Cửa sổ văn nghệ

Quảng cáo phản cảm

Thứ Sáu, 14/12/2012, 08:09
Ở nhiều nước văn minh, quảng cáo đã trở thành một ngành công nghiệp không khói. Ở nước ta, quảng báo hình thành và phát triển khá nhanh, nhưng cũng nảy sinh nhiều hệ lụy...

Mới đây, nhiều phụ huynh đã phản ứng gay gắt khi con em họ đang theo học ở các trường mầm non được nhận phiếu bé ngoan có in kèm quảng cáo của mì gói, sữa bột hoặc sản phẩm gia dụng. Phiếu bé ngoan không phải nằm trong hệ thống giấy khen các cấp của ngành Giáo dục, nên không có một mẫu chung cho tất cả các trường mầm non. Vì thế, vì một chút lợi nhuận, phiếu bé ngoan đã được sử dụng như một phương tiện quảng cáo hữu hiệu.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, việc nhà trường dùng phiếu bé ngoan có quảng cáo của doanh nghiệp như vậy rất ảnh hưởng đến tâm lý trẻ con, vì nhiều em bé cứ tưởng rằng phải ăn hoặc mua sản phẩm ấy mới được phiếu bé ngoan. Trong khi đó tấm phiếu bé ngoan là một món quà có ý nghĩa tinh thần rất lớn với trẻ con vì nó động viên tinh thần các em, bé nào ngoan, vâng lời thầy cô, cha mẹ thì cuối tuần mới được nhận phiếu bé ngoan. Việc để xảy ra hiện tượng quảng cáo trên phiếu bé ngoan, trước hết trách nhiệm thuộc về các nhà trường.

Dùng cả phiếu bé ngoan để quảng cáo thì xem ra đã đến lúc phải nghiêm túc nói với nhau về văn hóa quảng cáo. Đội ngũ những người làm nghề quảng cáo đang tăng lên từng ngày và Hiệp hội quảng cáo Việt Nam cũng đã được thành lập, nhưng tính chuyên nghiệp và tính thẩm mỹ của ngành quảng cáo nước ta vẫn nằm trong tình trạng bát nháo và nhiễu nhương. Dường như khái niệm nghệ thuật quảng cáo đang được thay bằng cưỡng bức quảng cáo. Một sự kiện quảng cáo gây sốc cho công chúng là màn trình diễn bikini trên một chuyến bay của một hãng Hàng không Việt Nam. Không những mặc bikini, các cô gái trẻ còn trình diễn và nhảy múa như ở quán bar khiến nhiều hành khách ngạc nhiên tột độ. Cục Hàng không Việt Nam đưa ra quyết định phạt 20 triệu đồng đối với "sàn catwalk trên không" đầy ngớ ngẩn ấy.

Bao giờ Việt Nam có văn hóa quảng cáo? Câu hỏi thật nan giải. Bởi lẽ, có những điều luật không cấm, nhưng khi quảng cáo thì cực kỳ phản cảm. Ví dụ, mỗi năm tiêu thụ 1 tỷ lít bia thì có gì đáng tự hào để phô trương cho thiên hạ tỏ tường? Chia bình quân đầu người, mỗi năm một người Việt tiêu thụ 12 lít bia, đáng buồn hơn đáng vui chứ. Chưa hết, cũng vì luật không cấm, nên nhiều sản phẩm tranh thủ sử dụng hình ảnh danh nhân để quảng cáo. Thật ngỡ ngàng, nhiều nhân vật huyền thoại từ Napoleon cho đến Beethoven đều bị đưa vào quảng cáo một cách vô tội vạ. Đáng ngạc nhiên hơn, Balzac có sự nghiệp văn chương đồ sộ nhờ tài năng thiên phú và sự sáng tạo miệt mài, chứ có liên quan đến loại thực phẩm nào đâu, mà công chúng bỗng dưng phát hiện hình ảnh ông đi liền với một thương hiệu cà phê!

Ngành quảng cáo ở nước ta đang tồn tại nhiều bất cập. Hầu hết các mẫu quảng cáo đều không mấy thuyết phục về ý tưởng sáng tạo, nhưng luôn dùng mọi "tiểu xảo" để tiếp cận công chúng từ câu lạc bộ hưu trí cho đến trường mầm non. Lành mạnh hóa thị trường quảng cáo sẽ giúp diện mạo doanh nghiệp nước nhà sáng sủa hơn, thiện cảm hơn!

Tp HCM, tháng 11/2012

Tâm Huyền
.
.