Sách thiếu nhi bị lỗi: Sự đầu độc tâm hồn

Thứ Ba, 14/04/2015, 08:00
Theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (xin gọi tắt là Cục Xuất bản) - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Năm 2014, gần 400 ấn phẩm của 40 nhà xuất bản trên cả nước bị xử phạt. Đáng lưu ý, đa số sách vi phạm lại là sách giáo dục, lịch sử, từ điển và truyện cho thiếu nhi có nội dung nhảm nhí, không biên tập kỹ.

Trong số gần 400 ấn phẩm vi phạm thì có gần 100 đầu sách thuộc lĩnh vực giáo dục dành cho thanh, thiếu niên với nhiều sai sót như: sai kiến thức, sự kiện, sử dụng hình ảnh minh họa không phù hợp với nội dung xuất bản phẩm... Và đây là kết luận chung của Cục Xuất bản về vấn đề xuất bản trong năm 2014. Đặc biệt, sách dành cho thiếu nhi cấp tiểu học gần đây đã liên tục bị phát hiện sai sót, mà lại rơi vào những nhà xuấn bản uy tín. Sách đã không còn "an toàn" với trẻ và mất đi sự tin cậy về kiến thức được cung cấp từ sách. Điều gì đang xảy ra với sách dành cho thiếu nhi, khi thiếu nhi luôn trong cơn "đói" sách?

Sách "độc" đầu độc tâm hồn trẻ thơ?

Không nói đến những sách truyện tranh nhảm nhí, sách in lậu không giấy phép, mà là sách của các nhà xuất bản có uy tín, lâu năm và thuộc hệ thống Nhà nước.

Theo thống kê của Cục Xuất bản, trong năm 2014 đã có 12 cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho thiếu nhi bị thu hồi vì có nội dung sai lệch, nhảm nhí, từ ngữ giải thích cẩu thả và sai kiến thức nghiêm trọng. Nghiêm trọng hơn, có những cuốn sách được xem là giáo dục thiếu nhi nhưng lại dạy học sinh cách gian lận, nói dối như cuốn "Kiến thức dành cho thiếu nhi từ 5-12 tuổi" của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Cuốn “Hỏi đáp nhanh trí” - NXB Văn hóa thông tin có những nội dung câu hỏi rất phản cảm.

Ví dụ tại trang 129 cuốn 1 có ghi tiêu đề: "Làm thế nào để gian lận", với lời dạy: "Thu tất cả các câu trả lời vào máy thu âm và nói với cô giáo rằng, bạn đang cố giảm bớt căng thẳng bằng cách nghe nhạc qua tai nghe". Cuốn "Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh" của Vũ Chất (gắn tên Nhà xuất bản Trẻ) gây sốc cho các phụ huynh và các nhà giáo dục bởi nhiều từ ngữ được diễn giải bất hợp lý, thậm chí thô tục, giải nghĩa sai lệch bản chất từ ngữ.

Không chỉ có những sách dạy sai kiến thức về từ ngữ hay dạy nói dối, mà còn những cuốn sách có nội dung mang tính bạo lực, dạy cho trẻ tính ác, thiếu lòng nhân. Điển hình có thể nói là cuốn "Đồng dao dành cho trẻ em mầm non" của Nhà xuất bản Mỹ thuật và Công ty Văn hóa Đinh Tị phát hành (đã bị thu hồi). Ví dụ ở trang 17 bài "Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng": "Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng/ Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi/ Ông Nhăng bảo để mà nuôi/ Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro..." rất bạo lực.

Và gần nhất, trong sách "Truyện cổ tích Việt Nam" của Nhà xuất bản Kim Ðồng xuất bản tháng 10/2014, ở truyện cổ tích Thạch Sanh, có đoạn viết: "Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu chằn tinh bổ xuống thật mạnh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi" (chưa kể một đoạn khác rất phản cảm, một sự sáng tác truyện cổ tích tùy tiện, đưa hình ảnh Thạch Sanh cởi truồng, xé mảnh quần của mẹ làm khố…).

Đấy là nói về sách "văn", còn sách toán, có những đầu đề toán rất kinh hoàng, và không hiểu sao người soạn sách lại đưa hành vi bạo lực đó thành dữ kiện ra đề, và người duyệt của nhà xuất bản cũng thông qua. Chắc nhiều người còn nhớ đề toán cho học sinh lớp 1 trong cuốn "Phép cộng trừ trong phạm vi 100" của tác giả Hoàng Long, dán logo Nhà xuất bản Trẻ: "Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi hai ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay". Bài toán còn có phần hướng dẫn giải tóm tắt và hình vẽ minh họa với hai bàn tay và hai ngón trỏ, giữa của bàn tay phải bị cắt rời bỏ sang một bên...

Kinh hoàng vì bạo lực đề toán, còn kinh hoảng khi đề toán đưa dữ kiện mang tính vi phạm pháp luật như một đề toán khác nữa cũng trong cuốn sách này: "Hiện nay, Nam 4 tuổi, tuổi của bố gấp bốn lần tuổi Nam. Tuổi của mẹ gấp ba lần tuổi Nam. Hỏi: Bố Nam bao nhiêu tuổi? Mẹ Nam bao nhiêu tuổi?"…

Ngoài những loại kiến thức mang "mã độc" như phác thảo sơ lược trên thì còn một loại "độc" trong kiến thức, tri thức cung cấp cho các em bằng những tư liệu mơ hồ, thiếu chính xác, thậm chí sai cả ngàn dặm.

Mới nhất là chi tiết trong sách Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5, tập 2A - một tài liệu thử nghiệm của mô hình "Trường học mới Việt Nam" (Việt Nam Escuela Nueva, viết tắt là VNEN): "Thánh Gióng sau khi đánh giặc bị thương nặng, vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm..." được trích dẫn từ tác phẩm "Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích" của nhà văn Nguyễn Đình Thi… Nhưng vì không có lời chú giải rõ ràng nên ngay người lớn đọc cũng nghĩ đây là một "khảo dị" kỳ lạ khó chấp nhận của thần thoại Thánh Gióng mà từ xưa đến nay được biết.

Hay cuốn truyện tranh "Trưng Nữ Vương khởi nghĩa Mê Linh" được xuất bản phỏng theo tác phẩm dự thi cuộc thi "Biên soạn truyện tranh lịch sử theo sách giáo khoa lịch sử hiện hành", hình ảnh và lời chú giải rất phản cảm: "Thấy khí thế Hai Bà Trưng quật cường, khó bề thắng, Mã Viện liền hạ kế bắt quân sỹ cởi truồng mà giao chiến.…".

Theo các chuyên gia lịch sử nhận định rằng từ trước tới nay chưa từng có thông tin quân Mã Viện cởi truồng khi giao chiến với quân của Hai Bà Trưng trong bất cứ một tài liệu lịch sử nào.

Không chỉ ở thần thoại hay lịch sử Việt mới sai phạm, mà ngay cả với sách truyện thần thoại nước ngoài cũng in hình rất phản cảm và sai lạc. Nhà xuất bản Kim Đồng trong bộ truyện tranh "Thần thoại Hy Lạp" gồm 20 tập phát hành tại Việt Nam, tại tập 7 có tên "Số phận và bi kịch" có trang vẽ hình một pho tượng nude, minh họa cho câu chuyện nhà điêu khắc Hy Lạp Pygmalion  hôn pho tượng với lời miêu tả: "Pic-ma-li-ông sung sướng ôm ghì lấy pho tượng hôn tới tấp như người bị mất trí".

Không thể kể hết sai phạm của gần 100 ấn phẩm dành cho thiếu nhi có "độc" trong một bài báo, đây chỉ là những điển hình đã bị truyền thông "bêu" tên, và đây cũng là một cảnh báo "đỏ" về sách "độc" dành cho thiếu nhi.

Hướng dẫn học tiếng Việt lớp 5, tập 2A - Một tài liệu thử nghiệm của mô hình: “Trường học mới Việt Nam” - với dị bản câu chuyện Thánh Gióng bị phê phán.

Để sách thật sự là món ăn tinh thần quý báu cho thiếu nhi?

Tại Hội nghị tổng kết của ngành Xuất bản năm 2014, ông Chu Văn Hòa (Cục trưởng Cục Xuất bản) đã thừa nhận: "Để xảy ra vi phạm là do một số nhà xuất bản đã buông lỏng quản lý trong quy trình biên tập và liên kết, biên tập không kỹ, thiếu nhạy bén chính trị.

Có trường hợp đối tác liên kết đã phát hành sách ra thị trường trong khi nhà xuất bản chưa ký phát hành và nộp lưu chiểu theo quy định"….  Và trong khi chờ đợi những biện pháp mạnh tay từ các cơ quan quản lý, các cơ quan có trách nhiệm về việc xuất bản sách, cũng như kêu gọi trách nhiệm và lương tâm của những người biên soạn, làm sách nên vì tương lai con em chúng ta, không biết có phải là một biện pháp "thụ động" khi chính Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận phải đưa ra lời khuyên: "Phụ huynh nên thẩm định kỹ các tài liệu tham khảo trước khi mua".

Còn TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lí giáo dục Hà Nội): "Giữa một "ma trận" thị trường sách tham khảo, phụ huynh phải là người tiêu dùng thông minh".

Nhưng đây cũng chỉ là biện pháp tình thế, không thể là biện pháp chiến lược, lâu dài và bền vững, để tạo một môi trường sách lành mạnh cho thiếu nhi, để sách thật sự là một kênh thu nạp kiến thức, tri thức, góp phần hình thành nhân cách cho trẻ trong tương lai, cũng như trang bị một vốn kiến thức, tri thức cơ bản chuẩn xác.

Mong những người làm xuất bản phải thấy rõ nghề của mình là nghề nuôi dưỡng tâm hồn, vun đắp những thị hiếu, khát vọng, nhân cách con người, đặc biệt là với trẻ em, những độc giả trong trắng, không bị vấy bẩn bởi các trang sách "độc" trong tương lai. Làm sách cho trẻ, từ sách giáo khoa đến các loại sách văn học, khoa học, từ điển. phải được xem như là một nghề vất vả và nghiêm túc, nghiêm cẩn cả tâm, trí, lực và tầm, có như thế mới mong có được sách tốt cho trẻ, tạo điều kiện cho trẻ phát triển trí tuệ, giáo dục thẩm mỹ và nhân cách làm người một cách đúng đắn.

Đối với các nhà xuất bản, xây dựng thương hiệu, lòng tin, uy tín cho công chúng vốn đã khó, giữ được vị thế, hình ảnh của mình trong lòng bạn đọc càng khó hơn. Đừng vì lợi nhuận tức thì hay sự chểnh mảng trong phút chốc mà đánh mất tất cả, chưa kể cái "hậu" lụy do mình gây ra với trẻ từ những cuốn sách "độc", có thể xem đó là tội ác.

Hãy làm sao để cho sách là người bạn, người thầy đáng tin cậy của trẻ, chứ không phải cầm cuốn sách lên là sự nghi ngại bao trùm.

Hoài Hương
.
.