Phê bình nghệ thuật Việt Nam hôm nay

Thứ Ba, 27/10/2015, 08:00
Phê bình nghệ thuật Việt Nam hôm nay đã về đâu? Những nhà phê bình ơi, các anh đang ở nơi nào?

Nhà phê bình, các anh đang ở đâu?

Có rất nhiều ý kiến khen-chê khác nhau xoay quanh bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của đạo diễn Victor Vũ, dựa trên cuốn truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Từ ý kiến của một nhà văn như Nguyễn Ngọc Thuần cho tới một đạo diễn điện ảnh như Lê Hoàng; từ ý kiến của những nhà báo văn hóa nghệ thuật cho tới lời bình phẩm dưới các bài báo đó của những độc giả sâu sắc có văn hóa… tất cả đã tạo nên một bức tranh rất giàu màu sắc trên nền cỏ xanh kia và nó gợi nhắc cho tôi một thời kỳ người Việt rộn ràng với các tranh luận nghệ thuật. Nhưng cũng giữa bức tranh giàu màu sắc ấy, tôi đã thấy một vệt xám rất lớn trên nền cỏ đã trắng xoá bạc màu.

Đó là hiếm có một ý kiến nào mang sức nặng phê bình nghệ thuật đúng nghĩa, mà chỉ dừng lại ở mức độ khen - chê của cảm tính.

Phê bình nghệ thuật Việt Nam hôm nay đã về đâu? Những nhà phê bình ơi, các anh đang ở nơi nào?

Hội nghị những người trẻ viết về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật khu vực phía Bắc 2015.

Thứ nhất, phải khẳng định, chúng ta vẫn có những nhà phê bình nghệ thuật đúng nghĩa, mà số đông tập hợp ở mảng văn chương. Song họ đã im lặng quá lâu, hoặc giả có cất tiếng thì cũng chỉ là những tiếng nói yếu ớt không đủ cho thấy phê bình đang sống. Vẫn biết, những bài phê bình là những thứ kén độc giả và khó bán chạy theo tiêu chí thị trường, nhưng không vì thế, một người theo nghề, có nghề và yêu nghề lại chùn chân trước thời cuộc.

Dường như những nhà phê bình hiện nay đang tập trung vào những công việc khác, những công việc đảm bảo tạo ra thu nhập (cao) cho mình và bỏ quên giấc mơ nghệ thuật mà họ theo đuổi từ những ngày còn tuổi trẻ nhiệt huyết. Điều đó lý giải vì sao hoạt động phê bình hôm nay thua kém thời bao cấp rất xa, mặc dù ngôn luận ở thời nay đã thông thoáng hơn thời bao cấp nhiều lần. Cơ bản, ở giai đoạn "ai cũng vất vả như nhau" và cơ hội làm giàu không phải là sẵn có, nhà phê bình chỉ còn đúng một nghề (và là nghề sở trường) là làm phê bình. Còn ở giai đoạn kinh tế đã mở rộng cánh cửa như lúc này, thà họ lo toan cho đời sống còn hơn là thứ viển vông mang tên sự sống còn của nền nghệ thuật.

Nhưng đó chỉ là lý do thứ yếu. Lý do cơ bản, và đáng buồn nhất, chính là chúng ta thiếu rất nhiều nhà phê bình nghệ thuật chuyên nghiệp. Phê bình văn học, như đã nói ở trên, còn có số lượng khả dĩ. Phê bình hội họa, tạo hình, chủ yếu vẫn dựa chính vào lực lượng họa sỹ, những người làm nghề, những người đáng ra là cha đẻ của đối tượng được phê bình. Còn phê bình âm nhạc thì tuyệt nhiên mất dạng. Người ta học nhạc, kể cả học lý-sáng-chỉ (lý luận, sáng tác, chỉ huy) chỉ với mục đích hành nghề như một nghệ sỹ (tức là lại là cha đẻ của đối tượng được phê bình) chứ không phải để làm một nhà phê bình âm nhạc đúng nghĩa. Trên những trang báo văn hóa văn nghệ hôm nay, lẽ ra cần phải bình bán xem chất lượng nghệ thuật của một dự án âm nhạc như thế nào, người ta chỉ đơn thuần khen cho sướng miệng (nếu đã nhận thù lao truyền thông của chủ dự án) hoặc chê cho tối mặt tối mũi (nếu ghét chủ dự án) dựa trên những thứ vớ vẩn và tầm phào kiểu "sao lại mặc trang phục đó"; "ngôi sao nào xuất hiện như thế nào trong dự án ấy" hoặc "sử dụng công nghệ tiên tiến gì cho dự án này"… Và nguyên nhân của sự yếu kém đó, không nằm ở đâu khác, là đa số những tay bút văn hóa văn nghệ của các tờ báo đều không đủ trình độ năng lực phân tích một tác phẩm, kể cả là tác phẩm ở bộ môn nghệ thuật mà họ yêu thích nhất.

Khi một nền nghệ thuật thiếu vắng phê bình, nền nghệ thuật ấy chỉ tồn tại thoi thóp. Đơn giản, phê bình là tiếng nói phản tư tạo nên đa chiều quan điểm xã hội. Một xã hội đa chiều quan điểm chắc chắn sẽ đa dạng và nó tạo tính cạnh tranh, lực kích sáng tạo mạnh mẽ. Và nguy hiểm hơn nữa, khi nền nghệ thuật không có mặt những nhà phê bình, khán giả số đông sẽ chính là làn sóng quyết định chất lượng nghệ thuật tác phẩm mà hoàn toàn không có một thước đo khoa học nào để thẩm định rằng thực sự tác phẩm đó có chất lượng nghệ thuật hay không. Sự vắng bóng của nhà phê bình, lực lượng tinh hoa của nền nghệ thuật cũng đồng nghĩa với việc nền nghệ thuật ấy không hề có tinh hoa, và sẽ ngả hẳn sang thiên hướng giải trí, một thứ tầm thường của chủ nghĩa khoái lạc.

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Muốn phê bình tranh thì phải có kiến thức hội họa

Khi bình về hội họa của F.Bacon, M.Kundera nói ông ấy là người đã phát hiện ra một con đường mới và đồng thời cũng là người đóng lại chính con đường đó. Viết bình luận nghệ thuật như vậy là "tối thượng thừa". Có nghĩa rằng, người viết về nghệ thuật đồng nghĩa là người có con mắt phát hiện, phát hiện xem họa sỹ ấy, triển lãm ấy, bức tranh ấy hay, mới, độc đáo ở điểm nào. Muốn vậy thì phải biết xem tranh, biết thưởng thức, biết rung động, biết sung sướng trước bức tranh đó.

Họa sĩ Lê Thiết Cương.

Điều kiện tiên quyết là phải biết xem tranh và sau đó là biết viết. Người viết phê bình, bình luận hội họa chỉ cần vậy. Giản dị vậy đấy mà khó vô cùng. Chả cứ bây giờ, thời nào cũng hiếm người bình tranh. Mà cũng chả cứ bình tranh, người bình các môn nghệ thuật khác cũng hiếm. Muốn thưởng thức được nghệ thuật thì dứt khoát phải học. Ăn còn phải học huống hồ… Đặc thù của bình luận vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật. Bắt buộc người viết phải học lý luận nghệ thuật, lý luận hội họa, phải học về lịch sử nghệ thuật, lịch sử hội họa, cả lịch sử hội họa thế giới và lịch sử hội  họa Việt Nam. Nếu người viết phê bình hội họa mà lại biết vẽ được nữa thì càng tốt, họ sẽ là người đồng hành cùng họa sỹ, đi men theo được cái tâm lý sáng tạo của họa sỹ, chưa kể là vài ba câu chuyện  có tính chất "behind the scene- đằng sau hậu trường" sẽ làm bài viết hấp dẫn.

Ví dụ: Một bài phê bình tranh của Lê Phổ mà người viết không có kiến thức bối cảnh hội họa Việt Nam đầu thế kỷ XX, trường Mỹ thuật Đông Dương, hội họa châu Âu, trường phái Hậu Ấn tượng… thì bình sao được. Hoặc nói về hội họa của Nguyễn Tư Nghiêm mà không hiểu được cái gốc gác tạo đà cho cảm hứng sáng tạo của ông khởi từ nghệ thuật điêu khắc đình làng thế kỷ 16, 17, 18 thì không thể bình hay được.

Trong nghệ thuật luôn có 2 phạm trù, nội dung và nghệ thuật. Nội dung là đề tài, chủ đề đó là cái vỏ (trong khi nhiều người lại tưởng nó là ruột). Ví dụ: "Giặc đốt làng tôi", "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" là những đề tài, là vùng hiện thực mà họa sỹ muốn mô tả, nó không làm nên nghệ thuật, không làm nên cái đẹp của 2 kiệt tác đó của họa sỹ Nguyễn Sáng. Cái đẹp của 2 tác phẩm này nằm ở phạm trù hình thức. Hình thức của hội họa là hình, mầu, bố cục, bút pháp, chất liệu, đậm nhạt… Những yếu tố đó thuộc phạm trù hình thức, hình thức mới tạo ra phong cách. Vậy nên, viết phê bình hội họa là phải biết phân tích hình thức. Tối kỵ kể lể dông dài, tán hươu tán vượn về đề tài. Phải chỉ ra vẻ đẹp của cách tạo hình, cách dùng mầu của họa sỹ đó. Chứ không phải kể tranh ấy có mấy người, mấy cái cây, cái phố trong tranh ấy có mấy ngôi nhà…

Kiến thức về hội họa sau khi học cũng chỉ là một nửa để xem được tranh, mà đâu chỉ có kiến thức hội họa, phải rất cần kiến văn rộng. Một nửa còn lại là rung cảm. Người xem được tranh phải có mắt, phải có tim.

Muốn có năng lực cảm thụ thẩm mỹ, người viết phê bình luôn cần xem nhiều, đọc nhiều, nghe nhiều, sống nhiều, trải nghiệm sống nhiều.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Việt Nam chưa có phê bình âm nhạc

"Việt Nam chưa có phê bình âm nhạc" không còn là tin mới nóng. Những ý kiến sớm nhất đã được hai cây đa cây đề của giới âm nhạc là nhạc sĩ Tô Vũ và nhạc sĩ Thế Bảo nêu lên vào 12 năm trước. Mười năm sau, nhạc sĩ Dương Thụ cũng khẳng định lại chính điều này, hay như nhà lý luận âm nhạc Hữu Trịnh, nhà báo của Báo Thể thao & Văn hóa đã có hẳn một loạt bài bình luận và phỏng vấn diễn tả sự yếm thế và những nguy cơ hoàn toàn mất dấu của phê bình âm nhạc. Năm 2013, Hội Nhạc sĩ Việt Nam thừa nhận chưa có những tác phẩm phê bình âm nhạc đúng nghĩa, hoặc "phê bình báo chí lấn át phê bình chuyên nghiệp"  như một tít bài của Báo Văn nghệ Công an gần đây.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo.

 Một số trang web hướng nghiệp tại Anh, Mỹ, hiện mô tả điều kiện cho những ai theo đuổi công việc phê bình âm nhạc bao gồm: yêu âm nhạc, có thể nghe các thể loại âm nhạc khác nhau, có kỹ năng viết hoàn hảo, có kỹ năng giao tiếp và phỏng vấn, tư duy cởi mở và đề cao sự công bằng, sẵn sàng tham gia những khóa học trang bị thêm kiến thức âm nhạc..., hầu như không có đòi hỏi người ta phải là một nhạc sĩ hay người chơi nhạc cụ. Người phê bình âm nhạc giống như người "phiên dịch" âm nhạc, người có khả năng nhận ra âm nhạc từ tốt đến xấu...Vị trí làm việc của người phê bình âm nhạc là ở các nhà xuất bản âm nhạc, các tờ báo, tạp chí, trang mạng âm nhạc, kèm theo là một số đặc điểm khác nhau giữa công việc của một nhà báo âm nhạc và một nhà phê bình âm nhạc chuyên nghiệp.

Như vậy, nếu phê bình âm nhạc ở ta còn là một dấu hỏi với một số ít cá nhân hoạt động khá âm thầm, thì nó vẫn là một ngành nghề chuyên sâu tồn tại ở xã hội phương Tây với các tiêu chuẩn, ý nghĩa, cùng phương hướng tồn tại khá minh bạch. Nhưng khoan đã, đừng vội phê bình việc phê bình âm nhạc trong nước. Cả khi đang thuộc về hệ thống mà ở đó công việc phê bình âm nhạc có chỗ đứng lẫn giá trị của nó, kết thúc bài viết về hiện trạng phê bình âm nhạc tại Mỹ, Ted Gioia, nhà phê bình nhạc jazz, nhạc sử gia người Mỹ, vào năm 2014, đã viết: "Giờ không quá muộn để sửa chữa mớ hỗn loạn, nhưng điều đó sẽ không xảy ra cho đến khi các nhà phê bình chấm dứt hành động như nhà báo chuyên mục tin đồn, và bắt đầu nắm bắt âm nhạc nghiêm túc trở lại".

 Phê bình dĩ nhiên là khái niệm gây mỏi mệt. Phê bình, tiếp thu phê bình rồi phản biện phê bình là những công việc mà ít ai ham thích, càng ít người sẵn sàng trả công cho chúng. Nói thế để chúng ta khỏi bất ngờ, cũng dễ dàng thực lòng chia sẻ với sự vắng mặt của phê bình âm nhạc tại Việt Nam.

 Ngày nay, âm nhạc ngày càng giống một thứ nhãn mác hợp thị hiếu cho các mặt hàng khác, cho hoạt động quảng bá và kinh doanh. Theo đó, lời ngợi khen cùng sự tôn vinh đâu đó còn có thể được mua bằng tiền thì những nhà phê bình càng khó để được chào đón. Một khi phần lớn thanh niên, trung niên tham gia mạng xã hội đều có thể vào vai các nhà phê bình mọi lĩnh vực, những khái niệm "auto bình luận" hay  "auto chửi" đã thành lối sống, thì những ý kiến nghiêm túc dễ trở thành điều kì cục gây mất vui.

 Bên cạnh số đông "khán giả phê bình" trên các mạng xã hội là các nhà báo viết về âm nhạc mà phần lớn bài viết là những báo cáo sinh động về lối sống, bao gồm các câu chuyện xoay quanh hoạt động thường nhật của nghệ sĩ, quần áo, việc vay nợ, các cuộc gặp hay chuyện tình cảm... Nếu so sánh phê bình âm nhạc là những chiếc xe cứu hộ, xử lý tình huống... thì dường như chúng không có đường vào để giúp gì cho những va chạm hay tai nạn giữa những đám đông hỗn loạn, vốn thường ngày lòe loẹt và thừa tự tin. Bù lại, chúng ta có một không gian phê bình nghệ thuật bình dân trải rộng và quả thực không thể tin được. Từ một góc nhìn nào đó, chúng ta đã vô vọng để biết ưu nhược điểm của các tác phẩm tác giả âm nhạc, không rõ âm nhạc đã đang và nên đi về đâu, cách nào để cho tất cả trở nên tốt đẹp hơn, khi mà phê bình âm nhạc, cái cỗ máy chiếu sáng ý thức nghệ thuật không mấy khi được dùng tới. 

Hãy tưởng tượng xem nếu hai người này đổi vai cho nhau: một ca sĩ danh tiếng như cồn sở hữu xe ôtô tiền tỉ và fanpage hàng triệu like và 1 nhà phê bình âm nhạc ít ai biết tên vừa đến với buổi phỏng vấn trên chiếc honda cà tàng. Vậy sao anh lại phê bình tôi, sao chính tôi lại không phải người phê bình anh? Sự cách biệt hoặc không tương thích giữa người phê bình và những người được/bị phê bình có thể là một lý do không những không giúp thúc đẩy việc gắn kết hai phía, mà còn khoét rộng hào ngăn cách họ, ở giữa là các tác phẩm hay sự kiện âm nhạc không còn cần được nhìn nhận đúng mực. Cũng không loại trừ bởi những so đo tiêu cực mà chính các nhà phê bình (nếu họ đang hoạt động) lại bất đắc dĩ trở thành các "bác sĩ phẫu thuật" không còn bình tâm và khéo léo, ai biết lúc họ sẽ "cắt đi" những "bộ phận cơ thể" lành lặn của đối tượng khác. Trang Wikipedia trích lời nhà âm nhạc học Winton Dean nhận định rằng: "âm nhạc có lẽ là (bộ môn) nghệ thuật khó khăn nhất để phê bình".

Khi mà "yêu âm nhạc" luôn là tiền đề mà người phương Tây đòi hỏi ở các nhà phê bình âm nhạc, thì tại Việt Nam: "cốt lõi trong phê bình là sự chân thành, cầu tiến"  - nhạc sĩ Thế Bảo đã từng nhận định. Cá nhân tôi cho rằng, đây là những tiền đề vắn tắt và căn bản của phê bình và tiếp nhận phê bình âm nhạc. Theo nghĩa đó, chúng là những đặc điểm tư chất chủ quan của và từ con người, không can dự nhiều tới chính âm nhạc. Và cũng theo nghĩa đó, khi nói nhạc Việt không có phê bình âm nhạc, chúng ta cũng đang nói về những tiền đề thuộc về tâm lý trong con người mà chúng ta còn thiếu. Nếu nền âm nhạc thiếu đi phê bình âm nhạc, đó là vì chúng ta đã chưa thực sự yêu (âm nhạc), chưa đủ chân thành và chưa cầu tiến.

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm: Điện ảnh thiếu những tiếng nói định hướng

Trần Minh (ghi)

- Mọi người đều xem Lê Hồng Lâm là một nhà phê bình uy tín, vậy bản thân anh có xem mình là một nhà phê bình phim?

+ Tôi không thật sự thoải mái với danh xưng ấy. Tôi chỉ muốn mọi người xem mình như một nhà báo vì đây là một ngành mà tôi được đào tạo bài bản. Còn điện ảnh với tôi là một sở thích. Tôi có may mắn xem được nhiều phim và tôi viết về phim bằng những cảm nhận của cá nhân. Tôi có học hỏi thêm nhiều điều từ điện ảnh, nhưng tôi vẫn không thoải mái khi được gọi là nhà phê bình. Tôi thích được xem là một nhà báo viết về điện ảnh hơn.

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm.

- Việt Nam có những ngành đào tạo về phê bình nghệ thuật, vậy mà vẫn thiếu những tiếng nói phê bình chất lượng?

+ Không chỉ học ở Việt Nam đâu, còn có nhiều bạn đi học phê bình ở nước ngoài. Nhưng rồi cũng chả thấy họ hoạt động gì, tôi cũng không hiểu vì sao, có thể là họ đã đi quá sâu vào những lý luận cao cấp.

Thực ra phê bình phim có thể chia thành hai loại. Thứ nhất là phê bình trên báo chí, tức là những bài điểm phim, ngắn gọn, súc tích và không nặng về học thuật, loại này gần với khán giả hơn. Thứ hai là phê bình chuyên sâu, những bài nghiên cứu để đăng vào những tập sách. Những bài này sẽ soi chiếu bộ phim sâu hơn và thường là dành cho những sinh viên trường điện ảnh hoặc những người nghiên cứu về ngành này.

- Ở đây chỉ nói về phê bình trên báo chí. Theo anh, việc những người làm phim đi viết phê bình có đáng khuyến khích không?

+ Tôi nghĩ tốt chứ. Những nhà làm phim nổi tiếng nhất của Pháp trong thập niên 1950-1960 như Jean-Luc Godard, Francois Truffaut, Louis Malle đều xuất thân là những nhà phê bình. Sau khi viết những bài phê bình giá trị thì họ chuyển sang làm phim và tạo ra cả một làn sóng điện ảnh mới. Ở Việt Nam cũng có những người học về điện ảnh, viết những bài rất hay, rất sâu về phim và sau này ra làm phim. Thành công hay không thì lại tùy thuộc vào bản thân mỗi người.

- Viết phê bình điện ảnh ở Việt Nam có khó khăn gì không?

+ Cá nhân tôi chẳng thấy khó khăn gì. Khi viết, tôi chẳng nể nang ai cả. Nếu bộ phim chạm vào cảm xúc của mình, tôi sẽ viết với tất cả những gì mình thấy, mình nghĩ, thậm chí có thể phóng tay một chút, nhưng tôi chưa bao giờ ân hận về những gì mình đã viết. Còn với những người làm phê bình chuyên sâu thì quả là khó khăn bởi điện ảnh trong nước không đủ kích thích họ theo đuổi nghề nghiệp. Với những người không chuyên sâu thì họ lại không đủ năng lực để viết một bài phản biện đến nơi đến chốn. Kiểu này rất nhiều.

- Việc thiếu những nhà phê bình phim đúng nghĩa đang khiến điện ảnh Việt Nam hỗn loạn vì chúng ta thiếu những tiếng nói mang tính định hướng?

+ Thật ra bây giờ khó định hướng khán giả vô cùng. Với Facebook, mỗi khán giả là một nhà phê bình rồi. Điều tốt nhất của phê bình hiện nay là đưa ra những góc nhìn mới, giúp cho khán giả xem phim cảm thấy thú vị hơn. Một yếu tố quan trọng khác là chính những nhà làm phim. Tôi hay nói đùa là nếu có trình độ dân trí thì cũng phải có trình độ phim trí. Trình độ phim trí của ta hiện nay không cao, thành ra phim ảnh vẫn cứ lẩn quẩn trong miệng hang, lên một chút lại tuột một chút. Những cá nhân tốt trong điện ảnh quá ít, không đủ kéo những người khác lên, trái lại sau một thời gian còn bị thỏa hiệp. Mà cũng không trách họ được. Làm phim nghiêm túc thì thua lỗ, bán nhà. Làm phim thị trường thì lập hết kỷ lục này đến kỷ lục kia.

- Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này.

Hà Quang Minh
.
.