Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm:

Phim về đề tài chiến tranh không thể mãi “ăn mày dĩ vãng”

Thứ Bảy, 15/12/2018, 08:43
Phim chiến tranh từng một thời là mạch chủ đạo của điện ảnh Việt Nam. Thời kỳ đó có nhiều phim hay nhưng đến giờ có phim đã giảm nhiều hấp dẫn vì tính tuyên truyền khá lộ liễu. Tuy nhiên, cũng có không ít bộ phim mà đến bây giờ xem vẫn thấy hay, nó không giáo điều, hô hào sáo rỗng, mà mang đậm hơi thở của thời đại và tâm huyết của nhà làm phim.


Khô khan, tuyên truyền sáo rỗng, cũ kỹ... là những định kiến của khán giả khi nhắc về dòng phim chiến tranh, người lính. Thực tế phũ phàng buộc những người làm nghề phải tỉnh giấc mộng quá khứ vinh quang mà nhìn thẳng vào tình hình hiện nay: phim chiến tranh, người lính ngày càng thiếu và yếu. Bởi trong cuốn tuyển tập "101 bộ phim Việt Nam hay nhất" của nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm vừa ra mắt mới đây, những tác phẩm xuất sắc khai thác đề tài này chủ yếu vẫn nằm ở một thời đã xa.

- Phần đầu tuyển tập "101 bộ phim Việt Nam hay nhất" đa phần đều liệt kê các tác phẩm kinh điển thuộc dòng phim chiến tranh cách mạng. Anh nhận thấy tác phẩm thời kỳ này có gì đặc sắc để bây giờ nó vẫn lôi cuốn người xem đến vậy?

Phim chiến tranh từng một thời là mạch chủ đạo của điện ảnh Việt Nam. Thời kỳ đó có nhiều phim hay nhưng đến giờ có phim đã giảm nhiều hấp dẫn vì tính tuyên truyền khá lộ liễu. Tuy nhiên, cũng có không ít bộ phim mà đến bây giờ xem vẫn thấy hay, nó không giáo điều, hô hào sáo rỗng, mà mang đậm hơi thở của thời đại và tâm huyết của nhà làm phim.

Bộ phim "Những người viết huyền thoại" là một trong số ít phim chiến tranh gần đây được nhà phê bình Lê Hồng Lâm chọn vào tuyển tập "101 bộ phim Việt Nam hay nhất".

Bắt đầu từ năm 1959, điện ảnh Việt Nam xuất hiện rất nhiều bộ phim khiến người xem hôm nay vẫn xúc động, như "Chung một dòng sông", "Nổi gió", "Mùa gió chướng", "Chim vành khuyên", "Chị Tư Hậu", "Cánh đồng hoang", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Đường về quê mẹ"...

Đó thực sự là bản anh hùng ca đáng tự hào. Các tác phẩm khắc họa chân dung con người Việt Nam mộc mạc, chân chất nhưng có một tình yêu nước sâu đậm, sẵn sàng bảo vệ quê hương, trở thành những hình tượng dũng cảm, bất khuất.

Những người cầm súng không hẳn mang lý tưởng gì to tát, mà họ xuất phát từ những người dân áo nâu bình dị chịu nhiều áp bức bóc lột, bất công. Có lẽ vì bước ra từ đời sống hiện thực là cuộc chiến đang diễn ra từng ngày mà tác phẩm rất chân thực và gần gũi từ bối cảnh, diễn xuất, câu chuyện...

Một vài đại cảnh trong phim "Ván bài lật ngửa" phản ánh khí thế đấu tranh đòi dân chủ, phản đối chiến tranh của nhân dân ta khiến tôi ngạc nhiên tự hỏi, vì sao thời điểm ấy còn quá khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất nhưng các nhà làm phim lại có thể dựng được những đại cảnh cuốn hút như thế?

- Ngoài thu hút công chúng, rõ ràng có rất nhiều tác phẩm trong số đó đạt chất lượng nghệ thuật đỉnh cao, gặt hái nhiều giải thưởng danh giá ở các liên hoan phim quốc tế thời bấy giờ.

Đúng vậy! Tinh thần, bản sắc của một dân tộc thể hiện rõ trong những bộ phim ấy. Trong số đó, "Bao giờ cho tới tháng mười" của đạo diễn Đặng Nhật Minh được đông đảo bạn bè thế giới biết đến nhiều hơn cả. Những bộ phim Việt Nam thời kỳ này giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về con người Việt Nam nói chung và cảm phục người cộng sản nói riêng.

Đó là những con người bình dị, chân chất và có một lòng yêu nước thương nòi nồng nàn, chứ không như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Sau này, chúng ta có thêm rất nhiều bộ phim hay về đề tài này vì dư âm cuộc chiến chưa xa. Phim hậu chiến khai thác vết thương chiến tranh, thân phận và góc khuất của những con người bước ra từ bom đạn cũng để lại dấu ấn sâu đậm như "Ngã ba Đồng Lộc", "Đời cát", "Sống trong sợ hãi", "Người đàn bà mộng du"...

- Dòng phim này đã có nhiều tác phẩm thành công như thế, vậy tại sao bây giờ nó lại bị khán giả quay lưng, trong khi không hiếm bộ phim được nhà nước mạnh tay đầu tư kinh phí lên tới 15, 20 tỷ?

Phim về chiến tranh, người lính bây giờ vẫn khai thác câu chuyện cũ, vẫn là chủ nghĩa anh hùng minh họa thô sơ nhưng không có sự chân thành, xúc động của thời thế nữa, mà trở nên giả tạo, khuôn sáo với những bài ca tuyên truyền cũ kỹ.

Các bộ phim này thiên nhiều về việc minh họa câu chuyện chứ không có chất sáng tạo riêng, nó tẻ nhạt với những thủ pháp điện ảnh quá sáo mòn. Nhân vật không được khắc họa tính cách đậm nét, riêng biệt, mà chỉ là cái loa tuyên truyền cho lý tưởng đao to búa lớn. Đã vậy, cách kể và cách thực hiện cũng không đột phá mới mẻ khiến khán giả ngán ngẩm tự hỏi "chuyện xưa khép lại được chưa?". Khán giả bây giờ có nhiều đề tài phim ảnh, giải trí khác lạ để chọn lựa nên ta cứ xoáy vào cái cũ thì không ai xem ta cả.

Dòng phim này đòi hỏi nhiều về kỹ xảo, cháy nổ... nhưng kỹ xảo, cháy nổ lại không tới. Thời đại hiện nay, khán giả cần những kỹ xảo hiện đại bắt mắt chứ không phải là kỹ xảo thô sơ như ngày xưa. Kịch bản yếu, đạo diễn và lực lượng diễn viên thiếu lửa nghề đã cho ra những bộ phim nghèo nàn ở ý tưởng, chắp vá ở khâu thực hiện.

Phim "Sống cùng lịch sử" của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân dù được đầu tư lên tới hơn 20 tỷ đồng nhưng nó là một bộ phim tệ. Bối cảnh rất giả tạo, diễn viên biểu cảm đơ, thoại vô hồn, khô khan, thủ pháp dễ đoán...

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm.

Tất nhiên bây giờ vẫn có những bộ phim hay nhưng con số này quá khiêm tốn và rải rác trong nhiều năm. Có thể kể đến "Đừng đốt" (2009), "Những người viết huyền thoại" (2013)... Lâu nay, dòng phim này chủ yếu do nhà nước sản xuất nên công tác quảng bá không được chú trọng. Do vậy, phim hay cũng làm ra chiếu vào dịp lễ lạt rồi cất kho. "Những người viết huyền thoại" là một bộ phim chịu số phận hẩm hiu như thế.

- Điện ảnh quốc tế có khá nhiều phim hay về chiến tranh, lực lượng quân đội. Theo anh, chúng ta nên học tập họ những gì?

Gần đây, Trung Quốc có phim "Chiến lang", Hàn Quốc có "Hậu duệ mặt trời" gây sốt châu Á. Ở các nước như Mỹ, Nhật... vẫn khai thác đề tài người lính trong thời chiến và cả trong thời bình, nhưng phim của họ vô cùng cuốn hút.

Bên cạnh câu chuyện mới lạ, hiện đại, thấm đẫm lòng tự hào dân tộc, họ có kỹ xảo và hiệu ứng vô cùng bắt mắt và chân thật. Các phương tiện chiến tranh như máy bay, trực thăng, xe tăng, tàu chiến... đều được đầu tư kỹ lưỡng và hùng hậu. Nhân vật cũng được họ đào sâu tính cách, nội tâm và xây dựng như một biểu tượng để khán giả ngưỡng mộ và mãi nhắc đến.

Thực tế, đề tài về chiến tranh, về lực lượng vũ trang vẫn là đề tài hấp dẫn với điện ảnh Việt hiện nay. Nhưng chúng ta rất khó làm nên những bộ phim để khán giả cảm động và tự hào, nhất là cảm động và tự hào về người lính hải quân, không quân, bộ binh... trong cuộc chiến thời bình. Chắc chắn cuộc chiến thời bình có rất nhiều câu chuyện hay đáng được đưa lên màn ảnh. Vậy mà chúng ta vẫn cứ chăm chăm đào xới quá khứ đã qua. Khi điện ảnh nhà nước hoàn toàn lép vế trước điện ảnh tư nhân thì phim chiến tranh, người lính gần như chỉ thỉnh thoảng xuất hiện vào dịp lễ lạt cho có.

Dạo gần đây cũng có một số hãng tư nhân mạnh dạn khai thác hình ảnh người quân nhân ngày nay, tạo được sự chú ý với công chúng như "Sứ mệnh trái tim", "Hậu duệ mặt trời". Nhưng cả hai đều là phim học đòi xứ người. Vậy nên nó không sát sườn cuộc sống thực tế của quân đội Việt Nam, thậm chí nhiều tình huống "tỏ ra nguy hiểm" lại trở thành "hạt sạn" ngây ngô.

- Vậy theo anh, cần đổi mới thế nào để phim về đề tài người lính, chiến tranh cách mạng thu hút công chúng ?

Tôi nghĩ phim làm về chiến tranh, về lực lượng vũ trang cần có tính giải trí một chút để khán giả dễ xem chứ không quá thuần nghệ thuật hay tuyên truyền chính trị. Điều quan trọng là phim phải mang hơi thở thời đại tươi mới, mang tâm hồn cốt cách của con người Việt Nam và chân thực.

Bởi có chân thực thì mới thuyết phục và chạm trái tim người xem. Do đó, các nhà làm phim cần phải sâu sát, lăn xả với đời sống của người lính. Tôi nghĩ dòng phim này rất cần cái bắt tay giữa nhà nước và tư nhân.

Từ thành công của "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", tôi tin rằng cái bắt tay ấy sẽ cho ra đời một bộ phim vừa tử tế, ý nghĩa, giàu nghệ thuật, lại vừa đáp ứng nhu cầu giải trí. Và hãy để người trẻ thử nghiệm làm nên những bộ phim tươi mới, đậm hơi thở đương đại dựa trên chất liệu, đề tài tưởng như đã cũ.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Mai Quỳnh Nga (thực hiện)
.
.