Hội nhập văn học:

Quảng bá văn học của chúng ta còn kém

Thứ Hai, 01/10/2007, 07:45
Hình như các dịch giả của mình hay sính ngoại, họ thích dịch các tác phẩm văn học nước ngoài sang tiếng Việt hơn là chú tâm dịch tác phẩm tiếng Việt ra tiếng nước ngoài để giới thiệu văn học Việt Nam với thế giới.

- Thưa nhà thơ Hoàng Trần Cương, được biết anh vừa có chuyến chu du dài ngày đến nước Mỹ. Anh có thể chia sẻ cùng bạn đọc đôi chút về chuyến đi này?

+ Tôi đến Mỹ theo lời mời của Giáo sư Fere Drit Tono, Hiệu trưởng, người sáng lập Trường Đại học Nghệ thuật và Nhân văn Dallas, bang Texas, cùng với GS Hoàng Ngọc Hiến và nhà thơ Nguyễn Thụy Kha để dự hội thảo về văn hóa, văn học, về trường phái “cổ điển mới”, và tọa đàm, giao lưu, đọc thơ trích trong tập “Trầm tích” của tôi và tập “Thời máu xanh” của Nguyễn Thụy Kha đã được dịch ra tiếng Anh.

Trong suốt thời gian gần một tháng, chúng tôi đi qua 6 bang của nước Mỹ, đọc thơ và tiếp xúc với độc giả tại một số trường đại học uy tín như Havard, Dallas, Boston, Mecca,....

- Trong những buổi đọc thơ và tiếp xúc với độc giả Mỹ, anh nhận thấy thái độ của họ dành cho thơ và các nhà thơ Việt Nam như thế nào?

+ Tiếp xúc với độc giả nơi đây tôi lấy làm tiếc một điều là, việc quảng bá thơ của chúng ta chưa rộng, chưa sâu. Nguyên nhân nằm ở chỗ các nhà thơ (tất nhiên) không tự làm được việc quảng bá thơ mình ra thế giới, trong khi Hội đồng dịch thuật của Hội Nhà văn, và cả Viện Văn học nữa lại tỏ ra “đuối tầm”.

Hình như các dịch giả của mình hay sính ngoại, họ thích dịch các tác phẩm văn học nước ngoài sang tiếng Việt hơn là chú tâm dịch tác phẩm tiếng Việt ra tiếng nước ngoài để giới thiệu văn học Việt Nam với thế giới.

Chính vì việc quảng bá thơ của ta kém mà chúng ta chưa mang đến cho độc giả Mỹ một bức tranh hoàn chỉnh về bản sắc văn hóa Việt Nam. Nhìn chung độc giả Mỹ và đa phần người Việt ở Mỹ rất thiếu thông tin về văn học Việt Nam, hoặc nếu có thì cũng có phần bị méo, lệch.

- Chúng ta có nhiều nhà văn đi ra nước ngoài để giao lưu với bạn đọc thế giới, nhưng nhiều ý kiến cho rằng họ chủ yếu vẫn là quảng bá cá nhân mình chứ chưa có được ý thức quảng bá nền văn học Việt Nam nói chung. Chuyến đi của anh và những người bạn văn đến Mỹ lần này có gì khác không?

+ Tôi thừa nhận là một số nhà văn của chúng ta khi có điều kiện đi ra nước ngoài thường vẫn chỉ là “bo bo” chuyện cá nhân mình, cùng lắm là nhóm bạn bè cùng chơi với mình chứ ít có ý thức giới thiệu gương mặt của cả nền văn học.

Điều này cho thấy văn hóa nhà văn của chúng ta đang có vấn đề. Chuyến đi vừa qua, mặc dù được mời đến Mỹ theo tư cách cá nhân, nhưng mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi đều cố gắng phác họa những nét đặc trưng nhất về đội ngũ những người viết văn Việt Nam, đặc biệt là lớp trẻ, để bạn đọc và cộng đồng người Việt tại Mỹ có thêm cơ hội hiểu về nền văn học Việt Nam.

Tôi nhận thấy người Việt tại Mỹ rất quan tâm đến đời sống văn học trong nước. Nhưng cái mà chúng ta mang đến cho họ là chưa đầy đủ. Theo tôi, không phải chúng ta không làm được điều này mà là chúng ta làm chưa hết mình. Vì vậy, cảm thức chung của tôi là hơi buồn

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.