Sách giáo khoa Ngữ văn, "nhiều thầy" sẽ "rối ma"

Thứ Hai, 19/01/2015, 08:00
Ông bà ta có dạy "nhiều thầy rối ma". Câu tục ngữ này thật đúng với tình hình biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn. Hãy nhìn vào bìa của sách giáo khoa Ngữ văn trung học cơ sở và trung học phổ thông chúng ta sẽ thấy sự có mặt của nhiều chuyên gia đầu ngành tham gia vào biên soạn.

TS Nguyễn Anh Dũng, thành viên Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Bộ đã họp bàn thảo tiêu chí lựa chọn tác giả viết sách giáo khoa mới cũng như gửi một loạt văn bản đến các đơn vị có tiềm năng để tìm người viết sách giáo khoa mới. Theo đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi công văn đến các trường đại học lớn như: Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội và Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM; các trường đại học sư phạm trọng điểm, các trường sư phạm nhạc họa… để giới thiệu các tác giả có tiềm năng viết chương trình, sách giáo khoa. Và hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang ráo riết tìm người viết sách giáo khoa mới!

Khi tiếp cận thông tin này tôi có những băn khoăn sau đây về tình hình biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn trung học cơ sở và trung học phổ thông:

Ông bà ta có dạy "nhiều thầy rối ma". Câu tục ngữ này thật đúng với tình hình biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn. Hãy nhìn vào bìa của sách giáo khoa Ngữ văn trung học cơ sở và trung học phổ thông chúng ta sẽ thấy sự có mặt của nhiều chuyên gia đầu ngành tham gia vào biên soạn.

Tôi chưa bao giờ nghi ngờ uy tín khoa học của các thầy cô biên soạn. Tuy nhiên nên chăng cần phải xem lại việc lựa chọn người viết sách giáo khoa Ngữ văn. Bởi lẽ, với tư cách là người đang giảng dạy bộ môn này ở trường phổ thông, tôi nhận thấy sở dĩ có nhiều sự bất cập ở bộ môn Ngữ văn hiện nay nguyên nhân chính yếu là do có quá nhiều chuyên gia tham dự việc viết sách.

Vì là chuyên gia nên mỗi người mỗi ý không ai chịu ai dẫn đến việc không thống nhất trong quá trình biên soạn. Dạy học đọc văn rất dễ hụt hẫng vì mỗi bài mỗi vẻ từ tiểu dẫn đến hướng dẫn đọc bài đều bị chi phối bởi "gu" của người soạn sách, cơ hồ không theo một quy chuẩn nào cả. Cùng một thể loại nhưng cách khai thác tác phẩm hoàn toàn khác nhau, thậm chí cùng tác phẩm nhưng cách nhìn nhận vấn đề cũng khác nhau (trường hợp này rất phổ biến ở hai bộ sách Chuẩn và Nâng cao). Kiến thức chồng chéo, nguyên tắc tích hợp được đặt ra nhưng lại "nửa vời". Trước năm 1975, sách giáo khoa văn ở miền Nam thường chỉ do một hai người biên soạn, chứ không nhiều như sách giáo khoa hiện hành. Do ít người biên soạn nên nội dung rất thống nhất.

Vì là chuyên gia nên các bài học có kiến thức quá chuyên sâu khiến học sinh quá tải. Học sinh phổ thông đang phải cõng trên vai cả một khoa Ngữ văn của trường sư phạm. Các thầy cô là giảng viên đại học vốn quen với việc soạn giáo trình cho sinh viên học tập hoặc nghiên cứu những công trình chuyên sâu. Thế nên khi bắt tay vào biên soạn sách giáo khoa, họ thường biến những bài học thành những "tiểu giáo trình", "tiểu công trình nghiên cứu khoa học" hoàn toàn không phù hợp với năng lực tiếp nhận của học sinh phổ thông.

Nên chăng chúng tôi xin mạn phép đề xuất: Việc biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn lần này nên dựa trên một chương trình đã được biên soạn công phu tỉ mỉ (chứ không phải như lần trước biên soạn sách giáo khoa xong mới thiết kế chương trình). Xác định phương thức tiếp cận kiến thức cụ thể dựa trên một định hướng dạy học cụ thể, từ đó sẽ mời các giáo viên có kiến thức chuyên sâu và trải nghiệm thực tế giảng dạy ở trường phổ thông tham gia biên soạn. Chỉ có họ mới biết thực tế học sinh cần học những gì, nên tổ chức bài học ra sao, tiến trình lên lớp và giảng dạy như thế nào. Tôi nghĩ rằng với những giáo viên được đào tạo bài bản từ Trường Đại học Sư phạm và có quá trình nghiên cứu liên tục để hoàn thiện việc giảng dạy của mình thì việc biên soạn sách giáo khoa không phải là điều quá tầm đối với họ. Ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều địa phương khác, bên cạnh sách giáo khoa Ngữ văn, nhiều giáo viên đã âm thầm soạn riêng cho mình những tài liệu học tập phù hợp hơn với năng lực cụ thể của học sinh. Có tài liệu được in hẳn thành sách, có tài liệu dưới dạng bản thảo để học sinh photo, không khó để tìm những tài liệu như thế trên mạng Internet. Ở một số nước phát triển, thậm chí không hề có sách giáo khoa cụ thể, người giáo viên sẽ là những người chủ động biên soạn bài học dựa trên khung chương trình của bộ giáo dục đã thiết kế. Nếu ở ta, hiện tại điều kiện chưa cho phép thì cũng nên đổi mới từ việc để giáo viên trực tiếp biên soạn tài liệu của họ giảng dạy. Vì chỉ có như thế họ mới trở thành những người giảng dạy thực sự, chứ không phải là những thợ dạy như hiện nay.

Vậy trong lần viết sách giáo khoa lần này các chuyên gia đầu ngành sẽ giữ vai trò gì? Các chuyên gia sẽ là những người thẩm định, nhận xét và phản biện sách giáo khoa do giáo viên phổ thông biên soạn. Họ chính là những nhân tố tích cực để bổ khuyết, chỉnh lí những sai sót trên sách giáo khoa do các giáo viên phổ thông biên soạn.

Tôi nghĩ rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tin tưởng giáo viên chúng tôi. Đội ngũ tham gia giảng dạy phổ thông của chúng tôi rất nhiều, không khó để tìm kiếm vất vả như thế đâu. Chúng tôi khao khát được tạo nên bộ sách giáo khoa của chính chúng tôi vì những thế hệ học sinh tương lai của chúng tôi.
Trầm Thanh Tuấn
.
.