Phim truyền hình Việt Nam: Những tín hiệu vui sau gam màu xám...

Thứ Sáu, 24/06/2016, 07:34
Ba phim truyền hình Việt Nam được một đài truyền hình trong khu vực mua bản quyền phát sóng. Một số dự án phim "khủng" như "Zippo, mù tạt và em", "Tuổi thanh xuân 2", "Nguyệt thực"... sẽ lên sóng truyền hình trong thời gian tới đây liệu có thể mang đến cho phim truyền hình Việt những gam màu tươi sáng hơn? Câu trả lời vẫn đang ở phía trước.


Những tín hiệu vui

Dự án phim đang rất được khán giả trẻ mong chờ trong tháng 6 này là "Zippo, mù tạt và em". Theo VTV, bộ phim sẽ bắt đầu lên sóng truyền hình vào khung giờ vàng tối thứ hai, thứ ba hằng tuần, bắt đầu từ ngày 30/6. "Zippo, mù tạt và em" gây chú ý không phải do cái tên "lạ", "có vẻ thời thượng" mà do có sự tham gia của dàn diễn viên trẻ, đẹp, tài năng, "hot" hàng đầu showbiz Việt hiện nay.

Đạo diễn Trọng Trinh cho biết, "Zippo, mù tạt và em" ẩn chứa những câu chuyện về tình yêu, hoài bão, lý tưởng của tuổi trẻ rất thú vị. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, Hãng phim Truyền hình Việt Nam (VFC) sử dụng hai dàn diễn viên cho các nhân vật ở hai giai đoạn đôi mươi và sáu năm sau. Bên cạnh đó, phần hai của "Tuổi thanh xuân" - bộ phim truyền hình được yêu thích nhất trên VTV năm 2015 cũng đang bước vào những cảnh quay cuối cùng.

Bộ phim dự kiến lên sóng vào tháng 10 tới đây. Sự xuất hiện trở lại của dàn diễn viên trẻ, đẹp như Nhã Phương, Hồng Đăng, Kang Tae Oh... cùng những tình tiết mới, cảnh quay tuyệt đẹp ở Hàn Quốc và Việt Nam hy vọng sẽ tiếp tục tạo nên "cơn sốt" như  khi "Tuổi thanh xuân" phần 1 lên sóng.

Poster phim "Nguyệt thực" - bộ phim sẽ mang đến những góc nhìn mới, chân thực về nghề báo.

Bộ phim về nghề báo có tên "Nguyệt thực" (đạo diễn Nguyễn Trọng Hải) cũng đã lên sóng VTV3 bắt đầu từ ngày 13/6 vừa qua. Nhà báo, nhà biên kịch Chu Thu Hằng, tác giả của nhiều bộ phim tình cảm, tâm lý ăn khách thời gian qua là người viết kịch bản "Nguyệt thực". Bộ phim hy vọng sẽ mang đến cho khán giả những góc nhìn mới, chân thật hơn về nghề báo, tác động của báo chí đối với xã hội.

"Những ngọn nến trong đêm" phần 2 (đạo diễn Khải Anh) đang lên sóng VTV3 vào các tối thứ tư, thứ năm hằng tuần. Mặc dù nhận được không ít phản ứng trái chiều nhưng có thời điểm, "Những ngọn nến trong đêm" đạt tỷ suất người xem cao "ngất ngưởng", đứng đầu các bộ phim lên sóng cùng thời điểm của VTV.

Một số kênh truyền hình đang chuyển hướng đề tài mới lạ nhằm mang đến món ăn mới cho độc giả. Trong đó, dòng phim tâm lý xã hội - điều tra - hình sự là điểm nhấn đáng chú ý. Trong trào lưu này phải kể đến bộ phim "Trả giá" (đạo diễn Nhâm Minh Hiền), "Cung đường tội lỗi" (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường) lên sóng giờ vàng trên VTV9. Loạt phim mới trên Truyền hình Vĩnh Long (THVL) cũng chuyển hướng khai thác đề tài lạ như phá án, cổ trang, kinh dị để lôi kéo khán giả (như "Trần Trung kỳ án" (Đạo diễn Bùi Ngọc Nam Phương), "Mặt nạ tình yêu" (đạo diễn Nguyễn Phương Điền)...

Phim truyền hình xuất ngoại cũng là một tín hiệu rất đáng mừng cho phim Việt. Trong tháng 6 này, ba bộ phim do hãng Lasta sản xuất là "Nghiêng nghiêng dòng nước" (đạo diễn Nam Quan), "Trả giá" (đạo diễn Đinh Đức Liêm), "Sương khói đồng hoang" (đạo diễn Nguyễn Dương) sẽ được phát sóng trên kênh MW - kênh truyền hình quảng bá của Myanmar. Đài truyền hình của Myanmar quyết định lựa chọn phim của Lasta để phát sóng là vì những bộ phim trên có nội dung gần gũi, chân thực. Phim Việt được đưa ra thị trường nước ngoài, dù là để "thăm dò thị trường" cũng là sự khích lệ rất lớn đối với những nhà làm phim Việt.

Còn đó những băn khoăn

Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2016, có thể thấy rằng, chưa có bộ phim truyền hình Việt Nam nào thực sự để lại ấn tượng sâu sắc với công chúng yêu nghệ thuật. Sự "hụt hơi", "mất vị thế" của phim truyền hình Việt đã được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông thời gian gần đây. Sự nỗ lực của các đài truyền hình, đoàn làm phim với hy vọng lấy lại vị thế cho phim truyền hình Việt là điều rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, sự nỗ lực đó vẫn chưa đủ để khẳng định thương hiệu phim truyền hình Việt.Vì sao phim truyền hình Việt tụt dốc? Có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan của vấn đề này.

Trước tiên, phải nói đến thị hiếu của khán giả hôm nay khác nhiều so với trước đây. Sự bùng nổ internet và các chương trình giải trí trên truyền hình đã mang đến cho khán giả nhiều cơ hội để lựa chọn "món ăn" phù hợp trong thực đơn giải trí đa dạng. Sự "độc quyền" phim truyền hình trên các cánh sóng đã bị phá vỡ bởi hàng trăm kênh truyền hình cùng rất nhiều chương trình truyền hình thực tế mới lạ và có sức hút.

Ngoài ra, sự "đổ bộ" của hàng loạt phim bom tấn đến từ các quốc gia có nền điện ảnh, truyền hình phát triển trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ... đã khiến phim truyền hình Việt "lép vế" ngay trên sân nhà. Đó là chưa kể đến nhiều chương trình giải trí khác được đưa lên mạng internet mỗi giờ. Rõ ràng, giữa hàng trăm món ngon trên bàn tiệc, khán giả được quyền lựa chọn món ăn theo sở thích của mình. Số lượng khán giả không tăng nhiều nhưng sự phân khúc, tranh giành thị phần tất yếu sẽ xảy ra. Đây là nguyên nhân khách quan mà phim truyền hình phải đối mặt, không thể né tránh hay có lựa chọn nào khác trong thời kỳ hiện nay.

Những bộ phim lên sóng giờ vàng VTV trong năm 2016 hy vọng sẽ mang đến những gam màu tươi sáng hơn cho phim truyền hình Việt Nam.

Một thực tế không thể phủ nhận là đã có thời điểm phim truyền hình Việt Nam phát triển ồ ạt, thiếu chọn lọc dẫn đến tình trạng xuất hiện phim "thảm họa", trùng lắp về ý tưởng, đề tài, kịch bản hời hợt, lời thoại thiếu cảm xúc, diễn viên mải chạy sô nên diễn nhạt nhẽo, vô hồn...

Sự bùng nổ của phim truyền hình đã "tiếp tay" cho sự xuất hiện của những diễn viên tay ngang tìm cơ hội nổi tiếng qua các vai diễn hời hợt trên phim. Đồng thời, đây là thời điểm mà phim truyền hình bị đánh giá là "tụt dốc không phanh". Phim truyền hình ra đời theo kiểu "ăn xổi" chỉ có thể đáp ứng về số lượng phim, tập phim phát sóng chứ không thể đảm bảo cho chất lượng phim. Chất lượng phim yếu khiến phim Việt mất thương hiệu, tất yếu sẽ đánh mất niềm tin của khán giả.

Không khó để nhận thấy rằng, trong lịch sử phát triển, phim truyền hình Việt đã có thời kỳ "hoàng kim", với những bộ phim mà đến giờ nhắc lại vẫn gây xúc động mạnh trong lòng nhiều thế hệ khán giả. Những bộ phim như "Người đẹp Tây Đô" (đạo diễn Lê Cung Bắc), "Đồng tiền xương máu" (đạo diễn Đinh Đức Liêm), "Gió qua miền tối sáng" (đạo diễn Phạm Thanh Phong), "Xin hãy tin em" (đạo diễn Đỗ Thanh Hải), "Phía trước là bầu trời" (đạo diễn Đỗ Thanh Hải), "Hoa cỏ may" (đạo diễn Lưu Trọng Ninh), "Đội đặc nhiệm nhà C21" (đạo diễn Vũ Hồng Sơn)... đã góp phần tạo nên dấu ấn cho phim truyền hình Việt trong lòng người hâm mộ. Một điều đáng chú ý là, những bộ phim hấp dẫn kể trên phần lớn được sản xuất vào những năm cuối thập niên 90 thế kỷ XX, đầu những năm 2000 khi công nghệ làm phim của Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Những năm sau này, dù số lượng phim tăng nhưng chỉ lác đác phim gây được sự chú ý của cộng đồng. Sự tác động, ảnh hưởng của yếu tố công nghệ, kỹ thuật, kỹ xảo trong sản xuất phim hay kinh phí sản xuất phim là điều đã được khẳng định nhưng đó không phải là yếu tố "cốt lõi" để quyết định phim hay, phim dở. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người và vị trí, vai trò của con người trong các khâu sản xuất phim từ biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim... Đầu tư chiến lược phát triển phim truyền hình, trước hết phải đầu tư cho nhân tố con người. Một vấn đề nữa là phim truyền hình Việt cần lấy lại lòng tin ở khán giả và điều đó chỉ có thể thực hiện thông qua những tác phẩm nghệ thuật đích thực...

Tường Phạm
.
.