Sai lầm và thiếu sót

Thứ Ba, 14/07/2015, 07:49
Ngày 17/6/2015, khi tham dự cuộc gặp của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với đại diện cơ quan báo chí cả nước nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhà báo Hữu Thọ (nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương) đã chia sẻ rằng với gần 85 năm tuổi đời, hơn 50 năm tuổi nghề, ông "có thiếu sót nhưng không sai lầm" trong cuộc đời làm báo của mình. Tôi rất tâm đắc với chia sẻ của ông, người được xem như một trong những cây đại thụ trong làng báo cách mạng Việt Nam.

Thiếu sót của người làm báo là điều tất nhiên khi đời sống xã hội luôn đa dạng, muôn màu và liên tục phát triển thì kiến thức của người làm báo không thể bao quát hết mọi vấn đề phát sinh để khái quát trong những bản tin, bài báo của mình. Thiếu sót của người làm báo có thể làm cho độc giả, khán thính giả hiểu không hết, nắm không hết một vấn đề, một sự kiện nào đó khi được báo chí đề cập đến. Và những thiếu sót đó luôn là động lực thôi thúc những người làm báo cố gắng hoàn thiện kỹ năng, trau dồi kiến thức để khắc phục, hạn chế thiếu sót.

Tuy nhiên, sai lầm của người làm báo thì lại hoàn toàn khác. Sai lầm không nằm ở kiến thức mà ở nhận thức. Sai lầm của người làm báo có thể đưa độc giả, khán thính giả đến hiểu sai, hiểu lệch những vấn đề mà báo chí đề cập. Vấn đề đó, sự kiện đó có nên nêu lên không, đã cần đưa lên báo chưa, vấn đề đó, sự kiện đó đề cập như vậy đã phù hợp chưa, bản chất của vấn đề đã đúng chưa…? Đây là nơi đòi hỏi cái Tâm của  nhà báo. Người ta thường nói "sai một li đi một dặm", nhưng với người làm báo thì có thể "sai một li đi vạn đặm" vì ảnh hưởng của báo chí là cộng đồng chứ không chỉ là một hay một vài cá nhân nào đó.

Trong số những chức năng của báo chí thì phản ánh và định hướng là chức năng cực kỳ quan trọng, vì vậy đòi hỏi người làm báo phải cân nhắc thật kỹ khi tác nghiệp để tránh sai lầm, hạn chế thiếu sót. Nói về chuyện này tôi nhớ tới nhà báo Trần Bạch Đằng (cũng từng được xem là một cây đại thụ trong làng báo). Sinh thời ông rất thận trọng khi đặt bút viết về một vấn đề, một sự kiện nào đó. Năm 2000, khi trả lời phóng viên Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) làm phóng sự về cuộc đời mình, ông có nói, với ông không phải cứ thấy vấn đề nào, sự kiện nào xảy ra là viết ngay, mà ông phải nghiền ngẫm xem vấn đề đó có cần thiết để viết không, đã cần thiết để viết chưa và trước khi viết thì ông phải đi tìm hiểu vấn đề, phải đọc kỹ tài liệu để hiểu vấn đề.

Có một sự kiện rất đáng nhớ. Đó là vào ngày 20.1.1991, hai ngày sau khi cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất xảy ra, trong cuộc nói chuyện chuyên đề về cuộc chiến tranh đó, tại Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Tp.Hồ Chí Minh mà nhà báo Trần Bạch Đằng là diễn giả, trước khi trình bày, ông nói rằng ông không quan tâm nhiều đến thông tin về số liệu vũ khí, lực lượng, sách lược… của các bên tham chiến là những vấn đề nóng nhất mà tờ báo nào cũng đưa tin, song ông rất chú ý đến những ảnh hưởng của cuộc chiến tới Việt Nam.

Trong những điều mà ông cho rằng cuộc chiến tranh vùng Vịnh lúc đó sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển đất nước và cuộc sống của người dân Việt Nam, ông đặc biệt nhấn mạnh giá dầu có thể sẽ tăng và ảnh hưởng thứ yếu của Liên Xô tới cuộc chiến. Và sau đó tình hình diễn ra đúng như ông phân tích. Với nhà báo Trần Bạch Đằng, ông làm báo, viết báo không theo độ "hot" của vấn đề, sự kiện mà đi sâu vào bản chất vấn đề và những ảnh hưởng, tác động của nó. Vì vậy, những bài viết của nhà báo Trần Bạch Đằng luôn có tính khái quát cao và tính dự báo sâu sắc.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, suy nghĩ về sự thận trọng và thực tế của nhà báo Trần Bạch Đằng, lắng nghe tâm sự của nhà báo Hữu Thọ về "có thiếu sót, không sai lầm" trong cuộc đời làm báo, tôi thấy đây là những điều rất đáng quý cho những người làm báo hôm nay.

Ngọc Việt
.
.