Sân Thơ Việt và giới trẻ yêu thi ca

Thứ Bảy, 27/02/2016, 08:00
Những người làm thơ trẻ với những đóng góp mới mẻ của mình đã mang lại những giọng nói đa chiều, nhưng cảm hứng sống, sự da diết cũng như sự run rẩy trong thơ ca thì ít đi. Và điều này không phụ thuộc vào mỗi nhà thơ mà phụ thuộc vào nền tảng văn hóa, đời sống tinh thần cũng như nền giáo dục của chúng ta. Người làm thơ ngày nay không hề ít đi mà còn đông lên. Họ xuất bản thơ ở nhiều hình thức mọi lúc mọi nơi: blog, facebook, websize... nhưng sự đắm say trong thơ ca thì không còn được như trước nữa...


Đến hẹn lại lên...

Hà Anh

Đến hẹn lại lên, Ngày Thơ Việt Nam đã được tổ chức thành công tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) và nhiều địa phương khác nhau trên cả nước. Với chủ đề "Đất nước - Cánh buồm xuân" đây là năm thứ 14 của Ngày Thơ Việt Nam. Đã thành lệ từ nhiều năm nay, đây dịp để nhiều văn sĩ gặp gỡ, trò chuyện, đem thơ - sách để tặng nhau cũng như "bày tỏ tình cảm" với thơ ca.

Có lẽ vì vậy, mỗi năm lượng người đổ về dự Ngày Thơ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám một đông thêm, điều đó chứng tỏ người Việt Nam vẫn giữ truyền thống yêu chuộng thi ca và đến với thơ như đến với lễ hội của văn chương với tất cả niềm háo hức thành kính. Năm nay, khán giả đã đứng chật kín các sân trình diễn chính và các lối đi.

Điều dễ nhận thấy là khán giả thơ chủ yếu là các bậc trung niên trở lên. Một trong các lý do được nhắc đến, đó là vì Rằm tháng Giêng năm nay rơi vào thứ Hai - ngày đi làm, đi học đầu tiên trong tuần nên người trẻ, học sinh, sinh viên các trường đại học có phần vắng bóng so với những năm trước.

Ngày thơ Nguyên tiêu 2016 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm nay được "chăng đèn kết hoa" khá lộng lẫy theo phong cách truyền thống từ cổng vào cho tới các sân khấu chính. Phải nói, về hình thức, lễ hội thơ năm nay đẹp và trang trọng hơn những năm trước nhờ cách trang trí đậm đặc văn hóa Việt với những tháp nón chăng từ cổng vào.

Theo chia sẻ của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: "Mặc dù kinh phí cho ngày thơ vô cùng hạn hẹp, nhưng Ban tổ chức đã cố gắng để tiếp tục "Lễ hội hóa Ngày Thơ", để mọi người đến đây không chỉ để nghe đọc thơ mà sẽ có cảm giác như đang ở trong không khí của một ngày hội". Ở sân thơ truyền thống, lần đầu tiên có sự ra mắt của liên khúc thơ "Biển đảo biên cương" với sự tham gia của các nhà thơ Trần Đăng Khoa, Anh Ngọc, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Việt Chiến; liên khúc thơ “Đất nước mùa xuân” với sự tham gia của các nhà thơ nữ là Đỗ Bạch Mai, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phạm Hồ Thu, Nguyễn Thị Mai; liên khúc thơ “Mùa xuân quê hương” với sự tham gia của các nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, Trần Quang Quý, Hoàng Trần Cương, Nguyễn Hưng Hải...

Chương trình biểu diễn thơ thiếu nhi mang tên “Reo vang bình minh” ở sân thơ trẻ năm nay bước đầu tạo được hiệu ứng tốt với khán giả, đặc biệt là các đại diện nhỏ tuổi đến từ các cấp học phổ thông. Ngày vui nào, ngày hội nào rồi cũng đến lúc phải tàn. Người làm thơ, người yêu thơ lại trở về với nhịp sống đời thường, với những khắc khoải, lo âu của riêng họ để thêm một lần thừa nhận thơ ca lâu nay vốn mang một gương mặt đượm buồn. Nhưng có đến ngày hội thơ một năm mới có một lần tại sân Văn Miếu - Quốc Tử Giám mới thấy, thơ vẫn có một giá trị đặc biệt, một chỗ đứng sang trọng và quan trọng trong tâm hồn, trong đời sống của những người Việt từ xưa đến nay, và ngay cả trong thời hiện đại ngỡ mọi thứ đều được giải quyết bằng công nghệ.

Xét cho cùng, mỗi con người, mỗi quốc gia, dân tộc đều cần đến những ngày hội để “rong chơi”, để họ như được tiếp thêm sinh lực trong những ngày bình thường tiếp theo trong năm. Và thơ ca cũng không ngoại lệ.

“Đưa tác phẩm thơ đến với độc giả quá chật vật”

Hồ Huy Sơn

Sau nhiều năm diễn ra ở công viên Bách Tùng Diệp, Tao Đàn rồi chuyển qua Bến Nhà Rồng, Nhà hát TP Hồ Chí Minh thì quãng 3, 4 năm trở lại đây, Ngày Thơ tại T. Hồ Chí Minh đã tìm được địa điểm “tập kết” ổn định là trụ sở của Hội Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố. Nằm ở trung tâm thành phố, nên địa điểm này khá thuận tiện cho công chúng yêu thơ.

Với nguồn kinh phí cũng như không gian hạn hẹp, nhưng Ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn thành phố đã có những nỗ lực đáng kể khi tạo ra một Sân thơ trẻ với các không gian như Vách thơ trẻ, Sàn thơ trẻ, Sắp đặt thơ… Thêm vào đó, nhà thơ Trần Hoàng Nhân, bằng mối quan hệ của mình đã mời ba họa sĩ tham gia vào Sân thơ trẻ để kí họa cho các khách thơ ghé thăm.

Năm nay, Ban tổ chức chọn thơ trẻ làm trung tâm, nhưng thông qua tiết mục “Mời thơ”, các nhà thơ trẻ đã có cơ hội giao lưu, cùng đọc thơ với các nhà thơ thế hệ trước. Điều đó phần nào thể hiện sự quý trọng cũng như sự tiếp nối giữa các nhà thơ thế hệ trước và các nhà thơ trẻ hiện nay. Chính nhờ vậy, các nhà thơ trẻ đã có dịp trò chuyện, lắng nghe thơ của các nhà thơ thế hệ trước mình như Nguyễn Vũ Tiềm, Khánh Chi, Phan Hoàng, Lê Minh Quốc… Đặc biệt, được chọn làm tiết mục “đinh” của chương trình, kịch thơ “Con chỉ cười khi Tổ quốc an nhiên” do nhà thơ Minh Đan lên ý tưởng và dàn dựng ít nhiều đã truyền cảm hứng tình yêu quê hương, tình yêu biển đảo cũng như tình yêu thơ đến với công chúng.

Nhân ngày thơ, cho tôi được chia sẻ điều khiến tôi thấy khó hiểu và buồn, yêu thơ là vậy nhưng có rất ít người sẵn sàng bỏ tiền ra để mua thơ. Từ tập thơ “Ngày lạ” in năm 2009, mới đây là “Rồi lẻ loi như gió” tôi đều tự bỏ tiền in rồi sau đó tự tìm đường phát hành. Ngoài tôi ra, tôi còn được biết một số tác giả trẻ như Kai Hoàng, Trần Võ Thành Văn, Du Nguyên, Ngô Thúy Nga… cũng tự in thơ rồi tự phát hành. Họ đến với thơ bằng đam mê thực sự, hoàn toàn không vụ lợi. Và những tập thơ của họ là sản phẩm của quá trình lao động sáng tạo đầy nghiêm túc. Nhưng con đường đưa thơ đến với độc giả quả thực vô cùng chật vật.

Có một số nhà sách nghe nhắc đến thơ liền lắc đầu hoặc yêu cầu mức chiết khấu khá cao. Một số nơi thì yêu cầu có hóa đơn đỏ. Mà chúng tôi in sách theo tư cách cá nhân thì làm sao có thể xuất được hóa đơn? Hiện tại, tôi đang thử phát hành thông qua Facebook, nhưng xem chừng tình hình cũng không khả quan là mấy. Nhưng nếu là tặng, mọi người đều có vẻ rất vui và hồ hởi. Có lẽ vì nếp suy nghĩ “thơ để tặng” đã in vào chúng ta quá sâu đậm. Không ai vào quán phở hay quán cà phê mà dõng dạc: “Tặng tôi một bát phở/ly cà phê nhé!”. Nhưng họ lại sẵn sàng nói “Tặng tôi một cuốn thơ đi!”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Thơ trẻ đã tìm được giọng điệu riêng

Nguyệt Hà (thực hiện)

- Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, với tư cách là Phó Chủ tịch Hội, đồng thời là Trưởng Ban sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam, xin ông cho biết thời gian gần đây, Hội Nhà văn Việt Nam đã có những hoạt động gì để quan tâm, động viên đội ngũ sáng tác trẻ?

+Trước hết, phải nói ngay rằng đối với lực lượng sáng tác trẻ lâu nay, Ban chấp hành Hội luôn dành sự quan tâm đều đặn và coi đây một trong những mối quan tâm hàng đầu. Hội Nhà văn có Ban nhà văn trẻ nên mỗi nhiệm kỳ đều có một Hội nghị những người viết văn trẻ. Dự kiến vào tháng 8 tới đây, hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ IX sẽ được tổ chức.

Đặc biệt, tại nhiệm kỳ IX (2015 - 2020), Ban Văn học thiếu nhi đã được tái lập sau một thời gian bị giải tán. Văn học thiếu nhi phải là một trong những yếu tố quan trọng trong toàn bộ nền giáo dục ở Việt Nam để tác động, tạo dựng nên những tâm hồn, nhân cách của thiếu nhi. Một trong những hành động cụ thể đó là tại Ngày thơ năm nay, chương trình thơ thiếu nhi đã được đưa vào thành một bộ phận của sân thơ trẻ và đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo công chúng. Ban chấp hành Hội cũng đang bàn thảo để đi đến quyết định về việc sẽ thành lập một giải thưởng hàng năm cho văn học thiếu nhi.

Trước đó, việc xét giải thưởng Văn học hàng năm và xét kết nạp hội viên, Ban chấp hành Hội Nhà văn cũng luôn chủ trương kiếm tìm những tác giả trẻ chứa đựng những yếu tố mang tính đột phá. Như trong năm 2015 vừa qua, giải thưởng về Lý luận phê bình đã được trao cho Lê Hồ Quang - một tác giả trẻ ít được biết đến, là một người sống và dạy học ở địa phương xa. Những năm trước từng có những nhà văn chỉ mới làm đơn xin kết nạp hội viên sau vài tháng đã được kết nạp khi tác phẩm của họ có chất lượng tốt và đang cho thấy những tín hiệu đáng mừng, đáng tin cậy và hi vọng.

Năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam cũng kết hợp với Phòng Văn học - Cục nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) mở lớp tập huấn cho các nhà văn trẻ. Tiến tới, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ có những kiến nghị, đề xuất để có những chính sách tài trợ cho các nhà văn trẻ hàng năm. Như vậy, có thể nói rằng đối với lực lượng sáng tác trẻ, Ban chấp hành Hội đã có sự quan tâm hơn về cả phong trào, chuyên môn cũng như vấn đề xây dựng đội ngũ.

- Nguyễn Quang Thiều là một nhà thơ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các nhà thơ trẻ, đồng thời là người phát hiện ra nhiều gương mặt thơ ca mới. Theo quan sát của ông, tâm thế của những người trẻ làm thơ hôm nay khác gì so với những người làm thơ thế hệ của ông trước đây?

+ Theo tôi, mỗi thời đại thơ ca đều có một giọng nói của họ. Những người sáng tác thơ trẻ hiện nay, đặc biệt là những người xuất hiện sau thời kỳ Đổi mới với một giọng nói mới đã được công bố rất rộng rãi. Với những giọng nói mới, nhiều người đã chiếm được những giải thưởng lớn như Mai Văn Phấn, Đinh Thị Như Thúy, Đỗ Doãn Phương, Phạm Đương... Những giải thưởng ấy đã cho thấy rằng, việc quan tâm đến thơ trẻ, việc mỗi người mang đến cho thơ ca giọng nói của riêng mình tạo nên sự đa dạng, phong phú trong giọng điệu của nền thơ ca hiện đại.

Tuy vậy, tôi muốn nhấn mạnh rằng, cảm hứng sống của những người viết trẻ ngày nay đã khác đi. Ở đó, sự mệt mỏi nhiều hơn, sự tùy tiện cũng nhiều hơn trong khi bạn đọc quan tâm đến thơ ít đi bởi có quá nhiều các phương tiện truyền thông - giải trí đều có tác động đến tâm thế của người viết trẻ. Thế nhưng theo cách nào đó mà thơ ca vẫn không mất đi bởi nó gần gũi với tâm lý đọc của người Việt. Những người yêu thơ vẫn luôn ở đâu đó quanh chúng ta, đợi chờ niềm hân hoan mà thơ ca mang lại.

Những người làm thơ trẻ với những đóng góp mới mẻ của mình đã mang lại những giọng nói đa chiều, nhưng cảm hứng sống, sự da diết cũng như sự run rẩy trong thơ ca thì ít đi. Và điều này không phụ thuộc vào mỗi nhà thơ mà phụ thuộc vào nền tảng văn hóa, đời sống tinh thần cũng như nền giáo dục của chúng ta. Người làm thơ ngày nay không hề ít đi mà còn đông lên. Họ xuất bản thơ ở nhiều hình thức mọi lúc mọi nơi: blog, facebook, websize... nhưng sự đắm say trong thơ ca thì không còn được như trước nữa.

- Với kinh nghiệm và dựa trên những quan sát thực tế của mình, theo ông, các nhà thơ trẻ hiện nay cần khắc phục những điểm yếu nào để thơ của họ có chỗ đứng, có dấu ấn riêng mà bất kỳ người cầm bút nào cũng cần có?

+Người ta vẫn thường hay nói với nhau, mỗi ngày các nhà thơ đều đi ngược trở lại vào bên trong cá nhân của mình để khám phá những bí ẩn, những vẻ đẹp bên trong của con người. Khi họ đi đến tận cùng cá nhân họ thì họ bắt gặp nhân loại. Vì thế, điều quan trọng mà những người trẻ cần khắc phục là, trong sự riêng tư của họ, phải chứa đựng sức sống của một dân tộc, kể cả trong tình yêu hay trong phiền muộn thì niềm vui hay nỗi đau của họ phải có chung cảm xúc với dân tộc. Không phải là họ to tiếng về dân tộc nhưng ở trong đó và qua họ, người ta nhìn thấy một dân tộc, một thời đại.

Điều này, các nhà thơ trẻ còn đang bị thiếu. Ở họ, có lúc cá nhân một cách quá riêng biệt mà không nhìn thấy cộng đồng, xứ xở của họ ở trong đó. Nhưng phải làm sao để tất cả niềm hạnh phúc, sự lo âu, những dằn vò, xúc cảm của cá nhân vẫn phải chứa đựng trong mình một cộng đồng, một xứ xở. Như thế, họ mới trở nên riêng tư mà vẫn chứa đựng những vấn đề của con người, số phận con người và cộng đồng, dân tộc.

- Từ hơn chục năm nay, Ngày thơ đã thực sự trở thành một ngày hội, một nét văn hóa đối với những người sáng tác và yêu thơ. Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đang làm cho “Ngày thơ” ngày một trở nên long trọng, rộn rã mà lại thiếu đi sự quan tâm có chiều sâu, thường xuyên, bền bỉ đối với thơ ca trong 364 ngày còn lại của năm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

+Đó là một nhận xét hoàn toàn đúng. Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã nhiều lần đặt ra vấn đề này. Chúng ta đã lễ hội hóa Ngày thơ vào Rằm tháng Giêng, nhưng các sinh hoạt khác về thơ cần phải được mở rộng. Tính đại chúng và tính nghề nghiệp của thơ là hai khía cạnh đều cần được quan tâm và coi trọng, phát huy. Tôi đã đến một số nước và thấy rằng, các buổi đọc thơ hay nói chuyện thơ ở các thành phố của các nước trên thế giới nhiều hơn chúng ta gấp nhiều lần.

Trên những tờ báo lớn của các nước ở Châu Âu hay phương Tây đều dành phần để đăng tải thông tin về các buổi đọc thơ, thuyết trình về thơ ca của các nhà thơ. Ở các trung tâm văn hóa hay các trường Đại học, hoạt động này diễn ra thường xuyên, còn ở ta thì đã ít, nay còn ít đi thêm vì nhiều lý lẽ. Tới đây, Hội Nhà văn sẽ thành lập một Câu lạc bộ văn chương và sẽ có những hoạt động mạnh mẽ hơn và chúng ta phải có được những buổi đọc thơ trước công chúng nhiều hơn: ở quảng trường, ở hội trường, ở các trường học, ở các đơn vị, các câu lạc bộ, thư viện...

Người nghe thơ đông hơn cũng có nghĩa là đời sống tinh thần cũng sẽ có những nét khác hơn. Còn hiện tại, chúng ta mới chỉ làm tốt một ngày “sự kiện”, còn những hoạt động sau đó, ví dụ theo tuần, theo tháng, theo quý thì lại làm chưa tốt. Điều này cần phải được dần khắc phục chứ không thể làm trong một sớm một chiều.

- Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều!

Nhà thơ Hữu Việt: Nhiều hy vọng về một thế hệ nhà thơ trẻ

Khánh Thảo (thực hiện)

- Thưa nhà thơ Hữu Việt, là một người gắn bó nhiều năm với Sân thơ trẻ, anh có nhận xét gì về Thơ trẻ hiện nay?

+ Như các bạn đã biết thì nhiều năm qua, Thơ trẻ luôn có một sân riêng tại Ngày Thơ Việt Nam và năm nào cũng xuất hiện những cây bút mới. Đặc biệt, năm nay, trong số 11 tác giả trẻ trong nước tham gia đọc thơ thì có tới 8 tác giả trẻ lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu Văn Miếu. Đây là những gương mặt mà chúng tôi đã theo dõi trong suốt một năm thông qua những sáng tác mới, những giải thưởng mà các bạn đạt được trong thời gian qua.

Nhà thơ Hữu Việt.

Đơn cử như bạn Đỗ Quốc Minh vừa được giải thưởng thơ trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội; bạn Nguyễn Việt Anh là người làm thơ có số phận kỳ lạ và có những câu thơ mà cá nhân tôi thấy vô cùng ám ảnh. Thơ của bạn là những mảng ký ức trước khi bạn ấy bị tai nạn cướp đi đôi mắt. Chính vì thế, ánh sáng luôn là một hình ảnh thường xuyên xuất hiện trong những câu thơ của Việt Anh. Trong thơ của một người khiếm thị nhưng người đọc vẫn cảm nhận được rõ nét khát khao và niềm tin vào cuộc sống.

Bạn Lý Hữu Lương đến từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội lại mang đến những câu thơ gắn hơi thở của một vùng núi đá, của những nét đặc trong sinh hoạt, suy nghĩ của người dân tộc Dao. Lý Hữu Lương làm thơ về trăng cũng rất tinh tế. Bên cạnh đó, những cây bút như Minh Thu đến từ Thanh Hóa, Nguyễn Hồng đến từ Nghệ An... cũng mang đến sân thơ những tác phẩm ấn tượng. Đây thực sự là một niềm hy vọng để Sân thơ trẻ duy trì, tiếp nối được mạch nguồn và sự hấp dẫn của mình.

- Sân thơ trẻ năm nay có chủ đề "Đường xuân" là sự tích hợp của sân thơ Thiếu nhi, Thơ trẻ và Thơ Trăm miền. Thay vì những cách thức trình diễn lạ như một số năm trước, Sân thơ trẻ năm nay lại chọn cách trình diễn truyền thống... Vì sao lại có sự thay đổi này, thưa nhà thơ?

+ Để thu hút được khán giả đến với thơ thì luôn luôn và mãi mãi phải là những câu thơ hay, những bài thơ hay. Năm nay, chúng tôi chọn cách trình diễn thơ truyền thống để mỗi tác giả trẻ trình diễn 3 bài. Như vậy để mỗi tác giả tự mình khắc họa chân dung thơ của mình và bản thân khán giả cũng có thời gian thưởng thức, nhận diện từng phong cách riêng. Tôi nhận thấy phản ứng của công chúng ở sân thơ này rất tốt. Tôi đặc biệt ấn tượng với tác giả Ngô Gia Thiên An, đang là học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội. Em từng tham gia sân thơ Thiếu nhi. Năm nay, khi 2 sân thơ này tích hợp lại thì em lại tham gia Sân thơ trẻ như một sự tiếp nối đầy tự hào. Dù là một cô gái 17 tuổi nhưng những câu thơ của em khiến người lớn phải suy nghĩ. Rõ ràng, chúng ta nhìn thấy sự trưởng thành của những cây bút trẻ, họ là những nhà thơ của thế giới phẳng.

Tuy nhiên, một điều lưu ý đây là ngày hội thơ nên phải thổi không khí lễ hội, không khí trình diễn vào. Khán giả không chỉ được nghe những bài thơ hay mà còn được thưởng thức những tác phẩm thơ đã được sự cộng hưởng của âm nhạc, được sân khấu hóa. Tôi cho rằng mỗi năm nên có một hình thức trình diễn thơ mới bởi vì sự sáng tạo luôn phải gắn liền với cái mới. Đó cũng là một cách để kéo các bạn trẻ đến với thơ.

- Lâu nay, nhiều người lo ngại rằng dường như thơ không còn được khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ yêu mến như ngày xưa nữa... Nhà thơ có nghĩ như vậy không?

+ Tôi nghĩ rằng thơ luôn là một trong những thể loại đặc biệt, là ngôn ngữ có thể chạm đến trái tim con người nhanh nhất, sâu nhất. Có thể hiện nay người ta ít đọc thơ nhưng điều đó nằm trong tình trạng văn hóa đọc hiện nay của chúng ta đang có vấn đề. Chứ không phải độc giả ghẻ lạnh với thơ. Tại sân thơ Văn Miếu hôm nay, sự có mặt và hào hứng của nhiều người, từ các em nhỏ học tiểu học đến những người lớn tuổi, không ít người nước ngoài... cho thấy thơ vẫn có sức hấp dẫn riêng. Chúng ta có thể đang thiếu những câu thơ hay, thiếu những bài thơ hay nhưng không có ai xa lánh thơ cả. Tình yêu ấy đã đặt một gánh nặng lên vai nhà thơ. Khi thơ ca đã đặt sứ mệnh lên vai anh thì các nhà thơ đừng vì mưu cầu danh lợi hay bất cứ lý do gì mà xao nhãng với thơ. Hãy hết lòng đi hết con đường của mình với thơ.

- Xin cảm ơn nhà thơ Hữu Việt!

PV
.
.