Chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8-3

Phụ nữ và văn chương

Thứ Ba, 08/03/2016, 08:00
Chuyên đề này, chúng tôi dành tặng những người phụ nữ mang trên mình nghiệp văn chương. Phụ nữ - chỉ riêng khái niệm ấy đã bao hàm đủ cả những yếu đuối, chênh vênh, những mong manh, nhọc nhằn cùng những thương yêu, nhạy cảm... 


Phụ nữ cầm bút thì dường như những điều ấy lại càng tràn đầy trong mỗi con người. Phụ nữ cầm bút, có mấy ai không đa đoan, trắc trở. Dường như cái sự viết, những đa đoan phận người đã đánh đắm họ trong bể dâu cuộc đời như một lẽ thường của đàn bà làm nghề viết.

Có nhà văn đã so sánh giữa đàn ông cầm bút và đàn bà cầm bút: "Đàn ông có thể coi văn chương như một thứ say mê, tạo kỳ đài. Còn đàn bà viết văn xưa nay phần nhiều là để trải lòng. Viết cho mình. Viết bằng thứ bản năng mách bảo thần thánh nhiều hơn là viết bằng trí khôn. Thế nên, đàn ông viết văn nhiều khi viết bằng cái thông minh lồng lộng, còn đàn bà thường viết bằng tình yêu, bằng trái tim giàu trắc ẩn". Điều đó hẳn là không sai khi đọc những trang viết mà tác giả là những người phụ nữ. Dù họ đề cập tới những vấn đề vĩ mô hay nhỏ bé, xa xôi hay gần gụi thì vẫn bộc lộ sự tinh tế, đằm sâu, những góc nhìn riêng của đặc trưng giới tính.

Với phụ nữ, khi họ chọn đi đường dài với văn chương thì cũng có nghĩa ở một khía cạnh nào đó họ chấp nhận những hi sinh, thiệt thòi. Có thể là hy sinh một cuộc hôn nhân khi không nhận được sự cảm thông của người đồng hành hoặc đôi khi là chấp nhận một cuộc sống ít nhẹ nhàng (trong tâm tưởng), một hạnh phúc theo nghĩa thông thường như những người phụ nữ làm nghề khác. Tuy nhiên, một điều đặc biệt là ngay từ những mất mát, thiệt thòi ấy, những trang văn của họ vẫn chan chứa yêu thương, thắm xanh hy vọng.

Các nhà văn nữ ở Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX.

Đàn bà viết văn thường đa đoan. Bởi họ quá nhạy cảm. Mà nhạy cảm thường đi đôi với những chênh vênh, khó nắm bắt như một nhà thơ đã kết luận: "Nhạy cảm quá đôi khi thành nghiệt ngã". Thật khó có thể tin một phụ nữ sống hời hợt, nhạt nhẽo lại có thể viết được những đoạn văn, những câu thơ chạm tới tận đáy sâu trái tim bạn đọc.

Có thể tùy tính cách, tùy hoàn cảnh sống, những người phụ nữ ấy quan tâm hơn tới điều này điều kia hoặc đơn giản chỉ là cách biểu hiện bên ngoài. Còn trước trang giấy, những người đàn bà cầm bút luôn trung thực với trái tim của mình. Họ viết về những đau đớn, những mất mát, những dằn vặt nhưng chưa bao giờ thôi khát khao về một cuộc sống đầy ắp tin yêu.

Không ít nữ nhà văn đã chia sẻ rằng, bên cạnh những giây phút bận rộn, vất vả lo toan như bao người phụ nữ khác thì khi ngồi trước trang giấy là họ được sống thật với mình nhất. Tác phẩm chính là cách họ trò chuyện với chính mình, với cuộc sống. Là cách họ khoác lên tâm hồn mình đôi cánh để phiêu du trong trí tưởng tượng và những đắm say...

Chưa bao giờ nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng thiếu vắng những người phụ nữ tài hoa. Lịch sử văn học Việt Nam đã lưu danh những nữ tác giả kỳ tài: Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan... Sau này là những cây bút ngập tràn nữ tính: Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy...

Càng về sau, danh sách những người phụ nữ viết văn còn nối dài hơn nữa. Họ không chỉ đóng góp cho nền văn học những tác phẩm có giá trị mà còn cho thấy những nữ văn sĩ luôn xứng đáng được trân trọng và tự hào. Chính vì thế, cũng như vai trò quan trọng của người phụ nữ với thế giới, một đời sống văn chương sẽ tẻ nhạt, đơn sắc tới nhường nào nếu thiếu vắng những cây bút nữ, như nữ sĩ Xuân Quỳnh đã từng giả định: "Nếu ngày mai em không làm thơ nữa/ Cuộc sống trở về bình yên/ Ngày nối nhau trên đường phố êm đềm/ Không nỗi khổ, không niềm vui kinh ngạc".

Nhà văn Đỗ Bích Thúy:Phụ nữ không tự yêu mình trước thì đừng chờ đợi đàn ông yêu thương mình

Thảo Duyên (thực hiện)

- Thưa nhà văn Đỗ Bích Thúy, vừa giữ cương vị Phó Tổng biên tập ở một tờ báo văn nghệ có tiếng, vừa là một người vợ, người mẹ bận rộn nhưng độc giả vẫn thấy chị ra sách đều đặn. Chị có luôn cảm thấy thiếu thời gian với các vai trò này không?

+ Tôi tự nhận mình là người có lối sống ngăn nắp, khoa học, cũng là người có khả năng thích nghi với nhiều hoàn cảnh. Tôi nghĩ, đã là phụ nữ thì ai cũng bận, từ việc nhà tới việc cơ quan, nhưng quan trọng nhất không phải là cô ấy khỏe tới đâu để đảm đương hết mọi việc, mà là cô ấy biết sắp xếp thế nào để có thể làm chẳng sót việc gì nhưng vẫn có thời gian cho riêng mình.

Chắc bạn nghĩ tôi lúc nào cũng vắt chân lên cổ, bận rộn tối mắt tối mũi, thực ra thì không phải thế. Tôi vẫn có đủ thời gian để làm những việc mình thích, may vá, trồng cây, tha thẩn cả buổi ở chợ hoa… Nhưng khi cần làm việc gì thì làm quyết liệt cho xong, nhanh gọn, đâu vào đấy. Tôi thích làm mọi việc thật nhanh gọn. Mọi người hay bảo trông tôi thư thả, thực ra tôi là người làm nhanh, nói nhanh, ăn… cũng nhanh (cười).

Ảnh Trần Nam.

-  Từ thực tế bản thân và những bạn văn của mình, chị thấy phụ nữ viết văn thường gặp phải những khó khăn gì và có đúng là họ thường đa đoan, phức tạp như mọi người thường nghĩ không?

+ Chả phải. Tôi thấy tôi là người hết sức bình thường. Một số bạn viết của tôi thường đi trên dây nhưng tôi luôn luôn đi trên mặt đất (cười). Tôi nghĩ về mọi thứ một cách rành mạch. Nhiều người ngạc nhiên khi nhận ra tôi luôn rành mạch, tỉnh táo. Tất nhiên, các nhà văn nói chung (không riêng gì phụ nữ nhé) thường nghĩ về mọi thứ nhiều hơn bình thường một chút. Ví dụ nhìn một hiện tượng thì muốn nghĩ xem bản chất của nó là gì, nó xuất phát từ đâu, nó sẽ gây ra cái gì v.v… Đấy là lối tư duy khá phổ biến. Chính vì thế mà hay nghĩ ngợi hơn, hay “để bụng” hơn, gọi là “phức tạp” hơn cũng gần đúng.

Tôi thì chả gặp khó khăn gì. Tôi nói thật đấy. Khó khăn duy nhất lại không phải do khách quan mang lại mà xuất phát từ chính bản thân mình. Đấy là khả năng sáng tạo. Nó không phải là thứ vô biên, dùng mãi không hết, mà nó luôn có nguy cơ hao hụt, nhất là khi ta dừng lại, dù chỉ nghĩ là dừng để nghỉ ngơi một chút thôi. Nên tôi ít khi nghỉ ngơi. Tôi sợ nghỉ xong, quay lại, chẳng làm được gì nữa.

- "Chúa đất", tiểu thuyết gần đây nhất của chị được viết chỉ trong vòng 17 ngày mà như chị chia sẻ là "viết như lên đồng", "viết xuyên qua những cơn đau"... Thực tế thì chị có nhiều cơn "lên đồng" như vậy không? Những người thân của chị thế nào giữa những ngày chị "lên đồng" ấy nhỉ?

+ Ôi, cả cuộc đời cầm bút của tôi chắc cũng chỉ “lên đồng” được vài lần như vậy, chứ “lên đồng” liên tục chắc chính tôi cũng chả chịu nổi.

Nhưng “lên đồng” là cách nói ẩn dụ thôi, chỉ bản thân tôi cảm thấy thôi, chứ gia đình, người thân của tôi đâu có biết tí ti gì. Họ chỉ biết khi tôi đã viết xong, thậm chí là khi sách của tôi đã được in ra. Tôi không muốn làm phiền những người thân của mình, tôi càng không muốn họ biết tôi đã làm việc như thế nào. Công việc là của cá nhân tôi, tôi không thể khiến nó ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống gia đình.

- Nhiều nhà văn nữ loay hoay giữa bổn phận của người phụ nữ trong gia đình và công việc viết lách... Còn chị dường như không gặp vấn đề gì khó khăn cả. Đó là bởi chị giỏi thu xếp hay có được sự cảm thông tuyệt đối từ phía người thân?

+ Cả hai. Nhưng nghiêng về việc tôi giỏi thu xếp hơn (cười). Tôi thích thu xếp mọi thứ thật ổn thỏa, chia thời gian, tâm trí, sức khỏe cho từng việc một một cách thật hợp lý. Tất nhiên cũng không phải chia tăm tắp như bộ đội chia cơm nhưng ít ra cũng phải đâu ra đó, chủ yếu để không phải tự mình dẫm lên chân mình.

- Chị là nhà văn luôn đề cao sự chỉn chu, ngăn nắp và khoa học trong đời sống... điều đó thật tốt! Nhưng chị là phụ nữ, lại là phụ nữ viết văn mà... Lúc nào thì chị cho phép mình bớt chỉn chu và khoa học hơn nhỉ?

+ Khi nào cảm thấy sự luộm thuộm cũng thú vị thì chắc tôi sẽ thay đổi.

- Chị dành một sự quan tâm đặc biệt, sự yêu thương trìu mến với phụ nữ, như chị nói "Cuộc đời chẳng còn gì nếu thiếu phụ nữ" nhưng chị có thấy dường như phụ nữ chưa có được sự quan tâm tương xứng với vai trò quan trọng ấy? Và đôi khi ngay chính bản thân phụ nữ cũng chưa biết cách yêu thương, nâng niu bản thân mình?

+ Bạn hỏi đúng điều mà tôi thường suy nghĩ đấy. Phụ nữ trước hết phải tự yêu thương bản thân mình, tự tôn trọng mình, biết cách chăm sóc mình đã. Đặc biệt là ở ta, người phụ nữ vẫn hay phải ôm đồm nhiều thứ mà ngay cả bản thân chúng ta cũng vẫn coi việc ôm đồm ấy là đương nhiên. Chính chúng ta khiến cho đàn ông trở nên lười nhác, ỷ lại, chính chúng ta khiến cho con cái bất cứ việc gì cũng phải chờ mẹ về để hỏi, lúc ốm đau chỉ ôm chặt lấy cổ mẹ chứ không phải bố…

Nếu phụ nữ không tự yêu phụ nữ trước (giống như đàn ông rất yêu bản thân họ), thì cũng đừng chờ đợi đàn ông yêu thương mình.

-  Phụ nữ luôn là nhân vật chính trong các sáng tác của chị, vậy chị có ý định viết một tác phẩm mà nhân vật chính là người phụ nữ cầm bút với những chênh vênh, đa đoan của họ không?

+ Tôi chưa nghĩ đến một nhân vật như vậy. Chắc phải đợi già thêm chút nữa, trải nghiệm thêm một hai thập niên nữa (cười).

- Cảm ơn nhà văn Đỗ Bích Thúy!

Nhà thơ Trang Thanh: Khi nào cần "vẫy vùng"tôi trút vào thơ là đủ

Tuấn Phong (thực hiện)

- Thưa nhà thơ Trang Thanh, người ta thường nói, những người phụ nữ cầm bút thường nhạy cảm, đa đoan. Tự nhận mình là người sống thiên về cảm xúc, có khi nào chị cho rằng, những được mất của cuộc đời mình - cho đến thời điểm này - bởi vì mình là nhà thơ không?

+ Nếu mà có sự chi phối của thơ ca vào những được mất của cuộc đời mình thì cho đến giờ, tôi thấy mình được nhiều chứ. Nhiều người nhìn vào cuộc sống hiện tại của tôi thường đùa: “Ai bảo em làm thơ”; hay: "Thơ nó hành cả đấy!” – nghe có vẻ cám cảnh và tôi chắc là đáng thương lắm (?). Còn tôi thì nghĩ, nếu thực sự thơ ca dẫn lối để tôi có một gia đình như hiện tại, thì còn gì phải mơ ước nữa. Tôi thấy mình đang đủ đầy theo nhiều nghĩa, dù gia đình tôi đang trong những ngày tháng khó khăn, khắc nghiệt nhất, nhưng tràn đầy yêu thương. Và còn bởi tôi thấy không cần phải bận tâm đến những gì bên ngoài cuộc sống gia đình mình, kể cả những phán xét không đáng có.

- Khi thơ ca khoác sứ mệnh vào ai đó, nhất là với phụ nữ thì cuộc sống của họ khó có được sự an yên thông thường. Với chị thì thơ mang đến cho chị những điều gì?

+ Đã từng suốt cả thời tuổi trẻ, tôi luôn nghĩ rằng sẽ chẳng khi nào có một cuộc sống an yên. Là do thơ “nghĩ” vậy hay mình cứ tự nhân lên những ám ảnh không vui trong lòng rồi “đổ lỗi” cho thơ? Tôi nghĩ, là do mình cả thôi. Thơ lúc ấy có lẽ chỉ là một trong nhiều câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống. Khi mà chúng ta thấy cuộc sống của mình có rất nhiều vấn đề cần giải quyết bởi nhiều việc cần làm, với nhiều cách thức khác nhau, thì thơ ca chỉ là một chuyện nhỏ trong cả một đời sống của một con người, và lại càng nhỏ hơn trong đời sống của cả một gia đình. Chứ nếu độc tôn thơ là tất cả và cho rằng tôi chỉ có thể sống cho thơ ca thôi, thì mọi chuyện sẽ trở nên “to tát” và rắc rối lắm.

Nhưng phúc phận của mỗi người trong cuộc đời thì tôi cho là có đấy. Mình cho và nhận điều gì, được trao gửi điều gì hay phải gánh vác những việc gì trong cuộc đời, đấy là bởi cuộc đời lựa chọn mình, do phúc phận của mình đem lại. Còn trong cuộc sống, sự vất vả hay những khó khăn, thử thách mình phải đối mặt là điều bình thường. Tìm được ý nghĩa trong những việc mình đang làm, kể cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, thì giá trị cuộc sống, hay nói đúng ra là hạnh phúc, nằm ở đó.

- Thơ chị luôn chất chứa nỗi buồn, gương mặt chị cũng phảng phất điều đó... Thơ ca giải tỏa được bao nhiêu nỗi niềm trong chị?

+ Nhà thơ không phải là người chỉ viết về nỗi buồn của chính mình. Những nỗi niềm chung riêng mà một người thơ đôi khi tự vận vào mình nhiều lắm. Việc cộng hưởng những nỗi buồn của cuộc đời vào trong sáng tác sẽ khiến thơ có sức lan tỏa và nhận được sự đồng cảm. Còn nếu thơ chỉ là chuyện của cá nhân, không có gì liên quan đến các cá nhân khác thì nhà thơ không bao giờ có độc giả. Độc giả họ còn đọc thơ có lẽ cũng là để đi tìm chính mình qua những rung cảm mà nhà thơ có thể giúp họ chạm đến, chứ không phải đọc thơ để thỏa mãn sự tò mò về tác giả bài thơ.

- Nữ thi sĩ thường mang trong mình rất nhiều khát khao, những mong muốn được quẫy đạp, vẫy vùng... Giờ đây, chị có còn phải "ngó nghiêng, nhìn trước nhìn sau" rồi lại vẫn tự khép mình hay đã có thể sống thoải mái theo cách mình muốn?

+ Việc “nhìn trước ngó sau”, đó là đạo lý của con người trong cuộc sống, cũng giản dị thôi nhưng lại quan trọng, như việc chúng ta vẫn dạy con trong bữa ăn là “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” vậy. Ở trong tôi, con người gia đình có lẽ trội hơn cả nên hầu hết thời gian, tâm sức tôi dành cho việc chăm lo cho gia đình, không chỉ chăm sóc mà còn phải làm “cảnh sát” đối với chồng con, vì ở chồng con tôi, khả năng “sa đà” của họ lớn lắm (cười). Chồng thì ham làm việc, bỏ bê sức khỏe, con thì ham xem – nghe – đọc, lười học…

Tuy nhiên tôi thấy cuộc sống rất thoải mái, vui vẻ. Tôi không bị ám ảnh bởi những áp đặt về chức phận, về giới tính, về vị trí xã hội, v.v… Tôi toàn tâm toàn ý cho gia đình vì tôi muốn như thế và tôi hạnh phúc bởi điều đó. Điều lớn nhất khiến tôi bận tâm hiện nay là gia đình và mong muốn lớn nhất là sự bình yên. Khi nào cần “vẫy vùng”, tôi trút vào thơ là đủ.

- Cô con gái thân yêu của chị đã trở thành thiếu nữ và lại làm thơ giống mẹ. Khi thấy con tiếp tục dấn thân với thơ ca, thực sự chị hạnh phúc hay lo lắng?

+ Con gái tôi trong bước đầu đến với thi ca đã thể hiện những mối quan tâm khác hẳn với tôi. Cháu thường viết về các vấn đề của cộng đồng xã hội, của thế giới, thể hiện quan điểm cá nhân của mình trong đó. Lo cho con thì có lẽ đến già rồi mình vẫn lo, nhưng con mà may mắn được trời phú cho chút tài năng thật thì mình hạnh phúc chứ. Làm được điều gì để con có thể bay bổng hết mình thì tôi thích lắm.

- Xin cảm ơn chị!

Nhà thơ Trang Thanh: Sinh năm 1974 tại Nam Định, Tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội. Sáng tác truyện ngắn, thơ, truyện thiếu nhi. Đã in: tập truyện ngắn "Đá của trăm năm" (2006), thơ "Bay lặng im" (2007), "Mây trắng" (2012); truyện thiếu nhi "Tí Chổi" (2010); "Tí Chổi và bà mẹ Camera" (2011); "Mắt chuồn chuồn kim" (2011). Giải thưởng Lá trầu năm 2008 cho tập thơ "Bay lặng im".

Nhà văn Phan Hồn Nhiên: Trong sáng tác, không có sự khác biệt giữa phái mạnh và phái yếu

Mai Quỳnh Nga (thực hiện)

- Nhà văn Phan Hồn Nhiên là cây bút thuộc thế hệ 7X nổi tiếng với những tác phẩm khai thác tinh tế và sâu sắc thế giới người trẻ trong đời sống đô thị hiện đại. Đặc biệt, chị được coi là nhà văn Việt Nam đầu tiên thử sức và gặt hái nhiều thành công ở thể loại fantasy (văn học kỳ ảo) với các tác phẩm đình đám như “Những đôi mắt lạnh”, “Chuỗi hạt Azoth”, “Xuyên thấm”, “Máu hiếm”...   Chị đã đến với nghiệp cầm bút như thế nào?

+ Tôi bắt đầu thử sáng tác khi đang học năm thứ hai tại Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Những truyện ngắn đầu tiên được in trên Báo Thanh Niên. Sau đó tôi học tiếp ngành Thiết kế mỹ thuật tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Ở trong môi trường nghệ thuật, tôi hiểu rằng, muốn làm nghệ thuật đúng nghĩa phải học hành bài bản. Tôi bắt đầu tập luyện theo từng bước để phát triển song song kỹ năng hội họa và sáng tác văn học. Với tôi, khi được làm những gì mới lạ mang tính thử thách, khó khăn, mình luôn hứng thú và tập trung theo đuổi. Viết văn như một cách để tôi tự kiểm tra năng lực và nó phù hợp với tính cách ưa tĩnh lặng, thích quan sát, tìm tòi của tôi. Tôi không cho rằng phụ nữ cầm bút thường đa đoan. Điều ấy là do tính cách và lựa chọn cá nhân, không phải do nghề nghiệp.

- Nữ nhà văn Võ Diệu Thanh đã từng chia sẻ như thế này trong một buổi tọa đàm:“Nghề viết lẽ ra là của đàn ông, bởi đàn ông có thể lăn xả vào nhiều ngóc ngách cuộc đời, có thể đi đến nhiều nơi, va chạm và sống” và “Khi người nữ viết văn thì trong cô ta đã có một nửa là đàn ông rồi”. Riêng chị, chị quan niệm thế nào khi phái đẹp cầm bút?

+ Với người viết chuyên nghiệp, họ luôn cần đến sự hóa thân mạnh mẽ và óc quan sát sâu sắc. Khi ngồi trước trang viết, tôi tin ít ai bận tâm khía cạnh mình là đàn ông hay đàn bà. Ngoại trừ những tác phẩm đào sâu khía cạnh giới và giới tính hay những sáng tác dựa trên chủ đề nữ quyền. Những băn khoăn về phái mạnh hay phái đẹp cũng như đòi hỏi trang viết phải dựa trên sự khác biệt về giới thường không có ích gì nhiều trong quá trình sáng tạo.

- So với nhà văn nam, những khó khăn lớn nhất mà nhà văn nữ gặp phải là gì? Chị đã vượt qua nó như thế nào?

+Tôi cho rằng về khía cạnh sáng tác, không có sự khác biệt gì nhiều giữa nhà văn nam và nhà văn nữ. Để hình thành tác phẩm, người viết của cả hai giới đều trải qua những thao tác nghề nghiệp như nhau. Còn về khía cạnh cuộc sống, theo tôi quan sát, các nhà văn nữ có lẽ chịu áp lực nhiều hơn về thời gian so với nhà văn nam. Bên cạnh công việc, nhà văn nữ còn chịu trách nhiệm về gia đình cũng như các bổn phận khác. Vì vậy, để duy trì sáng tác, có lẽ không chỉ cần khả năng thu xếp giỏi mà còn đòi hỏi ở nhà văn nữ sự say mê và thật tâm với nghề.

- Chị nghĩ sao trước ý kiến cho rằng phụ nữ cầm bút cũng có những lợi thế của riêng mình mà đàn ông không sánh được?

+ Mỗi cá nhân người viết đều có ưu thế riêng cũng như khuyết điểm riêng. Điều đó tạo nên sự độc đáo cho từng cá nhân. Mỗi người viết đều có thể học hỏi và tự bổ khuyết bằng cách nhìn vào bản thân và đồng nghiệp, bất kể họ là phái mạnh hay phái đẹp. 

- Xin cảm ơn nhà văn Phan Hồn Nhiên! 

PV
.
.