Phim nghệ thuật ra rạp: Hành trình gian nan

Thứ Bảy, 10/06/2017, 08:15
Có lẽ, đã đến lúc nền điện ảnh Việt cần một cơ chế nào đó để những tâm huyết của các nhà làm phim được đến rộng rãi với công chúng và những đạo diễn, những nhà làm phim độc lập không cảm thấy đơn độc trong nỗ lực đưa điện ảnh Việt vượt thoát khỏi sự nghèo nàn, lạc hậu....


Phải coi đó là chiến lược phát triển điện ảnh

Sự đổ bộ của 4 phim nghệ thuật: “Dạ cổ hoài lang”, “Lô tô”, “Cha cõng con”, “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” trong những tháng qua và chiến thắng của “Đảo của dân ngụ cư” tại Liên hoan phim Quốc tế ở Philippines khởi lên những tín hiệu vui cho phim Việt.

Có thể nói, series 4 phim nghệ thuật đó cho thấy một nỗ lực vượt thoát của phim Việt trong sự ngập tràn của phim hài nhảm, phim kinh dị. Nhưng thực tế, 4 bộ phim, với rất nhiều tâm huyết của các đạo diễn và êkíp với mong muốn mang đến những thước phim nghệ thuật không được khán giả chào đón như chờ đợi.

“Dạ cổ Hoài lang” mặc dù nhiều tranh cãi vì chưa thoát được cái bóng của vở kịch kinh điển, mang nhiều tính ước lệ của sân khấu, nhưng là một bộ phim cảm động, lấy nhiều nước mắt của khán giả. Thế nhưng, phim cũng vắng bóng người xem, thậm chí, có những buổi phòng chiếu hủy suất chiếu vì không đủ người xem. “Lô tô” là phim khá nhất trong 4 phim nghệ thuật ra rạp. 

Hiệu ứng từ câu chuyện của những người đồng tính khiến truyền thông vào cuộc khá rầm rộ. Nhưng với một bộ phim như “Lô tô”, mong muốn sẽ kéo được nhiều khán giả đến rạp hơn thực tế. “Cha cõng con” là một câu chuyện xúc động về tình cha con, bộ phim giản dị, dễ xem, có nhiều khuôn hình đẹp. Đạo diễn Lượng Đình Dũng đã mất 10 năm thai nghén để cho ra đời tác phẩm này.

Thế nhưng, nếu không có hiệu ứng từ việc trả lại giải thưởng của đạo diễn Lượng Đình Dũng tại Lễ trao giải Cánh diều vàng 2017 chưa chắc “Cha cõng con” đã có một lượng khán giả đến rạp ngoài mong đợi của đạo diễn và ê kíp. Tuy nhiên, con số đó cũng không thể so sánh với sức hút của những phim bom tấn hay mới đây nhất là bộ phim giải trí “Em chưa 18”.

Một trong những bộ phim nghệ thuật chất lượng của đạo diễn Hồng Ánh.

Sẽ khập khiễng nếu làm phép so sánh doanh thu và câu chuyện khán giả của dòng phim nghệ thuật và giải trí, bởi thực tế, trên thế giới, ngay cả những nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Pháp thì dòng phim nghệ thuật luôn có một đối tượng khán giả riêng chắc chắn không thuộc về số đông. Nhưng ở các nước có nền điện ảnh phát triển, họ đều có những cơ chế đặc biệt dành cho phim nghệ thuật, như quỹ bảo trợ, rạp chiếu riêng…

Có lẽ, đã đến lúc nền điện ảnh Việt cần một cơ chế nào đó để những tâm huyết của các nhà làm phim được đến rộng rãi với công chúng và những đạo diễn, những nhà làm phim độc lập không cảm thấy đơn độc trong nỗ lực đưa điện ảnh Việt vượt thoát khỏi sự nghèo nàn, lạc hậu.

Đạo diễn, NSND Thanh Vân thẳng thắn phát biểu: “Tại sao Nhà nước không đưa ra quy định, giờ này, ngày này, mất hẳn 1 tuần đi, phải chiếu những phim nghệ thuật được giải như thế này. Phải coi đó là chiến lược phát triển điện ảnh. Tại sao làm vì tiền, họ lại quyết liệt thế. Trong khi để bảo vệ một nền điện ảnh lại không. Mình có quyền mà, quy định có quyền lực cứng và mềm, đây là quyết sách đưa các tác phẩm đậm chất nghệ thuật đến khán giả”.

NSND Thanh Vân: Hệ thống phát hành tư nhân cần có những hỗ trợ ràng buộc cho phim nghệ thuật

Ưu Đàm (thực hiện)

- Trước đây, khi chưa có sự bùng nổ của các hệ thống rạp tư nhân thì phim Nhà nước đặt hàng, phim nghệ thuật ra rạp bằng cách nào, thưa anh?

+ Trước đây, Phát hành Trung ương (Fafim) đảm nhiệm việc đó, nhưng giờ họ đang tan rã, sống bằng cho thuê đất, bản thân họ không có kết nối gì. Bây giờ các phim Nhà nước, phim nghệ thuật hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà phát hành tư nhân.

Mà với tư nhân, không có khách đời nào họ chiếu hoặc cố tình không chiếu, nếu chiếu sẽ đưa vào những khung giờ xấu và quảng bá rất ít. Quảng bá là phần quan trọng mà tiền ít thì sao tốt được, thành ra mọi thứ bị đứt mạch hết. Nó là câu chuyện chung của phim Việt chứ không chỉ dòng phim nghệ thuật.

Vấn đề của phát hành tư nhân là họ có lợi nhuận cao mới phát triển hàng trăm rạp chiếu ra đời. Nên nó phải có sự hỗ trợ ràng buộc - bắt buộc chứ không phải hỗ trợ từ thiện lại với dòng phim nghệ thuật, như thế mới cân bằng được.

- Vậy theo anh phải có cơ chế đặc thù nào cho phim nghệ thuật ra rạp, bởi nếu chỉ dựa vào hệ thống phát hành tư nhân, chúng ta sẽ thất bại?

+ Chúng ta mặc định phải có những bộ phim lịch sử, văn hóa. Theo tôi, mà thực tế nhiều nước cũng làm rồi, phải thu phần trăm của các rạp chiếu tư nhân. Họ được bao nhiêu thuận lợi để nhập phim toàn thế giới rất rẻ, nhanh, thu lãi nhiều, vậy nên phải có trách nhiệm nuôi dưỡng lại bản thân ngành điện ảnh trong nước.

Có lẽ chỉ ở Việt Nam, số lượng phim nước ngoài mới lấn sân phim Việt trên các rạp chiếu như thế. Còn các nền điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, chỉ được chiếu khoảng 50% phim nước ngoài, hoặc ở Trung Quốc, cũng chỉ khoảng trên dưới 30%, họ chọn những phim nổi tiếng, chứ không chiếu 200 phim trên tổng số của mình là khoảng 40 phim Việt như ở ta hiện nay. Khi tạo điều kiện cho hệ thống phát hành tư nhân sống thế này thì họ phải biết chia sẻ.

Chúng ta nên đưa ra hành lang pháp lý để chia sẻ chứ không phải xin - cho. Bây giờ phim Việt vẫn ở tình trạng xếp hàng xin được chiếu.

- Nhưng chính dòng phim nghệ thuật mới làm nên gương mặt của điện ảnh Việt Nam?

+ Cứ xem một loạt phim xã hội hóa, đem ra nước ngoài chiếu ngượng lắm, cứ chiếu trong nước, doanh thu cao thì khoe, còn lại thì giấu đi. May mắn là chúng ta có những nhà làm phim độc lập, dám đi con đường của mình, điện ảnh Việt phải cảm ơn các bạn, những gương mặt của điện ảnh Việt.

Trước đây là phim của Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp và bây giờ là Hồng Ánh, Lương Mạnh Dũng. Những người làm phải hy sinh, dũng cảm, không bị thị trường tác động và được làm cái mình muốn, may mắn của các bạn ấy là được làm những cái mình muốn, đối với nghệ sĩ đó là hạnh phúc.

- Nhưng thực tế là vừa rồi có 4 phim nghệ thuật khá chất lượng ra rạp, “Lô tô”, “Dạ cổ hoài lang”, “Cha cõng con” và “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa”, nhưng khán giả không nhiều, có những phim vắng khán giả? Anh có thể lý giải nguyên do?

+ Ở thế giới phim nghệ thuật cũng vậy thôi, không đông khán giả. Nó cũng diễn ra như đời sống vậy, ai mở cơm bình dân cứ mở, ai đặc sản thì hàng trăm năm vẫn còn. Nhưng hãy để nó cùng tồn tại nếu thấy nó cần thiết.

Một nền điện ảnh không thể bỏ qua lịch sử, truyền thống, vĩ nhân được. Các nền điện ảnh lớn trên thế giới đều có. Đầu tư nghệ thuật buộc phải chiến thắng chính mình. Từ phía quản lý nhà nước, phải có biện pháp. Cục Điện ảnh đã nghĩ tới việc thành lập quỹ dành cho phim thể nghiệm, phim nghệ thuật. Nhưng có lẽ cấp quản lý cao hơn chưa quan tâm.

Bài toán doanh thu với phim nghệ thuật rất khó khăn, không chỉ ở Việt Nam. Điện ảnh là sản phẩm văn hóa nhưng nó là đại sứ văn hóa. Theo tôi, với những phim như thế không nên tính doanh thu nhiều hay ít mà nghĩ cách nào truyền bá nó rộng nhất, đó không phải là niềm tự hào của riêng tác giả mà của Việt Nam. Chúng ta cần nâng niu nó, dành cho nó những buổi chiếu sang trọng, khung giờ đẹp.

Ở nước ta, có một tâm lý không hay, xem phim của nhau hay bới tìm những khuyết điểm hơn là nâng niu, trân trọng cái nó đạt được. Làm cho cách nhìn của chúng ta thấp xuống. Nên tự đặt câu hỏi vì sao ta đánh giá thấp điều phim đạt được, còn khán giả nước ngoài lại đánh giá nó cao.

- Trong một cuộc trò chuyện, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp có ví đạo diễn phim độc lập như những con lừa mỏi mệt vì phải gánh quá nhiều gánh nặng sau lưng, tìm kiếm nhà đầu tư, làm phim rồi còn lo quảng cáo, phát hành? Đó là một thực trạng của điện ảnh Việt?

+ Xã hội ta phải phồn thịnh về kinh tế thì văn hóa mới được nâng đỡ. Đây là thời khó khăn của văn hóa. Giờ chúng ta hay quan tâm phát hành bao nhiêu tiền, doanh thu lỗ hay lãi, trước đây ta bàn phim hay hay không, nội dung thế nào. Truyền thông cũng góp phần vào điều đó, khi công bố con số này, số kia, mà nhiều khi không đúng sự thật.

Đợt vừa rồi tôi xem một loạt phim ở Sài Gòn, lỗ nhiều lắm, 10 phim thì có đến 8 phim lỗ, 1 hòa và 1 lãi. Bây giờ ai cũng có thể làm phim, một tuần ra một phim, tốc độ kinh khủng. Một nền điện ảnh phải cân bằng giữa phim giải trí và phim nghệ thuật, những phim xã hội hóa làm 3 tháng, 4 tháng trong khi phim nghệ thuật ấp ủ 10 năm. Ta phải hiểu cái gì đáng trân trọng.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện thẳng thắn của anh.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Khán giả không chỉ bao gồm những người bỏ tiền mua vé

 Linh Chi (thực hiện)

- Tên của anh là lựa chọn hàng đầu cho những bộ phim Việt ra rạp thắng tiền tỉ, thế nhưng, với “Dạ cổ hoài lang”, một dòng phim khác với những phim anh từng làm lại dường như thất bại. Anh có thể chia sẻ gì về câu chuyện này?

+ Thật khó có ai mà lúc nào cũng thành công được. Sự nghiệp có lúc này lúc kia. Chúng ta cũng không thể làm mãi những gì chúng ta đã làm, vì cứ lặp lại những gì của bản thân cũng chán và chắc gì đã thành công tiếp. Cuối cùng theo tôi hãy làm những gì ta muốn làm thời điểm mà chúng ta muốn điều đó.

Khi chúng ta muốn thay đổi đi hơi khác thị trường thì chúng ta phải chấp nhận. Có thể nó không thành công với thói quen của số đông, nhưng nó sẽ kéo thêm những đối tượng khác đến rạp. Mà trên thực tế thị trường nên có nhiều thể loại và nhiều đối tượng. Có như thế thì mới mong có sự phát triển cả về chất lẫn lượng

- Theo anh, vì sao hầu hết phim nghệ thuật ra rạp đều thất bại về mặt doanh thu?

+ Vì nó mang trách nhiệm khám phá khác những gì thói quen số đông. Và khám phá thì tỷ lệ thành công là không cao. Cũng có thể chúng ta khám phá, nhưng làm chưa tới. Với tư cách đạo diễn tôi nghĩ chúng ta cứ làm tốt nhất việc của mình trước đã. Khán giả chưa đồng cảm nhưng chúng ta không làm thì không có và không tiếp cận thì sao rút kinh nghiệm tìm hiểu nhau giữa người làm và người xem.

Ðối với dòng phim này, việc đặt nặng doanh thu phòng vé không phải là nhiệm vụ chính mà chủ yếu là hướng tới đông đảo khán giả. Như Mỹ từng có phim về Lincôn hoặc Trung Quốc có “Ðại nghiệp kiến quốc”. Những phim đó không nhằm đến mục đích thương mại, giải trí mà hướng đến những cái chân, thiện, mỹ, lòng yêu nước, có sức sống lâu bền… Hiệu quả của dòng phim chính thống này rõ ràng là rất lớn, không phải cứ có tiền là mua được.

Mặt khác, không bị áp lực bởi ý nghĩ phải thu hồi vốn cho nhà sản xuất, người làm phim có thể thỏa sức sáng tạo theo những rung động nghệ thuật của riêng mình, phản ánh chân thực xã hội và con người. Và các đạo diễn như chúng tôi cũng đều rất mong muốn được làm những bộ phim như vậy. Tất nhiên là không phải làm như cơ chế hiện nay ví dụ như đạo diễn chỉ được nhận kịch bản khoảng 1 tháng trước khi quay, chưa kể cả êkíp dường như chưa từng biết nhau bao giờ. Làm việc như thế thì quả là sự thách đố lớn.

Bản thân tôi cũng không gọi “Dạ cổ hoài lang” là một phim nghệ thuật, tôi xem “Dạ cổ hoài lang” như một phim cảm xúc hơi riêng tư.

- Không thể phủ nhận vai trò của nghệ thuật thứ 7, cũng như không thể phủ nhận những giá trị của dòng phim nghệ thuật. Để khán giả có thể tiếp nhận nhiều hơn những bộ phim này, anh có từng nghĩ đến câu chuyện chiếu miễn phí không?

+ Không thể nào, trừ những phim do Nhà nước đặt hàng. Tôi nghĩ bất cứ một đạo diễn nào khi làm phim thì cũng đã nhìn rõ đường đi cho đứa con của mình. Ví dụ “Dạ cổ hoài lang” sẽ kiếm thêm tiền bằng những thị phần khác như phát hành các rạp cho cộng đồng người Việt trên thế giới, phát hành trên app Fim+...

Ở nước ta thì thường mọi người cứ nhìn vào tiền tỷ bán vé để quy chụp nhiều thứ, nhưng thực ra điện ảnh cũng được phân chia làm nhiều loại. Bạn đã từng xem phim Oscar thì biết, rất nhiều phim cũng không có người xem, cho dù đã được thẩm định bằng giải thưởng danh giá nhất thế giới.

Và thực tế thì khán giả không chỉ bao gồm những người bỏ tiền mua vé. Nếu nói về doanh thu bán vé, có thể một số bộ phim giải trí cao gấp bội. Nhưng nếu để nói về lượng khán giả xem thì khán giả xem những bộ phim có sự tài trợ của Nhà nước sẽ đông hơn rất nhiều bởi vì nó được chiếu miễn phí. Mặt khác xét về mặt sức sống thì tôi nghĩ những bộ phim này sẽ sống lâu, sống thọ hơn.

- Thực ra câu chuyện này vẫn là chuyện muôn năm cũ, nhưng điều mà tất cả chúng ta không thể phủ nhận là dòng phim này thực sự rất cần cho tất cả mọi người. Vậy, trong thời gian tới, con đường nào sẽ dành cho phim nghệ thuật Việt khi mà chúng ta luôn xác định làm phim… là lỗ?

+ Chỉ có một con đường là chúng ta phải làm phim hay hơn thôi. Bạn nên nhớ khán giả bây giờ không như xưa, họ có thể ở nhà và bấm remote là có thể xem các bộ phim hàng đầu của các nước trên thế giới.Vậy nên, đừng mong chờ họ ra khỏi nhà để xem những sản phẩm không ra gì.

Nhưng thực ra những bộ phim này chỉ cần tạo ra hiệu ứng xã hội tốt, đó chính là “doanh thu” và đó mới chính là sứ mệnh mà bộ phim cần hướng tới.

- Xin cảm ơn anh!

Đạo diễn Đinh Thái Thụy: Vấn đề cốt lõi vẫn là chất lượng của phim

- Anh đánh giá thế nào về dòng phim nghệ thuật của Việt Nam?

+ Phim nghệ thuật là bộ phim được sản xuất không bị chi phối bởi những mảng miếng câu khách như: diễn viên ngôi sao (dù không hợp vai), tình tiết hấp dẫn (dễ dãi), hài nhảm, thoại theo xu hướng giải trí v.v… Mà ưu tiên tuyệt đối cho nội dung kịch bản, hình tượng nhân vật và thông điệp nhân văn của phim. Để lại cho người xem sự chiêm nghiệm hay nỗi trăn trở về một vấn đề nào đó của xã hội, con người… được phản ánh trong phim.

Đáng tiếc là dòng phim này đang ngày càng lép vế trong việc tiếp cận khán giả tới rạp trước dòng phim thương mại giải trí đang phát triển nở rộ như thời gian qua. Ngoài việc đối tượng khán giả chính đến rạp xem phim như hiện nay đều ở lứa tuổi từ thiếu niên đến khoảng 30 tuổi, chiếm đa số, nhu cầu xem phim của họ chủ yếu là giải trí, như thống kê của các nhà phát hành thì khâu quảng bá cho phim cũng là một thực trạng cần thay đổi của dòng phim này.

Đa số dòng phim kén khán giả này đều được sản xuất bởi các đơn vị trực thuộc Nhà nước. Làm phim theo đơn đặt hàng của Nhà nước, nhằm phục vụ cho công tác tuyên truyền, quảng bá văn hóa, xã hội. Có nhiều phim hay, đoạt các giải thưởng cao trong nước và quốc tế, nhưng phát hành lại ảm đạm bởi công tác quảng bá quá yếu so với cách làm của các nhà sản xuất tư nhân với dòng phim thương mại.

- Anh có cho rằng, vì không được đón nhận nên càng ngày dòng phim nghệ thuật càng khan hiếm đi, cũng như không còn nhiều đạo diễn dành tâm huyết của mình cho dòng phim này?

+ Chính vì khó khăn trong việc tiếp cận khán giả nên những đề tài thuộc dòng phim này càng ngày càng ít được đưa vào sản xuất. Đa số các nhà sản xuất tư nhân do áp lực hoàn vốn và lợi nhuận nên họ chủ yếu chỉ nhắm vào dòng phim thiên về thương mại. Nó an toàn bởi gói đầu tư vừa phải mà khả năng thu lợi nhuận cao hơn.

Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là không có lượng khán giả quan tâm tới dòng phim do Nhà nước đầu tư. Và thực tế, vẫn luôn có những nhà sản xuất và đạo diễn khát khao dấn thân vào dòng phim này. Còn tại sao phim không được số đông khán giả đón nhận? Câu trả lời dành cho những người làm nghề chứ không phải khán giả.

- Cá nhân anh nghĩ đến giải pháp nào cho dòng phim này?

+ Những bộ phim có chất lượng nghệ thuật cao, được giới chuyên môn trong và ngoài nước công nhận, là yếu tố chủ chốt để khẳng định tầm vóc của nền Điện ảnh. Giải pháp cho nó là ở tầm vĩ mô. Cá nhân tôi không dám lạm bàn mà chỉ có tâm niệm khi làm nghề rằng: vấn đề cốt lõi vẫn là chất lượng của bộ phim, dù làm theo khái niệm “nghệ thuật” hay “thương mại” mà phim không được số đông khán giả đón nhận thì đó là một sự thất bại.

- Anh từng nghĩ đến câu chuyện cần lắm một sự “bảo hộ” của các cơ quan quản lý, hay nói chính xác là nhà nước đối với dòng phim này không?

+ Tôi nghĩ là cần, nhưng không phải bảo hộ hoàn toàn. Khi sản xuất một dự án phim nghiêm túc, cần lắm một sự gắn kết giữa nhà đầu tư, nhà sản xuất và nhà phát hành. Với dòng phim do Nhà nước đặt hàng, bên cạnh việc đầu tư vốn đảm bảo theo dự án, cần có thêm yêu cầu cụ thể về kế hoạch phát hành như một điều khoản bắt buộc với nhà sản xuất. Nhà phát hành cũng cần phải có thêm “đặc cách” cho dòng phim vốn kén khán giả này.

Tuy nhiên, những sự “bảo hộ” chỉ được đảm bảo trên cơ sở nhà sản xuất sẽ làm được một sản phẩm phim chất lượng cao. Nhà sản xuất không thể nhận một khoản ngân sách lớn rồi lại làm phim theo tư duy “cúng cụ”, xong trách nhiệm, thiếu đầu tư đúng mức cho khâu phát hành, cắt xén trang trải vào việc khác…

Nhà nước đã cấp cho anh chiếc cần câu (ngân sách), thả cho anh con cá ở trong bể (sản phẩm phim) thì việc bằng cách nào câu được con cá (thị trường) là việc của anh. Nếu không làm được thì cắt chỉ tiêu, để đơn vị khác làm, hoặc là xã hội hóa với các nhà sản xuất tư nhân. Như cách làm với dự án phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một thí dụ.

- Hình như bản thân anh cũng lựa chọn đi theo dòng phim nghệ thuật, anh mong muốn gì đối với việc làm phim bây giờ?

+ Làm được một bộ phim chất lượng cao là khát khao của không chỉ riêng tôi mà với tất cả những ai đam mê nghề đạo diễn. Tôi luôn hào hứng với những dự án này khi có cơ hội. Nhưng không có nghĩa là tôi sẽ “cố thủ” với dòng phim nghệ thuật mà cũng có những ấp ủ với những dự án phim thương mại.

Tuy nhiên, tôi ý thức rõ khó có thể dung hòa hai yếu tố này. Còn nói về mong muốn với dòng phim nghệ thuật, tôi cũng như tất cả các nhà làm phim đều khao khát cái khoảng cách giữa số đông khán giả với dòng phim này sẽ ngày một gần hơn. Việc rút bớt khoảng cách hay xóa bỏ được nó không chỉ phụ thuộc vào các nhà làm phim mà còn ở cả khán giả yêu phim Việt.

- Xin cảm ơn anh. 

PV
.
.