Quy định hạn chế sử dụng hình ảnh rượu bia trong phim: Có "làm khó" nghệ sĩ?

Thứ Bảy, 07/03/2020, 08:37
Không khó để bắt gặp hình ảnh uống rượu bia trong các bộ phim của Việt Nam (nếu không muốn nói, những hình ảnh ấy được các nhà làm phim sử dụng khá tràn lan). Tuy nhiên, điều này sẽ chấm dứt khi Nghị định 24 của Chính phủ vừa ra đời quy định hạn chế sử dụng hình ản


Nghị định số 24/2020 của Chính phủ quy định một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó quy định về việc hạn chế sử dụng hình ảnh rượu, bia trong điện ảnh, sân khấu và truyền hình. Nghị định có hiệu lực từ ngày 24 - 2- 2020.

Cụ thể, các diễn viên trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình không được thể hiện các hành vi bị nghiêm cấm như uống rượu bia và bán rượu bia. Nếu sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu bia cần phải đảm bảo yêu cầu riêng.

Trong các tác phẩm, không được ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh bia, rượu. Các trường hợp khắc họa nhân vật lịch sử, tái hiện giai đoạn lịch sử nhất định và phê phán hành vi uống rượu mới được phép sử dụng hình ảnh uống rượu, bia...

Những hình ảnh trên phim như này sẽ dần bị hạn chế khi Nghị định 24 của Chính phủ ra đời.

Ngoài ra, việc sử dụng hình ảnh uống rượu, bia nhằm mục đích nghệ thuật ngoài các trường hợp trên phải được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền trên cơ sở đề nghị của Hội đồng thẩm định phim theo quy định của Luật điện ảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật chấp thuận theo quy định. Mức độ xuất hiện cảnh diễn viên uống rượu, bia trong các trường hợp kể trên sẽ là một trong những tiêu chí phân loại để phổ biến phim theo lứa tuổi phù hợp, được lồng ghép trong tiêu chí phân loại phim theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch.

Như vậy, theo cách hiểu thông thường thì trong Nghị định 24 chỉ cho phép các đạo diễn được sử dụng trong trường hợp phê phán, lên án các hành vi uống rượu bia. Tuy nhiên lâu nay, hình ảnh uống rượu bia được các đạo diễn sử dụng khá thường xuyên với nhiều ý nghĩa khác nhau: khi muốn phản ánh khung cảnh đám cưới, bữa tiệc, cảnh nhậu nhẹt của các nhân vật giang hồ, nhân vật có những biểu hiện tâm lý tiêu cực: buồn chán, đau khổ...

Và thực tế, chúng ta cũng đã từng coi việc uống rượu bia trong một số hoàn cảnh đó là điều rất bình thường của đời sống. Ngoài ra, trên phim ảnh, các đạo diễn sử dụng những hình ảnh liên quan tới rượu bia là để bộc lộ tâm trạng của nhân vật, dẫn tới hành động nào đó. Ví dụ như muốn miêu tả tính cách nhân vật giang hồ, đạo diễn sẽ cho nhân vật đó ăn mặc bụi bặm, uống rượu như vã... Đó là những đặc trưng của một nhóm thành phần trong xã hội mà chỉ cần nhìn là khán giả hiểu ngay.

Sự ra đời của Nghị định đã tạo nên những luồng ý kiến trái chiều. Người đồng tình, người phản đối. Thiết nghĩ, đó cũng là điều dễ hiểu giống như khi bắt chúng ta phải thay đổi một thói quen nào đó đã thành nếp lâu nay. Việc này khiến nhiều người nhớ lại năm 2018, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Thông tư 25 quy định hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh.

Thông tư 25 từng khiến giới làm nghề không khỏi lo lắng, hoang mang. Nhưng từ đó đến nay, một điều chắc chắn là các đạo diễn ý thức hơn hẳn trong việc khi nào thì cần sử dụng hình ảnh hút thuốc lá. Dù chưa có thống kê chính thức nhưng rõ ràng, hình ảnh nhân vật hút thuốc lá trên sân khấu, trong các bộ phim giảm đi rõ rệt.

Và đáng mừng là điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng của phim. Thay vì cho nhân vật hút thuốc để thể hiện tâm trạng nào đó, đạo diễn có thêm vô vàn sáng tạo đối với nhân vật.

Có ý kiến cho rằng, các nước có nền điện ảnh phát triển không hề có quy định hạn chế cảnh uống rượu, hút thuốc. Hơn nữa, với các phim về đề tài xã hội, phản ánh những góc tối của đời sống sẽ rất khó cho đạo diễn nếu phải hạn chế những cảnh quay có hình ảnh bia, rượu. Hoặc, nếu cắt đi những cảnh đó có thể làm mất đi tuyến tính nhân vật, câu chuyện.

Trong khi, phim ảnh là phần xã hội thu nhỏ của đời sống thực nên những cảnh hút thuốc, uống rượu cũng là cần thiết giúp cho phim chân thực hơn. Có ý kiến cho rằng, không nên quy định chung chung thế mà cần đề xuất cụ thể, ví dụ như nên quy định không quá 5% cảnh quay có hình ảnh rượu chẳng hạn, hạn chế nhân vật chỉ được uống rượu bằng cốc nhỏ, không dùng cốc lớn, hạn chế về nồng độ cồn...

Lại có ý kiến lo ngại, quy định như vậy là quá chặt và phần nào hạn chế sự sáng tạo của những người làm nghệ thuật. Để hạn chế cảnh diễn viên uống rượu bia trong phim thì chỉ nên giới hạn độ tuổi hay thời lượng có các cảnh rượu bia...

Có thể nói, để giảm thiểu những tác hại của rượu bia đối với đời sống con người như tai nạn giao thông, bệnh tật... rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội trong đó không thể không kể đến lĩnh vực nghệ thuật. Nghệ thuật luôn có sức ảnh hưởng và lan tỏa rộng lớn trong đời sống xã hội.

Nhiều người hâm mộ sẵn sàng học theo phong cách hay bắt chước hành động thần tượng của mình. Chính vì vậy, nếu để hình ảnh uống rượu bia, hút thuốc xuất hiện tràn lan trên phim ảnh, sân khấu như lâu nay thì rất khó có thể hạn chế triệt để những quy định này ngoài cuộc sống. Liệu có ai nghĩ rằng, biết đâu ngoài đời có những cô bé cậu bé còn chưa đủ tuổi thành niên đã tưng bừng "chén chú chén anh" ở những buổi sinh nhật bởi vì các em thường xuyên bắt gặp những hình ảnh đó trên phim ảnh?

Lâu nay, cảnh quay có hình ảnh uống rượu bia thường xuyên xuất hiện trong phim Việt.

Chính vì vậy, hơn bao giờ hết nghệ thuật cần phải hướng con người đến một xã hội văn minh. Rõ ràng, nghị định 24 chỉ hạn chế chứ không cấm hoàn toàn các nhà làm phim sử dụng hình ảnh rượu bia. Để không ảnh hưởng đến phim thì rất cần sự ứng biến linh hoạt của đạo diễn.

Nhiều người thừa nhận rằng, rượu, bia là công cụ để đạo diễn làm nổi bật tính cách, hoàn cảnh câu chuyện. Nhưng nếu không trực tiếp sử dụng hình ảnh đó, đạo diễn có thể sáng tạo ra cách khác, một hoàn cảnh khác, vẫn truyền tải được thông điệp mà không vi phạm pháp luật. Với những nước có nền điện ảnh phát triển, mặc dù không có quy định cho việc sử dụng hình ảnh hút thuốc, uống rượu nhưng rõ ràng các đạo diễn không hề lạm dụng những chi tiết này. Điều đó cho thấy, điện ảnh hoàn toàn có khả năng chuyển tải thông điệp qua rất nhiều cách khác nhau.

Ngoài ra, việc cấm sử dụng hình ảnh rượu, bia trong phim cũng là cách hạn chế hành vi quảng cáo trá hình cho nhãn hiệu rượu bia nào đó. Lâu nay, khán giả không hiếm gặp cảnh quay nhân vật tiếp khách và trên bàn tiệc xuất hiện rất rõ nhãn mác của loại rượu, bia nào đó.

Nhiều nghệ sĩ cho rằng, Nghị định mới sẽ tạo thêm áp lực cho hội đồng duyệt vì sẽ phải vừa xem nội dung vừa lưu ý với các cảnh uống rượu bia, hút thuốc xem cảnh nào giữ, cảnh nào cắt. Vì vấn đề quan trọng là cảnh đó dài bao nhiêu, lặp lại bao nhiêu lần trong một bộ phim. Tuy nhiên, với nghệ thuật thuật khó có thể lượng hóa để quy trách nhiệm. Do đó vẫn rất phụ thuộc vào cách hiểu, cách nhìn nhận vào từng tác phẩm để đánh giá mức độ. Tức là phụ thuộc vào tầm của những người kiểm duyệt cần một sự không thiên kiến hay cảm tính. Chính vì vậy, với Nghị định mới, điều cần thiết là sự linh hoạt và tầm của hội đồng duyệt với từng bộ phim, từng phân cảnh cụ thể. Hội đồng duyệt có tầm, tất sẽ hiểu cảnh quay ấy cần thiết hay không và hình ảnh ấy nghệ thuật hay phản cảm?

Nghị định 24 có làm khó các nghệ sĩ hay không vẫn cần phải chờ thời gian trả lời. Tuy nhiên, để hướng tới một xã hội văn minh thì cần sự quyết tâm của mỗi cá nhân. Và suy cho cùng, điều đó phụ thuộc vào ý thức và tài năng của đạo diễn. Một đạo diễn có tài năng cộng với tinh thần, trách nhiệm xã hội cao hoàn toàn có thể cho ra đời những bộ phim hay mà ít cần thậm chí không cần tới những hình ảnh rượu bia.

Khánh Thảo
.
.