Phải có "văn hóa kỷ cương"

Thứ Năm, 24/03/2016, 08:01
Lâu nay chúng ta thường thấy khi phê phán lên án một hiện tượng tiêu cực hay phản cảm, người viết thường đưa ra một giải pháp nhằm khắc phục hiện trạng đó. Đó là giải pháp văn hóa. 


Chẳng hạn như khi giao thông có những hiện tượng ùn tắc, giành đường vượt ẩu, tai nạn giao thông xảy ra nhiều…ta nêu ra giải pháp cần xây dựng văn hóa giao thông. Khi quan hệ ứng xử hàng ngày có những xuống cấp làm suy thoái đạo đức xã hội, ta lại nêu lên xây dựng văn hóa ứng xử; từ phê phán hiện tượng chen lấn xô đẩy, buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan xảy ra tương đối phổ biến ở các chùa chiền, chúng ta yêu cầu cần xây dựng văn hóa lễ hội….

Gần đây, nhân việc phê phán một hiện tượng vô cùng phản cảm - đứng "tè"ngay bên dải phân cách giao thông, nơi có nhiều người xe qua lại - lại có ý kiến nêu ra là phải xây dựng văn hóa toa-lét….

Hơn 1500 học sinh Hà Nội tham gia “Đi xe đạp vì môi trường văn hóa giao thông”.

Thiết nghĩ cứ theo đà này thì sẽ không có biết bao nhiêu loại "văn hóa" nữa ra đời bởi cuộc sống của chúng ta còn bộn bề ngổn ngang trăm chuyện. Mà cái chìa khóa văn hóa cứ đưa vào như vậy liệu có là vạn năng không? Những cái chướng tai gia mắt đang diễn ra như thế có phải là vì chúng ta chưa quan tâm xây dựng  yếu tố văn hóa không?

Thực ra đề xuất những giải pháp đó không có gì là sai. Nhưng cũng phải suy nghĩ một điều là những điều nói trên không phải là chưa có. Thậm chí là có rất lâu rồi. Ngày xửa ngày xưa, khi mà chưa có chuyện xe máy, ôtô chạy thục mạng như bây giờ, con người di chuyển chủ yếu bằng đôi chân, họa hoằn mới có tai nạn giao thông, vậy mà ông cha ta đã dạy rằng: "Đi đâu mà vội mà vàng/ Mà vấp phải đá mà quàng phải dây/ Thủng thỉnh như chúng em đây/ Chẳng đá nào vấp chẳng dây nào quàng".

Hoặc trong quan hệ giao tiếp với nhau, các cụ xưa cũng dạy rằng: "Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Triết lí như vậy là văn hóa tuyệt vời lắm rồi

Ngày nay chúng ta đã có pháp luật, có những qui chế, qui định trong hầu khắp các lĩnh vực đời sống xã hội hướng tới lành mạnh, tiến bộ, khoa học, văn minh. Nội dung những qui định đó cũng bao hàm tính văn hóa. Chẳng hạn như bài trừ mê tín dị đoan, bói toán…chính là một nội dung trong văn hóa lễ hội.

Nhường đường khi tham gia giao thông chính là một biểu hiện của văn hóa giao thông. Văn hóa là một lĩnh vực hoạt động mang tính độc lập nhưng tính văn hóa lại hòa lẫn, nhuần nhuyễn trong muôn mặt cuộc sống. Để cho những điều không tốt, thiếu lành mạnh xảy ra, chúng ta chưa quan tâm thực hiện những điều qui định mang tính văn hóa trong đó. Phải chú ý nhiều hơn. Nhưng có lẽ đó chưa phải là liều thuốc đặc trị.

Những vi phạm, những xuống cấp…trong xã hội ta hiện nay chính là nằm ở ý thức và kỉ cương. Không biết có nên gọi là văn hóa kỉ cương và văn hóa ý thức không!? Rõ ràng là ý thức và kỉ cương xã hội đang có vấn đề.

Văn hóa không chỉ là những lời giáo huấn, sự kêu gọi và động viên mang tính nhân văn mà nó còn là cả sự nghiêm khắc của kỉ luật, kỉ cương. Cũng vì lẽ đó mà gần đây ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có qui định buộc phải cho thôi học những học sinh cố tình không chịu đóng tiền bảo hiểm. Hy vọng sự nâng cao nhận thức đi đôi với việc siết chặt kỉ cương ấy sẽ chóng đem lại kết quả. Không quyết liệt như vậy thì dẫu có gióng lên bao nhiêu hồi chuông cảnh tỉnh, dẫu có kêu gào về xây dựng văn hóa này văn hóa nọ cũng chẳng có tác dụng gì.

Hiện nay sự xuống cấp về ý thức và kỉ cương còn được thể hiện bằng việc trả lời công chúng bằng hai chữ "không biết" khi có vụ việc không hay liên quan xảy ra, nó được những người có trách nhiệm dùng để ngụy biện và có khi là trốn tránh. Chẳng hạn như một tòa nhà cao sừng sững xây không phép vượt lên quá 16 mét, hỏi ra cũng được trả lời là "không biết"; hàng loạt biệt thự mọc lên trái phép giữa những khu du lịch nổi tiếng cũng được những người có trách nhiệm trả lời tương tự như vậy.

Hãy nghe người dân nói, hễ người dân có làm mái vẩy trong ngõ nhỏ chưa kịp xin phép vào buổi sáng thì buổi chiều cơ quan chức năng đã cho người đến phạt. Mới đây khi dư luận phơi bày thủ đoạn lừa đảo của bọn người núp dưới hình thức bán hàng đa cấp để chiếm đoạt tiền của người dân thì nực cười thay, khi phóng viên về trực tiếp gặp chính quyền nơi hoạt động này rộ lên thì vẫn nhận được câu trả lời là "không biết", trong lúc đó người dân ở ngay trước cổng trụ sở chính quyền thì lại biết rất rõ. Cách nhau chỉ có cái cánh cổng mà bên biết bên không! Nghe kì quặc làm sao!

Có thể nói "không biết" là điển hình cho sự xuống dốc về ý thức và kỉ cương hiện nay. Nó che đậy bên trong mầm bệnh thực dụng, lợi ích rất nguy hiểm. Chúng ta phải lên án nó, phải loại nó ra khỏi đời sống, phải tuyên chiến mạnh mẽ để làm sao cho bất cứ một ai có trách nhiệm với những vụ việc xảy ra từ nay  không dám thốt ra hai tiếng "không biết" nữa. Hoặc chí ít cũng cảm thấy xấu hổ và tội lỗi khi nhỡ miệng nói ra hai tiếng "không biết". Như thế thì chìa khóa văn hóa vạn năng mới phát huy tác dụng.

Phạm Văn Thạch
.
.