Bản quyền âm nhạc

Phải có quy định rõ ràng

Thứ Ba, 20/03/2012, 08:00
Những ngày vừa qua, báo chí truyền thông nóng hổi với câu chuyện xung quanh vấn đề bản quyền âm nhạc. Bắt đầu bằng sự kiện Trung tâm quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) gửi đơn kiến nghị có chữ ký của 57 nhạc sĩ về vấn đề tác quyền âm nhạc đến Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) yêu cầu đơn vị này ra một quy định, theo đó quy định những đơn vị làm sự kiện biểu diễn âm nhạc buộc phải có giấy chứng nhận đã nộp đủ tiền tác quyền âm nhạc mới được Cục cấp phép tổ chức biểu diễn.

Chúng ta đã gia nhập Công ước quốc tế về quyền tác giả, và VCPMC được thành lập tới nay cũng đã gần tròn 10 năm. Cho đến nay, đã có 2.038 chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc - trong đó có tác giả ca khúc và tác giả thơ ký hợp đồng ủy thác quyền tác giả cho VCPMC. VCPMC cũng là thành viên của Liên minh quốc tế các Hiệp hội tác giả và nhạc sĩ thế giới (CISAC), ngoài ra còn có kết nối chặt chẽ và thường xuyên với các quốc gia trên thế giới thông qua hợp đồng hợp tác song phương với 44 tổ chức quốc tế tương ứng và có hiệu lực điều chỉnh trên 134 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mục đích hoạt động chính của VCPMC là khai thác và bảo vệ các quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc được pháp luật công nhận bảo hộ trên cơ sở hợp đồng ủy thác quyền tác giả, đồng thời đại diện cho các thành viên trong quan hệ đối ngoại, gia nhập và tham gia hoạt động của các hiệp hội quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bản quyền tác giả theo đúng quy định của pháp luật.

Từ buổi đầu khó khăn, đến nay VCPMC đã dần hoàn thiện bộ máy hoạt động của mình một cách chuyên nghiệp, số tiền bản quyền âm nhạc thu được hằng năm để trả cho các tác giả cũng tăng dần lên, đến năm 2011 vừa qua số tiền đó đã là 41 tỉ đồng, tăng 27% so với năm 2010, trong đó cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đứng đầu danh sách các nhạc sĩ nhận tiền tác quyền (342 triệu đồng), mặc dù gia đình nhạc sĩ mới chỉ ký hợp đồng ủy thác tác quyền cho VCPMC từ ngày 1/9/2011.

Muồn thu phí bản quyền âm nhạc hiệu quả, phải có quy định chặt chẽ (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Quay trở lại sự việc lá đơn của VCPMC có chữ ký của 57 nhạc sĩ gửi đến Cục NTBD. Ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục NTBD cho rằng: "hành vi vận động lấy chữ ký tác giả rồi gửi đến cơ quan chức năng của VCPMC là hành vi kích động, mượn danh các nhạc sĩ gây áp lực, "bắt" Cục thu tiền hộ VCPMC". Cục NTBD cũng khẳng định: "Nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn là chịu trách nhiệm quản lý về nội dung, chất lượng của các chương trình nghệ thuật chứ không thể làm thay các chủ thể quyền và biến những quan hệ dân sự trở thành quan hệ hành chính". Mọi ầm ĩ trên báo chí những ngày vừa qua chủ yếu xoay quanh câu chuyện một vài nhạc sĩ bức xúc về các hoạt động thu phí và trả tiền của VCPMC, về việc không trả tiền tác quyền cho một số tác giả thơ, về việc VCPMC thu phí quá cao đối với nhiều chương trình biểu diễn….

Tuy nhiên, nhìn tận gốc vấn đề này, tức là nhìn vào nội dung lá đơn của VCPMC gửi Cục NTBD thì có thể thấy, mục tiêu của nó là muốn "đòi" được nhiều hơn, rốt ráo hơn, triệt để và quyết liệt hơn tiền bản quyền âm nhạc cho các tác giả. Xét cho cùng, một quy định về việc muốn sử dụng tác phẩm của ai đó thì người sử dụng phải xin phép và phải trả tiền bản quyền cho tác giả là một sự đương nhiên và chính đáng, mà lẽ ra các cơ quan quản lý từ lâu rồi phải quy định một cách chặt chẽ. Nếu được thế thì cơ quan bảo hộ tác quyền là VCPMC đã có một căn cứ hợp pháp để đi "đòi nợ" cho tác giả một cách thuận lợi, dễ dàng, và sẽ không có chuyện gửi đơn cho Cục NTBD lần này. Nhưng tiếc là nó chưa có, và VCPMC phải tìm ra một cách, là gửi đơn "ép" Cục. Và kết quả là phản ứng của Cục NTBD như chúng ta đã thấy.

Cũng liên quan đến vấn đề thu phí bản quyền, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tp HCM nhiều năm qua đã có một hành động tích cực rất được giới nhạc sĩ ủng hộ, là họ vận động, giao kết, thuyết phục để những đơn vị tổ chức biểu diễn nộp đủ tiền tác quyền âm nhạc cho tác giả. Và hiệu quả là trả tiền tác quyền đã là một thói quen đối với các đơn vị tổ chức biểu diễn, các bầu sô. Và văn phòng VCPMC ở Tp HCM dường như cũng "dễ thở" hơn khi đi "đòi" tiền tác quyền. Trên thực tế, không ít bầu sô thường tìm cách "né" trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi khi đến Văn phòng VCPCM, thì số tiền bản quyền mà VCPMC thu được từ các hoạt động biểu diễn nhạc sống trong năm 2011 chỉ là 3,6 tỷ đồng, khoảng 9% so với tổng số tiền bản quyền thu được từ các lĩnh vực khác. Đại diện của VCPMC cho biết, số tiền bản quyền thất thoát từ các hoạt động biểu diễn là rất lớn, do chưa có những quy định nghiêm ngặt từ phía các cơ quan quản lý về việc trả tiền bản quyền cho tác giả trước khi sử dụng tác phẩm.

Cũng bởi bức xúc ấy, không chỉ của VCPMC trong vai trò người "đi đòi nợ" giúp các chủ sở hữu, mà còn của chính các nhạc sĩ, mới có câu chuyện lá đơn 57 chữ ký gửi đến Cục NTBD. Phản ứng của Cục cũng có thể hiểu được, khi họ cho rằng VCPMC đã dồn gánh nặng "đòi nợ" vốn là vai trò của VCPMC lên cơ quan quản lý, thay vì tổ chức này năng động tìm giải pháp cho công việc của mình. Việc "đá quả bóng" đòi tiền tác quyền sang cơ quan quản lý của VCPMC rõ ràng là có phần thụ động, chưa đúng nghĩa của một đơn vị bảo hộ tác quyền cho người sáng tạo.

Nhưng xét đến cùng, câu chuyện bản quyền nếu muốn minh bạch và có những barem rõ ràng, tránh mập mờ trong việc thu chi, thì rất cần đến sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, với những chế tài cụ thể, để người sáng tác được đảm bảo tốt hơn quyền lợi của mình, và đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ tác quyền như VCPMC cũng dễ dàng hơn khi hoạt động. Nói như nhạc sĩ An Thuyên thì: "Ở ta hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định Cục NTBD phải có văn bản đồng ý của Trung tâm hay các tác giả trước khi cấp phép biểu diễn. Nhưng theo tôi, chúng ta nên vì một mục đích chung là góp phần làm cho vấn đề bản quyền tác giả âm nhạc nói riêng và bản quyền nói chung tại Việt Nam được tôn trọng đúng mức. Thay vì khiến cho tình hình trở nên gay gắt trên công luận, Cục NTBD và Trung tâm nên ngồi lại với nhau mà bàn bạc, trao đổi để tìm ra một giải pháp phù hợp nhất cho mục đích lớn này"

Bình Nguyên Trang
.
.