Rộng đường cho phim remake: Nên mừng hay lo?
Remake phim nước ngoài trở thành trào lưu từ hơn 10 năm trở lại đây tại Việt Nam. Nó đặc biệt rầm rộ ở địa hạt truyền hình. Trào lưu này chỉ thực sự bùng nổ ở lĩnh vực điện ảnh từ năm 2015 nhờ cơn sốt tiên phong "Em là bà nội của anh" của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh làm lại từ bản gốc Hàn Quốc "Miss Granny".
Hàng loạt phim thi nhau ra rạp chỉ trong thời gian ngắn như "Bạn gái tôi là sếp" (làm lại từ phim Thái Lan "ATM, lỗi tình yêu"), "Yêu" (làm lại "The love of Siam" của Thái Lan). Đang gây náo động phòng vé là "Sắc đẹp ngàn cân", phiên bản Việt hóa của "200 pounds beauty" nổi tiếng Hàn Quốc do Minh Hằng và Rocker Nguyễn đảm nhiệm vai chính.
Sắp tới, hàng loạt phim remake ồ ạt kéo nhau trưng trổ trên màn ảnh rộng. Trước số lượng và chất lượng phim remake ngày càng tăng cao, Ban tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 diễn ra tại Đà Nẵng vào cuối tháng 11- 2017 đã quyết định đưa phim remake vào hạng mục tranh giải chính thức.
Điều lệ của Liên hoan phim nêu: "Phim làm lại (remake) từ kịch bản/phim nước ngoài có thể đăng ký tham dự tất cả các chương trình của Liên hoan phim. Trường hợp phim được tuyển chọn vào vòng dự thi sẽ được xét các giải thưởng cho cá nhân, trừ giải thưởng cho tác giả kịch bản và giải thưởng dành cho phim".
Đây là lần đầu tiên phim remake đường đường chính chính có mặt trong các hạng mục tranh giải ở Liên hoan phim trong nước. Khỏi phải nói cũng biết những ai theo đuổi thể loại này vui mừng như thế nào. Chấp nhận phim remake nghĩa là Ban tổ chức đã chính thức ghi nhận sự thành công, sức ảnh hưởng của dòng phim remake.
"Sắc đẹp ngàn cân" bị ví là "phim nước ngoài nói tiếng Việt" vì quá đậm chất Hàn, thiếu vắng bản sắc Việt. |
Trước đây, tất cả các liên hoan phim - nơi được coi là sân chơi nghề nghiệp uy tín - không chấp nhận thể loại phim này. Dù có doanh thu khủng, được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng "Em là bà nội của anh" vẫn bị Giải Cánh Diều của Hội Điện ảnh Việt Nam từ chối thẳng thừng. Phim chỉ vớt vát lại một chút khi đoạt giải "Phim truyện điện ảnh được khán giả yêu thích nhất" trong chương trình toàn cảnh Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19.
Ở liên hoan năm đó, phim remake vẫn chỉ tham gia hoạt động bên lề chứ không nằm trong hoạt động tranh giải chính thức. Mang tiếng mua bản quyền kịch bản xuất sắc của nước ngoài để làm lại nên xưa nay, phim remake luôn bị cho là tác phẩm ăn theo, ít hàm lượng sáng tạo... Nếu làm dở thì phiên bản Việt bị chê là không vượt qua cái bóng nguyên tác. Nếu may mắn phim hay thì có người lại bĩu môi bảo "nhờ bóng bản gốc".
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh rất bức xúc trước cái nhìn nặng định kiến ấy. "Nhiều người lầm tưởng rằng remake một bộ phim ăn khách cực dễ bởi không cần sáng tạo gì nhiều, cứ bản gốc mà bám vào là có ngay phim hay. Nếu đúng như họ suy nghĩ thì các tác phẩm remake thành công đã vô số kể chứ không phải ít ỏi như bây giờ. Bởi đây là xu hướng thịnh hành trên thế giới, đến cả Hollywood dù không thiếu kịch bản hay, họ vẫn làm lại kịch bản thành công của các nước khác vì muốn tiết kiệm thời gian đầu tư vào một kịch bản phim hay nhằm đạt hiệu quả cao. Nhưng thành công hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và là thử thách không phải ai cũng vượt qua" - anh phân tích.
Có lẽ mang nặng suy nghĩ làm phim remake "dễ ăn" nên mới sinh ra hàng loạt phiên bản lỗi hoặc "phim nước ngoài nói tiếng Việt". "Sắc đẹp ngàn cân" là một ví dụ. Bộ phim của nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh dù được đầu tư dàn diễn viên trẻ đẹp, hút mắt ngoại hình như Minh Hằng, Phương Trinh Jolie, Rocker Nguyễn... nhưng từ góc quay, tình tiết, cách diễn xuất đều cố bắt chước tỉ mỉ nguyên tác nên phim mang đậm màu sắc Hàn chứ không có chút hương Việt (ngoại trừ giọng nói).
Điều này lý giải vì sao phim không được công chúng hào hứng đón nhận và tạo hiệu ứng như mong muốn dù trước đó khâu PR, quảng bá đều rất rầm rộ. "Bạn gái tôi là sếp" cũng có những chi tiết bị cho là quá Thái Lan, chẳng hạn như chiếc xe buýt kiểu Thái.
Một khi đã Việt hóa, nó sẽ thành câu chuyện của xứ mình chứ đừng để người ta tưởng câu chuyện diễn ra trên đất nước khác. Ở lĩnh vực phim truyền hình, "Người phán xử" và "Sống chung với mẹ chồng" đã thể hiện xuất sắc yêu cầu này. Chẳng ai nghĩ đó là câu chuyện giang hồ ở đất nước Israel xa xôi hay chuyện mẹ chồng nàng dâu bên Trung Quốc. Phiên bản Việt thì nhân vật phải có tính cách, lối sống, cách ứng xử... phải thuần Việt. Không nên hiểu Việt hóa phim nước ngoài chỉ quẩn quanh việc thay tên Việt, bối cảnh Việt, câu thoại Việt... là coi như xong.
Phim "Yêu đi, đừng sợ" làm lại từ bộ phim "Spellbound" (Hàn Quốc). |
Đảm nhiệm viết lại kịch bản "Ngựa hoang" (remake phim "Sunny"), nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân thừa nhận khâu biên kịch cho phim remake khá nhàn nhã. Với kịch bản tự viết, nhà biên kịch phải vò đầu bứt tóc, đầu tư thời gian, công sức để khai phá và tạo nên tác phẩm. Riêng phim remake, ông chỉ việc dựa vào đường dây của người ta, nhân vật của người ta để thêm mắm dặm muối cho phù hợp với văn hóa trong nước. Tuy nhiên, muốn có bộ phim hay, ông phải cố gắng phát huy được cái hay của người ta, nếu không được thì ráng gìn giữ nó và phát huy cái hay riêng của mình.
Khó khăn lớn nhất gây áp lực cho các đạo diễn chính là cái bóng quá lớn của bản gốc. Có đạo diễn cố bám theo sát và gần như bê nguyên xi từng góc máy. Cũng có đạo diễn cố né, tránh càng xa nguyên tác càng tốt, quan trọng vẫn giữ nguyên cốt truyện. Còn tình tiết, nhân vật họ có thể tha hồ biến tấu để tạo dấu ấn riêng. Song nếu bám sát bản gốc như "Sắc đẹp ngàn cân" thì lại bị chê là thiếu sáng tạo, là phiên bản bắt chước.
Còn nếu sáng tạo, thêm thắt nhiều thì lại bị la ó là không giữ được tinh thần nguyên tác. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng đây chính là sai lầm phổ biến của người làm phim remake. Đáng lẽ họ không nên đặt nặng việc so sánh với phiên bản gốc mà phải đặt nặng vào việc "làm sao để làm một bộ phim hay?". Hãy coi nó như tác phẩm hoàn toàn độc lập và không cần quan tâm đến việc nó giống hay khác với phiên bản gốc.
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 chấp nhận phim remake cũng gián tiếp xác nhận một sự thật đáng buồn: Sự yếu kém của những bộ phim thuần Việt. Trong đó, rõ rệt nhất là khâu kịch bản. Hiếm hoi lắm chúng ta mới có phim thuần Việt ăn khách. Và kịch bản phim thuần Việt cũng chủ yếu chuyển thể từ tác phẩm sân khấu, tác phẩm văn học vì nguồn kịch bản hay vô cùng khan hiếm.
Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân thú thật dù học hỏi được nhiều điều thú vị khi tham gia các dự án remake nhưng đôi lúc ông không khỏi tự ái, tủi thân khi nhà nhà, người người chạy theo kịch bản ngoại. Phim remake nhiều đồng nghĩa với đơn đặt hàng cho nhà biên kịch bị giảm sút trầm trọng. Họ chỉ được thuê để sửa chữa, chăm chút lại cho kịch bản ngoại, bám víu vào những cái có sẵn, chứ không phải là sáng tạo một tác phẩm riêng mình.
Đồng ý rằng phim remake được mở đường sẽ mang đến làn gió mới mẻ, góp thêm sự lựa chọn phong phú cho công chúng. Nhưng trước thực trạng phim remake chiếm thế thượng phong so với phim thuần Việt, nhiều người không khỏi lo âu trước viễn cảnh nền điện ảnh nước nhà nổi lên với các phim "vay mượn".