Qui trình mà biết "kính thưa"!

Thứ Năm, 20/10/2016, 12:57
Sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương như một luồng sinh khí mới thổi vào niềm tin của nhân dân khi mà chúng ta đang phải đương đầu với cuộc chiến chống tiêu cực tham nhũng đầy khó khăn phức tạp hiện nay. Tuy nhiên, sự hồi âm của các cấp có trách nhiệm lại không được như mong đợi...


Gần đây, có những vụ việc có dấu hiệu liên quan đến tiêu cực tham nhũng đã được Trung ương chỉ đạo khẩn trương xác minh làm rõ và có báo cáo kết quả. Từ việc Trịnh Xuân Thanh có nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh lại được đưa về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đến việc cán bộ trẻ ở Bộ Công thương một năm được 4 lần cất nhắc đề bạt; từ việc ở một tỉnh mà có tới 6,7 anh em người thân một gia đình được xếp vào yên vị ở những ghế quan trọng đến chuyện ở một huyện miền núi nghèo có tiếng lại có tới 4 anh em cọc chèo đều là quan huyện...

Sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương như một luồng sinh khí mới thổi vào niềm tin của nhân dân khi mà chúng ta đang phải đương đầu với cuộc chiến chống tiêu cực tham nhũng đầy khó khăn phức tạp hiện nay. Tuy nhiên, sự hồi âm của các cấp có trách nhiệm lại không được như mong đợi. Hầu như vụ việc nào yêu cầu làm rõ đều được báo cáo ban đầu là "đúng qui trình", điều đó cũng đồng nghĩa với việc không có biểu hiện gì về tiêu cực, tham nhũng!

Dư luận bất bình, vì thế mà vụ việc của Trịnh Xuân Thanh yêu cầu phải làm rõ hơn nữa, kết quả là cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án. Với vụ việc cán bộ trẻ một năm 4 lần được cất nhắc đề bạt, có người đã bức xúc nói toạc ra rằng: "Nói đúng qui trình thì thật là quá trơ trẽn!".

Nguồn ảnh Internet/

Tuy đã có những phản ứng quyết liệt như vậy nhưng xem ra cái bệnh đóng dấu "đúng qui trình" vào các vụ việc vẫn còn ở mức trầm kha. Phải tiếp tục đấu tranh, kiên quyết xóa bỏ hiện tượng này, không thể để cho một cấp nào, một ai đó sử dụng mấy chữ "đúng qui trình" làm bình phong che giấu những hành vi tiêu cực.

Thực ra đây là một biểu hiện của sự cố tình hiểu sai cụm từ "đúng qui trình", tệ hơn nữa là lấy đó để ngụy biện cho những biểu hiện tiêu cực tham nhũng. Ai cũng hiểu qui trình là những qui định về trình tự một công việc cần phải tiến hành.

Qui trình là do chúng ta dựng nên. Bản thân qui trình không có tội, nó cũng không biết nói. Tất cả là do sự điều khiển của con người. Vậy nên xem xét qui trình không chỉ là xem xét về tuần tự hình thức mà điều phải xem là thực chất của qui trình. Đó mới là điều quan trọng. Qui trình không thực chất, không đúng với ý nghĩa và mục đích của nó thì cũng chẳng có giá trị gì. Nguy hại hơn là qui trình lại bị lợi dụng. Chẳng hạn như cũng đưa ra bàn bạc tập thể đấy nhưng sự bàn bạc ấy có thật dân chủ không?

Nếu như cái chuyện đưa ra bàn liên quan đến quyền lợi của người lãnh đạo mà người lãnh đạo lại có mặt ở đấy, liệu có ai có ý kiến khác hay không? Cũng đưa ra lấy ý kiến của quần chúng đấy, nhưng lấy có khách quan không hay là làm chiếu lệ, hình thức.

Mới đây khi đọc được những thông tin về ý kiến của người trong cuộc về cả gia đình tham gia lãnh đạo ở cấp tỉnh càng thấy rõ điều đó. Người đứng đầu một tỉnh đã bộc bạch rằng, khi xếp cho người nhà ngồi vào ghế quan của tỉnh, đồng chí đã kêu lên rằng, người nhà tôi năng lực yếu lắm, không làm được đâu. Thế mà cuối cùng cũng phải chịu áp lực của tập thể bắt buộc người nhà phải "ngồi vào ghế".

Ôi, sự bộc bạch có vẻ "chân thực" nhưng không hề thuyết phục. Bởi nếu có sự kiên quyết đến cùng thì đâu đến nỗi người đứng đầu tỉnh ấy lại chịu buông tay trước một áp lực như vậy. Dưới con bài "đúng qui trình", không ít người hiện nay đang cố biện luận để che giấu động cơ thực chất của mình. Và cuối cùng thì nếu không trôi lọt lại đổ cho "qui trình" chứ mình thì vô can, ngoài cuộc.

Mọi công việc, nhất là những việc sắp xếp nhân sự, bộ máy ở các cấp, các ngành đâu chỉ nhỏ như trôn kim mà nó hiển hiện rõ ràng, người trong cuộc ai cũng biết. Nó có thực chất đúng qui trình hay không, ai cũng biết.

Vấn đề ở chỗ là có dám đưa ra mổ xẻ phân tích cái thực chất đó hay không? Có dám đấu tranh để chống mọi sự lợi dụng, ngụy biện, kiên quyết làm đúng theo thực chất của qui trình? Chính điều đó đòi hỏi sự kiên định, quyết tâm của mỗi cán bộ, đảng viên, của quần chúng trong cuộc chiến chống tiêu cực tham nhũng hiện nay.

Ngày xưa, khi mà xã hội chưa phát triển, trình độ dân trí còn thấp, nạn mê tín, bói toán đã gây ra nhiều tác hại. Ngay lúc đó, người dân đã lên án hành vi lừa bịp của tệ mê tín bằng câu thơ: "Hòn đất mà biết nói năng/ Thì thầy địa lí (thầy xem bói) hàm răng chả còn".

Phỏng theo bút pháp của ông cha, xin có câu thơ rằng: "Qui trình mà biết kính thưa / Thì bao thủ đoạn sẽ chừa mặt ra".

Mọi người chúng ta hãy làm hết sức mình để cho qui trình biết "kính thưa", thiết nghĩ đó cũng là việc làm cần kíp hiện nay.

Phạm Văn Thạch
.
.