Phim hoạt hình Việt Nam: Vẫn vòng luẩn quẩn

Thứ Hai, 29/07/2013, 08:00

Đổi mới và nâng cao chất lượng phim hoạt hình là điều chúng ta đã nói mãi rồi. Hơn 30 năm trước, khi bắt đầu vào làm công tác quản lý sáng tác ở Cục Điện ảnh, những ý kiến tôi được nghe đầu tiên ở Hội đồng duyệt kịch bản cũng là "phải đổi mới và nâng cao chất lượng kịch bản và phim hoạt hình Việt Nam".

Còn bây giờ - quả thật điện ảnh Việt Nam đang rất cần phải đổi mới, có đổi mới mới tồn tại. Đặc biệt, phim hoạt hình lại càng cần phải đổi mới, vì khác tất cả các loại phim khác, điện ảnh hoạt hình đang được kỹ nghệ vi tính chắp cho đôi cánh tuyệt vời, thỏa sức tung hoành, vùng vẫy trong thế giới ảo của mình. Nhưng cũng chính trong cái thuận lợi ấy lại có những khó khăn không nhỏ, nhất là đối với người viết kịch bản loại phim này. Bởi người viết phải biết "bơi" trong thế giới ảo để thể hiện cuộc sống thật, con người thật, với những định hướng, những khuôn phép mà nội dung xã hội đương thời cho phép. Nếu người viết kịch bản và người thể hiện kịch bản ấy lên phim là đạo diễn phim hoạt hình không đủ bản lĩnh, không tự nghiêm khắc với chính mình, không nắm chắc được chủ đề kịch bản của mình, phim của mình đang nói cái gì, đang cần cái gì thì rất dễ sinh ra thói ỷ lại, "ăn sẵn" mà sa đà vào thế giới ảo, có sẵn trên vi tính để rồi cuối cùng nội dung kịch bản của mình, phim của mình chỉ là một nội dung ảo của thế giới ảo, chẳng thể hiện được gì của cuộc sống thật, không có tình người, không gây được xúc cảm gì cho người xem và đương nhiên nó không còn là nghệ thuật mà chỉ là bản sao chép, chắp nối những nhân vật, những hình khối có sẵn trong đồ họa của kỹ nghệ vi tính.

Hiện nay, nhiều người quan tâm đến điện ảnh và phim hoạt hình Việt Nam đã cho rằng, phim hoạt hình của thế giới có những đổi mới kỳ diệu, đã đi quá xa, tại sao phim phim hoạt hình Việt Nam cứ lẹt đẹt, giậm chân tại chỗ? Quả thật, các nước như Mỹ, Nhật Bản và một số nước khác, hằng năm tổng doanh thu của phim hoạt hình đôi lúc nhiều hơn cả các loại phim khác. Ở Nhật, mỗi năm doanh thu từ phim hoạt hình đều trên dưới 200 triệu đôla.

Vậy họ đã đổi mới và tìm ra con đường cho phim hoạt hình đến với người xem như thế nào? Việt Nam ta có đổi mới như họ được không?

Một cảnh trong phim "Người con của Rồng" - bộ phim hoạt hình 3D đầu tiên của điện ảnh Việt Nam.

Để trả lời thấu đáo các câu hỏi trên phải có một chuyên đề nghiên cứu cặn kẽ chi li, còn ở một số ý kiến nhỏ trong bài viết này, tôi chỉ xin được nói ngay rằng: Mỗi quốc gia có một chính thể riêng, có một nền văn hóa riêng và đương nhiên cũng có những nhu cầu về thẩm mỹ, về nhân sinh quan và phong tục tập quán riêng. Có lẽ vì vậy, Việt Nam không thể đổi mới phim hoạt hình như các nước nói trên, nhất là phim hoạt hình lại là loại hình nghệ thuật trước hết dành cho thế hệ thanh thiếu niên và nhi đồng. Hơn nữa, nhu cầu thẩm mỹ truyền thống của người Việt Nam không thể chấp nhận được tính bạo lực đến mức tàn bạo dã man khủng khiếp không còn tính người, cũng không thể chấp nhận được tính siêu thực đến  mức hoang đường, huyễn hoặc, đưa con người đến một thế giới ảo xa lạ, thậm chí chống lại mọi giá trị nhân văn của xã hội thật của loài người.

Ngay cả với người Mỹ, người Nhật cũng phải hồn nhiên mà thú nhận rằng: "Những phim hoạt hình mà lớp trẻ bây giờ ưa thích đều làm cho người lớn kinh khiếp". Đặc biệt ở Nhật, do hệ số sinh sản giảm mạnh nên lớp trẻ em cũng ít đi, vì vậy các chương trình phim hoạt hình chủ yếu chiếu vào buổi chiều và đêm theo yêu cầu của thanh thiếu niên với nội dung bạo lực, tàn bạo, đi kèm yếu tố khiêu dâm và chất hài trần trụi. Nhà lý luận phê bình Nga A.M.Oclốp khi nghiên cứu về sự đổi mới của phim hoạt hình Nhật Bản hiện nay cũng phải thừa nhận rằng qua phim hoạt hình ở đây, thấy tồn tại hai nước Nhật.

- Một nước Nhật được bao phủ bằng ánh sáng đạo Phật nhân ái, từ bi với những bộ phim tài hoa của Lôxô Axanô như "Cuộc đời loài kiến", các bộ phim đồ họa tinh vi thể hiện một thế giới tinh tế và cao siêu, giúp cho con người hiểu được họ sinh ra và họ sống để làm gì?

- Một nước Nhật khác, không tìm ra câu trả lời cho câu hỏi về sự tồn tại của mình, một nước Nhật hỗn độn và phi lý, sợ hãi trước cuộc đời và cái chết, xuất hiện dưới dạng các người hành tinh khác, những sinh vật kỳ quái, tàn sát sự sống con người, khủng khiếp, man rợ như một lũ quỷ khát máu người…

Cách đổi mới ấy của phim hoạt hình (mà chỉ có phim hoạt hình mới làm được) không chỉ đang tồn tại ở Nhật, ở Mỹ mà còn ở nhiều nước khác.

Sự lạm dụng kỹ nghệ đồ họa vi tính, đã làm méo mó và công nghệ hóa, đơn điệu hóa nghệ thuật vốn rất tinh tế ngọt ngào của phim hoạt hình.

Vậy chúng ta đổi mới phim hoạt hình như thế nào? Trước hết là kịch bản?

Đương nhiên, những người viết kịch bản phim hoạt hình đều biết, trong nghề viết kịch bản điện ảnh thì kịch bản phim hoạt hình là khó nhất. Có nhiều người đã khá thành công trong nghề viết kịch bản phim truyện và các loại phim khác, nhưng khi "thử tài" sang kịch bản hoạt hình lại thất bại, chí ít thì sự thành công cũng rất ít ỏi so với công sức bỏ ra. Có trường hợp tác giả kịch bản phim truyện vất vả lắm mới viết được một kịch bản phim hoạt hình, nhưng khi lên phim lại không đủ "tự tin", phải ký tên khác. Tôi cũng là một trong những người như vậy. Mặc dù có may mắn được học hành, tốt nghiệp Tổng hợp Văn trong nước (1965) lại được học chuyên ngành biên kịch điện ảnh ở một trường điện ảnh có tên tuổi ở nước ngoài (trường VGIK - Liên Xô), ấy vậy mà suốt mấy chục năm qua tập tành, cần mẫn viết cả mấy loại kịch bản điện ảnh, nhưng cho đến bây giờ vẫn thấy viết kịch bản hoạt hình là khó nhất, đôi khi chỉ cần vài ba trang, thậm chí 1 trang nhưng khó hơn cả mấy chục trang kịch bản các loại phim khác. Nói như vậy, không có nghĩa coi các loại kịch bản khác là dễ hơn, vì suy cho cùng có được một chút thành công trong nghệ thuật thì loại hình nào, thể loại nào cũng phải lao tâm khổ tứ, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được, nhưng quả thật kịch bản hoạt hình có những khó khăn riêng của việc dùng thế giới ảo để thể hiện tính chân thực của điện ảnh.

Cho đến bây giờ, có một sự thật ai cũng thấy rõ ràng là phim hoạt hình Việt Nam không hấp dẫn được người xem. Người ta chê rằng: nội dung quá khô khan, nặng nề về răn dạy, triết lý những vấn đề xã hội lớn lao mà thiếu chất hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ, thiếu tính khoa trương, phi lý… của nghệ thuật hoạt hình. Mấy năm qua, Nhà nước đã ưu tiên đặc biệt cho phim hoạt hình, bỏ ra gần trăm tỷ đồng để xây dựng cơ ngơi nhà xưởng với ngôi nhà 7 tầng khang trang nhất ngành Điện ảnh tại số 7 phố Trần Phú, Hà Nội, với những trang thiết bị và các loại máy móc hiện đại, đủ sức thực hiện những bộ phim hoạt hình đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đương đại.

Bây giờ còn lại là nghệ sĩ và những người quản lý điện ảnh hoạt hình có đủ năng lực và ý chí, tự cứu mình, tự đổi mới mình để làm một cuộc cách mạng "lột xác", đổi mới và nâng cao chất lượng phim hoạt hình Việt Nam được hay không?

Để thực hiện cuộc cách mạng này, cái khó nhất và cũng là nguyên nhân sâu xa của mọi nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của phim hoạt hình Việt Nam hiện nay là: Bây giờ thiếu những người thật sự tâm huyết với phim hoạt hình, muốn lập nghiệp bằng phim hoạt hình. Càng thiếu những người dám sống chết vì nghiệp làm phim hoạt hình như nhiều nghệ sĩ trước đây. Đã vậy thì làm sao kiếm được tài năng? Nếu chỉ trông vào vài ba cái "trại sáng tác" hằng năm thì mới chỉ dừng lại ở việc "há miệng chờ sung" mà thôi.

Một kinh nghiệm thành công rực rỡ của Điện ảnh Hàn Quốc là các nhà quản lý lãnh đạo phải có con mắt tinh đời, tìm cho ra được những mầm mống tài năng trẻ và gửi họ tới những nước có truyền thống nghề nghiệp vững vàng để đào tạo có bài bản cái nghề đặc biệt quan trọng của hoạt hình là đạo diễn. Và cái quan trọng hơn nữa là tạo cho họ những điều kiện để họ có thể đủ tin rằng hiện tại và tương lai có thể lập nghiệp, có thể sống được bằng phim hoạt hình. Có như vậy mới tránh được sự "giật gấu vá vai", sự "ăn đong" của phim hoạt hình Việt Nam hiện nay.

Trong các loại phim thì phim hoạt hình đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu, kiên trì của đạo diễn hơn cả. Một bộ phim 5-10 phút đã phải vẽ hàng vạn bức tranh, xử lý hàng vạn tình huống tĩnh thành động. Ở hoàn cảnh nghèo như Việt Nam cũng phải chi hàng tỷ đồng (ở các nước tiên tiến phải hàng triệu đôla Mỹ). Bởi vậy, nếu đạo diễn không giỏi thì cả Nhà nước và người xem đều phải chịu cảnh "tiền mất tật mang".

Muốn ăn quả thì phải trồng cây, muốn có phim hay thì phải vun trồng và đào tạo tài năng, phải có "sự đầu tư ban đầu" ra tấm ra miếng. Có như vậy mới thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn xưa nay: không đào tạo, ít tiền, phim không hay để rồi đổ lỗi lầm cho nhau thì ôi thôi, nền Điện ảnh Việt Nam sẽ đi về đâu?

7/2013

Đinh Tiếp
.
.