Phải biết gần dân, lắng nghe dân

Thứ Sáu, 31/08/2018, 06:50
Để lắng nghe được tiếng nói của người dân thì phải gần dân, tìm cách tiếp xúc với nhân dân, nhưng quan trọng nhất là nghe xong thì sẽ làm gì? Hay lại tiếp tục điệp khúc "hứa và ngâm"? Vẫn lắng nghe đấy nhưng bỏ ngoài tai, cất trong tủ?...


Tuần qua, trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể lần thứ 10, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, kết quả giám sát tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Đoàn giám sát cho thấy, Chủ tịch UBND, nhiều địa phương chưa chấp hành nghiêm túc quy định của Luật Tố tụng hành chính; tỷ lệ Chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa có xu hướng ngày càng tăng qua các năm, năm sau cao hơn năm trước.

Năm 2017, tỷ lệ không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa tăng gấp 3 lần so với trước khi thực hiện Luật Tố tụng hành chính 2015. Có những địa phương, sau khi Luật Tố tụng hành chính 2015 có hiệu lực thi hành, Chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho Phó Chủ tịch UBND tham gia tố tụng; sau đó, Phó Chủ tịch UBND cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào.

Tình trạng không tham gia tố tụng, không tham gia các cuộc đối thoại với công dân như trên, ngoài việc không tuân thủ pháp luật, làm kéo dài quá trình tố tụng, gây bức xúc cho người dân còn làm mất cơ hội để chính quyền trao đổi, nắm bắt thông tin, ghi nhận nguyện vọng của công dân để có biện pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả vụ việc mới phát sinh ngay từ cơ sở...

Đối thoại trực tiếp với nhân dân - Chìa khóa thành công trong công tác dân vận.

Từ kết luận trên đã phản ánh một thực tế: cán bộ, công chức đang quá xa dân. Là công bộc, là đầy tớ của nhân dân, ấy vậy mà: "Ông chủ ở nhà to (chung cư)/ Đầy tớ ở nhà nhỏ (biệt thự); Ông chủ đi xe to (xe buýt)/ Đầy tớ đi xe nhỏ (xe hơi); Ông chủ đi xe ôm, uống bia hơi/ Đầy tớ đi xe hơi, uống bia ôm … ".

Chính vì thế, khi cán bộ cấp dưới, nhất là người dân lâm vào hoàn cảnh hoạn nạn, gặp những khúc mắc trong công việc và trong cuộc sống mà muốn gặp "sếp" để mong có được sự chia sẻ và có biện pháp giải quyết những yêu cầu chính đáng thì vô cùng khó khăn.

Những đòi hỏi chính đáng, những bức xúc của người dân ít khi lay động được những người đầy tớ khi mà họ ngồi trong xe hơi, phòng lạnh. Nhiều người dân than rằng "gặp lãnh đạo còn khó hơn lên… trời".

Để lắng nghe được tiếng nói của người dân thì phải gần dân, tìm cách tiếp xúc với nhân dân, nhưng quan trọng nhất là nghe xong thì sẽ làm gì? Hay lại tiếp tục điệp khúc "hứa và ngâm"? Vẫn lắng nghe đấy nhưng bỏ ngoài tai, cất trong tủ?... Đã có quan chức nào làm sai, không làm được việc, năng lực, trình độ yếu kém xin từ chức chưa? Chắc chắn là chưa, hay họ chờ hết nhiệm kỳ cao chạy xa bay, bàn giao "lời hứa" cho nhiệm kỳ sau gánh chịu.

Đã hứa với dân rồi thì sau đó, dù bận rộn, khó khăn đến mấy cũng phải đeo bám để xử lý cho bằng được, nếu không sẽ mất uy tín. Áp lực đó buộc người lãnh đạo phải nỗ lực, năng động để nắm bắt rành rẽ nhiều công việc, nhiều lĩnh vực hơn trước. Ðó cũng là cách rèn luyện bản thân của người lãnh đạo.

Khi lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị, địa phương trực tiếp đối thoại với dân giống như việc "rút dây, động rừng", nó sẽ khiến mỗi cá nhân trong tổ chức đảng, chính quyền các cấp đều phải nỗ lực tìm hiểu, soát xét, nắm vững công việc cũng như tình hình của lĩnh vực được giao phụ trách, để khi đứng trước dân có thể trả lời rành rẽ mọi việc.

Như vậy, mỗi lần đối thoại với dân là một lần đội ngũ cán bộ, đảng viên, chính quyền sở tại được thử thách, rèn luyện và nhờ đó mà nâng cao sự hiểu biết cũng như năng lực thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực công tác được giao phụ trách. Qua đó, bộc lộ rõ nhất mặt mạnh, mặt yếu, sở trường, sở đoản cũng như ý thức  trách nhiệm của từng người; đây cũng là cơ hội lý tưởng để sàng lọc đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý;  nhìn nhận, đánh giá  đúng chất lượng của cả đội ngũ xem còn yếu và thiếu những gì, để từ đó có biện pháp đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Làm cán bộ, công chức không chỉ được hưởng lương từ tiền đóng thuế của nhân dân mà cao hơn nữa là được nhận những tình cảm, niềm tin, sự gửi gắm của dân và phải làm sao cho xứng đáng với sự tin yêu đó. Việc giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ rất quan trọng để thực hiện tốt mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân, đồng thời củng cố được mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.

Ngoài ra, những đề đạt, kiến nghị, những gửi gắm và cả những trách cứ của nhân dân chính là những lời nói thật, chân tình giúp lãnh đạo cấp ủy và đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành có cái nhìn sâu sát về những việc đã qua, những việc đang diễn ra và cả những gì sắp xảy ra; từ đó mới thấy được một số việc, một số lĩnh vực mình chưa hiểu, chưa nắm bắt được thấu đáo, mới cảm nhận được đầy đủ, chính xác sự việc để đề ra những phương án giải quyết công việc thấu tình, đạt lý. Làm được như vậy thì dân nào chẳng tin, chẳng phục.

Cù Tất Dũng
.
.