Quân pháp bất vị thân

Thứ Năm, 25/04/2019, 07:54
Tuần qua, tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có đề xuất việc kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác.


Chính phủ đề nghị bổ sung vào Điều 84 thành điều riêng quy định theo hướng: Cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật và quy định về một số hình thức xử lý kỷ luật cụ thể trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Thực tế cho thấy, trong một thời gian dài, cán bộ, công chức vi phạm trong quản lý kinh tế, để thất thoát, lãng phí số tiền cực lớn của Nhà nước, của nhân dân; có hành vi chạy chức, chạy quyền, tham ô, nhận hối lộ; nâng đỡ không trong sáng, thiếu gương mẫu trong đề nghị bổ nhiệm người thân… nhưng đã nghỉ hưu rồi thì vẫn đàng hoàng, ung dung an hưởng tuổi già bằng những đồng tiền bất chính mà họ đã vơ vét được trong thời gian công tác, nếu có bị "sờ" tới thì cũng chỉ nhận mức cách tất cả các chức vụ trong quá khứ, cộng với đó là xóa tư cách nguyên là Ủy viên, nguyên là Bộ trưởng, Thứ trưởng là cùng…

Về hưu chưa chắc đã tránh được sự trừng phạt của pháp luật từ những sai phạm khi đương chức. Tranh minh họa - nguồn internet.

Kỷ luật kiểu này chỉ mang ý nghĩa danh dự với người có lòng tự trọng, còn với những kẻ tham nhũng thì hình thành lối suy nghĩ "nghỉ hưu" là xong, là hết và chẳng có gì phải sợ! Cắt và kể cả xóa mọi chế độ? Thoải mái đi… Tiền và tài sản có được do vi phạm có bị "xoá" đâu? Chẳng sao cả, vì tôi có cần sống nhờ vào lương, vào chế độ đâu nên "chỉ sợ mất tiền, chứ chẳng sợ mất danh dự".

Chúng ta không thể xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa khi có những kẻ ngồi trên luật pháp và đứng ngoài luật pháp. Mọi mối quan hệ trong xã hội đều được pháp luật điều chỉnh. Bất cứ người nào, ở vị trí nào của xã hội cũng phải tuân thủ pháp luật, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan Nhà nước thì càng phải tuân thủ, phải làm gương. Thế nhưng qua những gì nêu trên, dẫu cá biệt nhưng cũng cho thấy rõ ràng những vụ việc sai phạm, tiêu cực liên quan đến cán bộ lãnh đạo bao giờ cũng có chút ít nể nang, bao che, xử nhẹ.

Theo như dự kiến sửa đổi của Điều 84 của Luật sẽ lấp những "khoảng trống" của pháp luật mà thực tiễn đã phát sinh những vướng mắc, bất cập. Như vậy, cán bộ, công chức vi phạm, ngoài việc bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì còn phải bồi thường thiệt hại và còn bị thu hồi tài sản do tham nhũng mà có.

Phải quyết liệt, xử lý sai phạm đến nơi, đến chốn theo nguyên tắc "quân pháp bất vị thân". Khi để mất một đồng của Nhà nước và nhân dân thì bắt buộc phải trả lại không thiếu một xu. Đồng thời, bản thân còn phải chịu xử lý của pháp luật và người thân cũng phải trả giá cho việc này. Khi vào một ngày xấu trời nào đó, vợ con đang ở biệt thự phải ra ở căn nhà cấp bốn như thời bao cấp, xe ôtô sang trọng bị tịch thu; con cái đang học trường danh tiếng thì phải về đi làm lao động, mà học cách kiếm tiền bằng mồ hôi, sức lực của mình. Để những cán bộ, công chức hiểu rằng vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh, để bất cứ khi nào muốn vi phạm, muốn tham nhũng thì phải nghĩ tới hậu quả mà vợ con gánh chịu ngay tức khắc, thế thì mới đủ sức răn đe.

Những quy định này cũng sẽ đập bỏ "vùng an toàn" dành cho quan chức nghỉ hưu. Nó sẽ tác động đến những cán bộ đương chức có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao và cả với người đang muốn thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng cũng phải e sợ cho tương lai sau này của mình là đến khi đang an hưởng tuổi già, khi tuổi cao, sức yếu mà vẫn phải ra đứng trước vành móng ngựa, để rồi họ không dám nghĩ, dám làm những việc mà xã hội gọi là "quốc nạn", là "giặc nội xâm".

Nói khác đi, việc một cá nhân về hưu hay dù ở cương vị nào, cao đến mấy mà vi phạm pháp luật cũng bị trừng trị nghiêm khắc sẽ đánh động, làm thức tỉnh những người khác để ngăn họ không phạm tội.

Nếu muốn nghỉ hưu hạnh phúc, hạ cánh an toàn thì ngay từ khi còn trẻ, còn đang đương chức, cán bộ, công chức phải coi tiền bạc chỉ là vật ngoài thân, danh dự mới là điều không thể đánh mất. Đoạn đường còn lại sẽ là sự bình yên, vui khỏe với những việc làm nhỏ nhoi nhưng có ích, góp phần tạo nên cuộc sống tươi đẹp.

Cù Tất Dũng
.
.