Sách văn học về đề tài lịch sử dành cho thiếu nhi: “Cung” chưa đủ “cầu”?

Thứ Bảy, 15/07/2017, 11:32
Văn học cũng có thể có một vị thế quan trọng không kém điện ảnh trong việc bồi đắp kiến thức lịch sử cho bạn đọc thông qua tài năng kể chuyện của nhà văn. Những người cầm bút sáng tạo một tác phẩm văn chương khác với người viết chính sử. Nhưng khi họ chọn một câu chuyện, một sự kiện hay một nhân vật lịch sử nào đó làm đề tài cho tác phẩm của mình, họ phải bay bằng đôi cánh. Cánh đầu tiên là sự trung thành với chính sử...


Văn học sử là “của để dành”

 Hà Anh

Những ngày nghỉ hè, chỉ cần các bậc phụ huynh đưa con dạo một vòng quanh thị trường sách, có thể bắt gặp  nhiều tác phẩm văn học về đề tài lịch sử dành cho thiếu nhi. Đây là mảng sách được các đơn vị làm sách chú ý đầu tư trong thời gian gần đây. Và dĩ nhiên, các bậc phụ huynh cũng quan tâm nhiều hơn đến mảng sách này, vì nó chính là “công cụ hỗ trợ đắc lực” cho con trẻ trong việc học lịch sử ở trường, nhất là trong tình hình thực tế những năm qua, việc học sử có nhiều bất cập, học sinh không mấy hứng thú với môn học rất quan trọng này.

Nhà xuất bản Trẻ mới đây đã cho ra đời bộ sách quý do nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng chủ biên, có tên “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”. Theo đó, toàn bộ chiều dài lịch sử Việt được tóm lược bằng tranh vẽ, theo từng chủ đề riêng biệt, mỗi chủ đề tách riêng từng cuốn sách.

Tiếp cận với bộ sách này, các em nhỏ sẽ có một kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc mình từ thời tiền sử đến các đời Vua Hùng, đến thời Lê, thời Nguyễn...Thay vì phải đọc quá nhiều chữ, các em sẽ "ngắm nhìn" lịch sử bằng hình ảnh là chủ yếu.

Cần có thêm những cuốn sách hay về đề tài lịch sử dành cho trẻ em.

Việc theo dõi lịch sử bằng hình ảnh rõ ràng có một sức hấp dẫn hơn, khiến các em dễ nhớ, khó quên, và có thể dễ dàng tưởng tượng từng câu chuyện lịch sử khác nhau. Việc này khác với việc học những bài học lịch sử khô khan ở trường lớp, với những con số hay sự kiện dày đặc.

Chúng ta từng chứng kiến những bộ phim lịch sử của Trung Quốc hay Hàn Quốc, tạo nên cơn sốt trong công chúng. Nhiều nước đã chọn điện ảnh làm phương tiện cơ bản để phổ cập kiến thức lịch sử của mình trong nhân dân, đặc biệt là giáo dục thế hệ trẻ.

Văn học cũng có thể có một vị thế quan trọng không kém điện ảnh trong việc bồi đắp kiến thức lịch sử cho bạn đọc thông qua tài năng kể chuyện của nhà văn. Những người cầm bút sáng tạo một tác phẩm văn chương khác với người viết chính sử. Nhưng khi họ chọn một câu chuyện, một sự kiện hay một nhân vật lịch sử nào đó làm đề tài cho tác phẩm của mình, họ phải bay bằng đôi cánh. Cánh đầu tiên là sự trung thành với chính sử.

Cánh thứ hai là sự sáng tạo không biên giới của họ, để tạo ra một không gian lịch sử đủ thuyết phục người đọc, với những câu chuyện, sự kiện, thân phận nêu bật được tính chất lịch sử của thời đại họ đang xây dựng trong tác phẩm của mình. Nếu được đọc những tác phẩm văn học lịch sử đặc sắc, các em sẽ được mở mang thêm tầm nhìn, cách đánh giá cũng như cách lý giải về các vấn đề lịch sử. Rồi từ đó, tình yêu, niềm tự hào về lịch sử sẽ được bồi đắp. Từ cuộc đời những nhân vật lịch sử, những thăng trầm họ đã đi qua, các em có thể học những bài học quan trọng về cách ứng xử trong cuộc đời, trong những thời điểm quan trọng của thời đại mình đang sống.

Một số nhà văn chọn đề tài lịch sử để viết cho thiếu nhi, bởi họ quan niệm rằng đó là trách nhiệm quan trọng hàng đầu của người cầm bút. Đó là thứ “của để dành” mà họ muốn tặng lại cho các thế hệ mai sau.

Vì đối tượng bạn đọc là trẻ em, nên ngoài nội dung, những cuốn sách văn học viết về đề tài lịch sử cần phải có một hình thức hấp dẫn, phù hợp. Nhà văn phải có một hệ thống ngôn ngữ kể chuyện mang cá tính của riêng anh ta, để cuốn hút người đọc ngay từ đầu đến cuối cuốn sách.

Việc làm thế nào cho cuốn sách văn học lịch sử khi nằm trên quầy sách có thể trở thành lựa chọn tất yếu của độc giả nhí đang được các đơn vị làm sách quan tâm hàng đầu. Nghĩa là từ cái bìa sách đến nội dung cuốn sách phải tạo ra một sự kích thích giác quan bạn đọc mạnh mẽ, để các em có thể lựa chọn nó mà quên đi cảm giác về sự khô khan của môn học lịch sử ở trường. 

Qua tìm hiểu, khó khăn nhất của các đơn vị làm sách hiện nay là muốn đầu tư vào lĩnh vực sách văn học lịch sử, nhưng người tâm huyết với đề tài này còn hiếm hoi. So với lịch sử 4000 năm của dân tộc, thì số lượng sách văn học về đề tài lịch sử cho thiếu nhi ở ta còn quá mỏng manh. Hơn nữa, việc làm sách văn học sử sao cho hấp dẫn, bắt mắt độc giả nhí đang phải đối mặt với điệp trùng vòng vây của các thể loại sách văn học giải trí khác.

Sự thực, viết một tác phẩm văn học lịch sử hấp dẫn bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc nhỏ tuổi là việc khó khăn mà ít nhà văn có thể đối mặt, vượt qua. Nhà văn viết về lịch sử, một mặt vừa phải biết giới hạn mình trong lịch sử, mặt khác lại phải biết vượt qua giới hạn đó để có thể bồi da đắp thịt vào câu chuyện của mình sao cho tác phẩm vừa có giá trị lịch sử lại vừa mang đậm dấu ấn cá nhân người viết. Đó là lý do vì sao các đơn vị làm sách khó tìm kiếm được bản thảo ưng ý để làm phong phú hơn mảng sách này.

Bồi đắp tình yêu lịch sử cho trẻ em

Bình Nguyên Trang

Mới đây, tôi có tham gia một buổi nói chuyện trong một lớp học hè dành cho các em nhỏ yêu nghệ thuật. Khi nói về văn học vấn đề học văn, học sử trong nhà trường, phần lớn các em đều cho biết là không mấy hứng thú. Có em thẳng thắn nêu ý kiến, những giờ học sử với toàn những số liệu khô khan làm em chán ngắt. Nhưng khi hỏi các em đã từng đọc những tác phẩm văn học như “Búp sen xanh”, “Sao Khuê lấp lánh” hay “Lá cờ thêu 6 chữ vàng” chưa, một số em trả lời đã đọc rồi và rất thích. Những em đang học tiểu học thì thích đọc những truyện tranh về các nhân vật lịch sử như Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Lê Hoàn, Lê Lai, Ỷ Lan... Đấy là ví dụ sinh động cho thấy, các em học sinh không hẳn là thờ ơ với lịch sử.

Một số bộ sách văn học sử vừa được NXB Kim Đồng tái bản.

Những tác phẩm văn học về đề tài lịch sử có khả năng thu hút các em hơn việc học sử trong nhà trường, bởi lẽ cách đề cập đến các câu chuyện lịch sử, sự kiện lịch sử hay nhân vật lịch sử của nhà văn hấp dẫn hơn, nhờ yếu tố sáng tạo của họ.

Lẽ dĩ nhiên, văn học sử không thay thế được chính sử mà các em học trong nhà trường, nhưng tác dụng bổ trợ, bồi đắp cho tình yêu của các em với lịch sử thì không thể phủ nhận. Từ việc đọc các tác phẩm văn học lịch sử sẽ dẫn các em đến việc dễ dàng tiếp cận những bài học lịch sử trong sách giáo khoa, mở mang vốn hiểu biết cũng như có thêm cách lý giải cho từng câu chuyện lịch sử mình được học.

Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, các tác phẩm văn học về đề tài lịch sử còn rất ít trong mênh mông sách văn học hiện nay. Mà tác phẩm văn học lịch sử viết cho thiếu nhi còn ít hơn nữa, vì số lượng nhà văn viết cho thiếu nhi hiện nay mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay, lại không phải ai cũng chọn đề tài lịch sử để viết. Vấn đề là làm sao kích thích được các nhà văn đầu tư sáng tạo vào mảng đề tài này.

Hội Nhà văn nên thường xuyên tổ chức trại sáng tác văn học cho thiếu nhi về đề tài lịch sử. Thậm chí có thể đầu tư, đặt hàng các nhà văn có khả năng đi sâu vào đề tài này. Để trẻ em có cơ hội tiếp cận nhiều hơn các tác phẩm văn học lịch sử phù hợp với lứa tuổi của mình, từ đó bồi đắp cho các em tình yêu lịch sử dân tộc. Các thầy cô giáo trong quá trình dạy môn lịch sử thiết nghĩ cũng nên cập nhật những tác phẩm văn học lịch sử để hướng các em vào việc chọn sách đọc ngoài giờ.

Về phía các nhà văn, tôi nghĩ lựa chọn viết cho thiếu nhi, lại là viết về lịch sử đã là một việc rất đáng trân trọng. Để theo đuổi một vấn đề lịch sử, một câu chuyện hay một nhân vật lịch sử, họ thường phải mất nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu các tư liệu, cứ liệu lịch sử. Mà công việc đó thì không dễ, nó giống như việc bạn phải đi ngược chiều kim đồng hồ để nhận định, đánh giá những vấn đề của quá khứ, rồi lại sáng tạo trên nền tảng đó.

Tuy nhiên, cách viết sao cho hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi vẫn còn là một thách thức mà các nhà văn cần phải vượt qua. Theo tôi, cách kể chuyện lịch sử theo kiểu truyền thống mà một số nhà văn thế hệ trước đã viết không còn mấy phù hợp với việc tiếp nhận thông tin của trẻ em hôm nay. Cách kể một câu chuyện lịch sử của nhà văn muốn thu hút trẻ em cần phải sinh động, linh hoạt hơn, tránh sự diễn giải dài dòng không cần thiết.

Bà Nguyễn Tú Anh - Giáo viên trường THCS &THPT M.V.Lômônôxốp: Cần có tủ sách văn học về đề tài lịch sử

PV (ghi)

Hiện nay, ngành Giáo dục rất quan tâm, đề cao những giá trị của lịch sử, cội nguồn dân tộc nên đã có những thay đổi trong phương pháp giảng dạy, cụ thể là phương pháp "tích hợp liên môn" nhằm tăng hiệu quả tiếp nhận của học sinh. Có nghĩa là, trong khi giảng trước lớp một bài văn, bài thơ (về Tháp Rùa - Hồ Gươm chẳng hạn), có thể truyền đến các em lòng yêu quê hương đất nước, tự tôn dân tộc là sự tích hợp của môn Giáo dục công dân; giảng cho học sinh biết nguồn gốc, vị trí địa lý, sự ra đời của Tháp Rùa là sự tích hợp của môn địa lý; Tháp Rùa - Hồ Gươm đã trải qua những biến động, đã thay đổi như thế nào theo thời gian, đó là sự tích hợp với môn lịch sử...

Vì thế, tôi thấy thực sự vui mừng nếu các nhà văn Việt Nam có thêm nhiều tác phẩm văn học đề cao lịch sử của dân tộc, đặc biệt là khi những tác phẩm này được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, để các thế hệ học sinh hiểu hơn, yêu hơn lịch sử - văn hóa của cha ông mình, dân tộc mình. Để học sinh yêu thích lịch sử qua văn học là việc làm khó nhưng thực sự cần thiết, bởi vì học sinh sẽ có thêm một phương thức học nhẹ nhàng, hiệu quả, có chiều sâu nhân văn.

Để được như vậy chắc chắn cũng đòi hỏi các nhà văn phải có phong cách viết phù hợp với tuổi trẻ, đồng thời lấy bạn đọc trẻ làm trung tâm thì cũng mới mong có thể khiến độc giả trẻ yêu thích tiểu thuyết hay truyện ngắn lịch sử.

Nhiều người có suy nghĩ rằng, học sinh bây giờ thờ ơ với môn lịch sử, nhưng tôi cho rằng điều này không hoàn toàn đúng và có nguyên do của nó. Có thể là có một bộ phận học sinh do những chi phối của đời sống hiện đại như điện thoại, internet, TV và các trò chơi khác... khiến các em có sự phân tán, xao lãng đối với môn lịch sử.

Nhưng ngoài nhà trường, có thể còn có những cách khác để thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử dân tộc, như thông qua các nhân vật đã được hình tượng quá trong tác phẩm văn học. Việc chúng ta có chiến lược xây dựng và hệ thống được tủ sách văn học về đề tài lịch sử chắc chắn sẽ khiến các thế hệ học sinh biết trân trọng lịch sử dân tộc hơn và học tập  hiệu quả hơn.

Nhà văn Lưu Sơn Minh: Không làm cho các em yêu sử chính là vô trách nhiệm

Hoàng Thu Phố (thực hiện)

- Thưa nhà văn Lưu Sơn Minh, kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa kết thúc. Bên cạnh những thí sinh xuất sắc đoạt điểm 10 môn Lịch sử thì không ít thí sinh bị điểm liệt (điểm dưới 1). Một nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử như Lưu Sơn Minh nhìn nhận câu chuyện này thế nào?

+ Đây là câu chuyện mà chúng ta đã nói trong nhiều năm. Hồi tôi học cấp 3 (khoảng nửa cuối thập niên 80 của thế kỷ trước), môn Sử cũng đã là một môn không được học sinh có mấy thiện cảm. Từ đó tới nay đã ngót 30 năm, qua nhiều lần cải cách, thái độ của học sinh với môn Sử xem ra cũng chẳng khác mấy.

Hồi đó, dù từ bé rất mê lịch sử, nhưng tôi cũng hoàn toàn dửng dưng với môn Sử trong nhà trường. Tôi tạm không bàn đến các em học sinh tập trung "học gạo" đối với môn Sử, cũng không định nhắc tới những điểm 10. Tôi muốn nói đến sự yêu thích. Lịch sử của một đất nước cần phải đến với những công dân tương lai bằng lòng tự hào và niềm ham mê khám phá. Chỉ có như thế, các em mới yêu lịch sử của đất nước mình. Không làm được cho các em yêu sử, hiểu sử... - chính là vô trách nhiệm với cả tiền nhân và hậu thế.

Ở vào thời đại mà mọi con số, mọi thông tin đều có thể tra cứu được từ Internet - việc tiếp tục học Sử kiểu nhồi nhét số liệu và bài học rút ra chỉ càng khiến các em xa cách thêm với một môn học lẽ ra đầy hấp dẫn và lý thú.

- Sự thật thì nỗi sợ học môn Lịch sử là có thật và đã tồn tại qua nhiều thế hệ học sinh. Theo anh, có cách nào để môn học này trở nên hấp dẫn hơn?

+ Tôi luôn tin rằng, nếu lịch sử là những chuyện kể - được kể bằng cảm hứng và niềm tin, thì lịch sử sẽ luôn luôn hấp dẫn. Còn nếu bài học lịch sử là một mớ thông tin thống kê khô cằn và những đúc rút giáo điều, thì chắc chắn sẽ bị các em chối bỏ. Trẻ em ngày nay không còn như xưa, sự độc lập trong suy nghĩ, khả năng sáng tạo... cho phép các em có được một bản lĩnh để xác định những thứ bổ ích và những thứ bị nhồi nhét vô bổ. Người soạn sách, người dạy... cần phải thay đổi cách nghĩ về các em. Và, cần phải thực sự tôn trọng các em. Rất nhiều em, dù còn nhỏ, giỏi giang như và thậm chí hơn người lớn nhiều. Nếu vẫn cứ nghĩ các em là lũ thiếu niên nhi đồng muốn dạy gì thì cũng phải học, người lớn sẽ trả giá!

- Thế còn từ bản thân những cuốn sách lịch sử mà chính anh là một trong số những người sáng tác, chắc anh cũng phải nghĩ tới câu chuyện làm sao thể hấp dẫn được độc giả trẻ, chứ không chỉ thuần túy “viết đúng, viết đủ” về lịch sử?

+ Chính bản thân tôi, cũng đã phải thay đổi cách nghĩ của mình về các độc giả trẻ. Năm 2016, khi tiểu thuyết “Trần Khánh Dư” được Đông A và NXB Văn học xuất bản, tôi nghĩ rằng sẽ chỉ có các độc giả trung niên, nhất là nam giới mới đọc sách của tôi. Nhưng tôi đã hoàn toàn bất ngờ. Khá nhiều độc giả trẻ đã đón nhận sách của tôi rất hào hứng, thậm chí họ hồ hởi tương tác với tác giả - điều mà tôi không ngờ đến. Hơn nữa, không ít độc giả nữ cũng rất quan tâm tới “Trần Khánh Dư”.

Sự bất ngờ đáng yêu mà các độc giả dành cho tôi đó, càng làm tôi thêm động lực và niềm vui để mà tiếp tục con đường đang đi. Độc giả trẻ rất thông minh và nhạy cảm. Kể cả những lời nhận xét và động viên của họ cũng có lượng thông tin cao chứ không hời hợt kiểu chúc tụng cho xong. Vì thế, tôi buộc phải lôi truyện dài “Trần Quốc Toản” ra viết lại.

Trước đây, khi xác định là viết cho thiếu nhi, tôi đã cố giấu đi những góc khuất và ẩn ức, vì nghĩ rằng không nên để các em tiếp xúc sớm với mặt trái cuộc đời. Tôi quyết định viết lại “Trần Quốc Toản” thành tiểu thuyết, quyết định kể hết những điều còn giấu - với một thái độ tôn trọng sự trưởng thành và trí thông minh của các độc giả trẻ.

Có thể nói, chính những độc giả trẻ (và cả rất trẻ) yêu quý đó đã chứng minh với tôi rằng: lịch sử của đất nước mình, của dân tộc mình vẫn mãi mãi được các em quan tâm và yêu quý. Chỉ có những thứ khô khan cằn cỗi và giáo điều mới bị các em quay lưng lại mà thôi!

- Một số ý kiến cho rằng, những cuốn truyện, tiểu thuyết lịch sử của chúng ta không nhiều, lại đơn điệu. Lý do xuất phát từ việc ít người viết, ít tác giả dành trọn tâm huyết cho mảng sách này. Bên cạnh đó, truyện và tiểu thuyết lịch sử của chúng ta vẫn còn nặng nề cả về nội dung lẫn… số trang. Góc nhìn của anh thì sao?

+ Bình phẩm những người viết khác có lẽ không nên là việc của tôi. Đó là phần riêng của các nhà phê bình. Tôi chỉ có thể nói, từ góc độ độc giả, không nhiều tiểu thuyết lịch sử thuyết phục được tôi đọc đến trọn vẹn, bất chấp giải thưởng, cảm giác đồ sộ hay những đầu tư truyền thông quảng cáo hoặc thiết kế in ấn.

- Sự đổi mới trong cách viết của nhà văn về mảng truyện và tiểu thuyết lịch sử để hấp dẫn độc giả đương đại, theo anh, có là cần kíp?

+ Số người viết truyện lịch sử ở ta khá ít. Mỗi người cũng viết theo một lối quá riêng. Vì thế, tôi chưa hề nghĩ tới chuyện đổi mới trong cách viết là cần thiết. Có chăng, thứ cần đổi mới là cách nghĩ. Nó không đơn giản trong vấn đề truyện lịch sử nữa mà là cách nghĩ của thế hệ cha chú và các đàn anh đối với thế hệ trẻ. Có lẽ, cần phải nhắc lại thêm vì chắc chắn không thừa: hãy thực sự tôn trọng các em.

- Nhiều ý kiến cho rằng độc giả thờ ơ với truyện và tiểu thuyết lịch sử. Điều này có vẻ cực đoan, khi mà những cuốn sách của anh gần đây vẫn được tái bản, đặc biệt là cuốn “Sử Việt - 12 khúc tráng ca” của cây bút trẻ Dũng Phan vừa ra mắt đã bán hết veo 5.000 cuốn?

+ Những đánh giá về người trẻ của các thế hệ đi trước thường mang nặng thiên kiến. Đừng hình dung các em chỉ biết cắm mũi vào điện thoại, vào Facebook vô bổ. Điều này không khác thái độ đối với Internet hồi cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Bất cứ lỗi lầm gì cũng đều đổ tại cho cái mới đầu độc tuổi trẻ là một thái độ mù quáng. Chính các bậc cha mẹ mới hàng ngày vùi vào Facebook chỉ để giải khuây và tìm kiếm mua sắm.

Còn các em thì khác. Các tìm thấy ở mạng xã hội những bài viết của Dũng Phan, những kinh nghiệm và vô cùng nhiều thứ lý thú khác. Cũng từ Facebook mà những người trẻ tuổi tạo ra khúc tráng ca về tình yêu sử Việt - bằng việc mua hết veo 5.000 cuốn sách kể chuyện lịch sử đất nước mình.

Nói chung, tôi yêu và tin vào các độc giả trẻ, bất chấp mọi phán xét bất công về họ!

- Trân trọng cảm ơn anh!
PV
.
.