Phim “ ăn theo” ca khúc triệu view: Thành công không dễ…
Những kịch bản phim "thiếu muối"
Nếu nói rằng, kịch bản hay là yếu tố tiên quyết quyết định thành bại của một tác phẩm điện ảnh thì "Người lạ ơi" thất bại ngay từ khâu đầu tiên này. Bộ phim xoay quanh nhân vật chính Đăng DJ (Karik đóng), một chàng nghệ sĩ điển trai, tài năng và luôn có nhiều phụ nữ vây quanh. Tuy nhiên, chàng trai trẻ không tin vào tình cảm đích thực, không muốn vướng vào chuyện yêu đương.
Khi Đăng đang rơi vào tình huống khó xử với Nhung (Trịnh Thảo thủ vai) thì cô gái tên Trinh (Thùy Anh đóng) xuất hiện, tự xưng là người ngoài hành tinh và đòi "động phòng" với Đăng. Đăng quyết định chạy trốn Trinh. Trong quá trình chạy trốn, Đăng phải đối mặt với sự truy đuổi của băng đảng giang hồ. Qua thời gian, Đăng dần dần tìm lại được ý nghĩa, giá trị của tình yêu.
Diễn viên Thùy Anh (vai Trinh, bên trái) và Karik (vai Đăng DJ) trong một cảnh quay của phim "Người lạ ơi" ra rạp hôm 13-9 vừa qua. |
Cốt chuyện phim chỉ có như vậy, không có "đất" để dàn diễn viên thể hiện tài năng diễn xuất của mình. Karik lần đầu chạm ngõ điện ảnh nhưng chưa tạo ấn tượng dù có ngoại hình và khả năng âm nhạc, phù hợp với nhân vật chính. Điểm yếu của Karik chính là khả năng biểu cảm thiếu tinh tế, thậm chí là "đơ", thoại thiếu cảm xúc. Bên cạnh đó, diễn viên trẻ Thùy Anh cũng dường như không hợp với mẫu vai kiểu như của nhân vật Trinh trong phim.
Nhiều khán giả xem phim phải thốt lên rằng, tình tiết phim "kỳ lạ đến khó tin", các tình huống, nhịp phim rời rạc, nhiều cảnh lan man khó hiểu. Phim giống như "nồi lẩu thập cẩm" pha chút yếu tố hài hước, kỳ ảo, cổ trang, lãng mạn nhưng kém duyên. Tình cảm của bộ đôi nhân vật chính là Đăng và Trinh mờ nhạt, không mang lại cảm xúc cho khán giả. Diễn biến tình cảm của Đăng và Trinh không được khắc họa rõ nét, tình huống gượng ép. Bên cạnh đó, cách giải quyết "nút thắt" đơn giản, khiến phim thiếu kịch tính.
"Người lạ ơi" không phải là phim ca nhạc, những bài hát được sử dụng trong phim bị khán giả "chê tơi tả" vì lời ca khúc khó nghe, bản phối khí rời rạc, kém chất lượng. Các cảnh quay ít được đầu tư, hình ảnh thiếu chau chuốt. Đây là một "điểm trừ" nữa cho phim vốn rất được khán giả trẻ chờ đợi.
Một số khán giả cho rằng, "Người lạ ơi" có chất lượng "dưới mức trung bình", thậm chí không bằng những phim mang tính giải trí hời hợt. Chính vì vậy, dù rất cố gắng nhưng dàn diễn viên có nhiều kinh nghiệm diễn xuất như NSƯT Mỹ Duyên, Huy Khánh, Trương Thế Vinh… cũng không thể giúp "Người lạ ơi" thu hút khán giả.
Nói đến phim lấy cảm hứng từ MV ca nhạc không thể không nhắc đến "Em gái mưa" (đạo diễn Kawaii Tuấn Anh, ra rạp hồi tháng 5/2018). Tuy nhiên, cũng tương tự như "Người lạ ơi", em gái mưa nhận nhiều luồng dư luận trái chiều. Phần lớn khán giả cho rằng, câu chuyện mà "Em gái mưa" kể, không có gì mới lạ, hấp dẫn, không đủ "sức nặng" để gây chú ý với khán giả. Rất nhanh chóng, bộ phim rơi vào quên lãng. Tác phẩm điện ảnh "Em gái mưa" bị đánh giá chỉ là "cái bóng" không hoàn chỉnh của MV ca nhạc cùng tên.
Đạo diễn phim Kawaii Tuấn Anh cũng chính là đạo diễn tạo nên hiệu ứng "trăm triệu view" cho MV ca nhạc "Em gái mưa" do Hương Tràm thể hiện. Tuy nhiên, Kawaii Tuấn Anh đã không thành công với cương vị đạo diễn phim điện ảnh khi bộ phim bị đánh giá là "non tay", "hời hợt". Bộ phim tiếp tục khai thác đề tài tình yêu lứa tuổi học trò trong sáng, thơ ngây nhưng tình tiết phim cũ khiến khán giả cảm thấy nhàm chán.
Chuyện tình cảm thầy trò trong "Em gái mưa" không tạo được xung đột, không gây chú ý mà nhàn nhạt, không đủ day dứt, không đủ quyết liệt. Một số tình tiết trong phim bị cho là "cường điệu hóa", khiên cưỡng. Điểm cộng lớn nhất của phim "Em gái mưa" là sự đầu tư chỉn chu về hình ảnh với những góc quay đẹp, lãng mạn ở Đà Lạt.
Mặc dù "sở hữu" dàn diễn viên trẻ đẹp: Thùy Linh với gương mặt trong sáng, hiền lành, Mai Tài Phến đẹp trai, thư sinh, "chuẩn ngôn tình", Phương Anh Đào xinh đep, sắc xảo, Việt Hương hài hước, dí dỏm, rồi Trang Hý, Tiến Vũ… nhưng tất cả không đủ lực để tạo nên một bộ phim hấp dẫn.
Không dễ ăn theo MV trăm triệu view
Phim lấy cảm hứng từ MV ca nhạc có lượng view "khủng" cho thấy, các nhà sản xuất rất biết "tranh thủ" cơ hội, tạo sự quan tâm, thu hút của người trẻ dành cho dự án. Đây là yếu tố thuận lợi để nhà sản xuất giới thiệu, quảng bá tác phẩm điện ảnh mới. Mỗi MV ca nhạc có vài trăm triệu người xem, điều đó đồng nghĩa rằng, sẽ có rất nhiều khán giả trẻ vì tò mò, yêu thích ca khúc, hâm mộ thần tượng mà sẵn sàng đến rạp xem phim. Nhà sản xuất đã "đánh trúng" tâm lý, thị hiếu của khán giả trẻ.
Sự "thức thời" của nhà sản xuất còn thể hiện ở chỗ, chọn thời điểm "vàng" để giới thiệu sản phẩm mới nhằm tạo hiệu ứng kép. "Em gái mưa" ra rạp được cân nhắc, tính toán vào thời điểm cuối tháng 5 khi học sinh cuối cấp chia tay mái trường phổ thông để bước vào giảng đường đại học hay cuộc sống mới. Trong nhiều trường hợp, tính thời điểm có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo nên sự thành công của tác phẩm nghệ thuật. Tất nhiên, đó phải là tác phẩm chất lượng bởi "có bột mới gột nên hồ".
Một cảnh trong phim "Em gái mưa" ra rạp tháng 5-2018. |
Một trong những trào lưu xây dựng MV hiện nay là đậm tính kịch (dramma), xuyên suốt MV là những câu chuyện có nội dung cụ thể để minh họa cho ca khúc. Sự khác biệt giữa MV có cốt truyện và phim điện ảnh ở chỗ, MV thường kể câu chuyện ngắn trong thời lượng vài phút, trong khi đó, phim điện ảnh đòi hỏi nhiều tình tiết, kịch tính, tuyến nhân vật phức tạp hơn. Xây dựng MV và tác phẩm điện ảnh có nhiều điểm khác biệt. Chính vì vậy, đưa cách kể chuyện trong MV vào điện ảnh chắc chắn sẽ dẫn đến phim "nhạt", đơn giản, thiếu sức hút.
MV thành công tạo ra lợi thế về khán giả, nhưng điều đó không thể "bảo lãnh" cho thành công của tác phẩm điện ảnh khai thác chủ đề tương tự. Rõ ràng, nếu không xây dựng được bộ phim thực sự chất lượng thì phim lấy cảm hứng từ MV ca nhạc chỉ có thể dừng lại ở hiện tượng ăn theo một hiện tượng khác, chưa thể là một sản phẩm điện ảnh riêng lẻ, có sức hấp dẫn, tạo được sự đồng cảm từ khán giả.
Phim Việt đang phát triển "nóng" với số lượng phim ra rạp không ngừng tăng mỗi năm. Đây là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của điện ảnh Việt. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, sự phát triển của điện ảnh Việt chưa bền vững, chất lượng không đồng đều. Có phim đạt doanh thu cao nhưng chất lượng phim cũng chỉ ở mức "trung bình khá". Ngược lại, nhiều phim đậm chất nghệ thuật, được giới chuyên môn khen ngợi nhưng lại "thất thu" ở phòng vé. Không nhiều bộ phim dung hòa được cả hai yếu tố này.
Từ câu chuyện của "Người lạ ơi" và "Em gái mưa", một lần nữa khẳng định, đã qua rồi thời kỳ phim Việt chỉ cần người nổi tiếng, ngoại hình đẹp, hài hước, vui vẻ là được khán giả ủng hộ. Phim không thực sự chất lượng thì dù có dùng "chiêu trò" gì cũng không qua mắt được khán giả. Suy cho cùng, chất lượng vẫn là tiêu chí hàng đầu của một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa. Để có được tác phẩm hấp dẫn, khâu đầu tiên và then chốt nhất vẫn nằm ở kịch bản phim. Để tạo dựng niềm tin và có được sự yêu mến của khán giả, cần nhất vẫn là sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, tâm huyết, trách nhiệm và sáng tạo của các nghệ sĩ.