Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật: Những bất cập cần được xử lý

Thứ Ba, 06/03/2012, 08:30
Một sự kiện đang được dư luận quan tâm hiện nay là rắc rối xung quanh việc cấp phép biểu diễn cho 2 chương trình cùng mang tên "Ru tình", cùng sử dụng các sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sắp diễn ra vào đầu tháng 3 tại Thủ đô Hà Nội. Trong đó, chương trình "Ru tình" của Công ty cổ phần Interbrand Việt Nam tổ chức thì được sự đồng ý của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, còn chương trình của Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Công ty Mediamax tổ chức thì lại có giấy phép của Cục NTBD.

Tại Hà Nội, 2 chương trình ca nhạc cùng mang tên "Ru tình", cùng sử dụng các sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, na ná về nội dung và ca sĩ tham gia sắp được tổ chức vào cùng một thời điểm là đầu tháng 3 tới. Một chương trình được Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) cấp phép, còn một chương trình lại được sự đồng thuận của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH - TT & DL) Hà Nội. Còn tại Đồng Nai, một công ty tổ chức biểu diễn vừa bị phạt vì đã tổ chức một chương trình ca nhạc nhảm nhí theo kiểu "treo đầu dê bán thịt chó". Tuy nhiên, đây không phải là sai phạm lần đầu của đơn vị tổ chức này... Những lộn xộn, bát nháo xung quanh các chương trình nghệ thuật đã bộc lộ những bất cập trong việc quản lý, cấp phép cho các chương trình nghệ thuật hiện nay. 

Sự việc bắt đầu từ việc ngày 1/7/2011, bà Trịnh Vĩnh Trinh - em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đại diện cho những người thừa kế của gia đình cố nhạc sĩ này đã ký hợp đồng tác quyền với Công ty cổ phần Interbrand Việt Nam cho phép công ty này được độc quyền sử dụng các tác phẩm của Trịnh Công Sơn trong vòng một tháng (từ 10/2/2012 đến 10/3/2012). Nhưng sau đó, ngày 2/9/2011, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại ký hợp đồng ủy quyền quản lý và khai thác quyền tác giả âm nhạc với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) trong thời hạn 2 năm. Khi ký hợp đồng này, phía gia đình nhạc sĩ đã quên thông báo với VCPMC về hợp đồng đã ký với Interbrand Việt Nam trước đó.

Ngày 27/12/2011, VCPMC đã tiếp nhận giấy xin phép và tiền trả tác quyền của Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho đêm nhạc "Ru tình" sẽ tổ chức vào ngày 7 và 8/3/2012 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội... Tuy nhiên, khi nhận được công văn thông báo của Interbrand Việt Nam về hợp đồng Công ty đã ký với gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trước đó thì VCPMC đã gửi công văn đến Liên đoàn Xiếc Việt Nam hủy bản đăng ký của chương trình đã cấp và trả lại tiền tác quyền đã nộp. Nhưng phía Liên đoàn Xiếc Việt Nam lại trả lời rằng chương trình đã được Cục NTBD cấp phép từ ngày 19/12/2012 theo đúng quy định. Bởi theo Quy chế 47 quản lý hoạt động và tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp, không có việc bắt buộc các đơn vị tổ chức biểu diễn phải có sự đồng ý của tác giả mới cấp phép mà chỉ trên tinh thần thỏa thuận giữa 2 bên.

Sau khi biết tin sẽ có tới 2 chương trình "Ru tình", trong đơn gửi đến nhiều cơ quan quản lý về văn hóa, đại diện gia đình cố nhạc sĩ  Trịnh Công Sơn phản đối đêm nhạc "Ru tình" do Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức vì cho rằng gia đình chỉ cấp tác quyền nhạc Trịnh cho Interbrand Việt Nam và chưa từng làm việc với bất kỳ ai ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Thậm chí, gia đình còn mong muốn Cục NTBD thu hồi giấy phép đã cấp cho chương trình của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Không hề có ca sĩ nhí Đồrêmí nào có ảnh in trên tấm vé nói trên được tham gia chương trình do Công ty Ba Miền tổ chức.

Sự việc vẫn chưa ngã ngũ bởi phía Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng họ làm đúng luật và chương trình đã được cấp phép. Và một lý do rất "hoàn cảnh" nữa mà họ đưa ra cho VCPMC là: "Chúng tôi đã ký kết hợp đồng và đặt cọc với các nghệ sĩ, diễn viên, ban nhạc, địa điểm và in ấn các ấn phẩm quảng cáo cho chương trình. Đề nghị quý Trung tâm phản hồi lại với gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để không gây khó khăn cho quý Trung tâm".

Hiện tại, cả 2 đơn vị nói trên đều mới chỉ bị thanh tra Sở VH - TT & DL Hà Nội phạt vì treo băng rôn quảng cáo chương trình khi chưa được cấp phép. Còn cả phía Sở VH - TT & DL, Cục NTBD vẫn khẳng định các chương trình tổ chức đúng luật. Như vậy, nếu không có gì thay đổi, "Ru tình" của Công ty Interbrand Việt Nam sẽ tổ chức 4 đêm vào các ngày mùng 3, mùng 4 và mùng 7, mùng 8 tháng 3 tới tại rạp Công nhân, còn "Ru tình" của Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày mùng 7, mùng 8 tháng 3 tại Cung Văn hóa Lao động Hà Nội. Và cả hai chương trình đều có giá vé khá cao. "Ru tình" của Interbrand có giá từ 800 ngàn đến 2 triệu đồng/vé, còn "Ru tình" do Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Mediamax tổ chức cũng từ 500 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/vé. Chưa biết, sự việc sẽ được hạ hồi phân giải thế nào nhưng thiệt thòi đầu tiên sẽ thuộc về khán giả. Liệu phải chạy show di chuyển giữa 2 điểm diễn trong cùng 1 đêm, các ca sĩ có đảm bảo chất lượng chương trình?

Việc trong cùng một thời điểm, có 2 chương trình cùng tên gọi, giống nhau về nội dung đã cho thấy sự chồng chéo trong quản lý nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam khi cả Cục NTBD và Sở VH - TT & DL các địa phương đều có thẩm quyền cấp giấy phép. Nếu không có những thay đổi phù hợp thì những rắc rối như thế rất dễ xảy ra.

Những rắc rối xung quanh 2 chương trình "Ru tình" vẫn đang bàn cãi thì việc Sở VH - TT & DL Đồng Nai vừa ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Tổ chức nghệ thuật Ba Miền (Thanh Hóa) vì đã tổ chức chương trình nghệ thuật bát nháo, nhảm nhí, "treo đầu dê bán thịt chó". Được biết, đơn vị này đã xin phép tổ chức chương trình ca nhạc cho thiếu nhi có tên Đồ rê mí vào tối 11/2 tại nhà thi đấu tỉnh Đồng Nai. Trước ngày diễn, đơn vị tổ chức cho quảng cáo, vé in hình các em đã đoạt giải cao trong chương trình "Đồ rê mí" của Đài Truyền hình Việt Nam nên khá nhiều khán giả mua vé vào sân. Tuy nhiên, khi chương trình diễn ra, khán giả mới té ngửa là mình bị lừa vì không có bất kỳ một bé nào từng đoạt giải tham gia chương trình. Chưa kể, khác với nội dung kiểm duyệt, đơn vị tổ chức tự ý đưa cả những bài hát yêu đương sướt mướt của người lớn cho trẻ em biểu diễn như "Lời nói nhân gian", "Vĩnh biệt tình em"... Chưa hết, số lượng chỗ ngồi nhà thi đấu có hạn nhưng đơn vị tổ chức vẫn bán vé ồ ạt, dẫn tới nhiều người mua vé nhưng không vào xem được. Sở VH - TT & DL tỉnh Đồng Nai đã phạt tiền Công ty Ba Miền, đồng thời làm công văn đề nghị Sở VH - TT & DL Thanh Hóa rút giấy phép biểu diễn, cũng như gửi thông báo để các tỉnh thành cảnh giác với kiểu chương trình nghệ thuật này. Điều đáng nói, đây không phải là sai phạm lần đầu của Công ty Ba Miền. Trước đó, công ty này đã lừa khán giả bằng chương trình tương tự tại Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, đã được cơ quan chức năng cho qua.

Những lộn xộn, bát nháo từ các chương trình biểu diễn nghệ thuật diễn ra cả ở Hà Nội và các địa phương đã cho thấy chúng ta chưa có chính sách quản lý chặt chẽ, hợp lý ở lĩnh vực này. Việc nhiều đơn vị đều có chức năng cấp phép biểu diễn dẫn đến tình trạng "cha chung không ai khóc". Chỉ đến khi sự việc xảy ra mới xử lý thì đã quá muộn. Nhất là hiện nay, không ít tỉnh, thành có tới hàng chục công ty TNHH được cấp giấy phép tổ chức biểu diễn. Không chỉ tổ chức các chương trình nghệ thuật kém chất lượng tại địa phương, các đơn vị này còn mang chương trình về các vùng ngoại thành Hà Nội như Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Trì... Theo quy chế, các công ty ở các địa phương khi mang chương trình về Hà Nội không phải qua Sở VH - TT & DL duyệt mà chỉ cần đổi giấy phép tổ chức biểu diễn. Chính vì vậy, việc các chương trình nghệ thuật chỉ xin một giấy phép mà biểu diễn hai nơi đã xảy ra không ít lần.

Có lẽ, để hạn chế tình trạng lộn xộn, làm trong lành đời sống biểu diễn nghệ thuật thì cần giao trọn quyền hạn cho một đơn vị chức năng để dễ quản lý, kiểm tra

.
.