Sân khấu chèo và trăn trở giữ nghề

Thứ Ba, 11/10/2016, 08:12
Trong sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình giải trí hiện đại khác, những nghệ sĩ chèo tâm huyết đã nỗ lực tìm mọi cách để chèo tồn tại và khán giả quay lại với chèo. Những vở diễn được đầu tư công phu, hoành tráng của Nhà hát Chèo Hà Nội, những tác phẩm tập trung đi sâu vào chinh phục đỉnh cao nghệ thuật của Nhà hát Chèo Việt Nam, những nỗ lực dàn dựng vở mới của Nhà hát Chèo Quân đội... là những minh chứng cho việc các nhà hát chèo đang cố gắng để chèo có đông khán giả hơn...


Giấc mơ sân khấu đỏ đèn

Khánh Thảo

Những ngày này, khi "Cuộc thi nghệ thuật chèo toàn quốc" đang diễn ra tại tỉnh Ninh Bình với sự tham gia của gần 800 cán bộ, nghệ sĩ thuộc các nhà hát chèo chèo trong cả nước thì với các nghệ sĩ ấy thực sự là những ngày hội. Với thông lệ 3 năm một lần, "chiếu chèo mở hội" không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa những người theo nghiệp chèo trong cả nước mà còn là thời điểm các nghệ sĩ mang tới cho khán giả yêu chèo những tác phẩm xuất sắc nhất được chắt chiu dàn dựng trong 3 năm qua.

Có thể nói, với người dân Việt Nam, đặc biệt là người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, từ bao đời nay hát chèo đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật quen thuộc. Loại hình nghệ thuật này đã nuôi dưỡng đời sống tinh thần dân tộc bởi chất trữ tình đằm thắm, sâu sắc.

Với hình thức kể chuyện bằng sân khấu, lấy sân khấu và diễn viên làm phương tiện giao lưu với công chúng, chèo không chỉ xuất hiện trong những dịp lễ tết hay hội hè đình đám mà trong cả những sinh hoạt lao động dân dã của nhân dân.

Đã từng có giai đoạn, cùng với sự hưng thịnh của đời sống sân khấu, sân khấu chèo tưng bừng với nhiều đoàn chèo chuyên nghiệp và hàng trăm đoàn chèo nghiệp dư lưu diễn khắp cả nước. Sân khấu chèo đã ghi danh những nghệ sĩ lão thành như NSND Trần Bảng, NSND Chu Văn Thức, NSND Hoàng Lan, nhạc sĩ Hoàng Khiềm, nhà viết kịch "vua chèo" Trần Đình Ngôn...

Nghệ thuật chèo luôn gần gũi và gắn bố với nhiều người Việt Nam.

Từng có một lịch sử lâu dài và sự gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân như vậy nhưng cũng như bao bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, chèo đang đứng trước nguy cơ và thách thức không nhỏ về sự mai một và mất dần bản sắc trong đời sống hiện đại.

Bên cạnh một bộ phận không nhỏ thanh niên thờ ơ với nghệ thuật chèo thì bản thân một số nghệ sĩ chèo không giữ được niềm đam mê với nghề, không luyện hát hay, diễn giỏi. Chưa bao giờ chèo rơi vào vòng luẩn quẩn đến vậy khi không có khán giả mua vé đến xem, cũng có nghĩa không có tiền tái đầu tư sân khấu, khiến cho đã khó còn khó khăn hơn.

Tuy nhiên, ngay trong bối cảnh làm nghề bộn bề những khó khăn ấy vẫn còn những nghệ sĩ quyết không rời xa nghiệp Tổ. Từng trò chuyện với một số nghệ sĩ chèo, chúng tôi hiểu được những tình yêu sâu đậm dành cho sân khấu. Và bản thân những nghệ sĩ ấy cũng thừa nhận đã yêu chèo thì dù khó khăn, gian khổ mấy cũng không bỏ chèo mà đi được như lời một nhân vật trong vở kịch "Đường trường duyên phận" (tác giả: Trần Đình Văn, Nhà hát chèo Việt Nam dàn dựng): "Con đã trót mang niềm yêu tha thiết/ Tiếng hát chèo như máu thịt tâm can"...

Trong sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình giải trí hiện đại khác, những nghệ sĩ chèo tâm huyết đã nỗ lực tìm mọi cách để chèo tồn tại và khán giả quay lại với chèo. Những vở diễn được đầu tư công phu, hoành tráng của Nhà hát Chèo Hà Nội, những tác phẩm tập trung đi sâu vào chinh phục đỉnh cao nghệ thuật của Nhà hát Chèo Việt Nam, những nỗ lực dàn dựng vở mới của Nhà hát Chèo Quân đội... là những minh chứng cho việc các nhà hát chèo đang cố gắng để chèo có đông khán giả hơn.

Những dự án như "Sân khấu học đường", "Chèo 48h"... là những hoạt động vô cùng ý nghĩa mà các nghệ sĩ chèo kết hợp với nhà trường, các tổ chức xã hội nhằm lan tỏa tình yêu nghệ thuật chèo đến các em nhỏ, xây dựng đội ngũ khán giả kế cận hiểu và yêu chèo.

Lâu nay, có một thực tế là dường như các nhà hát chèo ở các thành phố lớn ít đỏ đèn hơn nhưng tại các cuộc thi, hội diễn sân khấu, mỗi buổi biểu diễn luôn chật kín khán giả. Từ Cuộc thi nghệ thuật chèo toàn quốc 2013 tại thành phố Hải Phòng và năm nay tại tỉnh Ninh Bình, các buổi diễn đều cháy... ghế. Chỉ cần tới muộn hơn giờ diễn một chút là nhiều người phải đứng hoặc ngồi ở bậc thềm xem.

Phần lớn các nghệ sĩ thường nhường ghế cho khán giả để mình đứng xem đồng nghiệp biểu diễn. Rõ ràng, ở một phương diện nào đó, chèo vẫn có một chỗ đứng riêng trong lòng khán giả. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để sân khấu chèo đỏ đèn mỗi đêm chứ không chỉ dựng vở tập trung cho liên hoan, hội diễn để dành huy chương như lâu nay.

Đạo diễn Lê Tuấn Cường - Phó trưởng Phòng Nghệ thuật - Nhà hát Chèo Việt Nam: Không để "kịch cắm chèo"

Thảo Duyên (thực hiện)

- Thưa đạo diễn Lê Tuấn Cường, là người đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau như nghệ sĩ biểu diễn, đạo diễn, quản lý, giảng dạy... ông đánh giá thế nào về sân khấu chèo hiện nay?

+ Tôi cho rằng, định hướng của Đảng và Nhà nước ta là bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật dân tộc là rất đúng. Tuy nhiên, nhu cầu thưởng thức của từng tầng lớp khán giả khác nhau, mỗi đoàn nghệ thuật có một phong cách riêng. Cho đến nay, Nhà hát Chèo Việt Nam đang đi theo xu thế chuẩn chèo truyền thống và tôi nghĩ là đúng hướng. Ví dụ như đã là diễn viên của Nhà hát thì bắt buộc phải nắm rất chắc và hát tốt các làn điệu chèo truyền thống.

Tôi là một đạo diễn, một giảng viên không chỉ giảng dạy ở Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội mà còn đi các tỉnh, tôi nhìn thấy ngành chèo đang có một sự phát triển đúng hướng. Thăng trầm là quy luật, chèo đang đi đúng hướng, vì vậy không có gì phải quá lo lắng cả.

Đạo diễn Lê Tuấn Cường đang thị phạm cho sinh viên diễn chèo.

- Hình như so với nhiều đồng nghiệp, ông có cái nhìn lạc quan hơn thì phải? Nhưng nói gì thì nói, sân khấu phải đỏ đèn, phải có khán giả?

+ Trong xu thế hội nhập, khán giả có nhiều lựa chọn, mỗi con người một nhận thức khác nhau. Không ít khán giả trẻ chạy theo xu thế. Nhưng chèo là hồn cốt dân tộc, nó ra đời từ xa xưa và tồn tại đến nay hẳn vì ý nghĩa đặc biệt của nó.

Vì sao tôi lạc quan ư? Tôi chỉ là một đạo diễn được đào tạo bài bản. Sống bằng đồng lương chân chính khó khăn vô cùng. Nhưng không vì thế mà xao nhãng nghiệp chèo hay không làm nghề. Tôi quan niệm, dù no dù đói vẫn phải tôn trọng nghiệp đấy.

Cuộc sống nghệ sĩ khó khăn, cuộc sống nghệ sĩ ở địa phương còn khó khăn hơn nhiều. Quan trọng nhất là phải nhận thức được cái gì cũng có quá trình. Một số nghệ sĩ trẻ cống hiến chưa nhiều nhưng mơ ước, đòi hỏi lớn quá. Các bạn cứ cống hiến hết mình đi đã. Tôi vẫn thường nhắn nhủ các nghệ sĩ trẻ là nghệ thuật là tình yêu, cứ yêu nó đi, đừng mang cái gì ra so sánh, đừng đòi hỏi. Rồi đến lúc nó sẽ trả công xứng đáng.

Mỗi nghệ sĩ chèo hãy tự hỏi: Tại sao khán giả lại không đến với mình? Vở diễn phải mang được hơi thở thời đại nhưng phải giữ vững cấu trúc, hồn cốt bên trong.  Tôi cho rằng, vẫn có khán giả yêu chèo nhưng một bộ phận khán giả trẻ nhận thức về những giá trị truyền thống chưa chín chắn. Đầu tháng 9 vừa qua, chúng tôi diễn ở Nhà hát Lớn vẫn rất đông khán giả đến xem chèo.

- Ông là một trong những nghệ sĩ khơi nguồn và tham gia tích cực vào Dự án "Chèo 48 giờ", qua hơn 2 năm hoạt động, ông nhận thấy điều gì từ dự án này?

- Là một trong những người thầy đầu tiên của dự án này, khi tham gia vào thì tôi thấy tại sao trong xu thế giải trí hiện đại nhiều bạn sinh viên của các trường đại học lại có tình yêu như thế với chèo. Đúng là văn hóa truyền thống có hồn cốt, sức cuốn hút riêng. Tôi nhận lời ngay với tuyên bố: "Tôi có thể giúp các em hoàn toàn không tính đến thù lao, dù tôi không giàu".

Dự định dạy 10 buổi, tôi dạy đến cả tháng. Sau này, các em diễn được nhiều tiểu phẩm kinh điển của sân khấu chèo. Lớp trẻ họ rất đam mê, tâm huyết với truyền thống. Đó là một điều đáng mừng. Tôi cho rằng "Chèo 48 giờ" là điều đáng khích lệ để đào tạo lớp khán giả kế cận yêu chèo. Nếu không để ý, chúng ta sẽ có một lỗ hổng cực kỳ lớn trong việc truyền thụ văn hóa truyền thống với các bạn trẻ.

- Là đạo diễn, hẳn ông "thấm" hơn ai hết tình trạng thiếu vắng kịch bản chèo hiện nay?

+ Kịch bản chèo hay rất hiếm, thậm chí không có. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là nhiều cây bút tên tuổi của làng chèo đã mất hoặc già yếu. Giờ đây, các tác giả đa số chuyển thể. Khi được học bài bản về chèo sẽ hiểu vở chèo có đặc trưng riêng về cấu trúc làn điệu, mô hình nhân vật, hình thức vai diễn... Lâu nay, các đạo diễn kịch toàn "ém" hát vào và gọi là vở chèo.

Tôi cho rằng, có một số đạo diễn kịch nói rất tài năng nhưng không có nghĩa cái gì cũng làm được. Làm như thế là các anh đã có lỗi với chèo. Tôi không hiểu, có hội diễn, có đạo diễn dựng tới 11 vở, có vở chỉ 4 ngày xuống dựng... thì sẽ như thế nào.

Đứng ở góc độ khoa học, tôi cho rằng muốn làm chèo phải đi học. Tôi được nghe kể cụ Nguyễn Đình Nghi từng nói: "Tôi không dám làm chèo, tôi sợ đời sau chê trách". NSND Trần Bảng thì bảo: "Đạo diễn kịch làm chèo như một ông cờ vua chơi với một ông cờ tướng"... Nhưng lâu nay, nhiều đạo diễn kịch nói lao vào làm chèo...

Giờ không có người viết chèo. Các cháu còn quá non nớt, chưa viết được, phải học. Với tôi, để khắc phục tình trạng này, tôi tìm cốt truyện hay, xin ý kiến các thầy rồi ngồi với nhau cùng sáng tác. Tôi sinh ra từ chèo nên chỗ nào chưa hợp lý, tôi viết làn điệu chèo ngay tại chỗ. Tôi chỉ mong những năm tới có tác giả mới yêu chèo.

Trong xu thế hiện nay, đào tạo tác giả chèo vô cùng quan trọng. Nhiều người muốn đốt cháy giao đoạn. Nghề này là học hỏi, quan sát, phải chắt chiu và là một quá trình. Nhiều năm nay chưa nhìn thấy cây viết nào. Đang là một sự thiếu hụt rất lớn.

- Chèo vẫn trong băn khoăn giữa đổi mới để tiếp cận khán giả và giữ vững truyền thống, quan niệm của ông như thế nào?

+ Kế thừa, biến đổi và phát triển là điều đương nhiên ở bất cứ lĩnh vực nào. Một vở chèo ngay sau khi ra đời đã chứa đựng những cái mới thì mới tồn tại được. Nhưng làm gì thì làm phải giữ vững đặc trưng thể loại, đừng biến nó thành một thể loại khác. Làn điệu phải chuẩn nhưng ngôn ngữ là của ngày hôm nay. Cấu trúc bên trong của một vở diễn không thay đổi, không được phá vỡ. Nhưng lâu nay, một số đạo diễn kịch sang làm chèo đã phá vỡ điều này. Cứ khăng khăng bảo chỗ này cho chèo vào là thành kịch chèo.

Bao năm nay chèo luôn đứng trong ngưỡng cách tân. Làm sao để chèo đúng là chèo bắt buộc những người làm nghề phải có kiến thức cơ bản. Chèo có đặc trưng khác nhau cần phải tôn trọng. Quan điểm riêng của tôi là để khán giả yêu chèo phải giữ truyền thống, phải là một vở chèo đích thực chứ không phải là "kịch cắm chèo" như một số vở diễn gần đây.

- Xin cảm ơn ông!

NSƯT Minh Phương, Đoàn Ca nhạc dân tộc, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam: Cần tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật từ nhỏ

Tuấn Thành (ghi)

Tôi đến với chèo từ tấm bé, đến nay đã mấy chục năm gắn bó, lăn lộn với nghề nên cũng chứng kiến những thăng trầm của làng chèo. Tôi cho rằng, chèo cùng với những loại hình nghệ thuật truyền thống khác như tuồng, cải lương, dân ca... đang phải chịu sự lép vế do với các loại hình nghệ thuật giải trí khác. Chỉ cần xem các chương trình giải trí trên truyền hình với sự xuất hiện liên tục của các cuộc thi ca nhạc, mọi người sẽ thấy nhu cầu thưởng thức đã thay đổi của khán giả hiện nay.

Bên cạnh việc nhà nước chưa có sự đầu tư đúng mức dành cho lĩnh vực nghệ thuật truyền thống với đặc thù riêng này thì một điều khiến chèo không thu hút được khán giả vì lâu nay không có tác phẩm hay.

Theo tôi, những dự án sân khấu học đường với mục tiêu đào tạo lớp khán giả mới yêu nghệ thuật chèo nhưng cần nhân rộng hơn và có sự vào cuộc ở nhiều địa phương chứ không nên tập trung ở một vài thành phố lớn như hiện nay.

Có một sự thật là, với trẻ con, nếu được tiếp xúc với nghệ thuật từ nhỏ, các em sẽ được đắp bồi tình yêu nghệ thuật. Tôi thường hát ru con từ nhỏ nên cháu rất thích nghe. Nhưng ngược lại khi cháu tôi lên chơi, nghe tôi hát ru, lại rất ngạc nhiên, thậm chí còn bảo: “Bác đừng hát”. Tạo cho trẻ nhỏ một thói quen thưởng thức âm nhạc truyền thống là điều vô cùng quan trọng.

Khi tôi còn là diễn viên của Nhà hát Chèo Hải Dương, việc cả đoàn đi lưu diễn 1 - 2 tháng là chuyện bình thường. Có thời điểm đoàn diễn vở chèo "Chiếc bóng oan khiên" 2 tháng liền mà đêm nào cũng chật đông khán giả. Những hội diễn sân khấu chèo ở Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng thực sự là ngày hội của những người làm nghề. Bạn bè đồng nghiệp gặp nhau tay bắt mặt mừng.

Giờ đây, tuy không có điều kiện tham gia những vở diễn dài hơi nhưng mỗi lần có Liên hoan Sân khấu chèo, tôi vẫn đến để xem những vở diễn mới, gặp gỡ bàn bè, đồng nghiệp. Nhưng tôi có cảm giác không vui bằng năm xưa. Một phần vì kinh phí hạn hẹp, không cho phép các đoàn ở lại dài ngày. Nhưng điều quan trọng là dường như các nghệ sĩ trẻ cũng "lười" xem đồng nghiệp diễn hơn.

Tôi để ý có một vài giọng hát được kỳ vọng ở hội diễn năm trước nhưng đến hội diễn năm nay vẫn không có sự bứt phá. Có thể do các bạn không có điều kiện được rèn nghề nghiêm túc.

Tôi cho rằng, cuộc thi chuyên nghiệp 3 năm một lần là mốc rất quan trọng để đánh giá tình hình thực tế của sân khấu chèo. Tuy nhiên, không khí không còn háo hức như xưa còn bởi một thời gian dài chúng ta rơi vào tình trạng mưa huy chương, giải thưởng.

Gần đây, cơ chế giải thưởng ở những cuộc thi, hội diễn đã được siết lại để nâng cao chất lượng giải thưởng, tránh tình trạng cứ vai dài là được giải... Trước đây, tại một hội diễn, tôi vào vai Thu trong "Vạn kiếp truyền thư". Dù vai diễn rất ngắn nhưng được huy chương vàng, trong khi cùng hội diễn ấy có nghệ sĩ tên tuổi hơn tôi, vào một vai dài hơi hơn nhưng được huy chương bạc.

Sự công tâm của ban giám khảo là động lực rất quan trọng để nuôi dưỡng tình yêu nghề trong các nghệ sĩ trẻ. Từng là nghệ sĩ của nhà hát địa phương nên tôi biết, các đoàn địa phương khó khăn vô cùng. Kinh phí để đi hội diễn cũng phải tiết kiệm tối đa đến mức có khi phải tận dụng lái xe vào những vai quần chúng. Vì thế, nhà nước cần có cơ chế ưu tiên đặc biệt hơn với những đơn vị này để giúp các nghệ sĩ giảm bớt khó khăn, kiên định với nghề.

Nhà viết kịch Phạm Văn Quý: Phải xã hội hóa để tìm người giỏi

Tuấn Phong (thực hiện)

- Thưa nhà viết kịch Phạm Văn Quý, là một tác giả có nhiều kịch bản được các sân khấu dàn dựng thì hẳn sân khấu chèo cũng không xa lạ với ông?

+ Tôi là một người viết kịch bản chuyên nghiệp nên hầu như ở lĩnh vực nào tôi cũng có tác phẩm gửi gắm. Riêng ở sân khấu chèo, tôi có vở "Thái úy Lý Thường Kiệt" (Nhà hát Chèo Hà Nội dàn dựng) và "Chiến trường không tiếng súng" (Nhà hát Chèo Nam Định dàn dựng) đều được giải thưởng cao tại các hội diễn.

Chèo cổ có nguồn gốc từ lâu, hàng nghìn năm, trước cả tuồng, cải lương, kịch nói... Với hơn 200 làn điệu, xuất phát và được gìn giữ trong lòng nhân dân nên sân khấu chèo có một sức ảnh hưởng mạnh mẽ với đời sống tinh thần người Việt. Có một thực tế là khi Thủ đô được giải phóng, sân khấu Thủ đô chỉ lèo tèo mấy đoàn cải lương, không có đoàn chèo nào. Nhưng sau khi các nhà hát chèo được thành lập thì lại phát triển rất nhanh.

Còn bạn hỏi thực trạng của sân khấu chèo gần đây thì tôi kể một chuyện thế này. Năm ngoái, tôi có đi Bạc Liêu tham gia Liên hoan Sân khấu Cải lương, gặp nhà văn Chu Lai ở thành phần ban giám khảo. Anh Chu Lai kể với tôi rằng, anh Trần Ngọc Giàu nói sân khấu gặp rất nhiều khó khăn. Nhà hát Trần Hữu Trang xây lại nhưng không có khách... Tôi cho rằng anh Giàu nói đúng và nó không chỉ xảy ra với cải lương mà với tất cả các môn nghệ thuật truyền thống khác.

- Có tiếng là một trong những tác giả đắt hàng kịch bản nhất hiện nay, sao ông lại bi quan về đời sống sân khấu thế?

+ Vì sự thực là như thế! Gần đây, các nhà hát chèo thay đổi nhiều, từ việc đầu tư vào cơ sở vật chất đến đầu tư vào vở diễn tuy nhiên hiện nay cũng là giai đoạn mà cuộc cách mạng về thông tin đại chúng, truyền hình xuất hiện. Tôi cho rằng, chính sự tiện lợi, phổ cập của truyền hình là một trong những nguyên nhân khiến ngành sân khấu rơi vào tình trạng như hiện nay.

- Nhưng cũng có người nói rằng vì sân khấu không chịu đổi mới, thưa ông?

+ Tôi cho rằng, cái này phải có cái nhìn khách quan, thiện tâm. Nhiều sân khấu muốn đổi mới suy cho đến cùng cũng chỉ vì mong muốn có khán giả. Tuy nhiên,  một số chủ trương đổi mới buồn cười, không phù hợp. Ví dụ có lần tôi nghe có đoàn cải tiến hát chèo nghe như hát nhạc vàng. Cải tiến thì tốt nhưng phải có tầm. Không cải tiến để chèo không còn là chèo nữa.

Anh em nghệ sĩ cứ hát một câu hát cho ra hát đi, một vai diễn cho ra diễn đi. Rồi đạo diễn phải tạo cho nghệ sĩ cảm hứng, không nên áp đặt hay úp sọt tư duy lên người khác để khơi gợi cảm xúc sáng tạo. Họ không say sưa, không cháy hết mình thì không thể có tác phẩm hay.

- Đội ngũ tác giả chèo ngày càng ít hiện nay vẫn là một vấn đề đáng quan tâm phải không ạ?

+ Có lần nhà văn Ngô Thảo bảo: "Tôi tiếc cho ông quá vì ông xuất hiện muộn". Tôi trả lời không thấy tiếc vì có ai đâu. Hiện nay đội ngũ sáng tác hầu hết là không chuyên nghiệp, sân khấu với họ chỉ là tay trái. Chính vì thế có những người một vài năm nổi như cồn nhưng sau đó lại mất tích. Viết sân khấu là để sống mới có thể viết máu lửa, quyết liệt được. Để  có được tác giả xuất hiện vững vàng phải có thời gian, có khi tới cả chục năm. Chính vì thế với sân khấu chèo hiện nay, người già đã già mà không thấy măng mọc.

Sân khấu phải xã hội để phát triển là quy luật tất yếu. Đừng hy vọng, trông chờ cớ một năm dựng một vở mà phải đấu thầu. Với những người làm kịch bản chuyên nghiệp như tôi thì đã quen với việc ấy từ lâu rồi. Sân khấu phải xã hội hóa mới tìm ra người giỏi, đặt biệt là lãnh đạo để tìm ra đường lối đúng đắn cho anh em nghệ sĩ.

- Xin cảm ơn ông!
PV
.
.