Phim truyền hình Việt Nam: Vì sao tụt hậu so với khu vực?
Chưa nói đến tầm quốc tế, chỉ mới so với khu vực Đông Nam Á thì chất lượng phim truyền hình Việt Nam đã tụt hậu đáng kể. Nâng cao chất lượng phim truyền hình Việt Nam có lẽ là một bài toán nan giải, cần phải có thời gian và sự chung sức của nhiều nguồn lực.
Không thể phủ nhận, những năm gần đây phim truyền hình Việt Nam đã có những bước tiến đáng khích lệ. Theo số liệu thống kê mới nhất, tỉ lệ phim truyền hình Việt Nam với phim nước nước ngoài trên sóng VTV đạt 47%. Đấy là con số ấn tượng nếu ta biết, cách đây khoảng 5 năm, các kênh sóng của truyền hình Việt Nam đang phấn đấu chỉ tiêu 30% phim nội. Sự thành công của VTV trong việc tăng số lượng phim Việt phát sóng cho khán giả Việt Nam bắt nguồn từ sự ra đời của chương trình "Phim Việt trên VTV". Theo đó, trên kênh VTV1 từ 20h đến 21h và trên VTV3 từ 21h -22h, VTV trình chiếu các bộ phim truyền hình do Việt Nam sản xuất. Đây là khoảng thời gian được xem là "giờ vàng" của truyền hình và việc ưu tiên trình chiếu phim Việt khung giờ này cho thấy sự nhìn nhận đúng đắn của VTV để kích cầu phim nội. Theo ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban thư ký biên tập VTV cho biết: "Cuộc chiến giữa phim nội với phim ngoại là vấn đề không của riêng Việt Nam. Nếu trước kia toàn bộ phim Việt lép vế, các hãng phim điện ảnh chỉ sản xuất một năm khoảng chục phim trở lại, phim truyền hình èo uột... thì cho đến lúc này, trên sóng các Đài truyền hình lớn, phim Việt đang chiếm vị trí số 1".
Cho đến nay, đã có nhiều kênh sóng truyền hình Việt Nam dành hẳn khung "giờ vàng" trình chiếu phim Việt như VTV1 (20h), VTV3 (21h), VTV9 (21h), VTV6 (19h45 thứ bảy, chủ nhật)… Nhiều đài truyền hình địa phương và các kênh sóng truyền hình chuyên biệt cũng ưu tiên trình chiếu phim nội như Truyền hình Vĩnh Long 1 (19h45), SCTV14 (19h45), HTV7 (20h), Let's Việt (20h30)…. Không chỉ tăng vọt về số lượng phim Việt, các chương trình "giờ vàng phim Việt" trên các kênh sóng truyền hình Việt Nam đã rộng mở cánh cửa cho các nhà sản xuất phim tư nhân. Hàng loạt phim của các hãng phim tư nhân được sản xuất và ồ ạt lên sóng như: "Cô gái xấu xí", "Ngôi nhà hạnh phúc", "Bỗng dưng muốn khóc", "Có lẽ nào ta yêu nhau", "Cho một tình yêu"… của Công ty TNHH BHD; "Vòng xoáy tình yêu", "Nhịp đập trái tim", "Ra giêng anh cưới em", "Cuồng phong", "Vệt nắng cuối trời"… của Hãng phim Lasta; "Lập trình trái tim", "Tết cháy Ôsin", "Chít và Pi", "Tình ca phố"… của FPT Media;"Chàng trai đa cảm" của Hãng phim Đông A; "Ninh Thạch Lợi - Đất và lửa" của Công ty cổ phần Cầu Vồng; "Xin lỗi tình yêu" của Công ty Suối Màu …
Cùng với sự tăng vọt về số lượng phim được sản xuất và trình chiếu trên sóng truyền hình, nhiều thể loại mới cũng đã trình làng như: truyền hình tương tác với các phim "Nhật ký vàng anh", "Những phóng viên vui nhộn", "Cửa sổ thủy tinh"…; phim sitcom với "Những người độc thân vui vẻ", "Cô gái xấu xí", "Lẵng hoa tình yêu", "Gia đình là số một"… Chủ trương phân biệt thể loại phim dẫu chưa thật sự tách bạch nhưng cũng đem đến cho khán giả những kênh phim truyện chuyên biệt như phim chính luận trên VTV1, phim giải trí trên VTV3, phim gia đình trên kênh Let's Việt… Lẽ dĩ nhiên, số lượng phim sản xuất tăng vọt thì đòi hỏi về phim trường càng bức thiết hơn và thực tế nhiều phim trường cũng đã dần mọc lên trong những năm gần đây như phim trường của Công ty TNHH BHD, phim trường của Hãng phim Mesa… Những nhà làm phim truyền hình dần dần cũng hình thành đội ngũ những người đạo diễn chỉ chuyên làm phim truyền hình, thậm chí không đoái hoài đến làm phim điện ảnh như Đỗ Thanh Hải, Dũng Nghệ, Bùi Quốc Việt,
Dù vậy, so với mặt bằng chung trong khu vực Đông Nam Á, phim truyền hình Việt Nam vẫn còn nhiều thua kém, chứ chưa nói đến "sánh vai với các cường quốc năm châu". Nếu như Thái Lan từ lâu đã xem phim truyền hình là một ngành công nghiệp giải trí, thường xuyên "xuất khẩu phim" cho nhiều nước trên thế giới thì những năm gần đây, nhiều nước trong khu vực cũng đã có những bước tiến vượt bậc trong công nghệ sản xuất phim truyền hình. Đơn cử như Malaysia, từ lâu đã xuất khẩu phim truyền hình cho nhiều nước. Chỉ tính riêng phim hoạt hình, Malaysia đã có mặt ở 64 nước. Ông Mohd Mahyidin Mustakim, Giám đốc điều hành Hiệp hội Sáng tạo nội dung Malaysia cho biết: "Tiêu biểu đã có phim truyền hình của Malaysia bán cho 125 nước trên thế giới". Mới đây, bộ phim "The Kitchen Musical" của Malaysia đã trở thành bộ phim truyền hình duy nhất của Châu Á được đề cử giải Emmy 2012. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, Malaysia có hơn 30 phim đã và đang trình chiếu trên các kênh sóng truyền hình ở nhiều nước trên thế giới.
Không chỉ hướng đến mục tiêu phục vụ cho khán giả nội, nhiều nước trong khu vực đã xem việc xuất khẩu phim là hướng đi tất yếu. Ông Chee Kong Cheah, Giám đốc bộ phận Sáng tạo - Đạo diễn phim tại Singapore nhìn nhận: "Thị trường phim luôn thiếu những bộ phim dài tập có tính nhân văn và chất lượng cao. Trước nhu cầu lớn như vậy, từ lâu các nhà làm phim Singapore đã hướng tới sản xuất những bộ phim vươn ra thị trường thế giới". Để xuất khẩu phim, trước hết sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn, chất lượng. Mà để có một bộ phim chất lượng, bên cạnh những yếu tố nghệ thuật như kịch bản, diễn xuất, bàn tay dàn dựng của đạo diễn… âm thanh, hình ảnh và nhiều yếu tố kỹ thuật khác cần phải đạt chất lượng, công nghệ cao. Bà Janine Stein, Tổng Biên tập tạp chí ContentAsia - Singapore nhìn nhận: "Bên cạnh chủ trương phát triển phim truyền hình, cần có dự án và các cơ sở sản xuất tốt. Những năm gần đây, công nghệ sản xuất phim truyền hình Malaysia đang phát triển mạnh một phần do cơ sở sản xuất của Malaysia được đầu tư, trang bị tốt".
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH BHD nêu một thực trạng đáng buồn về công nghệ sản xuất phim truyền hình Việt Nam: "Trên thế giới hầu như các nước đều quay và thu thanh trực tiếp chứ không còn phim lồng tiếng như ở ta". Điều đó cho thấy công nghệ sản xuất phim truyền hình Việt Nam hiện lạc hậu rất nhiều so với mặt bằng chung sản xuất phim truyền hình trên thế giới. Thậm chí nhiều bộ phim thiếu hẳn một vài thành phần quan trọng như: giám đốc hình ảnh, photographer… Đấy là những mắt xích lộ rõ sự thiếu chuyên nghiệp trong sản xuất phim truyền hình Việt Nam. Hơn thế, muốn có những bộ phim chất lượng cao đòi hỏi nhiều công đoạn phải đạt chất lượng tốt từ khâu kịch bản, lời thoại đến diễn xuất của diễn viên, dàn dựng của đạo diễn và đương nhiên là cả khâu duyệt phim… Thế nhưng, trong khi nhiều nước ở khu vực và trên thế giới đã quen thuộc với phim sản xuất thử thì ở Việt Nam, phim thử vẫn là khái niệm mới, chưa có tiền lệ. Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh thì với những bộ phim sản xuất thử, các nhà sản xuất vừa có sản phẩm để "chào hàng", thu hút đầu tư vừa thuận lợi cho khâu duyệt dự án phim, lại có thể sớm "đo" thị hiếu khán giả với phim…
Số lượng phim tăng vọt trong những năm gần đây đã và đang đặt ra những thách thức trong việc nâng cao chất lượng phim truyền hình Việt Nam. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Hãng Phim truyền hình Việt Nam (VFC) khẳng định: "Gạt bỏ yếu tố lợi nhuận sang một bên, nếu được đầu tư kinh phí lớn, nhiều đạo diễn của chúng ta chưa chắc đã làm nên một bộ phim chất lượng cao". Thực vậy, muốn nâng cao chất lượng phim truyền hình Việt Nam không phải là chuyện một sớm một chiều mà cần sự đồng bộ, đồng thuận ở nhiều khâu và cần có lộ trình, thời gian. Cứ nhìn sang nước bạn Malaysia, để phát triển công nghệ sản xuất phim truyền hình, Chính phủ Malaysia có hẳn cơ quan phát triển phim - CCAM. Cơ quan này quy tụ nhiều nhà sản xuất phim, nhà quản lý văn hóa vừa duyệt các dự án, phân bổ kinh phí sản xuất phim hàng năm, vạch chiến lược phát triển, định hướng và cũng là cơ quan thu hút các nguồn đầu tư… Để phát triển phim truyền hình, Malaysia xác định nâng mức đầu tư từ 1,6% GDP năm 2010 lên 6,5% GDP năm 2020. Thực tế, năm 2012 vừa qua, CCAM đầu tư 60 triệu USD cho các dự án sản xuất phim và dự kiến đến năm 2020 sẽ nâng mức đầu tư lên 130 triệu USD.
Những năm gần đây, đã có không ít bộ phim được mua bản quyền nước ngoài về sản xuất tại Việt Nam, với những diễn viên Việt Nam, câu chuyện ở Việt Nam, bối cảnh Việt Nam… đem đến những thành công nhất định… Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng phim truyền hình, theo chuyên gia Mohd Mahyidin Mustakim, Giám đốc điều hành Hiệp hội Sáng tạo nội dung Malaysia là cần phải hợp tác sản xuất phim quốc tế, qua đó học hỏi, thử thách khả năng, đút rút kinh nghiệm…Vừa qua, chúng ta cũng đã phối hợp với Malaysia sản xuất bộ phim "Cuộc tình éo le", "Án mạng"… và hiện VFC cũng đang hợp tác với Đài truyền hình KBS - Nhật Bản để sản xuất bộ phim về nhà chí sĩ Phan Bội Châu mang tựa đề "Người cộng sự".
Một trong những khoảng trống trong công nghiệp sản xuất phim truyền hình VN là thiếu Hiệp hội nhà sản xuất phim. Hiệp hội này không chỉ là cơ quan chuyên môn, tư vấn, định hướng sự phát triển của phim truyền hình mà còn là điểm tựa, làm đầu mối để có thể thu hút các nguồn kinh phí khác nhau để có bộ phim hay. Ông Chee Kong Cheah, Giám đốc bộ phận Sáng tạo - Đạo diễn phim tại Singapore cho biết, đôi lúc có một ý tưởng hay nhưng để trở thành dự án làm phim tốt là cả một quá trình, đòi hỏi nhiều cộng sự trong việc viết kịch bản phim, viết lời thoại, tìm kinh phí sản xuất, chọn bối cảnh… "Gói" công việc đồ sộ này, các đạo diễn ở Việt Nam hiện vẫn quen tự thân vận động mà chưa cậy nhờ được nhiều ở các bộ phận có chức danh là nhà sản xuất