Phim hợp tác: “Bom tấn” thì ít, “bom xịt” thì nhiều

Thứ Hai, 09/04/2018, 08:13
Quảng cáo rầm rộ từ khi mới bắt đầu bấm máy, loạt phim Việt Nam hợp tác với quốc tế khiến công chúng háo hức chờ đợi như một quả bom phòng vé.  Đến ngày phim ra rạp, khán giả “thất điên bát đảo” vì trúng “bom xịt”. Ngoài cái mác hợp tác quốc tế siêu hoành tráng, lắm phim không khác món thập cẩm hổ lốn,  xứng đáng xếp vào hàng siêu thảm họa.


“Bom xịt” khiến khán giả nổi đóa nhất mới đây phải kể đến “Những cô gái và găng tơ”. Không chỉ là bộ phim hợp tác Việt Nam – Hong Kong, “Những cô gái và găng tơ” còn có sự góp mặt của tay đấm huyền thoại Mike Tyson.

Diễn viên, nhà sản xuất Trần Bảo Sơn chia sẻ, “Những cô gái và găng tơ” là phần 2 của  “Girl”. “Lúc đầu nữ đạo diễn Hong Kong Hoàng Chân Chân không chọn Việt Nam làm điểm bấm máy bộ phim. Nhưng sau một chuyến du lịch tại đây, vì quá yêu thích cảnh đẹp Việt Nam, chị đã chọn Việt Nam làm 100% bối cảnh”.

Nếu phần 1 “Girl” ra rạp năm 2014 hấp dẫn bao nhiêu thì phần 2 do Trần Bảo Sơn hợp tác đầu tư lại thảm hại bấy nhiêu. Bộ phim xoay quanh chuyến du lịch Việt Nam của ba cô gái Hong Kong do dàn sao đình đám xứ Cảng Thơm gồm Trần Y Hàm, Tiết Khải Kỳ, Trương Quân Ninh thủ vai.

“Những cô gái và găng tơ” thất bại thảm hại từ khâu kịch bản đến diễn xuất, kỹ xảo...

Đến TP Hồ Chí Minh, họ ăn chơi xả láng tại nhà ông trùm xã hội đen giàu có và tàn ác khét tiếng do Trần Bảo Sơn đảm nhiệm. Ngay khi đến đây, họ đã bị đàn em của Trần Bảo Sơn (Elly Trần đóng) dằn mặt bằng kiểu giết người không gớm máu.

Một trong ba cô gái làm mất chiếc nhẫn quý của ông trùm nên bị đàn em của ông trùm truy đuổi để đòi lại. Các cô gái phải trải qua đủ tình huống dở khóc dở cười. Phim khai thác theo thể loại hài hành trình nhưng nó vấp phải vô số “hạt sạn” to đùng trong kịch bản, kỹ xảo, lời thoại lẫn cách diễn.

Ba cô gái làm mất nhẫn quý của ông trùm giang hồ, thế nhưng lại dễ dàng trốn thoát mà không vấp phải sự kiểm soát nào dù ngôi biệt thự có vô số đàn em canh phòng. Rồi tự dưng, các cô bị xích với một thùng vàng cùng mệnh lệnh phải xài hết trong vòng 24 giờ nếu không người thân sẽ gặp nguy hiểm.

Phải xách thùng vàng nặng hàng chục ký như vậy nhưng chỉ với vài kiểu quờ quạng, các cô gái yếu đuối dễ dàng thoát khỏi đám giang hồ sừng sỏ hết lần này đến lần khác. Ba minh tinh Hong Kong có cách diễn cường điệu quá lố, biểu cảm nhí nhố và la hét inh ỏi trong bất kỳ tình huống nào.

Trần Bảo Sơn và Elly Trần thì diễn cứng đơ. Mới đầu hai người đều tỏ vẻ nguy hiểm, giết người như ngóe nhưng chỉ trong tích tắc đã thay đổi 180 độ khi bà vợ già hay ghen của Trần Bảo Sơn xuất  hiện. Trần Bảo Sơn bỗng chốc hóa thành người tốt, một ông chồng chung thủy, yêu thương vợ hết mực. Nữ sát thủ Elly Trần thì mặc áo trắng ngây thơ đến dự lễ cưới cô gái mà mình mới truy sát trước đó… 3 phút.

Buồn cười hơn nữa là bối cảnh. Tối, các cô gái say mèm ở quán bar TP Hồ Chí Minh, sáng hôm sau đã thấy mình trần truồng ở bãi biển Phan Thiết. Đùng một cái, các cô bị sát thủ truy đuổi chạy lòng vòng ở TP Hồ Chí Minh, cảnh sau đã thấy cả nhóm rượt nhau bằng xuồng dưới miền Tây. Cùng một phân cảnh, các nhân vật nói với nhau loạn xạ bằng đủ thứ tiếng Trung, Anh, Việt, Hàn dù khẩu hình hoàn toàn lệch pha do khâu lồng tiếng ẩu. Thậm chí, khi người Việt nói chuyện riêng với nhau cũng dùng tiếng Anh, tiếng Tàu một cách khó hiểu. Kỹ xảo thì thô vụng như thời “Tây du ký”.

Sự xuất hiện của võ sĩ Mike Tyson cũng chẳng cứu nổi sự phi lý đến lố bịch của bộ phim. Người ta cứ nghĩ rằng Mike Tyson sẽ trình diễn những quả đấm tuyệt kỹ trong pha hành động thót tim. Nhưng biên kịch muốn mang đến bất ngờ cho khán giả nên để anh vào vai một võ sĩ quyền anh hết thời và … yếu như sên. Nếu phải liệt kê hết hạt sạn của bộ phim hài nhảm “siêu thảm họa” này thì phải mất đứt mấy ngày.

Cũng là phim hợp tác Việt Nam – Hong Kong dính phốt thảm họa, “Yêu em từ khi nào” (ra rạp đầu tháng 2 - 2018) còn hãi hùng hơn vì nó không khác gì phim dài tập bị nhồi nhét trong 100 phút. Tình tiết trong phim đậm chất Hong Kong với kiểu ngôn tình “xưa như trái đất” cộng với giọng lồng tiếng huyền thoại mà bất kỳ ai hay xem phim Hong Kong cũng có thể thuộc lòng. Vì nội dung câu chuyện phù hợp với phim truyền hình dài lê thê, nay bị ép vào 100 phút khiến vô số tình huống, nút thắt không được xử lý đến nơi đến chốn.

Hệ quả là mạch phim rời rạc, phi lý và thiếu điểm nhấn. Trong khi đó, những cảnh quay để người xem thấy tình cảm của nhân vật chính do Khả Ngân (diễn viên Việt Nam) và Tôn Vĩ Luân (diễn viên Hong Kong) đóng phát triển như thế nào thì lại vô cùng hiếm hoi. Bối cảnh “nhảy lambada” một cách khó hiểu: nhân vật ăn tối ở Vũng Tàu, sau đó đi chơi ở TP Hồ Chí Minh, sáng lại thấy cà phê ở Vũng Tàu. Siêu phàm hơn nữa, tất cả nhân vật trong phim đều hiểu nhau dù mỗi người nói một ngôn ngữ. Chỉ có khán giả là đau đầu vì phải đọc phụ đề loạn xạ để theo kịp nội dung.

Trong năm nay, “Lala: Hãy để em yêu anh” - phim hợp tác Việt Nam và Hàn Quốc có sự góp mặt của Chi Pu, San E, Jung Chae Yeon và Jin Ju Hyung cũng bị liệt vào danh sách những bộ phim điện ảnh đáng quên dù nó khai thác về đề tài tình yêu, đam mê tuổi thanh xuân - chủ đề đang rất ăn khách ở Việt Nam.

“Lala: Hãy để em yêu anh”- phim hợp tác Việt Nam và Hàn Quốc, bị khán giả phàn nàn vì nội dung nhạt nhẽo.

Trước đó, năm 2012, dù mang danh nghĩa phim hợp tác quốc tế giữa Việt Nam - Indonesia nhưng bộ phim “Ranh giới trắng đen” khiến khán giả hết hồn vì sự tụt hậu của nó khi mang hơi hướm phim cảnh sát Hong Kong… cách đây 30 năm. Chưa “đã” với loạt tình tiết ngô nghê, ekip làm phim còn “thọc lét” khán giả với trình độ dựng phim cực kỳ cẩu thả. Năm sau, cũng rầm rộ quảng bá, nhưng cái mác hợp tác với Hàn Quốc của “Lọ lem Sài Gòn” không vớt vát nổi một bộ phim nhạt như nước ốc.

Phim hợp tác là xu hướng tất yếu trong thời kỳ hội nhập. NSND Hoàng Dũng cho rằng đây là cơ hội rất tốt để chúng ta học hỏi được nhiều điều hay ho từ nước bạn. NSND Hoàng Dũng kể hồi quay phim “Tuổi thanh xuân”, dù chỉ sắm một vai nhỏ, nhưng ông rất háo hức tham gia vì muốn biết xứ Hàn làm phim chuyên nghiệp như thế nào.

“Thông qua việc cùng làm, cọ xát, điện ảnh Việt tự học hỏi kinh nghiệm làm phim của nước ngoài để tiệm cận tư duy làm phim chuyên nghiệp, kỹ thuật làm phim hiện đại, tiên tiến nhất trên thế giới, từ đó nâng cao chất lượng phim. Phim hợp tác còn giúp chúng ta giới thiệu những tài năng điện ảnh của Việt Nam đến với bạn bè thế giới, quảng bá hình ảnh, con người, đất nước Việt Nam” – ông phân tích.

Chúng ta không thiếu những bộ phim hay từ những cái bắt tay quốc tế. Có thể kể đến như phim truyền hình “Tuổi thanh xuân 1, 2”, “Cô dâu vàng” (hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc), “Người cộng sự”, “Khúc hát mặt trời” (Việt Nam - Nhật Bản)… Nhưng số lượng phim hợp tác được đánh giá cao chưa nhiều.

Đặc biệt ở địa hạt điện ảnh, phim hợp tác thường không tạo được ấn tượng. Bởi không phải cứ bắt tay với nước ngoài là ỷ y vào họ để cho ra đời bộ phim theo kiểu ăn xổi, dễ dãi, thiếu chuyên nghiệp. Việc hợp tác với đối tác quốc tế cũng phải chọn mặt gửi vàng vì không phải cái gì “mác ngoại” cũng tốt. Lúc ấy cái mác hợp tác quốc tế chẳng có nghĩa lý gì, thậm chí nó chỉ khiến khán giả thêm khó chịu, cảm giác như mình bị lừa khi phải thưởng thức một sản phẩm rác núp dưới lớp áo choàng sang chảnh. 

Đừng mượn mác quốc tế để ra oai, lòe thiên hạ. Dù là phim gì, sản xuất ở đâu, ekip hoành tráng thế nào, cái cuối cùng níu chân công chúng vẫn là chất lượng chuyên môn.

Phan Thi Uyên
.
.