Sân chơi cho nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc cổ điển
Cánh cửa cho các nghệ sĩ
Hội Quân
Câu chuyện nghệ sĩ âm nhạc cổ điển không có sân khấu để sống trọn với niềm đam mê nghệ thuật từ lâu đã là một nỗi buồn, một trăn trở lớn. Theo học âm nhạc cổ điển đã khó, phải có tài năng và khả năng tài chính lớn, nhưng để được làm nghề đúng nghĩa trong môi trường nghệ thuật ở nước ta còn khó gấp bội phần. Không hiếm ví dụ để kể về nỗi buồn này.
Những người giỏi trong âm nhạc cổ điển thường phải tìm cách ra nước ngoài sinh sống và biểu diễn. Đây thậm chí từ lâu đã được mặc định là con đường duy nhất cho người tài của âm nhạc cổ điển Việt Nam.
Những nghệ sĩ thành danh như NSND Đặng Thái Sơn, Bùi Công Duy, Lê Phi Phi, Lê Hồng Quang… đều phát triển trong môi trường nghệ thuật ở các nước văn minh. Còn với các nghệ sĩ không có điều kiện ra nước ngoài, lựa chọn sinh sống và biểu diễn ở trong nước thì thường phải cố gắng tìm kiếm một công việc khác để nuôi sống mình, chứ không thể trông chờ vào việc sống bằng nghề biểu diễn âm nhạc cổ điển.
Có rất nhiều lý do để âm nhạc cổ điển thính phòng không có đất sống rộng rãi, từ trình độ nghe của công chúng đến văn hóa, đến giao thông, đến việc nghệ thuật không được nhìn nhận đúng với giá trị của nó… Nhưng có một lý do nữa, là không có các nhà “Mạnh Thường Quân” đầu tư vào lĩnh vực này.
Nghệ sĩ âm nhạc cổ điển luôn khát khao được cống hiến. |
Muốn xem một buổi biểu diễn hòa nhạc, công chúng thực sự không có nhiều điểm đến để lựa chọn. Nhà hát Nhạc giao hưởng vũ kịch thỉnh thoảng mới tổ chức một đêm biểu diễn hòa nhạc với quy mô nhỏ, phương thức quảng bá truyền thông còn nhiều hạn chế, nên cũng khó để thỏa mãn nhu cầu của khán giả.
Những nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển trong lúc chờ đợi, một năm may ra mới được mời biểu diễn trong một vài chương trình, họ phải lăn lộn đi làm thêm những nghề khác để nuôi sống mình. Những người nghệ sĩ ấy chất chứa trong lòng bao nhiêu nỗi niềm được làm nghề, họ sống trong khó khăn, trong tâm trạng bất an với nghề.
Tâm lý trông chờ vào Nhà nước bao cấp từ lâu đã làm cho nhiều ngành nghệ thuật truyền thống có xu hướng đi vào bế tắc. Bởi lẽ, trong điều kiện còn nhiều khó khăn ở ta, Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ phần nào, phần còn lại đòi hỏi cả xã hội phải vào cuộc, nhất là khu vực tư nhân. Nghĩa là phải có cả “hai tay” làm bà đỡ thì mới mong các chương trình nghệ thuật truyền thống đến được với công chúng nhiều hơn
Âm nhạc thính phòng cổ điển không “khó nghe” đến mức như người ta thường nói. Nhạc trưởng Lê Phi Phi, người đang hoạt động âm nhạc ở nước ngoài cho rằng, anh không đồng ý với quan điểm nhạc giao hưởng thính phòng chỉ dành cho tầng lớp chọn lọc trong xã hội. Và chúng ta hoàn toàn có thể đại chúng hóa nghệ thuật này, bằng cách tăng tần suất những buổi biểu diễn lên, để công chúng có cơ hội tiếp cận được nhiều hơn.
Nếu tâm lý người xem chưa muốn bỏ tiền nghe nhạc giao hưởng thì phải có sự hỗ trợ của các “Mạnh Thường Quân”, bằng cách hỗ trợ tiền thuê rạp, giảm giá vé xuống. Nhưng phần gốc phải là nâng cao mức thu nhập cho người diễn viên, đầu tư chất xám cho dàn dựng tác phẩm, tăng kinh phí mời nghệ sĩ, chuyên gia quốc tế về Việt Nam để cộng tác, giao lưu nhằm nâng cao chất lượng của từng chương trình.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi trả lời phỏng vấn: “Ở Macedonia, một số kênh truyền hình cả tư nhân và quốc gia đều cho phép dàn nhạc giao hưởng, nhà hát nhạc vũ kịch quảng cáo miễn phí cho các chương trình thường niên. Ở Việt Nam thì hiếm thấy dàn nhạc giao hưởng quốc gia được lên truyền hình quảng cáo. Đoàn nghệ thuật hay dàn nhạc cần phải xã hội hóa ở mức độ nào đó thì họ mới tích cực tự nuôi, không thụ động chờ bù lỗ. Các nhà tài trợ cũng cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của một đơn vị nghệ thuật”.
Mới đây, tại Hà Nội, giới nghệ thuật hàn lâm đã hân hoan chào đón sự ra đời của dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời - Sun Symphony Orchestra (SSO). Đây là dàn nhạc giao hưởng tư nhân được thành lập bởi những sáng lập viên là những doanh nhân am hiểu về âm nhạc cổ điển và những người yêu nhạc cổ điển.
Với mục tiêu hướng đến một dàn nhạc tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam, hiện thực hóa khát vọng mang âm nhạc hàn lâm đến gần hơn với công chúng, đồng thời thu hút những tài năng âm nhạc cổ điển nước nhà để nâng tầm, đưa nghệ thuật biểu diễn nhạc cổ điển Việt hội nhập thế giới, SSO sẽ do Tập đoàn Sun Group bảo trợ chính cùng với một số nhà bảo trợ khác và hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận.
Theo đó, những nhà sáng lập SSO không đặt tiêu chí doanh thu lên hàng đầu mà quan tâm đến việc tạo ra môi trường để nuôi dưỡng và phát triển những tài năng âm nhạc cổ điển. Cùng với đó là mang đến nhiều hơn cơ hội thưởng thức cho khán giả với nhiều chương trình hoà nhạc thường xuyên. SSO cũng dự kiến đưa những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đến cùng trình diễn với các nghệ sĩ trong nước thông qua những buổi hòa nhạc đẳng cấp. Hội đồng điều hành của SSO đã mời được ông Olivier Fabrice Ochanine, người từng giành giải nhất trong cuộc thi Nhạc trưởng quốc tế 2015 tại Hungary làm giám đốc âm nhạc kiêm nhạc trưởng của dàn nhạc.
SSO sẽ được hoạt động theo mô hình nhà hát opera độc đáo, với những trang thiết bị âm thanh, nhạc cụ và điều kiện cơ sở vật chất đầu tư mới theo tiêu chuẩn quốc tế. Để bắt đầu các hoạt động của mình, SSO đã triển khai kế hoạch chiêu mộ nhân tài cho dàn nhạc với những chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Thời gian chiêu mộ bắt đầu từ 19 đến 22 tháng 10 năm 2017 với hình thức tuyển chọn trực tiếp.
Các nhạc công, nghệ sĩ sau khi đăng ký trên trang web của dàn nhạc sẽ được mời tới biểu diễn trước Hội đồng nghệ thuật, nếu đủ điều kiện sẽ được tuyển lựa vào dàn nhạc. Các thành viên đầu tiên của dàn nhạc SSO sẽ được tập luyện ngay sau đó. Trong khi chờ một nhà hát opera với hệ thống cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn quốc tế ra đời, thì địa điểm tập luyện biểu diễn của SSO tạm thời sẽ là Nhà hát Lớn Hà Nội.
Hội đồng nghệ thuật tuyển chọn nhân tài của SSO gồm 5 thành viên, là 5 nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng, dày dạn kinh nghiệm đến từ các dàn nhạc nổi tiếng thế giới. Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc điều hành dàn nhạc hé lộ: “Bất cứ nghệ sĩ nhạc cổ điển nào có đam mê và mong ước được toàn tâm làm nghề, được tỏa sáng trong nền âm nhạc hàn lâm, đều có thể trở thành thành viên của SSO”.
Hy vọng rằng, với sự ra đời của dàn nhạc Sun Symphony Orchestra, với một chế độ đãi ngộ hấp dẫn cùng sự đầu tư quy mô, bài bản, và sự nhiệt huyết vì nghệ thuật giao hưởng hàn lâm của các doanh nhân tài ba, các nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển sẽ có sân chơi rộng rãi hơn. Công chúng vì thế cũng có cơ hội được tiếp cận, thưởng thức âm nhạc cổ điển nhiều hơn.
Hy vọng về sự khởi sắc (Ý kiến của NSƯT Bùi Công Duy - Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam)
Hà Linh (ghi)
Có lẽ, căn nguyên của vấn đề này bắt nguồn từ sự đầu tư cho văn hóa của Việt Nam còn thấp, chưa đến 1% tổng GDP. Âm nhạc cổ điển chưa được ưu tiên phát triển. Chúng ta còn thiếu nhiều thứ, thiếu môi trường sống, thiếu sân chơi, thiếu cả một nền tảng đồng bộ của văn học, sân khấu, ba lê, sự cộng hưởng của cả một đời sống văn hóa nghệ thuật tạo thành môi trường sống cho thể loại âm nhạc này. Điều đó cũng lý giải vì sao âm nhạc cổ điển Việt Nam đang phát triển chậm và các nghệ sĩ không có nhiều cơ hội làm nghề.
Ngay việc chúng tôi tổ chức festival âm nhạc cổ điển thường niên, quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước để tạo thói quen cho công chúng đi nghe nhạc cổ điển cũng gặp nhiều khó khăn. Chúng ta chưa có văn hóa đi xem/nghe festival, bởi nó sẽ là một chuỗi chương trình diễn ra hàng đêm, phải là khán giả yêu âm nhạc lắm mới bỏ thời gian ra để đi xem như thế.
Thực tế, chúng ta thấy, khán giả Việt vẫn có thói quen đi nghe nhạc cổ điển bằng vé mời, miễn phí chứ không bỏ tiền ra mua vé. Tôi muốn thay đổi thói quen đó, nhưng vẫn còn khó khăn. Để đi con đường dài, với những chương trình như thế này vẫn cần một nguồn kinh phí từ các nhà tài trợ. Nghệ sĩ luôn sẵn sàng biểu diễn, bởi với họ được lên sân khấu biểu diễn là một niềm hạnh phúc nhưng sẽ khó khăn khi chúng ta đi đường dài.
Hiện nay, từ phía trong nước chưa có nguồn tài trợ nào, mà chủ yếu là từ nước ngoài, vì các nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam, họ cần nhiều chi phí đi lại, ăn ở. Phải nói thẳng ra rằng, Việt Nam chưa có văn hóa tài trợ cho âm nhạc cổ điển. Tất cả các hoạt động có chất lượng đều do các đơn vị nước ngoài, Toyota, Hennessy, gần đây có Mobifone, Sun Group, nhưng tất cả những hoạt động đó vẫn rất nhỏ lẻ.
Ở nước ngoài, tài trợ là chuyện bình thường. Nhà nước, tư nhân, các tập đoàn có một văn hóa gọi là văn hóa tài trợ cho văn học nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc cổ điển. Còn ở ta, quá nhiều khó khăn. Vì thế, các nghệ sĩ cổ điển theo đuổi dòng nhạc này phải rất dũng cảm, bền bỉ và đam mê.
Thực tế, bây giờ, đầu vào khá đông nhưng đầu ra cứ rơi rụng dần, các em không còn mặn mà với nhạc cổ điển mà chạy qua nhạc nhẹ để kiếm sống. Rất nhiều nghệ sĩ tài năng đã thỏa hiệp với điều đó vì họ không có nhiều cơ hội biểu diễn trong lĩnh vực của mình. Chúng ta không thể trách họ. Quan trọng là chúng ta cần một chiến lược đầu tư cho âm nhạc hàn lâm, cần những “Mạnh Thường Quân” tài trợ dài hạn cho thể loại này, giống như cách mà họ đang đầu tư cho bóng đá, chúng ta mới hy vọng về sự khởi sắc của âm nhạc cổ điển trong thời gian tới.
Đừng để lãng phí nhân tài (Ý kiến của khán giả Trần Thúy Lan - Ban quản lý phố cổ Hà Nội)
Quỳnh Vũ (ghi)
Tôi rất muốn mỗi tháng, hoặc mỗi quý ở Hà Nội có một đêm hòa nhạc thính phòng để mình có cơ hội được tới xem các nghệ sĩ biểu diễn. Sở dĩ khán giả xa rời, không thể đến gần nhạc cổ điển một phần vì người ta nghĩ nhạc cổ điển khó nghe, phải có trình độ cao mới nghe được, một phần vì có những buổi biểu diễn đâu mà nghe.
Nếu chúng ta thường xuyên tổ chức những buổi hòa nhạc, cho dù ở quy mô nào đi nữa thì những người có mong muốn được thưởng thức loại hình âm nhạc bác học này họ sẽ có điều kiện lựa chọn. Khi đến nhà hát thưởng thức vài lần rồi, có thể họ sẽ không còn nghĩ âm nhạc cổ điển khó nghe nữa.
Và đặc biệt, giới trẻ khi đến với âm nhạc cổ điển, các bạn sẽ được mở rộng kiến thức nghệ thuật của mình, hiểu biết thêm về loại hình nghệ thuật này, điều rất cần cho tương lai, khi chúng ta mong muốn một lớp khán giả bền vững, có trình độ.
Nhưng để có được những buổi biểu diễn âm nhạc cổ điển thường xuyên thì phải có các nghệ sĩ tâm huyết với nghề, có các đơn vị tổ chức, các nhà bảo trợ đứng ra làm cầu nối. Tôi nghe nói, nhiều nghệ sĩ cổ điển học xong thì đi làm việc khác, vì họ không có sân khấu để chơi nhạc, điều này thật đáng tiếc. Chúng ta lãng phí nhân tài như vậy, trong một lĩnh vực khó khăn như vậy thì trách nhiệm thuộc về ai?
Theo tôi, Nhà nước phải có chiến lược cho âm nhạc cổ điển trong tương lai, vì nó là một hoạt động nghệ thuật tất yếu của một xã hội văn minh. Việc tư nhân đóng vai trò như các “Mạnh Thường Quân”, hỗ trợ các nghệ sĩ là cần thiết, để từng bước đưa âm nhạc cổ điển đến gần với công chúng.
Tìm nhà tài trợ chonhạc cổ điển khó hơn “mò kim đáy bể” (Phỏng vấn nghệ sĩ Anh Tuấn - Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng Sun Symphony Orchestra)
Việt Hà (thực hiện)
- Anh từng mất 17 năm để theo đuổi nhạc cổ điển, nhưng không có cơ hội làm nghề và nổi tiếng với tư cách là một MC chứ không phải là một nhạc công. Có lẽ đó không chỉ là câu chuyện riêng của anh mà của rất nhiều nghệ sĩ cổ điển ở Việt Nam. Anh có thể chia sẻ về điều này?
+ Thực ra việc nghệ sỹ nhạc cổ điển khi ra trường khó khăn tìm việc làm hay không sống được bằng nghề diễn ra ở khắp nơi trên thế giới chứ không riêng gì tại Việt Nam. Tôi đã may mắn khi được tiếp tục gắn bó với âm nhạc ở một hình thức khác, nhưng nhiều nghệ sỹ tôi biết đã phải chọn những “ngã rẽ” riêng để đảm bảo cuộc sống và dần xa nghề. Đây là một thực tế mà đôi khi những nghệ sỹ cổ điển chúng tôi phải chấp nhận.
- Ở Việt Nam thiếu đất sống cho các nghệ sĩ cổ điển, họ không có nhiều cơ hội biểu diễn và đời sống chật vật, khó khăn. Theo anh, nguyên nhân vì sao?
+ Âm nhạc cổ điển chỉ có một nhóm khán giả với số lượng hạn chế, không như những dòng nhạc phổ thông khác, do vậy nên số lượng các buổi diễn cũng không nhiều, các mô hình tổ chức về âm nhạc cổ điển cũng bị hạn chế từ yếu tố khách quan này. Từ đó chúng ta có thể thấy, dường như sự phát triển của một thể loại âm nhạc sẽ tương quan tỷ lệ thuận từ lượng khán giả của thể loại đó.
Nhìn một cách tích cực thì đến tận những năm 2000, số lượng các chương trình nhạc cổ điển hằng tháng hay thậm chí hằng quý chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng những năm gần đây, các chương trình cổ điển diễn ra rất thường xuyên. Các buổi diễn đến từ những nghệ sỹ, nhóm nhạc, dàn nhạc trong nước và nhiều tour biểu diễn của các nghệ sỹ nổi tiếng thế giới đến với Việt Nam đã kéo nhiều hơn khán giả mới đến với thể loại âm nhạc mang tính hàn lâm này.
- Anh là một người được đào tạo bài bản, chắc anh cũng có những trăn trở về việc phải làm một điều gì đó cho nghề mà mình được học?
+ Từ khi vào công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam, tôi đã luôn tìm kiếm những cơ hội để được tổ chức nhiều hơn các chương trình âm nhạc cổ điển, thính phòng, qua đó mở rộng khán giả cho dòng nhạc này. Tới khi tôi trở thành nhà sản xuất chương trình thì vẫn luôn hy vọng có những nhà bảo trợ có chung chí hướng để dám dấn thân cho những buổi diễn nhạc cổ điển, từ đó mới nâng cao được đời sống cho các nghệ sỹ như chúng tôi lúc trước. Tuy nhiên thực tế lại không như mong đợi, việc tìm nhà bảo trợ như vậy khó hơn “mò kim đáy bể”, khi hầu hết sẽ hướng đến số đông và đương nhiên việc chọn các thể loại âm nhạc phổ thông sẽ mang lại hiệu quả hơn cho họ.
- Với Sun Symphony Orchestra, anh có kỳ vọng về sự lan tỏa và ảnh hưởng tích cực của nó đối với đời sống của nghệ sĩ cổ điển nói riêng và âm nhạc cổ điển nói chung?
+ Tôi nghĩ cùng chung mục đích hướng đến việc phát triển thể loại nhạc cổ điển, SSO cũng như nhiều dàn nhạc khác tại Việt Nam đang và sẽ cố gắng tạo ra môi trường được làm nghề cho các nghệ sỹ, từ đó nâng cao chuyên môn và tạo động lực cho các thế hệ nghệ sỹ trẻ đang theo học cổ điển có niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn để theo đuổi nghề này – một nghề mất rất nhiều công sức, thời gian để có thể đạt đến những trình độ biểu diễn nhất định.
- Tài trợ cho âm nhạc cổ điển hay xu hướng xã hội hóa, theo anh đó có phải là một xu hướng tất yếu để thúc đẩy sự phát triển của âm nhạc cổ điển ở Việt Nam?
+ Tôi tin là cùng với những kế hoạch phát triển từ phía các cơ quan chủ quản nhà nước, việc có những tổ chức dám đầu tư cho thể loại nhạc này sẽ tạo đà cho sự phát triển chung của âm nhạc cổ điển. Điều này không hẳn là tất yếu của xu hướng xã hội hoá nhưng sẽ góp một phần quan trọng cho việc phát triển âm nhạc cổ điển ở Việt Nam.
- Thực tế, ở Việt Nam chưa có văn hóa tài trợ cho âm nhạc cổ điển. Điểm danh các chương trình lớn đều do các công ty nước ngoài như Toyota, Hennessy, và gần đây có Vietnam Airlines. Theo anh, làm thế nào để lan tỏa văn hóa này trong cộng đồng, mà khởi nguồn là sự đầu tư của một tập đoàn lớn cho dàn nhạc Sun Symphony?
+ Việc này còn tuỳ thuộc vào định hướng phát triển thương hiệu của mỗi tổ chức, mỗi công ty chứ chúng ta không thể nói thay cho họ. Trên thực tế, đã nhiều năm tôi đi xin tài trợ cho những buổi diễn nhạc cổ điển nhưng không thành, do vậy những nhà sản xuất như chúng tôi cũng chỉ mong rằng, khi có nhiều hơn những buổi diễn âm nhạc cổ điển, khi có nhiều khán giả hơn cho thể loại này thì cũng sẽ có những tổ chức, công ty cảm thấy tự tin hơn khi đầu tư cho âm nhạc cổ điển tại Việt Nam.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.