Phim Việt dành cho thiếu nhi: Mảnh đất hiếm người vun trồng

Thứ Hai, 31/07/2017, 08:00
Điện ảnh Việt đang bước vào thời kỳ sôi động chưa từng có, đạt tần suất 1 phim/tuần, thậm chí cao điểm một tuần ra đến 2 – 3 phim. Các thể loại đa dạng từ hành động, hài hước, tình cảm đến kinh dị, dã sử... Thế nhưng hầu như phim Việt chỉ tập trung vào mảng phim dành cho người lớn mà chưa chú trọng khán giả nhỏ tuổi.


Mùa hè là dịp cao điểm để các phim thiếu nhi ngoại quốc đổ bộ vào phòng vé. Mảnh đất này luôn dành cho các chiến binh ngoại mà khan hiếm sản phẩm cây nhà lá vườn. Năm nay, tình trạng cũng không khả quan hơn khi phim thiếu nhi thuần Việt chỉ xuất hiện lác đác như: “Vú em tập sự”, “Anh em siêu quậy” và một chút không gian tuổi thơ gợi lại trong “Cô gái đến từ hôm qua” – bộ phim vốn dành cho tuổi mới lớn.

 “Anh em siêu quậy” và “Vú em tập sự” do Galaxy phát hành đều gần như lặn mất tăm khi ra rạp. Chất lượng phim không được đầu tư kỹ lưỡng, nặng hài hước theo hướng tào lao, thiếu logic khiến phim không gây ấn tượng. Dù “Vú em tập sự” đã có Johnny Trí Nguyễn làm bảo bối phòng vé nhưng anh cũng không thể cứu phim thoát khỏi sự lạnh nhạt.

Thêm vào đó, các phim này chưa được đầu tư mạnh cho khâu PR, quảng bá nên công chúng gần như không biết đến. Dù thất bát, đạo diễn Lê Bảo Trung xem ra khá kiên trì với dòng phim điện ảnh dành cho trẻ em. Trong ba năm liên tiếp, năm nào anh cũng tung ra một phim: “Bảo mẫu siêu quậy” (2015), “Bảo mẫu siêu quậy 2” (2016) và “Anh em siêu quậy” (2017).

Có người xếp “SOS Sói trắng” của đạo diễn Lê Hoàng là phim dành cho thiếu nhi khi đề cập đến nạn ấu dâm. Tuy nhiên, bộ phim vẫn hướng đến đối tượng khán giả là người lớn, đánh động và cảnh tỉnh các bậc phụ huynh là chủ yếu vì nội dung, cách diễn không phù hợp với dòng phim trẻ em vốn cần sự trong sáng, kết thúc có hậu. 

Trọng Khang và Hà Mi gợi lại một thế giới tuổi thơ trong trẻo, hồn nhiên trong “Cô gái đến từ hôm qua”.

Trái với sự nhạt nhòa của các bộ phim trên, “Cô gái đến từ hôm qua” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh lại nhận được sự hưởng ứng tích cực, một phần cũng bởi đây là tác phẩm chuyển thể từ truyện dài cùng tên của ông hoàng truyện thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh. Phim kể về mối tình khờ khạo của anh chàng Thư “thơ thẩn” với cô bạn học cùng lớp 12A3 Việt An.

Xen kẽ tình huống yêu đương dở khóc dở cười là dòng hồi tưởng của Thư về thời tiểu học với cô bạn Tiểu Li. Diễn viên nhí Trọng Khang (vai Thư lúc nhỏ) và Hà Mi (vai Tiểu Li) là nét sáng nổi bật, thậm chí lấn lướt cả cặp diễn viên chính Ngô Kiến Huy và Miu Lê. Trọng Khang xuất sắc hóa thân thành cậu bé Thư láu cá hay bắt nạt con gái. Những trò chơi trẻ nít như ca rô, trốn tìm, tạt lon, bắn bi, chơi ô ăn quan... đều được đưa lên màn ảnh đầy chân thực. Nó khiến thế hệ 7x đời cuối và 8x hoài niệm về tuổi thơ đã qua ở một thời chưa xa.

Hiệu ứng đình đám của “Cô gái đến từ hôm qua” gợi nhớ đến bộ phim thiếu nhi “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ra mắt thời điểm cuối năm 2015. Cái bắt tay đầu tiên của nhà nước và tư nhân đã thành công vang dội. Ngoài doanh thu trên 80 tỷ thời điểm đó, bộ phim của đạo diễn Victor Vũ còn gặt hái vô số giải thưởng lớn nhỏ. Đạo diễn Victor Vũ từng nhìn nhận rằng, phim đã giải tỏa đúng cơn khát khi điện ảnh Việt Nam đang rất thiếu tác phẩm về thế giới tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo.

Ngoài các bộ phim kể trên, trước đây, phim điện ảnh đề tài thiếu nhi có “Tâm hồn mẹ” được giới thiệu tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 năm 2011. Tuy nhiên, phim vẫn bị chê vì có nhiều cảnh “chỉ dành cho người lớn” khiến học sinh cấp 2 phải che mặt xấu hổ. Các bộ phim khai thác đề tài học đường như “Bóng ma học đường”, “Giải cứu thần chết”, “Dành cho tháng 6”... vẫn được xem là phim dành cho lứa tuổi mới lớn hơn là phim thiếu nhi (độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi). Dẫn ra vài phim như vậy để thấy tác phẩm thực sự dành cho khán giả nhí rất thiếu vắng.

Hầu hết nhà làm phim Việt Nam luôn kêu ca rằng: làm phim thiếu nhi cực kỳ khó. Trước hết là khâu kịch bản. Kịch bản thiếu nhi vốn đã hiếm, muốn hay lại càng khó khăn. Rất ít nhà biên kịch mặn mà viết kịch bản phim thiếu nhi vì nó đòi hỏi người viết phải hiểu tâm lí và tìm được tiếng nói chung với trẻ, đề tài phải gần gũi, ngôn ngữ phải được chắt lọc, trong sáng.

Kịch bản do người lớn viết thường bị cường điệu, nhân vật trong phim trở thành “cụ non”, không phù hợp thị hiếu khán giả nhí. Trong khi ở phim ngoại, tư duy làm phim rộng mở với đủ loại đề tài cộng thêm bài học nhân sinh không chỉ dành cho trẻ con mà còn cho cả người lớn thì ở Việt Nam, nhắc tới phim thiếu nhi người ta lại nghĩ ngay đến câu chuyện trường lớp, bài học giáo dục nặng tính giáo điều.

Nhìn lại sẽ dễ dàng nhận thấy, các bộ phim thiếu nhi thành công (ở cả truyền hình lẫn điện ảnh) thường được xây dựng dựa trên tác phẩm văn học nổi tiếng, được thẩm định qua thời gian như “Đất phương Nam” (chuyển thể từ tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi), “Kính vạn hoa”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô gái đến từ hôm qua” (chuyển thể từ các truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh)...

Sắp tới đạo diễn Việt Linh cũng sẽ chuyển thể tác phẩm “Út Quyên và tôi” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ra thành tác phẩm điện ảnh. Văn học thiếu nhi có thể coi là nguồn bổ sung kịch bản quan trọng cho các nhà làm phim. Thế nhưng nền văn chương Việt lâu nay cũng bị la ó vì thiếu trầm trọng dòng tác phẩm này. Một phần vì văn học thiếu nhi bị xem nhẹ, phần khác vì rất ít người viết được.

“Anh em siêu quậy” không tạo được ấn tượng gì dù đây là phim thuần thiếu nhi hiếm hoi chiếu hè 2017.

Đạo diễn Mai Dũng thẳng thắn cho hay, làm phim thiếu nhi đã khó, tốn kém chi phí mà lại còn kén khán giả, khó kêu gọi quảng cáo nên nhà sản xuất nào cũng né. Ngay cả phim lấy cảm hứng từ truyện cổ tích như “Tấm Cám” hay “Thạch Sanh”, ekip cũng cố đi theo hướng thị trường, phục vụ khán giả thanh niên để nhanh chóng thu hồi vốn chứ không thuần phục vụ trẻ em.

Dàn diễn viên nhí là vấn đề nan giải. Số lượng diễn viên nhí có nghề đếm chưa đầy bàn tay nên khâu tuyển diễn viên thường mang tính tự phát bằng cách nhà sản xuất tự lùng sục ở các nhà văn hóa thiếu nhi, nhờ người quen giới thiệu hoặc tận dụng những gương mặt đã quá quen thuộc. Thanh Mỹ là bé gái thường xuyên được các đạo diễn chọn lựa. Em có mặt trong hàng loạt phim điện ảnh như: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Siêu trộm”, “Ma dai”, “Đoạt hồn”...

Dustin Nguyễn cho biết việc tuyển chọn các vai người lớn cho phim “Lửa Phật” không khó bằng việc tìm kiếm gương mặt phù hợp cho vai diễn nhí, nhất là khi anh mong muốn tìm được các bé vừa biết diễn xuất vừa phải thật tự nhiên với những nét ngây thơ của trẻ con. Hầu hết các bé được phát hiện tình cờ và diễn xuất bằng bản năng chứ không qua lớp đào tạo nào. Tìm được rồi, làm sao để làm việc nhịp nhàng với các bé là cả vấn đề. Ngoài việc thỏa thuận với gia đình, thu xếp thời gian học hành cho các bé, họ còn phải chơi đùa, làm bạn để chúng nhập tâm diễn xuất.

Hiện nay, các diễn viên nhí nổi bật chỉ dừng lại ở vài cái tên như Minh Khang, Thanh Mỹ, Hà Mi, Bảo An, bé Ben...  Số lượng phim thiếu nhi ít ra rạp cũng là nguyên nhân dẫn đến tài năng nhí chỉ vụt sáng ở một vài phim rồi “chết vai” vì không còn vai diễn phù hợp cho các em thể hiện sau này. Thực trạng đáng buồn đó đã diễn ra với rất nhiều diễn viên nhí một thời như Hùng Thuận của “Đất Phương Nam”, Ngọc Trai của “Kính vạn hoa”...

Mải miết đeo bám phim thiếu nhi dù chưa gặt hái được thành công, đạo diễn Lê Bảo Trung lý giải: “Hiện nay không nhiều người làm phim thiếu nhi trong khi nhu cầu xem phim của trẻ em rất lớn. Phim ngoại rất hay nhưng có những câu chuyện không phù hợp với văn hóa gia đình Việt Nam. Do đó, tôi muốn làm những bộ phim thuần Việt bồi đắp tâm hồn, nhân cách trẻ em Việt”. Ngoài sự nỗ lực của tư nhân, dòng phim đang chịu  lắm e dè này rất cần sự chung tay của nhà nước. Nói đâu xa, cách nhà nước đặt hàng tư nhân bấm máy “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một mô hình thành công cần được nhân rộng.

Mai Quỳnh Nga
.
.