Phải biết vì đại cục

Thứ Hai, 26/12/2011, 08:00
Trong buổi làm việc với các lãnh đạo chủ chốt của Báo Công an nhân dân và Truyền hình Công an nhân dân ngày 8-12 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã có ý kiến chỉ đạo mà những anh chị em công tác lâu năm trong lĩnh vực báo chí Công an rất tâm đắc: Đó là đưa tin, phản ảnh gì thì cũng không được làm suy yếu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang.

Chúng ta đều biết: Quân đội và Công an sinh ra là để bảo vệ đất đai, công thổ của Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Cũng như các thành phần khác trong xã hội, với một đội ngũ gồm hàng mấy chục vạn con người thì dù tuyên truyền, giáo dục thế nào chăng nữa cũng không thể "muôn người như một". Trong 5 ngón tay còn có ngón dài ngón ngắn…Những tiêu cực mà ngoài xã hội có thì ít nhiều nó cũng xuất hiện trong một số trường hợp là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Vấn đề là, như cổ nhân từng dạy "Đánh chuột không được làm vỡ bình quý".

Tại sao chỉ là những hành động đơn lẻ, thiếu ý thức pháp luật của một Công an xã - một người do bột phát đã dùng băng kéo dán vào miệng một thanh niên để ngăn không cho người con bất hiếu này chửi bới, thóa mạ bậc sinh thành ra mình, vậy mà đã có không ít báo đưa tin, giật tít theo kiểu "Công an dùng băng keo dán miệng dân". Một chiếc xe máy vi phạm giao thông bị bỏ nằm chềnh ềnh trên đường, với chiếc gậy gỗ cắm vào bánh xe, trong khi chưa xác minh rõ chiếc gậy ấy ở đâu ra, ai cắm vào bánh xe và với động cơ gì, một số trang điện tử đã vội đưa tin, giật tít thành "Công an chọc gậy bánh xe" (hiện vụ việc được xác định là bịa tạc, dựng hiện trường giả, bởi cây gậy gỗ đó là do kẻ xấu cắm vào bánh xe khi xe đã dừng nhằm làm dư luận hiểu sai về cách thức xử lý của cán bộ, chiến sĩ Công an. Nếu đúng chiếc gậy bị các chiến sĩ Cảnh sát giao thông ném vào bánh xe của người dân khi xe đang chạy thì chắc chắn nó không thể còn nguyên vẹn và nằm im trong bánh xe như vậy được).

Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy tham gia ứng cứu trong vụ hoả hoạn xảy ra tại toà tháp đôi ở phố Cửa Bắc, Hà Nội chiều 15/12. Ảnh: Hoàng Trần Long.

Tại sao chỉ từ những hình ảnh vu vơ, chưa kiểm chứng này mà một số tờ báo, trang thông tin điện tử đã có thể vội vã giật tít như vậy? Tôi nghĩ, không phải anh em làm báo có ý gì với lực lượng Công an, mà đơn thuần họ chỉ muốn "giật gân", câu khách, nhưng cách đặt tít, nâng vấn đề lên như vậy thiết nghĩ cũng là không nên.

Trở lại với câu ngạn ngữ "Ném chuột không được để vỡ bình quý". Trong phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII vừa qua, nhân nói về các giải pháp đưa ra để sắp xếp lại một số ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng đã phải nhắc lại câu ngạn ngữ này. Ngân hàng là một lĩnh vực nhạy cảm. Mọi thông tin gây nghi ngờ, hiểu lầm trong dư luận có thể ảnh hưởng ngay tắp lự tới vấn đề an ninh tiền tệ. Vậy với đội ngũ đông đảo những người đang làm công tác bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn bình yên cho cuộc sống người dân thì sao? Đưa tin, giật tít khiến người đọc có ác cảm với cả đội ngũ này để giải quyết vấn đề gì? Có phải là việc "đánh chuột làm vỡ bình" không? Có phải là vấn đề "nhạy cảm" không?

Một ví dụ nữa: Gần đây, đọc tin tức trên các trang báo điện tử, người đọc thường bắt gặp những cái tít kiểu như: "Tự xưng là cháu Tướng X, tát Cảnh sát giao thông", "Tài xế xe hạng sang mang Tướng X hù dọa Cảnh sát giao thông", "Xưng là cháu Tướng X, dọa cho cảnh sát nghỉ việc" (tên của vị tướng được một số báo nêu đầy đủ, ở đây chúng tôi xin được đặt tạm như vậy chỉ để minh họa cho vấn đề cần nêu)...

Thiết nghĩ, chuyện người vi phạm giao thông dùng mọi cách thức để xin xỏ, thậm chí dọa dẫm lực lượng chức năng khi bị bắt xe là chuyện… thường ngày ở huyện. Những thông tin dạng trên hẳn sẽ không được báo chí đoái hoài nếu nó không "kèm" với việc đối tượng xưng là họ hàng thân thích với vị tướng nọ. Tuy nhiên, vấn đề có đáng là thông tin không khi mà đối tượng chỉ mạo xưng như thế, và trong thực tế, không có chuyện vị tướng kia lên tiếng can thiệp cho họ. Ở đây, tôi không bàn tới chuyện giật tít như thế có gì "thiếu thiện chí" với vị tướng nói trên không (có những tờ báo từng dăm bảy lần giật tít kiểu này), mà thiết nghĩ, nhìn từ góc độ một công dân thôi, cũng thấy nó không được tế nhị.

Khi tôi viết những dòng này cũng là lúc lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Thủ đô vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra vào chiều ngày 15/12 tại tòa tháp đôi (đang vào giai đoạn hoàn thiện) của Điện lực Việt Nam ở phố Cửa Bắc, Hà Nội. Bằng sự nỗ lực và tinh thần quả cảm, nhiều cán bộ chiến sĩ đã băng mình vào hiểm nguy, vừa khống chế được đám cháy vừa cứu được toàn bộ những công nhân mắc kẹt trong tòa nhà. Các chiến sĩ quân đội của Bộ Tư lệnh Thủ đô cũng được huy động để tham gia giải cứu anh em công nhân. Qua đó, ta có thể thấy, nếu thiếu vắng các cán bộ chiến sĩ của lực lượng vũ trang, cuộc sống của người dân sẽ ra sao? Vậy nên, một lần nữa xin được nhắc lại lời căn dặn của Đồng chí Bộ trưởng Trần Đại Quang: Đưa tin, phản ảnh gì cũng không được làm suy yếu, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang

Trần Hữu Thanh
.
.