy biện cho sự bắt chước phản cảm của mình.

Võ Viễn Thiện, “bản sao” của Sơn Tùng M-TP được rất nhiều bầu show săn đón.

Cũng giống như trường hợp bộ bikini bằng thịt bò sống của hai nhà thiết kế Ly Eva và Hà Minh Phúc. Bức hình cô gái mặc bikini lạ đời này nhanh chóng lan truyền trên mạng với một tốc độ chóng mặt. Nhiều người cho đây là sự sáng tạo táo bạo. Thế nhưng, không khó nhận ra bộ trang phục sao chép ý tưởng.

Tại Lễ trao giải MTV Video Music 2010, nữ hoàng lập dị Lady Gaga đã mặc bộ váy làm từ thịt bò sống. Bộ trang phục làm cả làng giải trí thế giới phản ứng dữ dội. Vậy nên chắc chắn hai nhà thiết kế trên không thể không hay biết. Qua bộ trang phục, Lady Gaga gửi gắm thông điệp: "Nếu chúng ta không chiến đấu cho điều mình tin tưởng, không đấu tranh vì quyền lợi của chính mình, thì chẳng mấy chốc những quyền lợi còn lại sẽ chỉ như đám thịt bám trên xương chúng ta mà thôi. Và, tôi không phải một tảng thịt" . Còn bộ bikini chỉ là một sản phẩm ăn theo, bắt chước sống sượng, gây sốc chứ không hề gửi gắm thông điệp gì. 

Trào lưu xem sự bắt chước như sản phẩm của sự sáng tạo đang lên ngôi. Bản sao của ca sĩ Sơn Tùng cũng là một ví dụ điển hình. Anh chàng Võ Viễn Thiện (sinh năm 1996) có ngoại hình và cách biểu diễn rất giống Sơn Tùng. Cư dân mạng phát cuồng vì những clip bắt chước Sơn Tùng trên mạng của anh chàng này. Lập tức, Thiện được các tay bầu show săn đón và đưa vào các chương trình ca nhạc. Mục đích đầu tiên là nhằm đưa đến cho khán giả một phiên bản thú vị của Sơn Tùng. Nhưng ai dám chắc, anh chàng không bị nhà tổ chức lợi dụng để đánh lừa công chúng. Bởi giá catse để mời Sơn Tùng "chính hiệu" hát luôn ngất ngưởng, chưa kể để mời được chàng ca sĩ đình đám này ban tổ chức phải xếp hàng dài dằng dặc. Trong khi chỉ cần bỏ ra chút tiền là có được Sơn Tùng "rởm" để kéo khán giả tới rạp.

Chính Viễn Thiện cũng thừa nhận: "Tôi cảm thấy khá may mắn khi có gương mặt giống Sơn Tùng M-TP. Khi cơ hội và may mắn đến với bản thân, tôi nghĩ mình nên nắm bắt. Tôi cũng rất sợ bị cộng đồng mạng ném đá nhưng để kiếm tiền, tôi phải làm theo lời yêu cầu của người mời mình". Điều đáng nói là chính bản thân Sơn Tùng cũng là một bản bắt chước của ca sĩ G- Dragon Hàn Quốc.

Bắt chước những gì câu khách, gây tranh cãi để phục vụ cho thị hiếu của một bộ phận công chúng nhưng người bắt chước và công chúng hả hê coi đó như sự sáng tạo, đóng góp mới mẻ cho nghệ thuật. Sự bắt chước lâu dài chỉ làm mòn khả năng sáng tạo và suốt đời làm cái bóng của người khác. Có một khái niệm mang tên "bắt chước để sáng tạo" tức là biến cái của người thành cái mang đậm dấu ấn của mình. Để khi nhắc đến sản phẩm cuối cùng, người ta chỉ thấy bản sắc của mình, còn cái bị bắt chước chỉ còn là dấu tích mờ nhạt. Nhưng đó là khi "nội công" của người bắt chước đã quá "thâm hậu".

Phan Thi Uyên
.
.