20 năm đổi mới, văn học trên đường ra biển lớn:

PGS.TS. Lưu Khánh Thơ: Vị thế của phê bình trong thời đại thông tin

Thứ Ba, 31/10/2006, 10:30

Trong thời đại thông tin, việc “đại chúng hóa” phê bình đã làm cho vị thế của phê bình văn học trong đời sống xã hội bị giảm sút. Phê bình không đảm bảo được những nguyên tắc mỹ học và nền tảng tư tưởng - vốn là cốt lõi của hoạt động này.

Phê bình văn học được sống trong môi trường dân chủ, những tìm tòi sáng tạo phong phú đa dạng không bị ràng buộc, hạn chế. Nhưng đồng thời hoàn cảnh hiện nay cũng có nhiều mặt bất lợi do tình trạng văn hóa đọc xuống cấp, các hình thức nghe - nhìn phát triển mạnh, sách báo trở thành hàng hóa thị trường. Với sự trợ giúp của khoa học công nghệ, ngày nay mỗi con người thông qua mạng Internet đều dễ dàng trở thành một “thánh nhân” (theo quan niệm của Khổng Tử, thánh nhân là người chỉ ngồi ở nhà mà biết được mọi chuyện trong thiên hạ).

Phê bình văn học đã có sự thay đổi về nhiều mặt: từ người viết, người đọc cho đến tác phẩm phê bình. Trong thời đại thông tin, việc “đại chúng hóa” phê bình đã làm cho vị thế của phê bình văn học trong đời sống xã hội bị giảm sút. Phê bình không đảm bảo được những nguyên tắc mỹ học và nền tảng tư tưởng - vốn là cốt lõi của hoạt động này.

Nhìn vào thực tiễn phê bình thơ ca, có thể nhận thấy rằng trong đội ngũ phê bình thơ hiện nay hình thành ba lực lượng: 1. Các nhà thơ tham gia phê bình thơ; 2. Các nhà phê bình chuyên nghiệp; 3. Công chúng yêu thơ.

Dĩ nhiên là hai thành phần đầu chiếm vị trí chủ lực và tiếng nói của họ có sức nặng hơn trên văn đàn. Phê bình của các nhà sáng tác có ưu thế về mặt trực giác, vốn cùng trong tâm thế của người sáng tạo nên họ thường tỏ ra nhạy cảm, am hiểu về những chuyện bếp núc của nghề nghiệp. Phê bình của các nhà thơ nặng về cảm tính, tùy hứng, và không loại trừ việc hợp “gu” nhau thì dễ bốc đồng…

Phê bình chuyên nghiệp, là loại phê bình mà văn học nói chung và thơ ca nói riêng luôn cần đến. Nó bộc lộ khả năng khám phá các giá trị nghệ thuật thông qua năng lực vận dụng các tri thức khoa học, kết hợp với sự cảm nhận tinh tế và năng lực nhạy bén trong việc phát hiện cái mới. Phê bình văn học bình đẳng với tất cả mọi người, nhưng dù sao việc nâng cao tính chuyên nghiệp là một hướng đi cần được khuyến khích và coi trọng để phê bình thực sự trở thành chính nó. Nâng cao tính chuyên nghiệp đang là một đòi hỏi không ngừng được đặt ra nhằm nâng cao vị thế của phê bình văn học trong đời sống văn hóa xã hội

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.