Quy hoạch nghệ thuật biểu diễn: Để bay xa hơn

Thứ Ba, 27/05/2008, 10:15
"Chúng tôi đang xây dựng cơ chế làm việc hợp lý, để lúc nào anh em cũng có việc để làm. Diễn viên phải thường xuyên được tập luyện, nhận vai mới có thể giữ vững và nâng cao tay nghề. Mỗi vở diễn phải mang một cái lạ đến với công chúng" - NSƯT Trần Nhượng cho biết.

25 năm kể từ khi thành lập tới nay, Đoàn Kịch nói Công an nhân dân không chỉ được khán giả trong Lực lượng yêu mến mà còn là một trong những đoàn nghệ thuật có nhiều đóng góp cho sân khấu nước nhà. Vừa qua, đoàn có quyết định tách ra từ Đoàn Nghệ thuật Công an nhân dân để hoạt động độc lập. Nhân sự kiện này, VNCA đã có dịp trò chuyện với đạo diễn, NSƯT, Thượng tá Trần Nhượng - Trưởng đoàn Kịch nói CAND về những kế koạch sắp tới.

- Thưa đạo diễn, NSƯT Trần Nhượng, được biết, Đoàn Kịch nói CAND đã có quyết định "ra ở riêng". Thuận lợi thì đương nhiên rồi, vậy xin ông cho biết những khó khăn mà đoàn sẽ gặp phải khi hoạt động độc lập như hiện nay?

+ Chúng tôi gặp phải khó khăn mà lâu nay chưa giải quyết được đó là trụ sở chật chội. Mặc dù được tách ra độc lập nhưng nơi làm việc vẫn chung. Hai đoàn vẫn chỉ có một sân khấu tập luyện. Trang thiết bị thì cũ kỹ, lạc hậu, có những thứ vẫn dùng từ năm 1998. Bên cạnh đó, phải thừa nhận rằng, chúng tôi vẫn chưa thật sự nhanh nhạy trong nắm bắt thị hiếu khán giả, khâu tuyên truyền cho vở diễn chưa tốt.

- Đoàn Kịch nói CAND đã có những dự định gì khi hoạt động độc lập?

 + Chúng tôi có chủ trương mỗi năm, ít nhất sẽ dựng 3 vở, một vở theo đề tài chính thống, một vở xã hội hóa và một vở sân khấu thử nghiệm. Như vậy, về nhân sự cũng cần phải bổ sung. Hiện nay chúng tôi đang có 30 diễn viên, để đáp ứng công việc, thời gian tới, có thể tăng lên tới 45 người. Và sẽ chia làm hai đội: một đội chuyên dựng các vở chính thống, một đội chuyên dựng các vở xã hội hóa.

Một cảnh trong vở “Vòng xoáy” do Đoàn kịch CAND dàn dựng.

- Nhân ông nhắc tới xã hội hóa sân khấu, chúng tôi cho rằng đó là một chủ trương đúng trong việc thúc đẩy sân khấu phát triển. Nhưng ông có lo ngại khi thực tế hiện nay, việc xã hội hóa mới chỉ thực hiện được ở sân khấu phía Nam - nơi có một thị trường giải trí sôi  động. Còn với phía Bắc, sân khấu gần như vẫn "đóng băng"?

 + Đúng, sân khấu phía Bắc đang lâm vào một tình thế khó khăn nhưng chúng tôi tin rằng, từng bước, Đoàn Kịch nói CAND nói chung và các nhà hát, các đoàn sẽ vượt qua giai đoạn này. Riêng với Đoàn CAND, ngay từ năm 1985 - 1986, chúng tôi đã bắt tay vào làm những vở kịch mang tính xã hội hóa (tất nhiên, ngày đó chưa gọi là xã hội hoá như hiện nay).

Những vở diễn như "Tôi đi tìm tôi" của Sỹ Hanh, "Mảnh đời ngộ nhận" của Nguyễn Đình Chính, "Nốt nhạc cuối cùng" của Lê Chí Trung, "Ráng chiều" của Vũ Minh, sau này là chùm hài kịch "Vô tích sự".

Chúng tôi không dùng tiền ngân sách mà huy động từ bên ngoài, thậm chí vay mượn anh em trong đoàn để dựng. Những vở diễn ấy, bước đầu đã đạt được kết quả tốt, được khán giả yêu thích. Có giai đoạn cao điểm, anh em phải diễn 2 đến 3 suất mỗi ngày.

Năm 2007, chúng tôi mạnh dạn mời ê kíp làm việc phía Nam là tác giả Vương Huyền Cơ và đạo diễn Trần Ngọc Giàu dựng chùm kịch ngắn "Quỷ" với  mong muốn kéo phong cách kịch Sài Gòn gần với Hà Nội. Hay nói cách khác là tạo sự giao thoa giữa phong cách sân khấu giải trí và trí tuệ. Bước đầu sự thử nghiệm này đã nhận được những tín hiệu khả quan từ phía khán giả. Và chúng tôi sẽ tiếp tục đi theo hướng này.

- Vậy, ông có thể chia sẻ kế hoạch sắp tới của đoàn trong việc chinh phục đông đảo khán giả?

+ Tôi cho rằng để tuyên truyền tốt hình ảnh người chiến sĩ công an thì phải tập trung vào đối tượng khán giả là đông đảo công chúng. Chúng tôi đang lên danh sách kịch mục và phấn đấu mỗi năm, đoàn phải dựng được từ 4 đến 5 vở. Cùng với đó là xây dựng cơ chế làm việc hợp lý, lúc nào anh em cũng có việc để làm.

Diễn viên phải thường xuyên được tập luyện, nhận vai mới có thể giữ vững và nâng cao tay nghề. Mỗi vở diễn phải mang một cái lạ đến với công chúng. Để kéo khán giả tới rạp cần có một giá vé hợp lý. Về điều này, chúng tôi còn gặp khó khăn vì chưa có nhà hát riêng nên phải tốn một khoản không nhỏ thuê địa điểm. Nếu giải quyết được vấn đề địa điểm, giá vé sẽ giảm nhiều hơn.

Và, không còn cách nào khác là phải đi tổ chức khán giả, huy động các nguồn lực xã hội ủng hộ. Để làm tốt điều đó, chúng tôi cũng mong có được một quy chế mở, anh em sẽ phát huy được những uy tín vốn có của Đoàn Kịch nói CAND

Hương Duyên (thực hiện)
.
.