Quảng bá văn học ra nước ngoài: Kinh nghiệm của Phần Lan
- Cần quảng bá văn học Việt Nam một cách định hướng và tổng thể
- Khai mạc Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ III
- Nhìn nghiêng từ hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài
- Quảng bá văn học Việt Nam trong một tầm nhìn mới
Johanna là một trong sáu cán bộ chính thức của FILI và là người phụ trách các chương trình tài trợ của FILI. Chị bày tỏ niềm vui và đưa cho chúng tôi các tờ rơi giới thiệu về FILI, rồi như một nhà quảng bá chuyên nghiệp, chị giới thiệu với chúng tôi về tiếng Phần Lan, văn học Phần Lan và FILI.
Tiếng Phần Lan là một ngôn ngữ nhỏ bé và "lạ lùng"
Là ngôn ngữ của khoảng 5, 4 triệu người sống ở Phần Lan và hơn 1 triệu người sống ở nước ngoài, tiếng Phần Lan chỉ được xếp thứ 117 trong danh sách các ngôn ngữ có nhiều người nói trên thế giới (một vị trí rất thấp so với thứ 15 của tiếng Việt). Mãi cho đến năm 1906, tiếng Phần Lan mới được sử dụng như ngôn ngữ chính thức, ngang hàng với tiếng Thụy Điển trên phạm vi toàn quốc, còn trước đó chỉ có tiếng Thụy Điển. Đến năm 1917, khi Phần Lan tuyên bố trở thành nước cộng hòa độc lập, tiếng Phần Lan mới bắt đầu dần dần chiếm ưu thế hơn tiếng Thụy Điển.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Công an nhân dân tặng sách cho đại diện FILI - Trung tâm xuất khẩu văn học Phần Lan. |
Ngày nay, tiếng Phần Lan vẫn chỉ là một trong hai ngôn ngữ chính thức của quốc gia, với chưa đến 5 triệu người nói như tiếng mẹ đẻ. Tiếng Phần Lan không thuộc họ ngôn ngữ Ấn - Âu như tiếng các quốc gia láng giềng và được coi là một trong những thứ tiếng khó học với người nước ngoài, nhưng hiện được dạy ở khoảng 100 trường đại học trên thế giới.
Một nền văn học viết non trẻ
Văn học viết Phần Lan mới được coi là ra đời vào giữa thế kỷ XVI với bản dịch Kinh thánh Tân Ước từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Phần Lan (1543) của giám mục Mikael Agricola. Song phải đến năm 1835, khi sử thi Kalevala (đã được dịch trọn vẹn ra 56 thứ tiếng, trong đó có bản tiếng Việt của Bùi Việt Hoa) được xuất bản lần đầu tiên, ngôn ngữ văn học dân tộc Phần Lan mới được định hình và đến năm 1870, với việc xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên "Bảy anh em" của nhà văn Aleksis Kivi, văn học viết bằng tiếng Phần Lan mới thực sự được hình thành và bắt đầu sinh sôi, nảy nở.
Tuy vậy, chỉ sau chưa đầy bảy thập kỷ, văn học Phần Lan đã ghi một dấu ấn trên bản đồ văn học thế giới mà không ít nền văn học có truyền thống lâu đời mơ ước với một tác giả được nhận giải Nobel văn học vào năm 1939 là Frans Eemil Sillanpaa. Bảy thập niên sau, năm 2015, một nhà văn nữ (sinh năm 1977) được coi là nhà văn thành công nhất của Phần Lan hiện nay cũng có tên trong danh sách 116 tác giả được đề cử giải Nobel Văn học, dù tác phẩm đầu tay của cô chỉ mới xuất bản cách đây chưa lâu (2003).
Được ươm trồng và quảng bá một cách thiết thực, hiệu quả
Hội Văn học Phần Lan (SKS) ra đời từ rất sớm (năm 1831) với mục đích ban đầu thúc đẩy sự phát triển của văn học viết bằng tiếng Phần Lan và thực sự đã có vai trò rất to lớn trong sự phát triển của văn học và văn hóa nước này. Mặc dù chỉ là một hội nghề nghiệp, song hiện nay SKS gồm hai trung tâm lưu trữ, một thư viện, một phòng xuất bản, một phòng nghiên cứu và một trung tâm thông tin, quảng bá văn học (FILI). Đặc biệt, SKS có 4 quỹ tài trợ mang tên 4 nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, tài trợ cho các nhà văn và nhà nghiên cứu văn học, văn hóa Phần Lan hằng năm.
Năm 2015, văn học Phần Lan gặt hái những thành công lớn nhất từ trước đến nay trên thị trường văn học thế giới, với một số nhà văn và tác phẩm được một số tờ báo có uy tín trên thế giới như The New Yorker (Mỹ), The Guardian (Anh) đánh giá cao và có tác giả lọt vào danh sách chung khảo của giải thưởng Arthur C. Clarke nổi tiếng. Chỉ tính tới trung tuần tháng 12 đã có tới 800 tác phẩm văn học Phần Lan được dịch ra tiếng nước ngoài, trong đó nhiều nhất là tiếng Anh (26 tác phẩm), Pháp (18), Đức và Đan Mạch (17). Một trong bốn lý do đem đến cho văn học Phần Lan một mùa bội thu như vậy là nhờ hoạt động tài trợ, quảng bá rất hiệu quả của FILI.
FILI - Trung tâm xuất khẩu văn học Phần Lan
FILI được thành lập năm 1977, phụ trách việc xuất khẩu văn học Phần Lan ra nước ngoài thông qua các hoạt động: tài trợ kinh phí, kết nối với dịch giả, nhà xuất bản nước ngoài cũng như trong nước, tổ chức các cuộc trao đổi, giới thiệu tác phẩm mới của các nhà văn với các dịch giả, tổ chức các khóa tập huấn về dịch cho các dịch giả, tổ chức các chuyến thăm Phần Lan cho các nhà xuất bản nước ngoài, tham dự các hội chợ sách ở nước ngoài cũng như trong nước. Cập nhật và duy trì ngân hàng dữ liệu các tác giả và tác phẩm Phần Lan được dịch ra tiếng nước ngoài từ năm 1839 đến nay cũng như doanh thu bản quyền của Phần Lan hằng năm. Truy cập ngân hàng dữ liệu này, bạn có thể biết được ngôn ngữ, tác giả, tác phẩm gốc, dịch giả, dịch phẩm, nhà xuất bản và năm xuất bản của các bản dịch.
Theo ngân hàng này, cho tới thời điểm hiện nay, 11 tác giả Phần Lan đã có tác phẩm được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ trên thế giới, trong đó ba tác giả được dịch nhiều nhất là Elias lonnrot 57 thứ tiếng (chỉ với Kalevala), Tove Jansson được dịch ra 43 thứ tiếng và Sofi Oksanen được dịch ra 37 thứ tiếng. Cũng theo ngân hàng dữ liệu đó, trong vòng 5 năm trở lại đây, có ít nhất 10 tác phẩm văn học Phần Lan được dịch ra 17 thứ tiếng. Ngôn ngữ dịch nhiều nhất là tiếng Đức, với năm ít nhất là 17 tác phẩm (2015), nhiều nhất là 111 tác phẩm (2014).
Theo dữ liệu của FILI, mỗi năm có từ 300-400 tác phẩm văn học Phần Lan được dịch ra khoảng 40 ngôn ngữ nước ngoài. Doanh thu từ việc bán bản quyền của các nhà xuất bản và các công ty phát hành Phần Lan trong 3 năm gần đây đạt khoảng 2 triệu euro/năm (năm 2014 là 2,2 triệu, năm 2013 là 2, 25 triệu, và năm 2012 là 1,95 triệu euro). Thị trường xuất khẩu sách lớn nhất của Phần Lan là Đức, Anh, Mỹ và Liên bang Nga. Ngoài ra, từ năm 2003, FILI còn phụ trách tạp chí "Book from Finland" với mỗi tháng một số bằng tiếng Anh, cung cấp thông tin về văn học Phần Lan cho bạn đọc nước ngoài.
Có thể nói, hoạt động quan trọng và nổi bật nhất của FILI là làm bà đỡ cho các tác phẩm dịch. Mặc dù 80% kinh phí của FILI lấy từ các nguồn không thuộc nhà nước, song những năm gần đây, mỗi năm FILI dành khoảng 700.000 euro tài trợ cho các dịch giả và các nhà xuất bản trong và ngoài nước với khoảng 500 gói trợ giúp. Phần lớn số kinh phí này dành trợ giúp các nhà xuất bản một phần tiền nhuận bút trả cho dịch giả (từ 50-70%), trợ giúp một phần tiền in cho các nhà xuất bản nước ngoài (chủ yếu là dành cho các truyện tranh), trợ giúp dịch giả kinh phí đi đường và làm việc với các đối tác (các nhà xuất bản, nhà in, phát hành…) ở các nước xuất bản tác phẩm dịch.
Ngoài ra, FILI còn tài trợ cho một số dịch giả lần đầu tiên dịch tác phẩm Phần Lan ra tiếng mẹ đẻ của mình và tài trợ cho việc quảng bá tác phẩm dịch văn học Phần Lan ở nước ngoài. Gói tài trợ này chủ yếu dành cho các nhà văn Phần Lan có tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài tham gia các lễ ra sách, hội thảo về tác giả, tác phẩm ở nước ngoài.
Một số tác phẩm văn học Phần Lan đã được dịch sang tiếng Việt: Kalevala - sử thi Phần Lan, Tuyển tập văn học Phần Lan hiện đại, Chiếc mũ của phù thủy, Mumi và sao chổi, Những cuộc phiêu lưu li kì của Mumi Bố, Đứa trẻ vô hình, Ngày hạ chí nguy hiểm.
Về chuyên môn, từ năm 2002, cứ hai năm một lần, FILI lại kết hợp với Trung tâm trao đổi sinh viên quốc tế (CIMO) thuộc Bộ Giáo dục Phần Lan tổ chức một khóa học cho các dịch giả mới. Từ năm 2013, lần đầu tiên FILI còn hợp tác với bảy viện văn hóa Phần Lan ở nước ngoài và một số nhà xuất bản ở Phần Lan tổ chức khóa cao học cho các dịch giả dịch văn học Phần Lan.
Ngoài tài trợ từ FILI, mỗi năm Bộ Giáo dục và Văn hóa Phần Lan còn trao giải thưởng nhà nước về dịch thuật cho các dịch giả nước ngoài có đóng góp cho việc xuất khẩu văn học Phần Lan ra nước ngoài dựa trên sự lựa chọn và giới thiệu của FILI. Giải thưởng này hiện có trị giá 15.000 euro. FILI đang cố gắng trở thành ngôi nhà của các dịch giả văn học Phần Lan và những những người làm xuất bản sách Phần Lan. Hiện nay, FILI đã kết nối được một đội ngũ hơn 300 dịch giả dịch văn học Phần Lan từ 47 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.
Rời trụ sở FILI, trên đường vê, cả ba chúng tôi đều trầm ngâm, không ai nói gì một hồi lâu. Cuối cùng, Giám đốc Nguyễn Hồng Thái phá vỡ sự im lặng: "Một trung tâm thuộc một hội nghề nghiệp, chỉ nhận 20% kinh phí từ nhà nước mỗi năm, chỉ với 6 người làm việc chính thức, nhưng FILI đã làm được những công việc thật đáng nể". Còn tôi thì đang nhớ tới cuốn sách có tiêu đề: "Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ" xuất phát từ một diễn đàn rất sôi nổi trên mạng cách đây mấy năm và nghĩ: Không biết chúng ta có thể tham khảo được gì từ cách làm của FILI trong việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài?