Phim tài liệu độc lập - mạch ngầm bền bỉ
Gian nan tìm khán giả
Trong đời sống văn học nghệ thuật của mỗi quốc gia, phim tài liệu luôn giữ vai trò quan trọng. Sự tồn tại của dòng phim này được ví như cuốn "album ảnh trong mỗi gia đình". Thông qua những bộ phim tài liệu, khán giả có được cái nhìn khá chính xác, khách quan về đời sống xã hội, những vấn đề nổi cộm trong từng giai đoạn.
Ngoài ra, tài liệu còn là một thể loại thú vị, giúp người làm phim được trải nghiệm cuộc sống, là chất liệu để làm thành những tác phẩm nghệ thuật khác. Mặc dù có vị trí không thể thay thế như vậy, nhưng lâu nay, phim tài liệu luôn là một thể loại ít được công chúng để mắt đến.
Các bộ phim tài liệu thường chỉ được phát sóng trên truyền hình, chiếu "tranh thủ" trước các suất chiếu phim điện ảnh tại các rạp... Tuy nhiên, thời gian gần đây, phim tài liệu Việt Nam đã có nhiều sự thay đổi tích cực trong việc chinh phục khán giả ngoài rạp, mà công lớn thuộc về những nhà làm phim độc lập.
Phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” đạt kỷ lục phòng vé dành cho phim tài liệu. |
Phim tài liệu Việt Nam hiện nay, ngoài dòng chính của các hãng phim Nhà nước, và các Đài truyền hình thực hiện, còn có một lực lượng làm phim đáng được chú ý, đó là các nhà làm phim tài liệu độc lập. Mặc dù số lượng các nhà làm phim đi theo con đường này còn chưa nhiều, nhưng chính họ lại làm nên những sự đột phá mới cho phim tài liệu trong việc tiếp cận khán giả.
Lâu nay hầu hết các đạo diễn phim tài liệu chỉ làm phim theo đơn đặt hàng, phục vụ cho tuyên truyền các sự kiện của Nhà nước, các nội dung xung quanh truyền thống cách mạng, về quê hương đất nước. Trong khi đó, làm phim tài liệu độc lập còn gian nan hơn nhiều từ khi làm phim cho đến khâu phát hành, nhất là khi hiện nay, tại Việt Nam không có quỹ hỗ trợ kinh phí nào dành cho phim tài liệu độc lập.
Các đạo diễn đều phải tự mình tìm kiếm Mạnh Thường Quân cho các sản phẩm của mình, hoặc tự bỏ tiền túi. Không bị gò bó về đề tài, cách nhìn hay cách thể hiện, những nhà làm phim độc lập lại gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, họ vẫn dấn thân với niềm đam mê. Họ viết dự án, tìm kiếm nguồn tài trợ từ các quỹ điện ảnh nước ngoài rồi gửi tới các liên hoan phim quốc tế. Đã có một số phim được giải thưởng, được mời tranh giải hoặc giới thiệu ở các liên hoan phim lớn nhỏ trên thế giới.
Làm phim tài liệu đã khó, đưa phim tài liệu ra rạp còn khó gấp bội phần. Đạo diễn, NSND Nguyễn Như Vũ - Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết, khán giả xem phim ngoài rạp chủ yếu ở độ tuổi từ 15 - 25, không phải ai cũng thích xem phim tài liệu.
Được đánh giá là mảnh đất giàu tiềm năng nhưng số lượng phim tài liệu phát hành qua hệ thống rạp chiếu vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, những người yêu phim tài liệu hẳn còn nhớ sự kiện bộ phim "Lửa Thiện Nhân" (đạo diễn Đặng Hồng Giang) đã làm nên cơn sốt tại các rạp chiếu năm 2015.
Từng đoàn người xếp hàng mua vé để được xem những thước phim chân thực, cảm động về "chú lính chì dũng cảm" Thiện Nhân khi đó thực sự đã là một dấu ấn không thể quên trong đời sống văn học nghệ thuật. Sự kiện ấy nhắc nhớ tới những năm 80, khán giả Thủ đô cũng đã lũ lượt đi xem những bộ phim của đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy. Sau thành công của "Lửa Thiện Nhân" năm 2016, đạo diễn Trần Hồng Giang lại tiếp tục cho ra rạp chùm phim "Đáng sống", được một nhà phát hành trong nước xếp lịch chiếu tại các cụm rạp Hà Nội.
Dòng phim tài liệu độc lập còn tiếp tục ghi nhận sự ra mắt xuất sắc của "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm). Phim được chiếu ở cả ba miền Bắc Trung Nam với số lượng người xem lên tới 35.000 lượt. Đó là một con số tưởng như chỉ có trong mơ. So với các phim tài liệu truyền thống, phim tài liệu độc lập có được một thế mạnh là đa dạng về đề tài. Các phim thường đề cập tới những vấn đề nóng bỏng của đời sống, những nhân vật có ảnh hưởng trong đời sống xã hội với một góc nhìn khá riêng biệt, cá tính. Ở những tác phẩm này, các vấn đề được phản ánh trung thực, thẳng thắn và quyết liệt hòa cùng bản năng nghệ sĩ nên dễ gặp gỡ với công chúng.
Sự táo bạo của các nhà làm phim độc lập trong việc làm phim và đưa phim tài liệu đến với khán giả cần được ghi nhận. Nó đánh dấu bước bứt phá ngoạn mục của thể loại này khi đã có những đại diện được ngồi "cùng chiếu" với phim bom tấn tại rạp. Điều đáng mừng đó đều là những bộ phim nhân văn, kể về những số phận éo le, khuất lẫn trong cuộc sống xô bồ, từ đó lan tỏa tình yêu thương giữa con người với con người.
Mặc dù với những nhà làm phim độc lập, công sức bỏ ra với mỗi tác phẩm rất lớn nhưng họ đều chỉ dám mong muốn được đông đảo khán giả biết tới hơn là chờ mong phim có doanh thu. Hầu hết các đoàn làm phim tài liệu thu về hòa, thậm chí là lỗ. Nhưng nói như đạo diễn Đặng Hồng Giang "Làm phim tài liệu độc lập là vì đam mê chứ không thể đặt vấn đề doanh thu lên hàng đầu, vì sẽ làm nhiều người nhụt chí".
Dù chưa thật sự nở rộ nhưng phim tài liệu độc lập Việt Nam vẫn xuất hiện những tín hiệu mừng. Được biết, trong những ngày Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 diễn ra, bộ phim tài liệu độc lập "Đi tìm Phong" của đạo diễn Trần Phương Thảo được phát hành tại các rạp ở Pháp.
Trước đó, giữa tháng 12-2017, LHP của những nhà làm phim độc lập Việt Nam (viết tắt là DocFest) đã được tổ chức tại Hà Nội. Dù quy mô nhỏ nhưng sự kiện đã thu hút được khá nhiều bộ phim hay, đa dạng. Người xem khá đông, chủ yếu là những người trẻ mê phim tài liệu và người nước ngoài. Hay trong khuôn khổ LHP Tài liệu Châu Âu - Việt Nam lần thứ 9 vừa qua đã có 4 bộ phim tài liệu độc lập được giới thiệu tới khán giả. Mặc dù vẫn là một mạch ngầm chảy bên cạnh những dòng chính, nhưng với xu hướng quốc tế và sự nhiệt huyết của các nhà sản xuất, phim tài liệu độc lập sẽ dần lớn mạnh trong tương lai.
Đạo diễn Đặng Hồng Giang: "Làm tốt thì sống,làm dở thì chết"
Thực sự, mỗi dự án làm phim tài liệu độc lập với tôi đều là một chặng đường gian nan, từ khâu sản xuất đến khi phát hành. Như với "Lửa Thiện Nhân", tôi đã đeo đuổi mất 3 năm và khi ngồi trong khán phòng của buổi chiếu phim tại lễ khai mạc Liên hoan Phim độc lập New York (Mỹ), tôi đã nung nấu ý định khi về nước sẽ mang bộ phim ra rạp. Tháng 8-2015, tôi đi khắp các rạp, có nơi tiếp, có nơi không muốn gặp. Sau tôi quyết định thuê rạp chiếu. Có người quen khi ấy đã gọi điện cho tôi, bảo: "Phim tài liệu phát vé mời còn chẳng mấy ai đi xem nữa là bán vé 70.000 đồng". Nhưng tôi vẫn tin rằng phim của mình sẽ được khán giả đón nhận. Tôi muốn mọi người bỏ ra 70.000 đồng để đến xem một tác phẩm thực sự. Sau đó, niềm tin của tôi thành sự thật đến nỗi, Mai Anh (mẹ Thiện Nhân) gọi cho tôi bất ngờ: "Anh ơi, phim được ủng hộ quá trời".
Với kinh nghiệm của mình, tôi chỉ xin chia sẻ với những người làm phim độc lập là khi các bạn gửi hồ sơ đến các quỹ để xin hỗ trợ về mặt kinh phí thì các bạn phải ghi thật cụ thể chi tiết những điều các bạn đã làm được trong nghề. Đó là sự khẳng định tài năng, cái tôi sáng tạo của mình thông qua dữ liệu cá nhân. Và nếu yêu nghề, hãy làm nghề một cách chăm chỉ, kỹ lưỡng.
Thời gian qua, tôi rất chịu khó hợp tác với các kênh truyền hình để làm được nhiều phim. Ngoài việc nâng cao tay nghề, thì đó là cách bổ sung năng lực tài chính để chăm chút cho những dự án phim độc lập. Chuyện cơm áo không thể đùa được nhưng khi bạn tâm huyết với một đề tài nào đó thì bạn sẽ tìm mọi cách để thực hiện được nó.
Tôi vẫn luôn mong muốn có một thị trường phim tài liệu đích thực. Từ năm 2016, sau khi xem khá nhiều phim ngắn của các bạn sinh viên post lên mạng. Tôi đã cùng với kênh HTV9 thành lập một hội đồng chọn lựa. Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện một chương trình 10 phút dành cho phát sóng phim tài liệu ngắn và những điều xung quanh bộ phim.
Đây là một sân chơi lành mạnh cho những bạn trẻ say mê phim tài liệu. Các bạn trẻ đam mê phim tài liệu và có ý tưởng, đừng ngần ngại gửi cho chúng tôi. Với những đề tài hay, chúng tôi sẽ hỗ trợ để các bạn có thể thực hiện những bộ phim dài 20 phút. Tôi cho rằng các bạn trẻ cần tận dụng những sân chơi nội địa như vậy và thực hiện từng bước một để tiếp cận đến những dự án lớn.
Đạo diễn Việt kiều Ngô Ngọc Đức: Việt Nam luôn là sự lựa chọn của tôi
Ở nước Đức nơi tôi sinh sống, có 7 trường điện ảnh. Trong trường cũng chia các khoa như đạo diễn phim tài liệu, đạo diễn phim điện ảnh. Tôi học về phim tài liệu nhưng làm cả 2 thể loại. Tôi đã làm 3 phim truyện về cuộc sống người Việt tại Đức, với những xung đột, mâu thuẫn trong quan niệm giáo dục, dạy dỗ con ở mỗi thế hệ. Đề tài Việt Nam vẫn là sự lựa chọn trong các dự án phim của tôi. Thực tế là làm phim ở Đức không vất vả bằng trong nước.
Khi học ở trong trường, mọi sinh viên đều được trang bị thiết bị, kinh phí để làm bài tốt nghiệp. Các trường thường có liên kết với các đài truyền hình hay hãng sản xuất phim nên sinh viên có khá nhiều cơ hội để làm nghề. Tuy nhiên, nhiều bạn bè tôi cũng phải mất tới 3 năm mới xin được một dự án. Nên thường song song với quá trình xin tài trợ, chúng tôi sẽ quay trước đó để không mất cơ hội. Với những bộ phim hợp tác thì người đầu tư nhiều tiền hơn sẽ là chủ của bộ phim.
Bên đó, các sinh viên ra trường chủ yếu trở thành những nhà làm phim độc lập. Nhà trường đã liên kết với các nhà sản xuất bên ngoài, các hãng truyền hình ngay từ khi học, nên cũng thường có cơ hội nhận được những dự án phim phù hợp.
Tôi cho rằng, các nhà làm phim độc lập Việt Nam khó khăn hơn, sự hỗ trợ gần như không có. Các bạn phải bươn chải và khá đơn độc trong hành trình làm nghề của mình. Bên Đức có nhiều quỹ hỗ trợ dành cho văn hóa. Bạn hoàn toàn có thể được cấp kinh phí nếu dự án của bạn được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và có nhà sản xuất. Người làm phim cũng sẽ không bị áp lực về việc bán vé. Tuy nhiên, ở nước Đức, mức độ cạnh tranh giữa các phim cũng khá căng thẳng, vì trung bình có khoảng 700 phim được sản xuất trong một năm. Phim tài liệu thường chiếu ở những rạp nhỏ, ở nhiều thành phố khác nhau. Mỗi buổi chiếu phim thường có đạo diễn tới để giao lưu. Đó là cách để khán giả hiểu hơn về bộ phim và tác giả.
Nghệ sĩ Hồng Ánh: Phim tài liệu độc lập mang đến những góc nhìn đa chiều, khác biệt
- Thưa nghệ sĩ Hồng Ánh, mặc dù là diễn viên, nhà sản xuất ở lĩnh vực phim truyện, những chị lại được biết tới với vai trò "bà đỡ mát tay" khi góp phần làm nên cơn sốt phòng vé cho "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm. Cơ duyên nào dẫn chị đến với phim tài liệu độc lập này?
+ Mình gặp đạo diễn Nguyễn Thị Thắm khi Công ty Blue Productions của mình phát động cuộc thi làm phim về an toàn giao thông và phim của Thắm là một trong 4 phim xuất sắc nhất đợt đó. Sau lần hợp tác ấy, Thắm có gửi cho mình dự án phim "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" (khi ấy có tên là "Đoàn lô tô Bích Phụng") và nói rằng dự án sẽ mất 3 năm để thực hiện.
Dù đã nhìn thấy tài năng của Thắm, nhưng khi nghe nói dự án làm phim đến 3 năm thì mình khá lo lắng. Mình có nói với Thắm là sẽ giới thiệu với những ai quan tâm đến câu chuyện xã hội này và khi nào phim hoàn thành thì sẽ làm bất cứ chuyện gì để giúp đỡ phim. Thời gian trôi đi, phải mất 5 năm Thắm mới hoàn thành phim.
Ngày ra mắt phim ở Đại học Hoa Sen, Thắm gửi vé mời cho mình. Mình xem và rất xúc động. Thắm bày tỏ nguyện vọng muốn có một buổi chiếu tại một rạp nào đó để cảm ơn những người đã giúp đỡ Thắm trong suốt quá trình làm phim. Mình xin tài trợ từ BHD, được 1 suất chiếu với giá giảm chỉ còn 1/3. Trước đó, mình làm rất nhiều việc như lập trang facebook, mời những người có ảnh hưởng trong cộng đồng LGBT đến xem buổi ra mắt. Sau buổi chiếu ra mắt, hiệu ứng của bộ phim rất mạnh đã thúc đẩy mình quyết định phát hành bộ phim này.
Mình thuê rạp ở Idecaf ngoài những khung giờ vàng. Sau một, hai suất đầu, khán giả tới rạp ngày càng đông. Mình chủ trương khán giả cứ mua 5 vé trở lên là sẽ giao trực tiếp. Ngày nào cũng quay clip, phỏng vấn khán giả, mang poster đến dán ở những quán nhậu nơi những người chuyển giới thường tới, đưa vào trường học.... Cứ như vậy thì "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" có được 35.000 lượt khán giả ở cả ba miền.
- Chị đánh giá thế nào về đội ngũ những nhà làm phim tài liệu độc lập hiện nay?
+ Số lượng bao giờ cũng ít. Hầu hết những nhà làm phim tài liệu độc lập đều là những người dũng cảm hoặc phải có kinh tế ổn định. Họ đều phải lấy ngắn nuôi dài, làm rất nhiều việc để theo đuổi niềm đam mê của mình. Bản thân mình rất ngưỡng mộ những người làm việc như vậy.
Mặc dù không phải là lực lượng đông đảo, nhưng từ lâu mảng phim tài liệu đã luôn có được những thành công rực rỡ. Các bậc tiền bối đã tạo được dấu ấn với bạn bè quốc tế từ những bộ phim như "Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai", "Trở lại Ngư Thủy"... Ngay từ lần đầu tiên đi tham dự LHP, phim tài liệu Việt Nam đã được vinh danh và đến nay, những người làm phim trẻ vẫn tiếp nối được truyền thống này. So với mặt bằng chung của điện ảnh trong khu vực thì đây là điều đáng tự hào.
Những người làm phim tài liệu độc lập không cần “ban bệ” cồng kềnh, một mình họ cũng có thể sáng tạo. Nhóm những tác giả làm phim độc lập có một tiếng nói rất riêng biệt. Chính vì họ muốn kể một câu chuyện mang dấu ấn cá nhân mạnh mẽ nên họ không muốn phải phụ thuộc kinh phí từ một nhà đầu tư nào đó. Vì nếu nhà đầu tư đặt mục tiêu kinh doanh lên hàng đầu thì tác giả khó đạt được mục đích của mình. Con đường mà các nhà làm phim độc lập theo đuổi có nhiều khó khăn. Phải 3 đến 5 năm mới được một phim vì tìm kiếm nguồn kinh phí không hề đơn giản.
- Theo chị, những nhà làm phim tài liệu độc lập giữ vai trò thế nào trong nền điện ảnh nói chung?
+ Mình nghĩ là họ mang đến cho những khán giả những góc nhìn đa chiều hơn về một vấn đề của xã hội mà không bị bất kỳ áp lực nào. Quan điểm đó có thể đúng, có thể sai, nhưng nó là một tiếng nói riêng biệt và dân chủ. Tuy nhiên, có một nghịch lý là thời gian gần đây, điện ảnh độc lập mang được tiếng nói, hình ảnh của Việt Nam ra với bạn bè quốc tế nhưng nó lại chưa được quan tâm đúng mức.
Ví dụ như chưa có một quỹ hỗ trợ sản xuất phim hay bất kỳ một sự ưu tiên nào ở khâu kiểm duyệt. Phim tài liệu độc lập thường phản ánh những vấn đề nổi cộm của đời sống với cái nhìn khách quan, khác biệt, nên chăng trong khâu kiểm duyệt cần có những ưu tiên riêng. Suy cho cùng, điều mà các nhà làm phim tài liệu độc lập mong đợi là kinh phí và sự hỗ trợ từ mặt pháp lý. Còn sự kiên nhẫn thì các nhà làm phim độc lập có thừa nên họ sẽ vượt qua được những khó khăn trên con đường đơn độc của mình.
- Từ sự thành công trong việc phát hành "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", chị có thể chia sẻ bí quyết để phim tài liệu tiếp cận được tới khán giả?
+ Muốn phim thu hút khán giả, điều đầu tiên là bạn phải yêu bộ phim đó. Bạn phải có sự nhạy cảm về bộ phim cũng như tâm lý xem phim của khán giả. Khác với những bộ phim điện ảnh là bạn có thể ngồi từ xa đổ một số tiền lớn cho khâu PR, quảng cáo thì phim tài liệu lại yêu cầu bạn phải tâm huyết, kỹ lưỡng từ khâu nhỏ nhất. Hãy trực tiếp trò chuyện với khán giả, như là cách bạn trò chuyện, tỉ tê với một người bạn, một người tình nhỏ. Nhắc nhớ họ đến xem phim. Một ưu điểm là phim tài liệu không cần tiêu tốn nhiều tiền vào công nghệ; quy mô làm phim cũng nhỏ gọn, chỉ cần câu chuyện thật, gây xúc động và chạm vào trái tim khán giả. Với tình hình hiện nay, bạn hãy kể những câu chuyện nhỏ, giản dị nhưng bao hàm những ý nghĩa sâu xa sẽ lôi cuốn được người xem.
- Xin cảm ơn nghệ sĩ Hồng Ánh!