Pháp luật phòng chống tham nhũng ngày càng hoàn thiện

Thứ Năm, 18/10/2018, 07:26
Dự kiến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 22-10 tới đây sẽ thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Tại Điều 57 của Dự thảo Luật có quy định xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.


Cụ thể, phương án 1 là thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm này theo trình tự xem xét, giải quyết tại Tòa án. Phương án 2 coi tài sản, nhu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là thu nhập chưa nộp thuế và Nhà nước sẽ thu thuế thu nhập cá nhân.

Điều luật này có thể nói chỉ dành riêng cho cán bộ, công chức, các "công bộc" của dân, một nhóm nhỏ nhưng lại nắm quyền lực và vì thế sự cám dỗ của việc lợi dụng quyền lực để vun vén, trục lợi cho cá nhân là rất lớn. Ở Việt Nam tham nhũng hoành hoành không hẳn vì quyền lực không được giám sát, mà chủ yếu do cán bộ, công chức hầu như không bị truy xét về tài sản, thu nhập, chi tiêu, nên họ cứ mặc sức tiêu xài, sử dụng những đồng tiền, của cải do tham nhũng mà có.

Chính vì vậy, để việc phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thì con đường duy nhất là tăng cường giám sát quyền lực. Giám sát quyền lực là giám sát từ gốc, và dĩ nhiên là quan trọng. Nhưng nó lại thường không hiệu quả lắm, vì những kẻ có quyền lực thường có trăm ngàn cách để trục lợi từ quyền lực mà không ai có thể giám sát nổi.

Sớm hoàn thiện luật phòng, chống tham nhũng.

Hiểu rõ điều đó nên nhiều nước trên thế giới chú trọng đến việc giám sát tại ngọn, mà cụ thể là giám sát tài sản, chi tiêu. Hễ ai có dấu hiệu có tài sản hoặc chi tiêu, mua sắm nhiều hơn mức thu nhập là lập tức rơi vào vòng ngắm, và bắt buộc phải giải trình. Nếu công chức không giải trình được phải bị coi là tham nhũng mà không cần biết đó là tham ô, nhận hối lộ hay lợi dụng chức vụ để trục lợi… tài sản đó bị tịch thu, còn công chức bị cách chức, sa thải.

Điều này không vi phạm nhân quyền, vì Hiến pháp chỉ bảo hộ tài sản hợp pháp, và về nguyên tắc thì mọi nguồn thu nhập, tài sản hợp pháp đều công khai, không có gì là bí mật. Còn nếu có bằng chứng tham ô, nhận hối lộ… thì sẽ bị xử lý tiếp theo luật hình sự. Như vậy có thể nói luật chống tham nhũng dựa trên nguyên tắc suy đoán có tội và khi đó trách nhiệm chứng minh mình trong sạch thuộc về công chức. Muốn làm công chức thì phải chấp nhận luật chơi đó!

Vì thế kể cả khi có tham nhũng được vô khối tiền bạc, của cải thì công chức cũng rất khó khăn khi tiêu thụ số tiền bạc, của cải đó, lúc nào cũng nơm nớp lo bị phát hiện, truy xét, nhẹ thì bị cách chức, nặng thì đi tù. Mà nếu đã thế thì thà đừng tham nhũng còn hơn, đỡ căng thẳng, khổ sở. Trên thực tế, cách giám sát tại ngọn này tỏ ra hiệu quả hơn nhiều so với giám sát tại gốc, vì công chức bị tước mất động lực tham nhũng.

Một khi cán bộ, công chức thấy rằng dù có thể tham nhũng, có thật nhiều tiền tuy không bị đi tù, nhưng có nguy cơ bị tịch thu hết tài sản và sự nghiệp cũng bị tiêu tan, lúc nào cũng phải sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ bị kiểm tra, truy xét, mất ăn, mất ngủ, để nghĩ cách đối phó với các cơ quan chức năng và một khi có tiền mà không được tiêu, không thể thỏa mãn những ham muốn nhu cầu vật chất, thì tiền chẳng còn ý nghĩa gì mà còn là ẩn họa. Nếu không muốn rước họa vào thân thì họ sẽ phải dừng việc tham nhũng lại.

Thực tế cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta quá chú trọng các biện pháp hình sự để phát hiện, xử lý các đối tượng tham nhũng mà chưa quan tâm tới việc thu hồi tài sản tham nhũng. Thu hồi tài sản tham nhũng thường chỉ được coi như phần đi kèm với bản án đã có hiệu lực pháp luật để giải quyết hậu quả, là khâu cuối cùng của quá trình đấu tranh chống tội phạm, kết án người phạm tội. Chính vì không quan tâm, chú trọng tới việc thu hồi tài sản tham nhũng mà phần lớn các vụ việc, vụ án không thể thu hồi tài sản do không phát hiện, truy tìm được tài sản vì đã bị các đối tượng tham nhũng tiêu sài hoang phí hoặc chuyển hóa dưới nhiều hình thức khác nhau.

Số lượng tiền, tài sản bị tham ô, bị chiếm đoạt ngày càng lớn dẫn đến các dự án đầu tư của quốc gia, các hoạt động kinh tế của nhiều địa phương, doanh nghiệp không hiệu quả, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về mặt kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tới uy tín, tới môi trường đầu tư, kinh doanh mà không thể khắc phục nổi.

Dù chúng ta thông qua phương án 1 hay phương án 2 thì các quan tham đều có nguy cơ bị mất tiền và họ đang đứng ngồi không yên, chẳng khác nào như đang "ngồi trên đống lửa".

Hy vọng pháp luật phòng chống tham nhũng đang được hoàn thiện sẽ chú trọng vào khâu này, khiến cho quan chức có tham nhũng cũng bằng thừa, đâm ra chán không buồn tham nhũng nữa. Dĩ nhiên điều này chỉ có thể thành hiện thực khi những người được giao nhiệm vụ chống tham nhũng phải thực sự trong sạch, ghét tham nhũng như nhà nông ghét cỏ dại. Còn nếu không thì đâu vẫn hoàn đấy thôi.

Cù Tất Dũng
.
.