Ranh giới nào giữa cái đẹp và sự phản cảm

Chủ Nhật, 05/06/2016, 10:00
Câu chuyện chụp ảnh khỏa thân, ăn mặc thế nào là phản cảm, thế nào là chuẩn mực dường như chưa bao giờ có hồi kết. Lâu nay, quá nhiều nghệ sĩ lên sân khấu mà mặc như không mặc, thậm chí có cảm giác như đồ bơi, đồ tắm đang đổ bộ lên sân khấu...


Phải chăng “kiềng canh nóng thổi cả rau nguội”!

Mai Quỳnh Nga 

Thông tư 01/2016 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 79 về nghệ thuật biểu diễn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành có hiệu lực từ ngày 15-5 mới đây đã vấp phải tranh cãi gay gắt của dư luận. Nguyên do là trong Điều 3 của Thông tư quy định các hành vi người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được thực hiện gồm có: Chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông.

Câu chuyện chụp ảnh khỏa thân, ăn mặc thế nào là phản cảm, thế nào là chuẩn mực dường như chưa bao giờ có hồi kết. Lâu nay, quá nhiều nghệ sĩ lên sân khấu mà mặc như không mặc, thậm chí có cảm giác như đồ bơi, đồ tắm đang đổ bộ lên sân khấu.

Một bức ảnh khỏa thân của nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định.

Thiên hạ từng một phen nháo nhào khi Minh Hằng vô tư mặc quần ren phô bày gần như nguyên phần dưới cơ thể trong một chương trình ca nhạc từ thiện. Mới đây cô ca sĩ Hà Linh bị ném đá vì ăn mặc hở hang, quần áo ngắn cũn cỡn nhưng lại hát nhạc Trịnh Công Sơn trong đêm nhạc “Lửa cố đô”.

Với định hình phong cách sexy bấy lâu nay, váy áo này với Hà Linh là chuyện bình thường và càng bình thường trong một đêm nhạc rock như “Lửa cố đô”. Nó chỉ bị phản ứng khi cô ngẫu hứng hát nhạc Trịnh để chiều lòng khán giả.

Các người đẹp như Hà Anh, Hoàng Yến, Thu Minh, Hương Tràm… cũng đã từng bị xử phạt vì ăn mặc hở hang, phản cảm. Nhiều ca sĩ trẻ cứ tưởng bước chân vào showbiz là không ngại hở và cởi, nên mới sinh ra các hiện tượng Elly Trần, Ngọc Trinh, Bà Tưng… Thậm chí biết da thịt dễ… thu hút, một siêu thị điện máy ở Hà Nội còn cho nhân viên nữ mặc bikini để tiếp khách.

Chuyện chụp ảnh khỏa thân cũng không ngoại lệ. Người ta cũng quy nó vào diện phô bày thân thể không khác gì người nổi tiếng lên sân khấu mà ăn mặc hở hang. Đã có rất nhiều bộ ảnh khiến nhà quản lý nhức đầu như “Nude vì môi trường”, “Nude để thiền”, “Nude vì biển”, “Nude bên ngựa”… tràn lan của những người đẹp đang nổi và muốn nổi.

Tất nhiên, ảnh khỏa thân không phải bức nào cũng nhìn vào là chỉ thấy cơ thể uốn éo, phô bày phần nhạy cảm mà không cảm nhận được thông điệp của cái đẹp và rung động. Có nhiều tác phẩm của nhiếp ảnh gia Thái Phiên, Dương Quốc Định… đã trở thành tuyệt tác, được giới chuyên môn lẫn công chúng trong và ngoài nước đánh giá cao.

Chung quy của vấn đề nằm ở cụm từ quen thuộc mà mơ hồ: “thuần phong mỹ tục”. Có người định nghĩa rằng: Thuần phong mỹ tục là phong tục tốt đẹp và lành mạnh, là những quy chuẩn xã hội của một dân tộc được hình thành theo thời gian, từ lối sống của dân tộc đó mà ra. Gìn giữ thuần phong mỹ tục là không phải khư khư giữ cái xưa cũ mà là bảo vệ cái chân – thiện – mỹ từ những phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc đó. Nghe qua, đã thấy lớp nghĩa của cụm từ này rất rộng.

Cụm từ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục quá mơ hồ, trừu tượng với người cầm roi và cả người vi phạm. Khi xử lý vụ nhân viên siêu thị điện máy mặc bikini, chính lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thừa nhận rằng rất khó khăn vì không có tiêu chí cụ thể để dựa vào dù thấy vi phạm rành rành.

Trong khi đó, nếu “ngứa mắt” trước cách ăn mặc của nghệ sĩ, người đẹp nào, thiên hạ lại nhân danh thuần phong mỹ tục để lên án và nhao nhao đòi xử phạt mà không chỉ ra được họ vi phạm ra sao. Người quản lý muốn có căn cứ cụ thể để xử phạt nên mới đưa ra quy định cấm cản như vậy, họ cũng chỉ mong giới nghệ sĩ bớt ồn ào chuyện ảnh trần truồng dung tục và ăn mặc nhức mắt khiến công chúng la ó, ảnh hưởng tiêu cực đến lớp trẻ.

Trong xã hội mà truyền thông và internet phát triển mạnh như hiện nay, mọi hình ảnh của cá nhân đều được lan truyền nhanh chóng và gây ra hiệu ứng với tốc độ ánh sáng. Tình cảnh “nước sôi lửa bỏng” như vậy nên dễ hiểu vì sao người xây dựng Thông tư đưa ra quy định cấm như vậy. Nghĩa là giới nghệ thuật biểu diễn, người đẹp, người mẫu có danh hiệu đều bị “trảm” nếu chụp ảnh khỏa thân, mặc kệ ảnh khỏa thân ấy là nghệ thuật hay khiêu dâm. Vô tình, nó ít nhiều gây khó dễ cho cả những sáng tạo đáng được phát triển. 

Bà Nguyễn Thế Thanh, Phó Chủ tịch Hội Người mẫu Việt Nam:Nghệ sĩ có văn hóa không ai ăn mặc hay chụp ảnh phản cảm

Quỳnh Nga (ghi) 

Hội viên Hội Người mẫu Việt Nam có ảnh dung tục, ăn mặc phản cảm thì chúng tôi đều góp ý, chấn chỉnh theo điều lệ của hội. Khổ nỗi cảm nhận về cái đẹp rất cảm tính. Có người mặc hở gần hết ngực nhưng vẫn thấy đẹp, có người hở một tí thôi thì đã thấy phản cảm rồi.

Vì cảm tính nên nhiều nghệ sĩ bị phạt không phục, họ cho rằng mình ăn mặc như thế là đẹp. Do đó cơ quan quản lý mới phải quy định váy dài bao nhiêu, cổ hở bao nhiêu ... Nếu không quy định cụ thể mà lại giao trách nhiệm thẩm định cho cơ quan quản lý địa phương thì họ rất lúng túng. Nhưng quy định này lại bị xã hội và người trong giới cho là cứng nhắc, thiếu hợp lý nên đành phải bỏ.

Có người mặc áo sát nách đẹp vì họ có bờ vai, cánh tay đẹp. Chỉ có điều nếu dự sự kiện trang trọng mà mặc áo sát nách thì không hợp. Cái gì không hợp hoàn cảnh thì đều phản cảm. Đi đến đám tang thì không thể mặc áo hở hang hay lòe loẹt. Đó là quy định bất thành văn. Bên cạnh luật pháp còn có đạo lý, thẩm mỹ và phông văn hóa nữa. Cho nên cần tăng cường giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho họ hơn là chăm chăm lấy luật ra răn đe.

Vì có nền tảng giáo dục tốt, nhận thức cao thì luật pháp chỉ là công cụ điều chỉnh thêm vào. Là một nghệ sĩ thật sự có văn hóa, có ý thức thì người ta biết lựa chọn trang phục nào phù hợp. Tôi cũng cho rằng vùng cơ thể nào chỉ nên để lộ khi xuất hiện trong phòng ngủ, phòng tắm, không nên xuất hiện nơi công cộng thì đó là một trong những căn cứ để đánh giá phản cảm hay không.

Khỏa thân là quyền tự do của mỗi người, không ai có quyền cấm nhưng nếu hiện tượng này không có quy định rõ ràng thì sẽ ảnh hưởng tới cộng đồng. Đâu phải lúc nào người ta cũng chuẩn bị tinh thần xem hình trần truồng. Chụp như thế nào để được coi là nghệ thuật mà không lẫn lộn với ảnh khiêu dâm thì đó là thách đố với người sáng tạo, người thưởng lãm và cả người thẩm định. Khi đưa ra quy định cấm nghệ sĩ biểu diễn, người mẫu, hoa hậu chụp ảnh khỏa thân thì cơ quan quản lý nên biết rằng mình dựa cơ sở nào để cấm.

Vấn đề nằm ở chỗ khỏa thân là một chủ đề nhạy cảm, không thể tùy tiện trưng bày, phổ biến. Nhiếp ảnh gia nào cũng mong muốn tác phẩm của mình được thưởng thức. Vậy thì nó nên được công bố ở đâu, công bố như thế nào…? Tất cả đều phải quy định chặt chẽ. Không phải anh được quyền chụp ảnh khỏa thân rồi anh ra công viên, bến tàu, sảnh khách sạn để trưng bày tùy ý.

Kế đó mới đến chuyện: đâu là bức ảnh xuất hiện nơi công cộng mà không gây phản cảm? Tại sao không để các nhà lý luận, văn hóa, nhà sáng tạo ngồi lại với nhau, tổ chức hội thảo bàn về vẻ đẹp cơ thể để đưa ra chuẩn mực nhất định chứ không phải là cấm chụp khỏa thân. Cả phong cách, trang phục của người nổi tiếng cũng cần được đưa ra bàn luận, định hướng để tránh trường hợp nghệ sĩ mặc phản cảm. Giáo dục về cái đẹp là rất cần thiết để người ta cảm được cái đẹp.

Với ảnh khỏa thân phi nghệ thuật thì cần dùng công luận, đạo đức để công kích, tẩy chay. Kẻ bất tài chọn khỏa thân, ăn mặc phản cảm để nổi tiếng thì các đơn vị không nên mời cô ta làm MC, diễn viên, người mẫu… Nếu công chúng không thèm quan tâm thì làm sao cô ta gây ồn ào và nổi lên.

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng:Giáo dục là nền tảng để công chúng và nghệ sĩ nhận thức cái đẹp

Nguyễn Trang (ghi)

Tôi nhớ trước đây cơ quan quản lý từng có quy định về việc mặc áo cổ rộng. Cụ thể, cổ được khoét sâu tới đâu và bao nhiêu centimet… Bây giờ, Thông tư 01 cấm người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu chụp ảnh khỏa thân hoặc ăn mặc phản cảm. Theo tôi, quy định cấm này e rằng không đi tới đâu như những quy định trước.

Vì đã chỉ rõ váy ngắn dài, cổ rộng hẹp như vậy nhưng người thì chân ngắn chân dài, người thì ngực cao ngực thấp nên với người này là phản cảm, người kia không. Nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố như ngôn ngữ cơ thể hay phong thái người mặc. Có người mặc rất kín nhưng nhìn họ rất dung tục, thô thiển. Hay như các bức tượng, tranh vẽ cổ điển phương Tây chủ yếu là nude nhưng đó lại là tuyệt tác. Vấn đề này phải dựa trên nền văn hóa, yếu tố giáo dục, phong tục tập quán, ngữ cảnh...

Quy định cấm khoanh vùng đối tượng là người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, người mẫu và người đẹp có danh hiệu vì họ là người của công chúng. Cơ quan quản lý cho rằng họ mà chụp ảnh khỏa thân, ăn mặc hở hang thì công chúng sẽ bắt chước.

Tôi không cổ súy cho nghệ sĩ lên sân khấu mặc phản cảm. Nếu họ mặc sai thì bị cả xã hội lên án và phê phán. Công chúng và truyền thông có sức mạnh riêng trong việc định hướng thẩm mỹ cho nghệ sĩ. Cách đây hơn 10 năm, Tạp chí Mốt Việt Nam hàng năm đều có bình chọn giải thưởng về phong cách ăn mặc của giới văn nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật.

Hầu như nghệ sĩ nào “bị” nhận giải trang phục biểu diễn phản cảm, tuy không vui và đôi khi có phản ứng với kết quả bình chọn nhưng ngay sau đó đều thay đổi phong cách, xây dựng hình ảnh lịch lãm. Tôi cho rằng người nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm xây dựng hình ảnh của mình không chỉ qua tài năng, phong thái mà còn qua trang phục. Họ phải cân nhắc chủ đề của sự kiện là gì, đối tượng là ai, tiết mục ra sao để trang phục được đẹp và phù hợp.

Ví dụ như ca sĩ ăn mặc hở hang mà hát nhạc Trịnh là không chấp nhận được. Hay kiểu mặc áo dài phá cách như cột xéo hai tà lại, hoặc tóc nhuộm xanh đỏ mà mặc áo dài nền nã thì không hợp.

Trong thời đại hội nhập, thế giới phẳng này, chúng ta cần phải giữ gìn nền văn hóa và phong tục tập quán của mình để tạo nên bản sắc riêng. Những quy định cấm đoán không thuyết phục thì rất khó thực thi. Những hiện tượng phản cảm xảy ra trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói riêng hiện nay một phần cũng là hệ quả của quá trình giáo dục. Để đến khi không giải quyết được thì cấm. Mà liệu có cấm được hay không? Theo tôi, thay vì cấm (tức là trị phần ngọn) thì ta nên định hướng, giáo dục thẩm mỹ cho nghệ sĩ và cả công chúng bằng những buổi chuyên đề hay diễn đàn trên các phương tiện truyền thông.

Điều quan trọng không thể thiếu trong chương trình chính quy hay các khóa đào tạo nghệ sĩ chuyên nghiệp các môn học về Đạo đức Nghề nghiệp, Mỹ học, Cơ sở Văn hóa Việt Nam sẽ là nền tảng để nghệ sĩ phấn đấu đạt được cái Tâm và Tài trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của mình, giữ mãi được hình ảnh đẹp và lòng mến mộ trong lòng công chúng.

Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định:Ranh giới giữa ảnh nude nghệ thuật và ảnh dung tục không hề mong manh

Phan Thi Uyên (ghi)

Người ta nói ranh giới giữa ảnh nude nghệ thuật và ảnh dung tục rất mong manh. Theo tôi là chưa thỏa đáng. Vì nếu hiểu biết về thể loại này thì phân biệt không khó. Tiếc thay, rất ít người được đào tạo hoặc đủ tầm để chụp và hiểu. Họ cứ cầm cái máy, chụp được một bức đèm đẹp rồi ngộ nhận đó là nghệ thuật. Tôi hỏi nghệ thuật ở chỗ nào thì họ không cắt nghĩa được.

Ở trường hợp này, đó là tấm hình của cái máy chứ không phải của ý thức. Họ chụp cái mình nhìn thấy chứ không phải cái mình cảm thấy. Họ a dua, mà a dua theo ảnh nude thì càng tai hại. Vì nude là thể loại cực kỳ khó của nhiếp ảnh. Nhiều người nghĩ rằng cứ không có quần áo là nude nghệ thuật. Thành ra đầy ảnh dung tục. Dễ hiểu tại sao ở Việt Nam, số nhiếp ảnh gia chụp ảnh nude được công nhận đếm trên bàn tay còn chưa đủ.

Sai lầm khi chụp ảnh nude thứ nhất xuất phát từ quan niệm lệch lạc của người chụp và cả người làm mẫu. Tôi chưa bao giờ chụp nude một cách cẩu thả khi chưa phỏng vấn người làm mẫu. Tôi phải hiểu cô ấy chụp vì mục đích gì? Thứ hai là phải quan sát tâm lý và kiểm tra hiểu biết của cô ấy về thể loại này. Nếu cô đủ tiêu chuẩn về mặt hình thể nhưng chưa hiểu hết giá trị của nude và việc tôi làm, tôi không chụp.

Cho nên, hơn 10 năm cầm máy, tôi chỉ chụp đúng 10 người. Một năm, tôi tuyển lựa hàng trăm cô gái nhưng rất ít cô đáp ứng được điều kiện trên. Đa phần các cô nghĩ mình có thân thể đẹp thì cứ phô bày ra là đẹp để câu khách, mau nổi tiếng. Thậm chí, hình càng bậy, càng khoe nhiều thì càng nổi tiếng. Đó là quan niệm sai lầm dễ dãi làm ảnh hưởng đến hai chữ nude art (khỏa thân nghệ thuật).

Người chụp sai ở chỗ bạn không cần biết người mẫu là ai, bạn chỉ chụp vì tiền. Thứ ba, có bao giờ bạn tự hỏi mình hiểu gì về cơ thể phụ nữ chưa? Bạn nhìn thân thể cô gái bằng đôi mắt chiêm ngưỡng cái đẹp hay đôi mắt cú vọ? Hiểu nhau nên những cô gái khỏa thân trước mặt tôi không ngại ngùng. Cô ấy hiểu được việc mình làm và rất tôn trọng bản thân lẫn những người đang chụp mình. Vậy thì cô ấy sẽ thoát ra khỏi sự dung tục ngay từ trong ý thức và biểu cảm trên gương mặt mới thoát tục.

Ảnh của tôi thường không giấu mặt vì nó lột tả nội tâm của nhân vật chứ không đơn thuần chỉ là vẻ đẹp thân thể. Một tác phẩm nghệ thuật phải được nuôi dưỡng từ trong ý thức. Sau đó tác giả mới chọn người mẫu để đặt vào nhân vật đã có sẵn trong tác phẩm.

Tôi thấy Thông tư 01 bất ổn hoàn toàn từ cách đặt vấn đề. Thông tư quy định người đẹp, người mẫu có danh hiệu… không được chụp ảnh khỏa thân thì khác nào gián tiếp quy ảnh nude vào vòng cấm. Trong khi đây là một loại hình nghệ thuật được quốc tế công nhận, được Hội Nhiếp ảnh Việt Nam đánh giá cao và trao giải cho tác giả có tác phẩm xuất sắc.

Thông tư này cấm người đẹp, hoa hậu chụp nude thì những tấm ảnh nude đoạt giải của tôi đều phạm luật vì trong số bức hình đó có người mẫu và hoa hậu tên tuổi? Thông tư có hiệu lực thì từ nay tôi nên bỏ máy vì đâu còn cơ hội làm nghề nữa. Không lẽ khi chụp phải từ chối những cô nổi tiếng và có danh hiệu? Bất công và “hớ hênh” của Thông tư là ở chỗ đó, nếu cấm thì cấm hết, sao chỉ cấm người mẫu, hoa hậu, nghệ sĩ biểu diễn, còn người thường thì chụp vô tư?

Và nếu chưa nổi tiếng, các cô người mẫu, người đẹp tha hồ chụp nude để nổi tiếng, chỉ khi nào nổi tiếng rồi thì không chụp nữa. Chụp hình nude còn là quyền tự do của mỗi con người. Trước những tấm hình dung tục, phản cảm, ta có luật dân sự để xử lý, quy vào tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy... chứ cần gì ra Thông tư để quy ảnh nude nghệ thuật và ảnh dung tục vào một rọ.

Giá như ngày trước chúng ta cởi mở với ảnh nude thì không có hệ lụy như bây giờ. Cơ quan quản lý cứ dùng dằng, cấm thì không hẳn nhưng cũng không khuyến khích. Mà buổi giao thời này, các giá trị rất dễ lẫn lộn. Đừng trách người dân không hiểu biết vì họ không có cái chuẩn mực để thưởng lãm và làm đối trọng so sánh. Muốn thấy cái xấu thì phải chứng minh được cái đẹp. Chúng ta phải có triển lãm nude dưới sự định hướng của giới chuyên môn.

Thuần phong mỹ tục tồn tại trong ý thức mỗi người để điều chỉnh hành vi nhưng không có nghĩa là chúng ta rập khuôn máy móc, nếu vậy thì còn gì là tiến bộ nữa, nhất là trong thời kỳ hội nhập này. Không lẽ giờ ra đường phải ăn mặc kín cổng cao tường như phụ nữ xưa hay thiếu nữ phải ở khuê phòng?

Người ta cho rằng thuần phong mỹ tục là cái gì trừu tượng, nhưng thử xem ảnh nude. Với ảnh nude của tôi, người xem vẫn thấy tinh thần phương Đông đậm nét trong thể loại nhiếp ảnh vốn của phương Tây này. Nude phương Tây có thể chụp trực diện bộ phận sinh dục và coi đó là bình thường nhưng chúng ta thì bảo phản cảm.

Đơn giản nó không thuộc văn hóa phương Đông vốn kín đáo, huyền bí. Nude phương Tây thường đề cao cảm xúc thực dụng, trực diện còn nude phương Đông lại đi sâu khai thác nội tâm trong thần sắc, hình thể e ấp, kín đáo tế nhị. Nhiều tấm hình dung tục hiện nay cũng có thể do họ nhái theo phương Tây một cách thiếu chọn lọc mà không hiểu rằng mình là người phương Đông, mình có những chuẩn mực nhất định. 

PV
.
.