Sách du ký: Truyền cảm hứng lên đường

Thứ Bảy, 06/10/2018, 08:05
Khoảng chục năm trở lại đây, có khá nhiều cuốn sách ở thể loại du ký được xuất bản. Lượng đầu sách này phong phú tới mức đã tạo thành một “dòng sách du ký”.


Nở rộ dòng sách du ký

Nhiều đất nước, nhiều thành phố với các tầng kiến trúc, lịch sử, văn hóa, thiên nhiên và con người... trên khắp thế giới đã được thu vào tầm mắt người Việt, để rồi lắng đọng lại, đi vào các trang sách được xuất hiện khá thường xuyên trên thị trường.

Ở dòng sách du ký này, nhiều cái tên mới xuất hiện như Đinh Hằng với “Chân đi không mỏi” và “Quá trẻ để chết”; Phương Thu Thủy với “Bước chân theo dấu mặt trời”; Đinh Phương Linh với “Đường về nhà”; Mai Thanh Nga với “Trái tim trên những con đường”; Nguyễn Tập với “Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero”; Huỳnh Chí Viễn với “Có một nước Mỹ rất khác”; Trần Hùng Jonh “Jonh đi tìm Hùng”...; nhưng cũng có nhiều tên tuổi đã được định danh như nhà văn Di Li với “Đảo thiên đường” (2009), “Nụ hôn thành Rome” (2015), “Và tuyết đã rơi ngoài cửa sổ” (2017), “Thức dậy ở Shahara” (2018); nhà báo - bình luận viên bóng đá Trương Anh Ngọc với 4 cuốn sách du ký: “Nước Ý, câu chuyện tình của tôi” (2012), “Phút 90 ++” (2013), “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu” (2017), “Hẹn hò với Paris” (2018); nhà văn Hồ Anh Thái với “Apakabar - Chào xứ vạn đảo”; nhà văn Dương Thụy với “Venise và những cuộc tình Gondola”...

Một số cuốn sách thể tài du ký được độc giả chú ý.

Ngày nay, trong một thế giới rộng mở, nhiều bạn trẻ đã có cho mình cơ hội dịch chuyển, cơ hội thực hiện những chuyến phiêu lưu và những hành trình mơ ước. Vì thế, không khó hiểu khi có những bạn trẻ đang ở độ tuổi 20 đã dừng chân ở mấy chục quốc gia.

Cuốn “Xách balo lên và đi - Tập 1: Châu Á là nhà. Đừng khóc!” khi ra đời năm 2012 đã tạo nên một cơn sốt trong giới trẻ. “Xách balo lên và đi” trở thành một xu hướng, một từ khóa rất “hot” được sử dụng với tần suất lớn, cái tên Huyền Chip được nhắc tới như một hiện tượng.

Nhưng 1 năm sau, khi ra mắt tập 2 “Đừng chết ở châu Phi”, Huyền Chíp đã phải đối mặt với “nghi án nói dối” về hành trình của mình, phải đối mặt với áp lực lớn từ truyền thông, dư luận với một cái nhìn nghi hoặc. Nhưng rồi cuốn sách thứ 3 “Tuổi trẻ không hối tiếc” của Huyền Chip cũng đã ra đời như một sự kiên định về chọn lựa con đường đi cho mình sau khi thừa nhận: “Tôi đã phạm phải nhiều lỗi lầm ngốc nghếch, và đã nhận được nhiều bài học” trong một bức tâm thư trên trang Facebook cá nhân. Chỉ có điều, dù đã xin lỗi nhưng cuốn “Tuổi trẻ không hối tiếc” không còn tạo được sức hút như “Xách balo lên và đi” nữa.

Đi, đến, tìm hiểu, cảm nhận và viết khiến nhiều bạn trẻ xuất bản được những cuốn du ký để những hành trình ấy trở thành trải nghiệm không chỉ của riêng mình, như Ngô Thị Giáng Uyên với “Dưới nắng trời châu Âu”, “Ngón tay còn thơm mùi oải hương”, “Bánh mì thơm, cà phê đắng”; Phan Việt với “Xuyên Mỹ” và “Một mình ở châu Âu”; Nguyễn Phương Mai với “Tôi là một con lừa” và “Con đường Hồi giáo”...

Bên cạnh những cuốn sách thú vị, hấp dẫn, đa chiều khám phá, vẫn có những cuốn sách được viết khá đơn điệu, sơ sài, chưa đem lại cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích hay cần thiết cho những chuyến hành trình mà họ ấp ủ.

Nhưng nhìn chung các tác giả ở thể loại sách du ký đều mong muốn đem đến cho độc giả những thông tin, những kiến thức, những xúc cảm đặc biệt khi họ đặt chân đến một miền đất mới. Và nhờ thế, độc giả Việt Nam cũng có thêm cơ hội được tìm hiểu, được trải nghiệm và tìm cảm hứng phiêu lưu qua những trang sách ấy. Nói như nhà báo Trương Anh Ngọc là: “Tôi muốn truyền cảm hứng cho những người khác cùng lên đường!”.

Nhà báo Trương Anh Ngọc: “Càng đi càng yêu đời hơn”

- Thưa nhà báo Anh Ngọc, trước khi trở thành tác giả của 4 cuốn sách du ký đã được xuất bản, hẳn anh cũng là một độc giả yêu thích dòng sách này? Cuốn sách du ký nào từng khiến anh có ấn tượng sâu sắc và muốn ngay lập tức lên đường?

+ Tôi say mê sách du kí từ khi tôi còn nhỏ, nhiều lần tự nhốt mình trong nhà hoặc trong thư viện, đọc những cuốn sách kinh điển về các hành trình, như “Trên đường” của Jack Kerouac, “Gỗ mun” của Ryszard Kapuscinski hay “Phương Đông lướt ngoài cửa sổ” của Paul Theroux.

Đấy là cái thời mà những cuốn sách như thế được dịch ra tiếng Việt cực kỳ hiếm, nhưng đã có là phải đọc, và đọc say mê. Hồi đó, tôi tự vẽ bản đồ thế giới, tự chấm vào đó những điểm sẽ đến trong đời sau khi đã đọc được trên sách và ước mơ một ngày nào đó được đặt chân tới.

Ngay cả những cuốn sách văn học kinh điển không phải du ký như “Ba chàng lính ngự lâm” của Alexandre Dumas hay “Không gia đình” của Hector Malot thắp lên trong tôi ước mơ đi. Đấy là chân của những nhân vật trong các tác phẩm đến các địa danh được nhắc đến trong sách. Ước mơ ấy lớn lắm, và sau này, khi đã đến đúng những nơi như thế, tôi có cảm giác rất lạ, là mình đã từng đến đây rồi!

- Nhiều người nói rằng, với họ, viết lách đơn giản là nhu cầu được giãi bày bản thân với độc giả. Với “Nước Ý, câu chuyện tình của tôi”, “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu”, “Hẹn hò với Paris”, có phải anh đã “vì yêu mà viết”?

+ Tôi viết không chỉ vì yêu những hành trình ấy, cũng không phải là để giãi bày bản thân chỉ vì mình đã từng đi khắp nơi trên thế giới rồi, nên cần phải viết ra để thể hiện, hay khoe khoang. Tôi viết ra, đơn giản vì tôi nhận thấy rằng, thế giới thật rộng lớn và có biết bao nơi để đi, bao nhiêu người để gặp, bao nhiêu nền văn hoá cần tìm hiểu, mà ta chỉ sống có một lần, tại sao ta không sống chân thành, cởi mở và tích cực để tiếp tục đi, đi nữa, đi mãi. Và truyền cảm hứng cho những người khác cùng lên đường.

#Hashtag của tôi trên Facebook cá nhân sau những bài viết về các chuyến đi, hoặc thể hiện triết lý “xê dịch” của mình luôn là #dikhitacontre. Đi khi ta còn trẻ chính là điều tôi muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ. Cơ hội đi ra thế giới bây giờ rất nhiều. Người Việt cũng đã ra thế giới và nhìn thế giới bằng chính mắt mình nhiều hơn. Nếu không đi bây giờ, thì bao giờ?

Đi ở đây không chỉ là để đi theo kiểu check-in rỗng tuếch về kiến thức, mà là để nhìn thế giới, để học hỏi, để mở mang tầm mắt, để trở nên cởi mở, chân thành và vị tha hơn. Tôi đã đi nhiều nơi và tôi thấy càng đi, càng ham sống, càng yêu đời hơn

- Xuất bản sách ở Việt Nam có một điều khiến nhiều tác giả nản chí, đó là số lượng phát hành thường rất khiêm tốn, nhuận bút đã thấp, đôi khi lại còn được trả bằng... sách. Động lực nào đã khiến anh ra mắt cuốn sách thứ 4 trong 6 năm? Phải chăng anh đã có “nhà tài trợ”?

+ Tôi không có nhà tài trợ nào cả. Tôi cũng chưa từng phải bỏ tiền ra để làm sách và dù có một số anh em bạn bè bảo rằng họ muốn tài trợ cho tôi làm sách, thì tôi cũng chỉ nói cảm ơn. Đối với tôi, làm sách là một thú vui lớn của cuộc đời. Ta có những chuyến đi, những trải nghiệm, ta có thể viết được, và trên thực tế, sách của ta xuất bản ra là bán được, rất nhiều là đằng khác, và cứ tái bản xong lại tái bản tiếp, độc giả cũng tìm mua nhiều. Thế là tuyệt vời rồi còn gì nữa.

Ở nước mình, có mấy người sống được bằng nhuận bút làm sách đâu, nhưng tôi không coi đấy là cái mốc để cố gắng vươn tới bằng được. Sau 4 cuốn sách sau 6 năm, tôi vẫn ấp ủ cho ra tiếp những cuốn sách nữa. Trong những năm tháng lang thang đó đây, tôi ghi chép nhiều lắm, không thể không in ra được.

- Cha ông ta vẫn nói, “Đi một ngày đàng học một sàng không”. Anh cảm thấy mình đã trưởng thành như thế nào sau những chuyến hành trình vòng quanh châu Âu?

+ Tôi càng đi càng thấy mình muốn đi nữa, đi mãi, như nghiện vậy. Bao nhiêu năm trôi qua, tôi và gia đình nhỏ của mình làm việc ở châu Âu theo những nhiệm kỳ công tác của cơ quan tôi - Thông tấn xã Việt Nam. Đó cũng là những năm chúng tôi đi cùng nhau trên mọi nẻo đường, cùng trưởng thành qua những cung đường với tư cách là các cá nhân và là gia đình, vừa cùng giúp nhau hoàn thiện mình, vừa cùng trở nên gắn kết và gắn bó hơn. Đấy là một niềm hạnh phúc mà không phải ai và gia đình nào cũng có may mắn để cùng cảm nhận được. Đấy là những hành trình để giúp tôi nhận ra rằng, thực ra, chúng ta là các công dân của toàn cầu, đi đâu cũng cảm thấy gắn bó, và đâu cũng là nhà.

- Xin cảm ơn nhà báo Trương Anh Ngọc!

Nhà văn Di Li: Đi và viết là khái niệm không thể tách rời

- Thưa nhà văn Di Li, sở thích đi du lịch với các hành trình trải nghiệm đầy thú vị của chị đã “chắp cánh” cho những cuốn sách du ký ra đời, hay là sự ấp ủ về những cuốn du ký vòng quanh thế giới đã thôi thúc chị lên đường?

+ Tôi không đi du lịch để viết sách, mà đi vì đam mê. Tôi đã bị một sự tò mò đối với thế giới này thôi thúc từ nhỏ. Tôi muốn tận mắt chứng kiến sức sống của mỗi vùng đất và tìm hiểu cách sống của những con người ở nơi tôi đi qua. Và sau khi đi về rồi thì sự thôi thúc được chia sẻ những điều mình biết đã khiến tôi cho ra đời những cuốn sách du ký.

Tuy nhiên, cũng có những chuyến đi là để phục vụ cho việc viết. Ví dụ cuốn tiểu thuyết thứ ba của tôi lấy bối cảnh ở Hàn Quốc nên Tết vừa rồi tôi đã sang Gyeongju “nằm vùng” để lấy tư liệu. Tôi muốn chọn một bối cảnh phù hợp cho tiểu thuyết, song cố đô Gyeongju cũng vẫn chưa khiến tôi ưng lắm.

Tôi đã sang Hàn 6 lần, có lẽ vẫn phải sang thêm lần nữa. Đi và viết là một khái niệm không thể tách rời. Các nhà văn gạo cội trên thế giới đều là những người đi rất nhiều. Từ đầu thế kỷ trước, Marxim Gorky, Somerset Maugham, Tagor… đã đi khắp thế giới rồi, đến tận vùng Viễn Đông. Đi nhiều, đọc nhiều, giao tiếp nhiều mà chưa chắc đã cho ra đời những cuốn sách hay, còn nếu nhà văn mà “không nghe”, “không thấy” song vẫn viết hay được thì tôi thấy cũng là đại tài.

- Để có được “kỳ tích” là sau mỗi chuyến đi dài lại cho ra mắt được một cuốn sách như chị đã làm trong những năm qua, chị đã chuẩn bị hành trang cho các chuyến đi ấy như thế nào để có thể thu về hiệu quả tối đa như vậy?

+ Tôi nghiên cứu rất kỹ điểm đến từ trước để có thể hạn chế tối đa phát sinh. Tuy nhiên, những chuyến đi tự thân ấy sẽ không tránh khỏi những điều mình không biết trước, mà đi tour mua sẵn của công ty du lịch sẽ không thể mang lại cho bạn những trải nghiệm ấy. Tôi cũng nghiên cứu kỹ văn hóa và lịch sử của từng vùng, thông thường mất tới hơn tuần cho công tác nghiên cứu này.

- Từ kinh nghiệm của bản thân, chị thấy việc đi du lịch trải nghiệm - khám phá với đôi mắt - tâm hồn của một nhà văn có khác biệt gì với việc đi du lịch trải nghiệm - khám phá của một người đi du lịch thuần túy?

+ Khác nhiều chứ. Nhà văn sẽ lên đường với tâm thế quan sát và chủ động tìm tòi, thay vì bị động “ngắm cảnh”. Tuy nhiên, không phải nhà văn nào cũng lên đường với tâm thế ấy, mà một số người chỉ nhằm mục đích du lịch thôi. Du lịch thuần túy có thể sẽ thiên nhiều về hưởng thụ, nghỉ dưỡng, thay vì muốn trải nghiệm những gì chưa biết.

Rất nhiều người đi cùng tôi, dù là đam mê du lịch, nhưng họ sẽ thất vọng vì điểm đến “chán” hơn họ nghĩ. Tôi thì không có nơi nào gọi là “chán” nếu đó là chốn tôi chưa từng trải qua. Vì tôi luôn tìm ra những điều thú vị và lạ lẫm nhất trên mỗi bước đường, cho dù đó là Ba Vì hay Hòa Bình. Người đi du lịch thuần túy cũng ngại những trải nghiệm không an toàn. Ví dụ, họ không bao giờ muốn thử một món ăn lạ của người bản địa mà chỉ ăn những món họ chắc chắn biết trước.

Nói thật là chuyến đi nào tôi cũng bị dính cái vụ giống hệt nhau là toàn bộ thành viên đoàn ngồi ngoài xe hay ngồi phệt ngoài cửa khu tham quan rồi xua tay “Trưởng đoàn cứ vào đi, không sao đâu, chúng tôi ngồi đây đợi”. Ở Ubud (Bali) tôi bị xua vào Vương quốc khỉ một mình.

Ở Thiên An Môn, Bắc Kinh, cả đoàn ngồi hiên ăn kem để mình tôi tẩn mẩn đi thăm các hậu cung. Ở Istanbul, tôi mất cái vé giá gần triệu bạc rồi những người đồng hành kêu đói, bảo tôi chỉ được vào hậu cung của Sultan có 15 phút, không thì họ xỉu mất vì hạ đường huyết, mà sau 15 phút tôi nhận ra đó là một trong những cung điện thú vị nhất thế giới.

Ở Prague tôi vào nghĩa địa Do Thái một mình, ai cũng ngạc nhiên rằng tại sao tôi lại thích xem… nghĩa địa. Ở Vienne, tôi vào cung điện của hoàng hậu Sissi một mình, đoàn đứng chết rét ngoài cổng cung điện chờ. Ở Ouarzazate (Marrooco), toàn bộ đoàn ngồi im trên xe chờ tôi vào Atlas Studio một mình. Đó là một trong những trường quay lớn nhất thế giới, đã quay “Ben Hur”, “Võ sĩ giác đấu”, “Trò chơi vương quyền”, “Vượt ngục”, “Nữ hoàng Cleopatra”, “Babel”… Cảm giác lúc ấy y như ngồi ăn thịt gà mà có 10 người ngồi vây quanh nhìn: “Cứ ăn đi, chúng tôi ngồi xem cô ăn!”...

Tôi là tuýp du lịch rất tần mần. Thử tất cả đồ ăn bản địa, xem kỹ tất cả mọi thứ hiện ra trước mắt với một niềm sung sướng và đam mê vô bờ, cũng như thích nói chuyện với bất kỳ người địa phương nào. Nếu bạn không lên đường với tâm thế như vậy, sẽ không bao giờ bạn có đủ cảm xúc để viết nên thành chữ được.

- Với 4 cuốn du ký đã xuất bản là “Đảo thiên đường”, “Nụ hôn thành Rome”, “Và tuyết đã rơi ngoài cửa sổ”, “Bình minh ở Shahara”, cuốn sách nào khiến chị vất vả nhất, dành nhiều tâm huyết nhất? Chị có thể chia sẻ mình đang ấp ủ một hành trình mới nào hay một cuốn sách du ký mới không?

+ Nếu như “Đảo thiên đường” là tập hợp của những bài báo được tôi gom lại để in thành sách thì càng những cuốn sau này, tôi càng chú trọng đến chất văn chương hơn trong du ký. Dù vậy, tôi vẫn thích tính báo chí của du ký. Du ký phải là thông tin nữa. Người ta cần biết được những vùng đất ấy như thế nào thông qua lăng kính của tác giả. “Bình minh ở Sahara” tốn nhiều công sức của tôi nhất, vì chuyến đi đến sa mạc Sahara rất kỳ công và vô cùng nhiều cảm xúc.

- Chị nhận được phản hồi của độc giả như thế nào về cuốn du ký thứ 4 “Bình minh ở Sahara”? Có bí quyết gì để độc giả mãi không cảm thấy chán Di Li ở thể loại du ký nhỉ?

+ Bí quyết duy nhất của tôi là viết bằng tất cả niềm đam mê. Bởi nếu bạn không say sưa với vùng đất bạn đến tới mức ám ảnh vì nó, và nó không xuất hiện trong giấc mơ của bạn hằng đêm thì bạn sẽ không thể truyền cảm hứng cho người đọc được.

Trước khi đi Ấn Độ, tôi đã vài lần mơ thấy mình ở Ấn Độ. Khi thức dậy, tôi có thể phác họa lại được từng cái vỉa hè, góc phố, bảng hiệu của những con đường Ấn Độ trong mơ. Rõ rệt đến mức nhiều người nghi tôi “xuất hồn” trong giấc ngủ để đi nơi nọ nơi kia (cười). Sau khi đã tới Ấn Độ hai lần thì tôi rất thích kể lại những câu chuyện trên đất Ấn. Ấn Độ rất ám ảnh tôi. Nói chung, đi là một sự ám ảnh. Có lẽ vì vậy mà độc giả của bốn cuốn sách nói chung đều nói giống nhau rằng, tôi viết rất sống động và họ có thể hình dung vùng đất ấy ngay ở trước mắt.

- Gần chục năm trở lại đây, ở Việt Nam nở rộ phong trào xuất bản sách du ký, trong đó có nhiều cây bút mới lần đầu xuất hiện. Chị có đọc các cuốn sách du ký của các bạn trẻ ấy không? Chị có ấn tượng nào đặc biệt với các cuốn sách thể tài này không?

+ Có cuốn thì tôi đọc lướt, có cuốn tôi đọc kỹ. Tôi thích cuốn “Con đường Hồi giáo” của Nguyễn Phương Mai, trong khi cuốn trước của chị thì viết khá sơ sài. Tuy nhiên, điều mà tôi khá tiếc ở cuốn sau là giá như những vùng đất ấy được miêu tả kỹ hơn nữa, vì với tư cách là một độc giả, tôi chưa được đi đến những vùng đất đó thì sẽ muốn được “nhìn” thấy chi tiết và rõ rệt hơn những không gian sống của họ.

- Thời gian gần đây, nhiều đầu sách ở thể tản văn - du ký có số lượng phát hành tăng so với các đầu sách sáng tác khác. Theo chị, hiện tượng này đang phản ánh điều gì trong “thị hiếu đọc” của độc giả Việt Nam?

+ Những năm gần đây, người Việt Nam đi du lịch khá nhiều. Những người chưa được đi thì cũng đang ấp ủ những chuyến đi của mình nên họ thích đọc sách du ký. Đây cũng là thể loại sách truyền cảm hứng và mang lại nhiều kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý vùng miền. Quá nhiều người viết du ký, nên để tồn tại một "cái tên", cũng không phải là điều đơn giản.

- Xin cảm ơn nhà văn Di Li!
Nguyệt Hà - Hà Anh (thực hiện)
.
.