Phim hoạt hình Việt Nam: Vẫn thua trên sân nhà

Thứ Ba, 16/04/2013, 08:00

Trong 2 ngày 20 và 21/3, tại Hà Nội, một cuộc hội thảo sôi nổi với sự có mặt đông đủ những người làm phim hoạt hình và giới truyền thông đã được Công ty TNHH một thành viên Hãng phim hoạt hình Việt Nam tổ chức. Lần đầu tiên, những tín hiệu vui cũng như những khó khăn, hạn chế của phim hoạt hình Việt Nam đã được đưa ra phân tích, mổ xẻ một cách kỹ lưỡng. Những người trong và ngoài cuộc đều nhận ra rằng, để phim hoạt hình Việt kém hấp dẫn là chúng ta đang để phí một thị trường đầy tiềm năng và lãng phí một kênh giáo dục hữu ích với thế hệ trẻ.

1. Thiếu nhân vật điển hình là hạn chế lớn nhất mà 50 năm kể từ khi ra đời, hoạt hình Việt Nam vẫn chưa khắc phục được. Trong khi, nhiều năm qua, hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới từng thích thú, háo hức với những nhân vật như chuột Mickey, vịt Donald, mèo Tom, chuột Jerry, hay trước đó là chú thỏ trong loạt phim "Hãy đợi đấy" của hoạt hình Liên Xô. Những nhân vật ấy, thậm chí ngay cả người lớn khi xem cũng thấy thú vị, hấp dẫn. Trong khi số lượng phim hoạt hình của Việt Nam được sản xuất thời gian qua không phải là ít. Theo ông Đặng Vũ Thảo, Chủ tịch Công ty cho biết, mỗi năm có khoảng 10 phim hoạt hình được sản xuất. Riêng năm nay, số lượng phim đã lên tới 16. Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng này đã được rút bằng một câu khá ngắn gọn: "Phim hoạt hình của chúng ta không hề thua kém các nước trong khu vực về công nghệ kỹ thuật, có chăng chỉ là thua kém về tư duy nghệ thuật".

Cái đầu tiên cần khắc phục trong "tư duy nghệ thuật" - nói như nhà biên kịch trẻ Lâm Mạnh Tùng - là nhân vật. Một câu chuyện hay, một thế giới kỳ thú, sử dụng công nghệ cao cũng sẽ "không là gì" nếu nhân vật hoạt hình không thú vị và cuốn hút. Và quan trọng hơn, nhân vật ấy phải có sự liên hệ với chúng ta. Chúng ta phải nhìn thấy trong nhân vật ấy hình bóng phản chiếu của mình. Đây thật sự là khâu yếu trong kịch bản phim hoạt hình Việt Nam. Hằng năm, với nhiều trại viết được tổ chức, lực lượng nhà biên kịch của phim hoạt hình khá nhiều. Tuy nhiên, để hiểu rõ được đặc thù chuyên biệt của hoạt hình thì không phải ai cũng làm được: đó là sự ước lệ, bay bổng, phi hiện thực. Lâu nay, các nhà biên kịch Việt thường thích kể câu chuyện theo tuần tự, lôgic, theo tư duy của người lớn, trong khi ngôn ngữ hoạt hình lại chuộng sự phi lý giả định và những chi tiết, mạch phim bất ngờ, ngẫu hứng. Cái tưởng là phi lôgic theo quan điểm của người lớn lại rất lôgic với trẻ nhỏ.

Hiện nay, hoạt hình Việt Nam vẫn rơi vào tình trạng kịch bản nhiều nhưng chuyển thể thành phim hoạt hình lại rất khó vì ngôn ngữ, câu chuyện ít chất hoạt hình. Tác giả viết thật quá mà thiếu những chi tiết bay bổng, thiếu sự phi lý… Người làm phim cũng lại sử dụng cách kể như phim truyện khiến phim không hấp dẫn. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ, đề tài phim cho thiếu nhi hay phim hoạt hình hiện nay rất khan hiếm bởi các nhà biên kịch đều né. Họ không chịu đầu tư xem trẻ con thích gì, cần gì mà luôn áp dụng lý trí của người lớn vào.

Một vấn đề của hoạt hình hiện nay là do không bị sức ép về doanh thu nên rơi vào tình trạng phim sản xuất ra chủ yếu người trong giới xem. Trong khi đối tượng chính là khán giả nhí lại khá thờ ơ với phim Việt. Thực tế cho thấy, đối tượng khán giả nhí lại là một đối tượng mang lại lợi nhuận khổng lồ. Một số lĩnh vực nghệ thuật như múa rối, xiếc, thậm chí cả sân khấu truyền trống như tuồng, chèo đã có kế hoạch "tấn công" vào thị trường tiềm năng này và bước đầu thu được lợi nhuận không nhỏ. Trong khi chúng ta vẫn thường kêu là thiếu nhi hiện nay đang thiếu những địa điểm vui chơi giải trí, thiếu những sản phẩm văn hóa hấp dẫn thì dường như các nhà sản xuất phim hoạt hình vẫn đang để phí đối tượng này. Hầu hết những bộ phim hoạt hình ăn khách tại các rạp chiếu hiện nay vẫn thuộc về các nước có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Pháp. Những bộ phim hoạt hình tạo nên những cơn sốt tại rạp không chỉ khiến khán giả nhí mà ngay cả người lớn cũng phải mê mẩn như "Kungfu Panda", "Công chúa tóc xù", "Lạc vào xứ sở thần tiên", "Xì trum", "Alvin"…

Tham dự Hội thảo là những nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho phim hoạt hình.

Lý giải vấn đề này, Chủ tịch công ty, ông Đặng Vũ Thảo cho biết, công tác phát hành trước đây phụ thuộc vào Fafilm, sau này phụ thuộc vào bản thân các hãng. Một phần do bản thân các nghệ sĩ quá chú trọng vào làm nghề mà lơ là việc quảng cáo phim. Một phần vì sản xuất phim nhưng không có kinh phí quảng cáo, tiếp thị, một câu hỏi được đặt ra là liệu chúng ta có đang bỏ rơi khán giả thiếu nhi không, vì thực tế hiện nay, cả Thủ đô không có một rạp chiếu phim nào dành cho thiếu nhi. Không có rạp, một phương tiện nữa mà chúng ta hy vọng là truyền hình cũng không mặn mà gì với phim hoạt hình. Cũng theo lời ông Đặng Vũ Thảo - người trực tiếp mang phim đi "gạ gẫm" các đài truyền hình thì luôn nhận được cái lắc đầu của lãnh đạo các đài. Họ chỉ chấp nhận chiếu phim truyện và phim tài liệu. Mà nguyên nhân của tình trạng này không ngoài lý do bài toán kinh tế thị trường, sự ăn chia trong mỗi hợp đồng. Công tác phát hành phim hoạt hình không còn đơn thuần ở việc mua bán bản quyền với các rạp và hãng băng đĩa, mà bao gồm cả việc khai thác bản quyền tạo hình nhân vật cho phim bằng các logo gắn trên các sản phẩm thương mại cho trẻ em như đồ chơi, quần áo, dụng cụ học tập. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu chúng ta sản xuất được những bộ phim hoạt hình ăn khách thì chắc chắn sẽ hấp dẫn các đài truyền hình.

2. Hiện nay, số lượng các đơn vị sản xuất phim hoạt hình cũng không ít. Ngoài Hãng phim hoạt hình Việt Nam còn có Hãng phim Giải phóng, Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam, Trung tâm sản xuất phim truyền hình và Công ty TNHH MTV Bamboo Animation cũng tham gia sản xuất thể loại phim này. Sự phong phú của hoạt hình Việt Nam được thể hiện rõ nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 vừa qua. Có tới 16 phim tham gia tranh giải. Đề tài cũng khá phong phú, đa dạng như mảng phim truyền thuyết, lịch sử có "Người con của Rồng", "Giấc mơ Loa thành", "Cổ vật đêm rằm"; đề tài về môi trường có "Quái vật hồ sen", "Mẹo vặt"; đề tài hiện đại có "Cánh diều họa mi"… Đã có tới 5 phim làm theo công nghệ 3D tham dự.

Gần đây, hoạt hình Việt Nam đã làm được một số phim đáp ứng được công nghệ và có đủ thời lượng có thể ra rạp như "Người con của Rồng", "Hào khí Thăng Long" bằng công nghệ 3D. Tuy nhiên, khi công chiếu thì những phim này lại khó thu hút khán giả bởi phim vẫn còn được dàn dựng theo lối cũ: đơn thuần kể lại lịch sử, nội dung nặng nề, nhân vật không có cá tính. Dù đã cố gắng hạn chế, khắc phục nhưng phim hoạt hình Việt Nam vẫn rơi vào giáo điều, đưa ra những bài học một cách khô cứng, khiên cưỡng và thiếu vắng tiếng cười. Ngay cả thời lượng phim cũng khá cứng nhắc - như ông Vũ Kim Dũng từng công tác tại Hãng chia sẻ. Có lần ông mang 15 phim đi Pháp chiếu cho các nước trong cộng đồng nói tiếng Pháp xem thì các bạn quốc tế rất ngạc nhiên tại sao phim hoạt hình nào của Việt Nam cũng dài 10 phút? Trong khi, các phim của nước bạn khá đa dạng về thời lượng từ 2 phút đến 60 phút. Có phim cốt truyện hoàn toàn có thể làm dài tới 60 phút như "Giấc mơ Loa Thành" thì nhà sản xuất chỉ làm 30 phút khiến khán giả xem có cảm giác chưa thật hoàn chỉnh.

Lâu nay, các câu chuyện lịch sử là đề tài mà các nhà làm phim hoạt hình Việt Nam khai thác triệt để. Tuy nhiên các nhân vật quen thuộc lặp đi lặp lại từ Âu Cơ, Lạc Long Quân, Sơn Tinh, Thủy Tinh… khiến phim hoạt hình Việt Nam vốn đã ít ỏi lại dễ "đụng hàng". Mong muốn giáo dục trẻ em về lịch sử nước nhà bằng phim hoạt hình là tốt nhưng những bộ phim này nếu không bất ngờ, không nhanh tiết tấu thì thật khó có thể truyền tải những thông điệp quý báu.

Để thu hút khán giả, hiện nay Hãng phim hoạt hình Việt Nam đã có 2 rạp chiếu ở số 7 Trần Phú (1 rạp 150 ghế và 1 rạp 70 chỗ). Thời gian tới, Hãng sẽ xây thêm 1 rạp chiếu phim 3D. Năm 2012, Hãng đã phục vụ trên 2.000 lượt chiếu gồm chiếu phim ở Hãng và mang phim đến trường học. Tuy nhiên, nếu không có một cuộc cách mạng thật sự cả ở khâu kịch bản và khâu phát hành thì mơ ước có một kênh truyền hình quốc gia chuyên biệt cho phim hoạt hình Việt Nam vẫn cứ mãi là một giấc mơ xa vời

Khánh Thảo
.
.