Bản quyền tác phẩm: Không chỉ chuyện tiền

Phải trân trọng nhau

Thứ Hai, 01/04/2013, 08:00
Phỏng vấn nhà biên kịch Đoàn Tuấn.

- Thưa nhà biên kịch Đoàn Tuấn, trong lĩnh vực điện ảnh thường hay xảy ra chuyện cơm không lành, canh không ngọt giữa đạo diễn và biên kịch, rồi biên kịch với tác giả văn học... Chuyện sử dụng tác phẩm hay một phần tác phẩm văn học, hay chỉ là chuyện "mượn ý tưởng" từ tác phẩm văn học cũng đã không ít lần gây tranh cãi hiểu lầm, khiến nhà văn, nhà biên kịch và cả đạo diễn phải đưa nhau lên mặt báo. Anh đã bao giờ gặp "tình cảnh" như vậy chưa, và xung quanh câu chuyện này, từ quan sát của mình, anh có bình luận gì?

+ Tôi cũng đã từng gặp chuyện rắc rối như vậy rồi. Tôi đã không ít lần bị "chôm" ý tưởng. Mình có một câu chuyện hay, mình kể ra, hôm sau người ta lấy luôn câu chuyện của mình làm phim của họ. Lẽ ra là phải xin phép mình, phải "mua ý tưởng" của mình mới là đúng luật. Thực ra chuyện mua ý tưởng, chuyện "thuê" câu chuyện của ai đó để viết kịch bản, làm phim, thì trên thế giới người ta làm lâu rồi. Chẳng hạn, anh có một câu chuyện hay, bất kể là chuyện đó viết thành sách hay chỉ là kể lại bằng lời, anh có thể bán cho nhà biên kịch hay đạo diễn trong một khoảng thời gian nhất định, để họ sử dụng câu chuyện đó để làm phim. Các nhà văn, nhà biên kịch ở ta chưa quen với việc này lắm, nên hay xảy ra chuyện kiện cáo.

Chẳng hạn tôi ví dụ khi nhà văn viết tiểu thuyết "Người tình" nổi tiếng là Marguerite Duras xem phim chuyển thể từ tác phẩm của mình, bà đã gọi đạo diễn là "thằng đểu". Vì những cảnh làm tình của hai nhân vật chính khác với cách bà muốn nói trong tiểu thuyết. Nhưng đạo diễn phim "Người tình" Jean - Jacques Annaud lại có cách lý giải khác. Và về cơ bản là những người trong cuộc đều hiểu rằng, một bộ phim và một cuốn sách là khác nhau, cho dù nó cùng kể một câu chuyện. Bởi những đặc thù thể loại. Và bởi cách nhìn mang dấu ấn riêng của người đạo diễn và nhà văn. Trên thế giới người ta quan niệm rõ ràng thế này, chuyện một đạo diễn mua ý tưởng làm phim từ bất kể một ai đó, không chỉ nhà văn đâu nhé, thì cái ý tưởng đó giống như một cái ghế. Người ta đã mua cái ghế về rồi thì người ta có thể ngồi lên, hoặc không. Hoặc người ta ngồi lên theo cách nào đấy thì mặc kệ. Người bán ý tưởng không thể yêu cầu anh phải ngồi lên cái ghế theo cách của mình được. Cho nên, thế giới người ta có cãi nhau, cũng là trên tinh thần "hiểu luật", chứ không như mình.

Cảnh trong phim “Người tình”.

- Nhưng cũng phải nói thêm là luật của các nước họ chặt chẽ hơn mình, vấn đề tác quyền họ làm ngon hơn mình nữa, thưa anh?

+ Đúng rồi. Ở các nước có nền điện ảnh phát triển, mọi thứ của họ đều chuyên nghiệp lắm. Nhà văn viết một cuốn sách được nhận một khoản nhuận bút. Nhưng nhà biên kịch chuyển thể cuốn sách đó, họ nhận số tiền có thể gấp nhiều lần. Chuyện đó hết sức bình thường. Tất cả được cụ thể hóa trong hợp đồng rồi. Chuyện tiền nong không có gì phải kiện. Chuyện sách một đằng phim một nẻo, nếu có, cũng được người trong cuộc hình dung cả rồi. Và vì luật dân sự ở các nước phát triển rất chặt chẽ, nên bất cứ điều gì có biểu hiện vi phạm hợp đồng, nhà văn có quyền gửi đơn đến tòa án. Ở ta thì sao? Sở dĩ hay xảy ra kiện tụng là vì các nghệ sĩ phần lớn làm việc với nhau bằng hợp đồng miệng. Lời nói thỏa thuận là đủ rồi. Lúc mới hợp tác thì gật gù, lúc phim ra không vừa ý thì làm loạn lên, khổ khán giả. Rồi chuyện tiền nong không sòng phẳng, cũng bởi chẳng có hợp đồng làm căn cứ... Đấy, cái quan trọng là làm việc cảm tính, không quan trọng luật pháp nên mới hay có chuyện...

- Và cả vấn đề văn hóa ứng xử giữa nghệ sĩ với nhau nữa...

+ Vâng, văn hóa ứng xử là cả một câu chuyện dài đấy. Đôi khi người biên kịch, người đạo diễn sử dụng tác phẩm của nhà văn mà như ban ơn. Cái này không được. Thái độ làm việc với nhau là phải trân trọng nhau. Người làm phim, nếu có được vinh quang thì cũng nhớ chia sẻ vinh quang với người cung cấp cho mình ý tưởng. Văn hóa ứng xử với nhau, đôi khi không chỉ chuyện tiền là đủ. Còn nhà văn, đôi khi lại hay nặng nề quá cái chuyện "văn mình", mà không hiểu mỗi thể loại mỗi khác. Ở góc độ người viết, tôi vẫn tự răn mình, là nhà văn cũng giống như là bãi cát ấy. Nếu mình có mất đi vài vốc cát, thì mình vẫn là bãi cát. Hay như một cái cây, có mất đi vài chiếc lá, cũng không vì thế nó trở thành một cái cây khác...

- Xin cảm ơn nhà biên kịch Đoàn Tuấn

Hội Quân (thực hiện)
.
.