Giới thiệu văn học VN ra thế giới - Lối đi ngay dưới chân mình

Quảng bá văn học Việt Nam trong một tầm nhìn mới

Thứ Tư, 06/01/2010, 10:00
- Thưa nhà thơ Hữu Thỉnh, ông có thể cho biết Hội nghị giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài lần này có điểm gì mới so với lần trước?

+ Cái mới đầu tiên là số lượng đại biểu. Hội nghị giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài lần thứ nhất tổ chức năm 2002, chúng ta có 25 đại biểu gồm 24 dịch giả và một nghiên cứu sinh đến từ 12 nước và vùng lãnh thổ. Nhưng Hội nghị lần này thu hút một số lượng đại biểu lớn gấp nhiều lần. Chúng ta có tới 150 đại biểu đến từ 32 quốc gia thuộc nhiều châu lục khác nhau trên thế giới. Nếu như trước đây chỉ có các dịch giả ở các nước có mối quan hệ gần gũi, thân thiết và lâu đời về văn hóa quan tâm đến văn học Việt Nam như Nga, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Thái Lan thì nay đã có thêm rất nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, châu Á, châu Âu, đặc biệt là khu vực châu Phi và châu Mỹ La Tinh. Tại Hội nghị này, chúng ta rất hân hạnh được đón các bạn đến từ các nước còn rất xa lạ với chúng ta về mặt giao lưu văn học như Nicaragoa, Venezuela, Estonia... Thành phần tham dự hội nghị cũng mở rộng hơn trước. Ngoài các dịch giả trong và ngoài nước đã có công lao, thành tựu giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, Ban Tổ chức còn mời những nhà văn đã có nhiều năm gắn bó với Việt Nam, sáng tác về Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử; các giáo sư là trưởng khoa văn học ở một số trường đại học danh tiếng, những người đã từng giảng dạy về văn học Việt Nam trong nhà trường. Cùng với đó là sự hiện diện của một số nhà xuất bản trong và ngoài nước, các nghiên cứu sinh, thực tập sinh và sinh viên nước ngoài đang học tập, nghiên cứu tại Việt Nam.

- Từ Hội nghị giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài lần thứ nhất đến Hội nghị lần này đã là 7 năm. Trong thời gian đó, đời sống văn học nước ta có những vận động mới rất đáng để thế giới biết đến. Xin hỏi ông, chúng ta đã làm được những gì để quảng bá văn học với bạn bè quốc tế?

+ Có thể thấy rằng sau hội nghị quốc tế về quảng bá văn học ra thế giới lần thứ nhất, số lượng tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nước ngoài đã có nhiều khởi sắc. Các tác phẩm như "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Truyện Kiều" của Nguyễn Du được nhiều nước tiếp tục chuyển ngữ. Riêng ở Mỹ, số lượng bản in "Truyện Kiều" đã bán được 2 vạn bản. Số lượng các tác giả đương đại và các tác giả trẻ có tác phẩm được dịch sang các nước Anh, Mỹ, Pháp, Thụy Điển cũng tăng lên đáng kể. Rõ ràng chúng ta có thể đo được hiệu quả sau mỗi Hội nghị, khi mà những con người cụ thể, là dịch giả của nhiều quốc gia được gặp gỡ nhau, được cung cấp thông tin chính xác thì sự quan tâm của thế giới đối với văn học Việt Nam cũng đã được tăng lên.

- Hội nghị mang tầm vóc và quy mô quốc tế, với một số lượng đại biểu đông và đầy đủ mọi thành phần, chắc hẳn sẽ có rất nhiếu vấn đề được đưa ra và giải quyết. Với vai trò Trưởng Ban Tổ chức, theo ông, vấn đề then chốt nhất của Hội nghị lần này sẽ là gì?

+ Ban đầu, chúng tôi chỉ đưa ra đề án Hội nghị giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài trong khuôn khổ là một hoạt động của Hội Nhà văn, nhưng Ban Bí thư đã có hẳn một cuộc họp nhất trí nâng thành một Hội nghị với quy mô và tầm cỡ quốc tế. Điều này cho thấy Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề giới thiệu, quảng bá văn học trong tình hình hiện nay. Đây là một bước chuyển mới, một tín hiệu mới đáng mừng cho văn học Việt Nam. Vấn đề then chốt nhất mà Hội nghị lần này cần phải làm được, theo tôi, là giúp cho các dịch giả, các nhà xuất bản hiểu về lịch sử, các thành tựu, các giá trị của văn học Việt Nam qua các thời kỳ bằng những tư liệu chính xác và có hệ thống nhất. Cuộc tập hợp đội ngũ lần này cũng là cơ hội để chúng ta biết ai là người đang có nhu cầu dịch, nhà xuất bản nào, đơn vị phát hành nào đang có nhu cầu giới thiệu văn học Việt Nam để từ đó xây dựng một kế hoạch, một chiến lược cho công việc rất có ý nghĩa này. Tiêu chí của Hội nghị là phải đặt vấn đề quảng bá văn học Việt Nam trong một tầm nhìn mới, có hệ thống và có lộ trình cụ thể, từ đó kiến nghị với Đảng, Nhà nước những cơ chế chính sách phù hợp để giúp cho những người làm công tác dịch thuật, giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài có thêm những điều kiện thuận lợi trong công việc của mình. Hội Nhà văn cũng xem đây không chỉ là vấn đề của văn học mà còn là vấn đề của giao lưu văn hóa, ngoại giao văn hóa, để thông qua văn hóa thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn, ủng hộ Việt Nam nhiều hơn.

- Nhìn vào đội ngũ các dịch giả trong nước, có thể nhận thấy họ phần lớn đều đã già,  trong khi số lượng những người làm dịch thuật trẻ lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Rất khó để nói đến đội ngũ kế cận. Hội nghị lần này sẽ làm gì để giải quyết khó khăn này, thưa ông?

+ Chúng ta có 50 nhà văn trẻ tham gia Hội nghị lần này. Cùng với đó là đội ngũ các dịch giả đồng thời là nghiên cứu sinh các nước đang học tập và nghiên cứu tại Việt Nam. Sự có mặt của họ tại Hội nghị cũng chính là sự quan tâm của Hội Nhà văn đến việc phát hiện và bồi dưỡng các dịch giả trẻ. Ai cũng biết dịch một tác phẩm văn học không phải công việc dễ dàng. Nó liên quan đến rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là khả năng ngoại ngữ, độ sâu văn hóa, kinh nghiệm...Theo tôi, trong tình hình thiếu hụt các gương mặt dịch giả trẻ như hiện nay, thì cách bổ sung "khôn ngoan" nhất là chúng ta tận dụng những bạn trẻ nước ngoài đang nghiên cứu, học tập tại Việt Nam, đặc biệt những người yêu mến văn hóa, văn học Việt Nam, những người có thể giúp chúng ta đóng góp công sức vào việc quảng bá văn học ra thế giới. Song song với đó, chúng ta tiếp tục đầu tư vào việc phát hiện, bồi dưỡng các dịch giả trẻ để dần dần trở thành một lực lượng chủ chốt trong công tác dịch văn học.

- Xin cảm ơn nhà thơ Hữu Thỉnh

B.N.T.
.
.