Sách điện tử: Miếng bánh không dễ ăn

Chủ Nhật, 27/12/2015, 08:00
Sách điện tử với những tiện ích ưu việt được dự đoán sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho ngành xuất bản Việt Nam trong tương lai. Thế nhưng, 10 năm xuất hiện tại Việt Nam, sách điện tử vẫn dò dẫm tìm đường đến với bạn đọc. Rất nhiều nghi ngại, khó khăn vây bủa loại hình xuất bản mới mẻ này.

Xu thế tất yếu của ngành xuất bản 

Câu hỏi "Liệu sách điện tử có thể thay thế sách in?" đã trở nên lỗi thời. Thay vào đó là câu hỏi "Bao giờ thì sách điện tử có thể thay thế sách in - với tư cách là loại hình xuất bản phẩm được sử dụng rộng rãi, phổ biến nhất?". Nếu cách đây khoảng chục năm, sách điện tử còn xa lạ với nhiều người thì ngày nay nó đã phát triển với tốc độ nhanh chóng trên toàn thế giới.

Ông Phạm Gia Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sách và học liệu giáo dục nhận định rằng, trên thế giới, sách điện tử đang có phần lấn át sách in truyền thống nhờ những ưu điểm vượt trội. Các đầu sách điện tử của Amazon bán rất chạy. Năm 2014, cứ 100 đầu sách in bán ra thì có 143 đầu sách điện tử bán ra tương ứng. Ngồi ở bất cứ đâu với một chiếc máy tính, một chiếc điện thoại hoặc một chiếc iPad nối mạng, ai cũng có thể đọc cuốn sách mà mình yêu thích. Việc tìm kiếm sách trở nên dễ dàng, tiết kiệm thời gian, công sức. Chiếc máy tính hay chiếc điện thoại nhỏ bé trở thành thư viện khổng lồ với hàng triệu đầu sách.

Sự gia tăng người sử dụng Internet tại Việt Nam là cơ hội cho sách điện tử phát triển trong tương lai.

Với công nghệ hiện đại, sách điện tử tích hợp nhiều tính năng, đem lại nhiều tiện ích cho người dùng. Người đọc có thể điều chỉnh màu sắc, cỡ chữ cho dễ đọc. Họ cũng có thể đánh dấu, ghi chú, lưu hoặc thực hiện các thao tác tương tác, liên kết đến hình ảnh, âm thanh, đoạn phim… minh họa sống động cho nội dung sách. Chưa kể, việc sản xuất ra sách điện tử rất nhanh, người đọc nhanh chóng tiếp nhận. Do khâu vận chuyển, in ấn trên giấy không còn nên giá thành của sách điện tử giảm đến 80%, 90% so với sách in, lại góp phần bảo vệ môi trường.

Thạc sĩ Nguyễn Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, tuy chỉ đang ở thời kỳ manh nha, thăm dò thị trường nhưng xuất bản sách điện tử cũng đang mở ra nhiều triển vọng cho ngành xuất bản nước ta. "Xuất bản sách điện tử đã có bước phát triển mới, chuyển dần từ tự phát và kinh doanh nhỏ lẻ sang chuyên môn hóa và đầu tư với quy mô lớn hơn.

Minh chứng là ngoài các đơn vị như Vinabook.com, công ty Lạc Việt, công ty Vinapo, chuẩn bị từ năm 2010, đến nay NXB Tổng hợp đã xuất bản được xấp xỉ 1.000 đầu sách điện tử. NXB Bách khoa đưa lên mạng 60 đầu sách. NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật cũng đang từng bước số hóa và dự kiến đưa khoảng 100 đầu sách trên trang web alezaa.com. Mục tiêu đến năm 2016, NXB này sẽ số hóa toàn bộ tài nguyên sách đã xuất bản từ năm 1945 đến nay với số lượng khoảng 30.000 đầu sách" - ông Nguyên cho biết.

Hiện tại, các NXB, đơn vị sách như NXB Trẻ (Công ty Sách điện tử Trẻ Ybook), NXB Kim Đồng, Công ty Văn hóa Phương Nam… cũng đã thí điểm phát triển sách điện tử và gặt hái thành công nhất định. Ngoài ra nhiều NXB, công ty truyền thông đa phương tiện có chiến lược đầu tư dài hạn, thí điểm tổ chức các sàn giao dịch sách điện tử như NXB Thông tin và Truyền thông, NXB Thời đại… Bạn đọc dễ dàng chọn mua sách khi hàng trăm website cung cấp sách trực tuyến có bản quyền ra đời.

Theo đánh giá của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công thương, trong tương lai, sách điện tử sẽ phát triển rộng rãi ở Việt Nam và là một ngành có nhiều triển vọng bởi nhiều tiền đề thuận lợi. Trước hết, công nghệ thông tin phát triển gắn liền với sự ra đời của các thiết bị công nghệ tiện ích như điện thoại thông minh là môi trường thuận lợi để sách điện tử phát triển.

Theo thống kê của trang WeareSocial, hiện có gần 40 triệu người Việt Nam sử dụng Internet thường xuyên và trên 25 triệu tài khoản Facebook. Việt Nam cũng là thị trường điện thoại thông minh có mức tăng trưởng cao (13%/ năm). Hơn nữa, Việt Nam là một nước có dân số trẻ - đây là lứa tuổi rất nhanh nhạy với những thành tựu khoa học kỹ thuật mới mẻ. Hệ thống giáo dục nước ta cũng bắt đầu tiến hành "điện tử hóa" giáo án của giáo viên lẫn sách giáo khoa của học sinh.

Bước đi chập chững cần người dìu

Sở dĩ đánh giá thị trường sách điện tử ở Việt Nam chỉ mới manh nha vì gần 10 năm xuất hiện ở nước ta, sách điện tử chỉ được một vài NXB, doanh nghiệp thực sự quan tâm đầu tư. Các đề án đầu tư dài hạn, quy mô nhằm phát triển mảng sách điện tử và xuất bản điện tử trực tuyến chỉ được NXB Trẻ, NXB Giáo dục, NXB Thông tin và Truyền thông …chú trọng. Không ít NXB chỉ duy trì mảng sách này cho có, và việc duy trì cũng phó thác hoàn toàn cho các doanh nghiệp chuyên về công nghệ thông tin.

Khó khăn và rủi ro bủa vây là điều khiến các đơn vị làm sách e ngại. Kinh doanh sách điện tử có bản quyền trước tiên đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn, đặc biệt là kỹ thuật, công nghệ và đội ngũ nhân lực có chuyên môn cao. Việc số hóa đòi hỏi nhiều khâu từ việc phải có ứng dụng (gọi là app) đến khóa bảo vệ tác quyền điện tử… Chưa kể các thủ tục, hợp đồng ràng buộc, chi trả tác quyền không khác gì sách in. Do vậy, những đơn vị nào thực sự "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" mới có thể dấn thân sâu vào thị trường này.

Thị trường sách điện tử có bản quyền vẫn phải đối mặt với vấn nạn sách lậu.

Đầu tư nhiều kinh phí và vất vả như thế nhưng đầu ra cho sản phẩm lại không hề dễ dàng. Vấn nạn đầu tiên là sách lậu. Nếu cuộc chiến sách lậu của loại hình sách in được ví như con kiến, thì vấn nạn này ở loại hình sách điện tử được ví như con voi. Nếu sao chép sách in, kẻ vi phạm còn mất công đánh máy, in ấn lại nhưng với sách điện tử thì chỉ cần chụp màn hình hoặc vài cái nhấp chuột là xong. Mặc dù đã dùng nhiều biện pháp như tăng chất lượng, hạ giá bán, cung cấp nhiều tiện ích tương tác, nâng cao hệ thống khóa bảo vệ nhưng hàng loạt tựa sách của Công ty Sách điện tử Trẻ Ybook vẫn bị sao chép.

Ông Đồng Phước Vinh, Giám đốc Công ty Sách điện tử Trẻ Ybook ngao ngán: "Từ khoảng năm 2008, trên thị trường Việt Nam bắt đầu xuất hiện các website dạng diễn đàn, mạng xã hội tự tổ chức thu thập và chia sẻ sách điện tử miễn phí hoặc có thu phí với mức giá khá rẻ. Thế mạnh của dòng sách điện tử không bản quyền này là số lượng rất lớn so với chúng tôi, có thể lên đến hàng trăm ngàn tựa sách. Ổ khóa bảo vệ bản quyền chỉ phòng được người ngay chứ không phòng được kẻ gian. Khi bị vi phạm, chúng tôi rất khó khiếu nại vì thủ tục phức tạp và khó đòi bồi thường thiệt hại.

Đối với sách điện tử phát hành trên các website dùng tên miền nước ngoài hay các kho ứng dụng (được gọi là app store) ở nước ngoài, quy trình khiếu nại còn phức tạp hơn khiến nhiều chủ sở hữu tác quyền bỏ cuộc".

Làm ra một sách điện tử với nội dung tàm tạm không khó, chỉ cần rành công nghệ thông tin. Nó kéo theo sự phát triển tràn lan của các trang web, NXB  ảo đăng tải các đầu sách độc hại. Thống kê của Cục An ninh văn hóa, Thông tin truyền thông - Bộ Công an cho thấy hiện có 10 NXB ảo được thành lập trên mạng Internet và hoạt động xuất bản, phát hành các xuất bản phẩm điện tử bằng tiếng Việt, đưa thông tin phức tạp, xuyên tạc. Uy tín của sách điện tử có bản quyền do đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sách lậu sống tốt một phần còn do thói quen của người đọc. Chính họ thích đọc miễn phí và giá rẻ mà không chú trọng đến vấn đề tác quyền hay chất lượng của sản phẩm. Đại diện Công ty Văn hóa Phương Nam cho hay, ngoài tâm lý thích đọc sách miễn phí thì người đọc Việt Nam vẫn có thói quen đọc sách in hơn sách điện tử. Người đọc chú trọng hình thức hơn nội dung. Nếu có bản miễn phí trên mạng thì họ sẵn sàng tải về đọc nhưng nếu phải mua thì họ bỏ tiền mua sách in. Bởi sách in cho họ cảm giác được sở hữu, được lật giở từng trang có hình thức đẹp, bắt mắt. Còn mua sách điện tử, họ lại không có cảm giác "được sở hữu" dù các đơn vị xuất bản cam kết như đinh đóng cột rằng: khách hàng sẽ sở hữu sách vĩnh viễn ngay cả khi đơn vị  xuất bản không còn kinh doanh nữa.

Cây gậy pháp lý bảo vệ sách điện tử chủ yếu dựa vào chương 5 của Luật Xuất bản sửa đổi. Dù vậy, Luật vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn. Người làm sách mong mỏi việc bổ sung điều luật và siết chặt hành lang pháp lý, chế tài xử phạt cần được thực hiện nhanh chóng và sát sao. Các đơn vị làm sách không thể đơn độc, tự lực mà cần sự đồng hành, hỗ trợ của các ban ngành liên quan. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ bản quyền, thay đổi thói quen của người đọc cũng là điều tiên quyết để thị trường sách điện tử có cơ hội phát triển tương xứng với tiềm năng của nó.

Phan Thi Uyên
.
.