Quyền tác nghiệp của nhà báo

Thứ Hai, 13/06/2016, 08:01
Nghề báo là nghề lao động đặc thù, vất vả và đầy rủi ro. Lao động báo chí đòi hỏi sự dũng cảm, xả thân của những người làm nghề. Chính vì thế, với không ít nhà báo, việc bị từ chối gặp mặt, không cung cấp thông tin họ đã từng “nếm trải”. Đặc biệt với những nhà báo tác nghiệp trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, các vấn đề tệ nạn xã hội thì việc bị gây khó dễ trong quá trình tác nghiệp càng không phải là chuyện hiếm...


Sự tôn trọng cần đến từ hai phía

Khánh Thảo

Vấn đề nhà báo cần được bảo vệ như thế nào khi tác nghiệp đang thu hút được sự quan tâm không chỉ của những người làm nghề bởi thời gian qua đã xảy ra tình trạng một số nhà báo bị các đối tượng xấu hành hung, ngăn cản khi đang thực hiện chức trách của mình. Những sự việc này không chỉ khiến công việc chuyên môn của nhà báo bị ảnh hưởng mà ở một vài trường hợp còn gây hậu quả tới phương tiện hành nghề cũng như sức khỏe của nhà báo.

Nghề báo là nghề lao động đặc thù, vất vả và đầy rủi ro. Lao động báo chí đòi hỏi sự dũng cảm, xả thân của những người làm nghề. Chính vì thế, với không ít nhà báo, việc bị từ chối gặp mặt, không cung cấp thông tin họ đã từng “nếm trải”. Đặc biệt với những nhà báo tác nghiệp trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, các vấn đề tệ nạn xã hội thì việc bị gây khó dễ trong quá trình tác nghiệp càng không phải là chuyện hiếm.

Chuyện cản trở, ngăn chặn nhà báo lấy thông tin cũng có muôn hình vạn trạng. Nơi thì từ chối không gặp, nơi thì cáo bận lần lữa, có những nơi yêu cầu có thêm những giấy tờ, thủ tục khác ngoài thẻ nhà báo như một cách kéo dài thời gian...

Hầu hết mọi người đều cho rằng, tổ chức hay cá nhân cản trở phóng viên tác nghiệp chủ yếu với mục đích bưng bít thông tin. Cá biệt có một số đối tượng khi phải chịu trách nhiệm chính về phạm vi chức trách của mình mới có hành vi tiêu cực, coi thường tính mạng, tài sản của nhà báo. Họ bất chấp quy định của pháp luật nhằm che đậy thông tin, cản trở phóng viên thực hiện công việc của mình. Và đôi khi, các nhà báo bị cản trở, hành hung khi tác nghiệp không hẳn bởi những người thiếu hiểu biết pháp luật mà ngay cả bởi những người rất am hiểu về pháp luật.

Cho đến thời điểm này, cơ chế bảo vệ nhà báo, phóng viên đã có trong Luật Báo chí hiện hành. Những quy định này đã khá rõ ràng: "Nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật". Bên cạnh đó, phía các cơ quan quản lý báo chí cũng khẳng định rằng, họ luôn ở bên cạnh các nhà báo nên các nhà báo hoàn toàn có thể yên tâm tác nghiệp với điều kiện là phải làm đúng.

Như đã nói ở trên, nghề báo luôn đòi hỏi các nhà báo chủ động, nhanh nhạy, linh hoạt mới có được những thông tin kịp thời và “độc quyền”. Chính vì vậy, các nhà báo khi đi tác nghiệp thường dựa vào kinh nghiệm, những mối quan hệ quen biết. Trong nhiều trường hợp, khi bị hành hung hoặc đe dọa hành hung, tùy từng sự việc cụ thể mà các nhà báo chọn cách tự giải quyết hay thông báo và tìm sự trợ giúp từ cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng.

Thống kê cho thấy, việc xử lý những người hành hung hay cản trở nhà báo tác nghiệp còn chưa tương xứng với những gì diễn ra trong thực tế. Các đối tượng có bị xử lý cũng chỉ dừng ở mức hình phạt dành cho hành vi cố ý gây thương tích. Lý do là phần lớn các trường hợp cản trở nhà báo tác nghiệp đều nhằm ngăn chặn nhà báo thu thập hoặc công bố thông tin chứ không phải nhằm gây thương tích và gây thiệt hại tài sản của nhà báo.

Khách quan mà nói, trong một xã hội mà yêu cầu thông tin ngày càng minh bạch như hiện nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị đều đã bố trí bộ phận chuyên trách việc cung cấp thông tin cho báo chí. Việc tác nghiệp của nhà báo cũng vì thế mà thuận lợi, nhanh nhạy và đa chiều hơn.

Và cũng phải nói rằng, tâm lý "ngại", né tránh báo chí còn tồn tại ở một số cá nhân, một số đơn vị đôi khi còn bắt nguồn từ chính cách tác nghiệp phiền nhiễu của một số nhà báo trẻ. Chính vì thế, để báo chí luôn nhận được sự ủng hộ tích cực của các cơ quan chức năng, sự đồng tình của xã hội, hơn bao giờ hết, những người làm báo hãy thực hiện đúng những quy định nghề nghiệp của mình, đồng thời tôn trọng những quy định riêng có của mỗi đơn vị, cơ quan khi tác nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Quản lý Báo chí Trung ương (Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông): Trước tiên phải tác nghiệp đúng pháp luật

Thảo Duyên (thực hiện)

- Thưa ông, đứng ở góc độ cơ quan quản lý về báo chí, ông nghĩ gì về tình trạng một số nhà báo bị hành hung hoặc đe dọa hành hung trong quá trình tác nghiệp thời gian qua?

+ Tôi cho rằng pháp luật về báo chí đã quy định khung pháp lý để nhà báo hoạt động tác nghiệp cũng như chế tài xử lý hành vi cản trở tác nghiệp đúng pháp luật của nhà báo. Việc đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này không những ảnh hưởng trực tiếp đến nhà báo, cơ quan báo chí mà còn ảnh hưởng đến quyền được thông tin của người dân, xã hội, cần phải lên án và phải được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

- Quốc hội đã biểu quyết và thông qua Luật Báo chí với một số điều khoản mới. Theo ông hành lang pháp lý bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo hiện nay đã đầy đủ và vững chắc chưa?

+ Luật Báo chí năm 2016 bảo hộ quyền tác nghiệp của nhà báo rất mạnh mẽ, đã quy định cụ thể quyền cũng như nghĩa vụ nhà báo, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo, phóng viên; đồng thời cũng quy định chế tài xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về báo chí, trong đó có hành vi cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động đúng pháp luật.

Cũng phải nói thêm rằng, hành lang pháp lý bảo vệ tác nghiệp của nhà báo không chỉ riêng Luật Báo chí mà còn các quy định pháp luật có liên quan như: Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Hình sự 2015...  Như vậy có thể khẳng định rằng, về mặt pháp lý, quyền tác nghiệp của nhà báo đã được bảo vệ một cách đầy đủ và chắc chắn khi tác nghiệp đúng pháp luật.

- Để có được những tác phẩm báo chí mang lại những hiệu ứng xã hội lớn thì trước hết nhà báo phải yên tâm tác nghiệp, yên tâm mình được bảo vệ...Vậy bản thân nhà báo và cơ quan quản lý nhà nước cần có những biện pháp thiết thực gì đạt được điều này?

+ Đúng là để có tác phẩm báo chí hay, mang lại những hiệu ứng xã hội lớn thì ngoài tài năng, sự dấn thân của nhà báo, cũng cần phải có môi trường bảo vệ tác nghiệp tốt để các nhà báo yên tâm được bảo vệ. 

Trước hết, đối với nhà báo, muốn được bảo vệ thì điều kiện tiên quyết là phải hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Cơ quan báo chí cần tạo điều kiện để nhà báo được hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Xây dựng kế hoạch tác nghiệp của nhà báo, các phương án bảo vệ nhà báo trong quá trình tác nghiệp, đặc biệt khi tác nghiệp về những vấn đề, địa bàn có thể phát sinh xung đột nguy hiểm; liên hệ với các cơ quan chức năng có liên quan để xem xét bảo vệ nhà báo, xử lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở tác nghiệp của nhà báo.

Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về báo chí để nhà báo và người dân biết, hiểu và thực hiện; chỉ đạo Thanh tra ngành Thông tin và Truyền thông tăng cường trách nhiệm trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Đồng thời, Hội Nhà báo các cấp cần theo dõi, nắm tình hình các vụ cản trở tác nghiệp báo chí để yêu cầu, đề nghị cơ quan điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật các vụ xâm hại sức khỏe, tính mạng của nhà báo.

-  Thực tế cho thấy, hầu hết các nhà báo khi bị hành hung hoặc đe dọa hành hung trong quá trình tác nghiệp thường nhờ đồng nghiệp trợ giúp hơn là các cơ quan chức năng. Đó có phải biểu hiện của việc họ chưa thực sự tin tưởng vào sự bảo vệ của cơ quan chức năng?

+ Việc nhà báo nhờ ai hay cơ quan nào trợ giúp khi bị cản trở tác nghiệp cũng tùy thuộc vào từng vụ việc, từng hoàn cảnh cụ thể. Đối tượng cản trở tác nghiệp của nhà báo phần lớn là các cá nhân và theo quy định pháp luật thì vai trò trách nhiệm của các địa phương rất quan trọng, vì các hành vi vi phạm thuộc các cơ quan chức năng của địa phương trực tiếp giải quyết.

Thời gian qua, ngành Thông tin và Truyền thông xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở tác nghiệp của nhà báo không nhiều, theo tôi do một số nguyên nhân sau:

Khi có hành vi cản trở tác nghiệp báo chí, các nhà báo, cơ quan báo chí thường thông báo và đề nghị chính quyền địa phương và Công an địa phương vào cuộc giải quyết. Nhiều nhà báo chưa biết đến công cụ hành chính giải quyết vụ việc là Thanh tra ngành Thông tin và Truyền thông. Cũng có nhà báo cho rằng đội ngũ này còn mỏng, không có công cụ phụ trợ đắc lực, trong khi đó yêu cầu bảo vệ nhà báo cần ngay tức khắc.

Một số nhà báo khi bị cản trở tác nghiệp thì tự mình giải quyết hoặc nhờ đồng nghiệp giúp đỡ phần nhiều vì các hành vi cản trở này chưa thật sự nghiêm trọng. Ngoài ra, việc nhờ đồng nghiệp còn là mong muốn bảo vệ mình và cùng thu thập thông tin, chứng cứ để có thể thông tin trên báo chí và báo cho cơ quan chức năng.

- Xin cảm ơn ông!

(Luật sư Lê Văn Kiên (Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công lý, Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Cần có chế tài xử lý đối với những hành vi cản trở, né tránh báo chí

Tuấn Phong (thực hiện)

- Thưa luật sư Lê Văn Kiên, thời gian gần đây, có khá nhiều nhà báo bị hành hung hoặc bị đe dọa hành hung trong quá trình tác nghiệp... Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?

+ Tôi cho rằng, mặc dù quyền của phóng viên đã được quy định tại Luật Báo chí hiện hành, tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn chưa có một cơ chế thực thi một cách sâu rộng và mạnh mẽ để đảm bảo cho phóng viên tác nghiệp. Chưa kể, trong quá trình tác nghiệp của mình, phóng viên gặp phải nhiều rào cản là các quy định của địa phương, của ngành. Nhiều khi, nếu không có những quan hệ riêng thì phóng viên khó có thể tiếp cận được thông tin cần thiết.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền Luật Báo chí rất hạn chế. Không chỉ người dân mà ngay cả một số người thực thi pháp luật ở địa phương chưa hiểu rõ Luật Báo chí, chưa hiểu rõ quyền và phạm vi tác nghiệp của phóng viên nên đã không bảo vệ, hỗ trợ được cho họ.

Nghề báo không chỉ vất vả mà còn đòi hỏi ở người làm báo sự dũng cảm, bản lĩnh.

Bản thân nghề báo có tính nhạy cảm, va chạm và nguy hiểm. Nhiều người, nhiều cơ quan không muốn những tiêu cực, hạn chế của cơ quan hoặc cá nhân mình bị phanh phui nên có những hành vi trực tiếp hành hung hoặc thuê các đối tượng giang hồ hành hung, đe dọa phóng viên. Trong  một số trường hợp, thậm chí các đối tượng này còn trực tiếp hoặc thuê người khác hành hung phóng viên để trả thù.

- Ngày 5 - 4 vừa qua, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật Báo chí năm 2016, với góc độ nghề nghiệp của mình, ông có thấy quyền tác nghiệp của phóng viên được bảo vệ hơn không?

+ Tôi cho rằng, về quyền tác nghiệp của báo chí, Luật báo chí 2016 đã có quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.

Tuy nhiên, Luật Báo chí năm 2016 cũng chưa quy định rõ cơ chế xử lý đối với người hoặc cơ quan cố ý né tránh, cản trở hoặc không cung cấp thông tin cho báo chí. Các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Luật Báo chí cần quy định cơ chế xử lý cụ thể đối với các hành vi né tránh, cản trở báo chí.

- Ngoài thẻ nhà báo, một số cơ quan còn yêu cầu phóng viên khi đến tác nghiệp cần mang theo giấy giới thiệu của cơ quan...Có ý kiến cho rằng đó như là một "giấy phép con", ý kiến của ông về việc này như thế nào?

+ Theo Luật Báo chí thì hiện nay phóng viên tác nghiệp chỉ cần thẻ Nhà báo là có thể tác nghiệp được. Tuy nhiên, tôi thấy rằng để việc tác nghiệp được khách quan thì phóng viên nên có giấy giới thiệu của cơ quan nữa. Nó giống như điều tra viên hoặc luật sư chúng tôi khi làm việc ngoài thẻ Công an, luật sư cũng cần phải xuất trình thêm giấy giới thiệu của cơ quan mình.

Một số cơ quan có quy định riêng để phóng viên tác nghiệp tôi cho rằng có căn cứ và hợp lý. Các đơn vị, cá nhân khi đến liên hệ công tác cũng phải tôn trọng những quy định đó nếu nó không trái với các quy định của pháp luật. Ví dụ, phóng viên muốn vào tham dự để đưa tin về vụ án liên quan đến an ninh quốc gia dứt khoát phải được sự đồng ý của lãnh đạo tòa án hoặc chủ tọa phiên tòa.

- Vậy theo ông, làm thế nào để hạn chế được tình trạng phóng viên bị cản trở, hành hung trong quá trình tác nghiệp?

+ Tôi cho rằng, để bảo vệ mình, trước hết phóng viên phải tôn trọng đạo đức nghề nghiệp của chính mình. Khi bị đe dọa ngay lập tức phải báo cáo cơ quan chủ quản và Công an địa phương nơi mình làm việc hoặc cư trú. Khi có tình trạng phóng viên bị tấn công thì các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chủ quản của phóng viên, Cục Báo chí phải kiên quyết đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật đưa thủ phạm ra xử lý trước pháp luật, tránh tình trạng xử lý không triệt để như thực tế hiện nay.

Ngoài ra, phóng viên cũng phải tự trang bị cho mình một sức khỏe tốt để có thể tự bảo vệ mình trong tình huống xấu nhất bởi tình huống xảy ra đột xuất phải tự mình phòng vệ trước chứ không thể chờ đợi sự giúp đỡ của bên thứ 3.

- Xin cảm ơn ông!

Nhà báo Phạm Văn Trung, Phó trưởng Ban Phụ trách – Ban biên tập Chương trình đối ngoại (VTC10), Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC: Im lặng không phải là vàng

Theo Luật Báo chí (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua ngày 5/4 vừa qua, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của báo chí là “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”. Để giúp báo chí hoàn thành trọng trách này, bên cạnh năng lực, trình độ và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo, rất cần sự hợp tác cung cấp thông tin từ các cơ quan, đơn vị, địa phương…

Nhằm giúp báo chí thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định, ngày 4/5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí cũng như quy định về chế tài xử phạt nếu không cung cấp thông tin cho báo chí...

Trên thực tế, những cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, UBND TP Hà Nội cùng nhiều bộ, ngành, địa phương khác chính là một trong những hình thức chủ động cung cấp thông tin cho báo chí mà ở đó, hàng loạt vấn đề “nóng” đã được đặt ra và được giải đáp để thông tin đến công chúng một cách kịp thời, chính xác, đầy đủ.

Tuy nhiên, không phải ở đâu và lúc nào báo chí cũng được cung cấp thông tin kịp thời. Điều mà các phóng viên, nhà báo tác nghiệp hàng ngày vẫn phải đối mặt là thái độ né tránh, từ chối cung cấp thông tin từ phía các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan. Sự “im lặng” trước báo chí này đã và đang dẫn tới nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Trước hết, công chúng không được tiếp cận với những thông tin chính xác, kịp thời về một sự kiện, hiện tượng nào đó mà họ quan tâm hoặc ảnh hưởng tới quyền lợi của họ.

Trong nhiều trường hợp, sự “im lặng” của các cơ quan, đơn vị, địa phương đã kéo theo sự “im lặng” của hàng loạt cơ quan báo chí. Đây cũng chính là lúc báo chí buộc phải “nhường trận địa” cho các thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội. Trong những trường hợp như vậy, uy tín của cơ quan báo chí, niềm tin của công chúng với báo chí thường bị giảm sút rất mạnh.

Sự “im lặng” của các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí cũng đẩy các phóng viên, nhà báo vào tình trạng phải mò mẫm thông tin nhưng không thể kiểm chứng được mức độ xác tín của các thông tin này. Trong một số trường hợp, do áp lực của việc đưa tin, một số phóng viên, nhà báo đã đưa ra những thông tin không chính xác và chính họ lại phải đối mặt với những rủi ro về pháp lý. 

Với các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, giải pháp “im lặng” thường được lựa chọn như là một “giải pháp an toàn” nhằm “câu giờ” báo chí và tránh “vạ miệng”. Tuy nhiên, trong bối cảnh mạng xã hội đang phát triển rất mạnh như hiện nay, sự “im lặng” của các tổ chức, cá nhân liên quan trước một sự kiện, hiện tượng “nóng” nào đó chính là mảnh đất màu mỡ để các thông tin thiếu chính xác, thậm chí là bịa đặt, xuyên tạc về chính tổ chức, cá nhân đó bùng phát trên mạng. Trong trường hợp này, sự “im lặng” đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng truyền thông thực sự.

Trên thực tế, không phải các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí không lường trước được những hệ lụy nêu trên. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao những người được phân công phát ngôn cho báo chí thường lảng tránh hoặc rất khó tiếp cận? Nhiều ý kiến cho rằng, thứ nhất, có thể họ không tự tin, thiếu bản lĩnh hoặc không hiểu rõ vấn đề khi cung cấp thông tin cho báo chí. Thứ hai, có thể họ sợ nói sai ý lãnh đạo khi phát ngôn với báo chí và sẽ bị phê bình, xử lý.

Tuy nhiên, im lặng trước báo chí không phải là cách hành xử văn minh trong một xã hội hiện đại – nơi mà sự minh bạch thông tin đã trở thành một tất yếu. Và để phá vỡ sự im lặng này thì những hô hào về việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí là chưa đủ. Người làm báo vẫn cần có những chế tài cụ thể và khả thi để xử lý những hành vi né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn thực hiện nguyên tắc “im lặng là vàng” khi tiếp xúc với báo chí - mà về bản chất là hạn chế “quyền được thông tin” của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp. 

PV
.
.