Phim Việt lên đời nhờ ngoại binh?
"Lính đánh thuê" ngoại quốc
Nếu trước đây, người nước ngoài góp mặt trong phim Việt với vai trò chủ yếu là diễn viên, quay phim thì bây giờ xu hướng viện "ngoại binh" rầm rộ ở tất cả các khâu, nhất là đối với phim điện ảnh. Phim "Vệ sĩ Sài Gòn" đang quay và dự kiến ra rạp vào tháng 12 này nhanh chân mời đạo diễn người Nhật Ken Ochiai cộng tác.
Phim "Tình xuyên biên giới" thì mời đạo diễn Trung Quốc Quách Tường thực hiện. Trước đó, phim kinh dị "Oan hồn" có lẽ là phim lập kỷ lục vì số lượng người nước ngoài tham gia khá hùng hậu, hỗ trợ ở nhiều khâu quan trọng từ đạo diễn, biên kịch đến quay phim, âm thanh... Họ đều đến từ Thái Lan. Ngoài dàn diễn viên trong nước như Lily Luta, Ngô Kiến Huy, Huỳnh Anh... còn có một số gương mặt ăn khách tại Thái Lan đảm nhiệm vai chính. Đạo diễn Bá Vũ cũng gây ấn tượng khi bộ phim đầu tay "Ngủ với hồn ma" có giám đốc hình ảnh, quay phim người Philippines Poppet Celdran.
Nhạc sĩ người Mỹ Christopher Wong (Ảnh: AU). |
Làn sóng đạo diễn Việt kiều về nước làm phim góp phần kéo theo sự trỗi dậy của "ngoại binh". Hầu hết các phim của Victor Vũ, Charlie Nguyễn, Dustin Nguyễn, Cường Ngô... đều có bạn bè ngoại quốc tham gia. "Ngọc Viễn Đông" của đạo diễn Cường Ngô có chủ nhiệm phim người Thái Lan, quay phim người Ukraine... "Lửa phật" của Dustin Nguyễn thì có diễn viên hành động Hollywood Roger Yuan.
Mới đây, đạo diễn Charlie Nguyễn vừa hợp tác với một êkip của Hollywood để thực hiện bộ phim "Fan cuồng". Riêng về nhạc phim, nhạc sĩ người Mỹ gốc Á Christopher Wong là cái tên đầu tiên mà các đạo diễn nghĩ đến. Âm nhạc của "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Dòng máu anh hùng", "Giao lộ định mệnh"... và gần đây nhất là "Gái già lắm chiêu" đều do một tay Christopher Wong thực hiện.
Không chỉ mang lại kỹ xảo tuyệt vời, câu chuyện kể có nhiều cách tân mà dưới góc máy của các nhà quay phim người ngoại quốc, cảnh vật quen thuộc của xứ sở chữ S còn hiện lên lung linh, mới lạ và đẹp mê hồn. Người ta tìm đến Hà Giang cũng bởi mê mải những cảnh quay vùng sơn cước đẹp như thơ của quay phim, giám đốc hình ảnh Coordelia Beresford (Úc) trong "Chuyện của Pao". Bộ phim đã mang về cho ông giải "Quay phim xuất sắc" tại "Cánh diều vàng" 2005.
Nhà quay phim người Mỹ Dominic Pereira từng thực hiện nhiều chương trình nghệ thuật của người Việt tại hải ngoại, trong đó có Trung tâm Vân Sơn. Ông cũng là tên tuổi được các nhà làm phim Việt Nam ưu ái. "Để Mai tính", "Dòng máu anh hùng", "Bẫy rồng"... do Dominic Pereira thực hiện hút hồn người xem vì những hình ảnh mướt mắt đầy ấn tượng. Sự tham gia của người nước ngoài đã được khẳng định ở nhiều giải thưởng chuyên môn uy tín. Dominic Pereira đoạt giải "Quay phim xuất sắc nhất", Christopher Wong đoạt giải "Nhạc sĩ xuất sắc nhất" tại "Liên hoan phim Việt Nam" lần thứ 15...
Đối thủ đáng gờm
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thừa nhận êkip "ngoại binh" sẽ khiến thị trường điện ảnh Việt mới mẻ, phong phú và đa dạng hơn. "Nhân lực nước ngoài giúp phim Việt tiệm cận hơn với tư duy làm phim chuyên nghiệp, kỹ thuật làm phim hiện đại, tiên tiến nhất trên thế giới, từ đó nâng cao chất lượng phim. Họ tiếp sức cho chúng ta cạnh tranh với các phim nước ngoài. Đây là điều kiện để chúng ta học hỏi, cọ xát. Nó buộc đội ngũ trong nước không thể bình chân như vại mà phải nâng cao tính cạnh tranh" - anh nói.
Đó không phải là nguyên nhân duy nhất khiến các nhà sản xuất ưu ái "ngoại binh" hơn "nội binh". Đạo diễn Bá Vũ khiến nhiều người ngạc nhiên khi thú thật: "Sở dĩ chúng tôi chọn giám đốc hình ảnh - quay phim người Philippines Poppet Celdran cộng tác cho phim "Ngủ với hồn ma" vì giá Poppet Celdran đưa ra rất rẻ". Lâu nay, ai cũng tưởng để thuê chuyên gia ngoại quốc thì nhà sản xuất cũng phải rủng rỉnh tiền. Nhưng đó chỉ là số ít với các trường hợp như mời chuyên gia Hollywood. Chẳng hạn, dù chi phí cao nhưng hãng BHD sẵn lòng mời nhà dựng phim đình đám Folmer M. Wiesinge "khoác áo mới" cho phim "Cánh đồng bất tận".
Với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Singapore, Indonesia... (dù không quá nổi tiếng nhưng nền điện ảnh của họ cũng phát triển và ghi nhiều dấu ấn hơn so với Việt Nam) hình thành nên rất nhiều nhóm, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh chuyên săn lùng các đơn vị nước ngoài có nhu cầu. Chỉ cần khách hàng rao trên mạng xã hội, lập tức sẽ có rất nhiều nhóm, cá nhân vào chào mời với đầy đủ chi tiết về lý lịch, kinh nghiệm của họ...
Việt Nam được giới làm phim trong khu vực coi là mảnh đất màu mỡ vì nền điện ảnh của nước ta đang phát triển. Nói như nhạc sĩ Christopher Wong: "Một trong những điều khiến tôi thích thú khi hợp tác với các bộ phim Việt Nam, đó là sự đa dạng về thể loại, đề tài: hài, kinh dị, ma, hành động, nghệ thuật…". Chính vì vậy các nhà làm phim trong nước luôn muốn đổi mới, lột xác để mang đến tác phẩm chất lượng.
"Ngoại binh" chào hàng với giá giảm phân nửa so với "nội binh", thậm chí nhiều khi đại hạ giá đến 70%. Và đừng tưởng nhầm giá rẻ thì chất lượng bèo nhèo. Các nhóm, cá nhân này lấy mức giá cực mềm đến khó tưởng bởi cái họ cần là được thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo, nâng cao tay nghề và bổ sung vào bản kinh nghiệm nghề nghiệp của mình.
Trong khi đó, bà Ngô Thị Bích Hiền, Giám đốc sản xuất Công ty BHD, cho rằng: "Đội ngũ làm phim ở Việt Nam tuy nhiều nhưng người thực sự giỏi lại không bao nhiêu". Đã vậy, giá thuê nhân lực trong nước lại đắt đỏ. "Nội binh" vừa thiếu vừa yếu nên lắm phim, đạo diễn nếu cầu toàn phải ôm hết các khâu như hóa trang, đạo cụ, dựng phim, âm thanh, nhạc phim... dù mỗi khâu đã bố trí một người đảm nhiệm. Nhiều khâu như hóa trang, với những tạo hình phức tạp như người già, ma quỷ, xác sống... thì tay nghề trong nước không đủ đáp ứng. Ngoài ra, vật dụng, nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài nên giá thành bị đẩy lên cao.
Cách thức làm phim của "ngoại binh" khiến các đạo diễn, nhà sản xuất yên tâm. Bởi "ngoại binh" phân công nhiệm vụ bài bản cho từng thành viên, làm việc nhiệt tình, tỉ mỉ, khuyến khích sáng tạo cá nhân. Hơn nữa, phương tiện máy móc, thiết bị đều có sẵn và hiện đại.
Một cảnh trong phim "Fan cuồng" của đạo diễn Charlie Nguyễn - phim có sự hợp tác của ekip Hollywood. |
Đạo diễn Victor Vũ cho biết mỗi lần đặt hàng nhạc sĩ Christopher Wong thì anh rất yên tâm vì không cần sửa chữa nhiều lần, chỉ mươi thư trao đổi qua email là xong việc. Bà Ngô Thị Bích Hiền cũng thừa nhận, cách dựng phim của người nước ngoài gọn ghẽ, đắc địa chứ không kéo dài lê thê như kiểu tiếc công quay của nhiều nhà dựng phim trong nước.
Trong thời đại hội nhập, không thể phủ nhận "ngoại binh" đã giúp điện ảnh Việt khởi sắc đáng kể. Nhưng cũng có không ít đoàn phim lạm dụng, coi đó là yếu tố ăn khách bởi chúng gây tò mò cho khán giả, lại mang mác thời thượng mà không đếm xỉa đến chuyên môn. Rõ ràng, lực lượng này ngày càng gia tăng đồng nghĩa với nhân lực trong nước đang dần bật ra khỏi cuộc chơi bởi sự yếu kém của mình.
Để cạnh tranh, buộc lòng người làm phim trong nước phải trau dồi nghề nghiệp, nâng cao trình độ và chuyên nghiệp hóa. Ngoài ra, không ít nhà sản xuất hay đạo diễn quá ưu ái "ngoại binh" đã biến phim Việt thành món ăn ngoại.
Chẳng hạn, dưới bàn tay đạo diễn và quay phim người Hàn Quốc, phim truyền hình "Lối sống sai lầm" bị biến thành một sản phẩm của xứ kim chi. Từ lời ăn tiếng nói, cái trố mắt, rồi ẩm thực... đều đậm phong vị của ngôi sao xứ Hàn dù cốt chuyện, bối cảnh ở Việt Nam. Mượn "ngoại binh" để phim Việt tiến xa hơn chứ không phải để đánh mất bản sắc của chính mình.
Hiểu được lo ngại này của công chúng nên khi "Vệ sĩ Sài Gòn" chuẩn bị bấm máy, diễn viên Trương Ngọc Ánh, nhà sản xuất phim, đã trấn an: "Dù phim do đạo diễn người Nhật Bản đảm nhiệm nhưng chúng tôi tự tin mình không đánh mất đi hồn cốt Việt Nam. Tác giả kịch bản, nội dung phim và ngay cả diễn viên đều thuần Việt. Đặc biệt, để việc làm phim được suôn sẻ, ekip hiểu ý nhau, đạo diễn Ken Ochiai đã có nhiều trải nghiệm tại Việt Nam, tìm hiểu tập quán, văn hóa Việt. Điều thú vị là ông còn học tiếng Việt để tiện giao tiếp".