Rap và Nghị quyết

Thứ Ba, 09/02/2021, 08:39
Trên sân khấu ca nhạc, giải trí, Rap đã trở thành một điểm nhấn, một trào lưu lớn, thậm chí thoát ra khỏi cái vỏ bọc ẩn lưu (underground) để trở thành chủ lưu (mainstream).


Năm Tý qua đi với khá nhiều khó khăn, song nhờ giữ được an toàn dịch bệnh COVID - 19 nên có khá nhiều sự kiện văn hoá, nghệ thuật, giải trí đình đám vẫn được diễn ra khá sôi nổi. Việc các sân cỏ Việt Nam trở lại với khán giả đông đảo cũng đủ khiến bè bạn quốc tế bày tỏ sự thú vị xen lẫn cả sự thèm muốn. Trong khi đó, trên sân khấu ca nhạc, giải trí, Rap đã trở thành một điểm nhấn, một trào lưu lớn, thậm chí thoát ra khỏi cái vỏ bọc ẩn lưu (underground) để trở thành chủ lưu (mainstream).

Phải thừa nhận, sự nổi lên của rapper Đen vâu và những bản rap dễ gần với đời sống đã được cộng hưởng thêm bởi hai chương trình truyền hình Rap Việt và King Of Rap để giúp nhạc rap trở nên mạnh mẽ như vậy. Nhà nhà nghe rap. Người người nói về rap. Các nhãn hàng đổ xô vào rap. Nó khiến rất nhiều người trong số chúng ta ngỡ rằng rap bây giờ mới là trào lưu mạnh nhất, độc tôn trên thị trường.

Nhắc đến câu chuyện của năm, câu chuyện về rap, chúng ta rất cần một tĩnh lặng thực sự để suy ngẫm về gương mặt văn hoá đại chúng Việt Nam hôm nay, một gương mặt được xây dựng bởi những người trẻ yêu thích tinh thần tự do, khám phá. Nhưng những đứa trẻ thì vẫn là những đứa trẻ. Rồi sẽ có lúc chúng phải trưởng thành. Nhưng nếu những người đi trước không có những khơi gợi, sự trưởng thành đến muộn nhiều khi có thể gây ra hệ luỵ không nhỏ chút nào.

Trong năm 2020, có một sự kiện văn hoá ít ai nhắc tới, nhưng thực tế nó có tầm quan trọng mang tính chiến lược và lâu dài. Đó chính là kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam thể hiện qua Công văn số 12302 - CV/VPTW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong 8 nội dung mà kết luận đưa ra, có một nội dung vô cùng nổi bật là: "Tăng cường bảo hộ quyền tác giả, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hoá".

Bảo hộ quyền tác giả là câu chuyện không mới. Nó được nhắc lại là bởi chúng ta đã tham gia hai hiệp định EVFTA và EVIPA với EU, với nhiều quy ước nghiêm ngặt về sở hữu trí tuệ. Phát triển công nghiệp văn hoá là nhiệm vụ không mới nhưng ở thời điểm này, nó lại cấp thiết hơn bao giờ hết, khi rõ ràng đang có một thế hệ trẻ (như thế hệ Rap) đang vì hào hứng với cái mới, cái hay của thế giới mà dễ sa chân vào vong bản.

Hãy nhìn nhận thật kỹ xem, Việt Nam chúng ta có gì để so sánh với thế giới? Thứ duy nhất có thể giúp chúng ta dõng dạc tồn tại trong thế giới này chính là bản sắc, là căn cước dân tộc, thể hiện qua những đường nét, di sản văn hoá của dân gian, từ dân gian bền vững và đậm đà.

Chính cái đường nét, bản sắc, căn cước tính này mới là thứ “công nghệ nguồn” để tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hoá có sức hút với thế giới một cách bền bỉ và từ đó nuôi dưỡng một thị trường văn hoá lành mạnh.

Thứ thu hút bè bạn quốc tế chính là “cái của chúng ta, thuộc về chúng ta nhất”. Và không phải thế hệ trẻ không có những người còn giữ được hồn phách Việt trong các tác phẩm của mình. Ví như Sơn Tùng M-TP hay Jack chẳng hạn. Nhạc của họ nghe rất mới, nghe gần gũi thị hiếu đại chúng nước ngoài lắm nhưng nó khác rap Việt Nam ở chỗ giai điệu của họ còn phảng phất cái chất chèo (Sơn Tùng M-TP) và ngũ cung Nam (Jack). Cũng chính vì cái chất Việt Nam này mà những tên tuổi lớn của làng giải trí thế giới để ý tới họ, muốn hợp tác cùng họ.

Từ Rap tới nghị quyết, nghe có vẻ xa vời nhưng nó quá gần với thực tế hôm nay. Đó là một thực tế mà mỗi người tham gia vào hoạt động văn hoá cần ý thức được rõ ràng rằng giữ hồn phách Việt là nhiệm vụ cao cả nhất.

Văn Đoàn
.
.