Ồn ào quanh những nhóm nhạc nam thần tượng trong showbiz Việt

Thứ Bảy, 02/03/2019, 08:04
"Nóng" nhất trong showbiz Việt những ngày gần đây là câu chuyện thành viên nhóm nhạc nam lên tiếng tố ông bầu gạ tình trong một chương trình trên truyền hình. Thực hư của câu chuyện vẫn chưa sáng tỏ nhưng đây là chủ đề được bàn tán rôm rả trên các diễn đàn. 


Nhìn lại showbiz Việt có thể thấy rằng, không ít nhóm nhạc nam xuất hiện nhưng không nhiều nhóm để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng, ngoại trừ những tai tiếng.

Nhóm nhạc Zero 9 - Tài năng có hạn nhưng…

Nhân vật bí ẩn xuất hiện trong chương trình "Người giấu mặt - Bóng tối của giấc mộng hào quang" phát sóng trên ANTV thời gian gần đây được cho là Minkook (tên thật là Bùi Quốc Minh), 20 tuổi, cựu thành viên của nhóm nhạc Zero 9 do nhạc sĩ, ca sĩ Tăng Nhật Tuệ quản lý.

Chàng trai này cho biết, một năm trước đây, anh quyết định bảo lưu học tập tại một trường đại học để theo đuổi đam mê trở thành ca sĩ. Ông bầu hứa hẹn sẽ giúp anh nổi tiếng, có cơ hội thay đổi cuộc đời. Tuy nhiên, thực tế đã khiến niềm tin trong anh sụp đổ.

Công ty hướng nhóm nổi tiếng bằng những chiêu trò thay vì sản phẩm âm nhạc chất lượng. Cuối cùng, chàng trai trẻ quyết định "dừng cuộc chơi" khị bị ông bầu đưa ra điều kiện "đổi tình lấy sự nghiệp". Khi không chấp nhận đánh đổi, anh đã bị chèn ép, đánh đập, bị cắt hình ảnh trong các chương trình, MV, phải bồi thường 20 triệu, cấm hoạt động trong showbiz trong 3 năm khi rời nhóm.

Nhân vật bí ẩn được cho là Minkook (bên phải) tố bị ông bầu đánh đập, gạ tình khi xuất hiện trong một chương trình truyền hình lên sóng thời gian gần đây.

Tăng Nhật Tuệ đã lên tiếng khẳng định, không có chuyện Minkook bị đánh đập, hay gạ tình. Minkook bị đuổi khỏi nhóm vì mải yêu đương, nợ nần khiến công ty phải bồi thường, thậm chí có đời tư không trong sạch. Học trò cũ đang cố tình bịa đặt với mục đích để hạ bệ danh tiếng của anh.

Ngay sau những dòng chia sẻ của Tăng Nhật Tuệ, Minkook cũng "ngậm ngùi" viết trên mạng xã hội: "Em chỉ có thể nói em chỉ là một đứa trẻ con nên có thể có nhiều sai sót nhưng ba năm tới em sẽ không hoạt động làm nghề nữa nên em không có lý do gì để nói dối.

Lý lẽ ai cũng có thể tự đưa ra nhưng đưa ra bây giờ để tranh cãi thì lại phiền lòng khán giả. Em chỉ muốn lên tiếng để các bạn có đam mê như em sẽ cẩn thận hơn và đừng rơi vào tình trạng như em. Em xin khép lại câu chuyện tại đây và cảm ơn những ai đã hiểu em. Còn những ai chưa hiểu em, em cũng xin lỗi vì không thể làm hài lòng họ được".

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên Zero 9 vấp phải những lùm xùm. Minkook cho hay, ông bầu của anh chủ trương phát triển sự nghiệp của nhóm bằng cách tạo scandal để công chúng chú ý. Các sản phẩm âm nhạc đều cố tình giống một ai đó và khán giả xem dễ dàng nhận ra đó là sản phẩm bắt chước.

Nhóm thường xuyên xuất hiện với trang phục kỳ dị. Ngay từ khi ra mắt, sản phẩm âm nhạc "POM" của Zero 9 bị ném đá tơi bời vì không hợp thị hiếu khán giả, ca sĩ hát không rõ lời. Từ hình ảnh, giai điệu âm nhạc đều "đậm đặc" màu sắc Hàn Quốc. Thậm chí, có khán giả còn cho rằng, "POM" là thảm họa âm nhạc, trong khi đó, Zero 9 tự tin so sánh mình với nhóm nhạc hàng đầu Kpop là BTS.

Các sản phẩm âm nhạc tiếp theo của Zero 9 được đánh giá khá hơn nhưng vẫn "chung thủy" với phong cách "xấu lạ" và bắt chước nghệ sĩ khác. Liveshow đầu tiên mang tên "Bão cấp 1" của Zero 9 tổ chức vào cuối tháng 12/2018 tiếp tục khiến khán giả thất vọng về khả năng hát live của các thành viên trong nhóm. Nhiều khán giả cho rằng, thành công của "Bão cấp 1" là nhờ sự tỏa sáng của các ca sĩ khách mời tham gia chương trình.

Con đường nào cho sự phát triển của các nhóm nhạc nam?

Các nhóm nhạc nam, nhất là nhóm nhạc nam theo trào lưu thần tượng nhắm tới phân khúc khán giả trẻ thường mang phong cách của các nhóm nhạc Kpop. Các thành viên của nhóm không chỉ có nghệ danh "lai" Tây hay Hàn Quốc mà cách ăn mặc, hình ảnh, âm nhạc đều mang hơi hướng ngoại.

Các thành viên với phong cách cá tính, nổi loạn của UNI5 làm khán giả liên tưởng đến các nhân vật đình đám của Kpop như G-Dragon, T.O.P. MV "Baby Baby" (phát hành cuối năm 2016) của nhóm Monstar với hình ảnh của các nam sinh trẻ trung, đáng yêu cũng bị so sánh với hình ảnh trong các sản phẩm âm nhạc của GOT7 và B1A4.

Không chỉ "dính" nghi án đạo nhái, các nhóm nhạc nam còn dính vào không ít những lùm xùm khác. Khi tuyên bố rời nhóm, Erik, giọng ca chính của Monstar "tố" công ty không minh bạch chuyện tiền bạc. Đồng thời, Erik cũng cho hay "thường xuyên bị quản lý xúc phạm nhân phẩm". Trước những cáo buộc của Erik, quản lý của Monstar cho rằng, Erik đơn phương chấm dứt hợp đồng, thường xuyên vi phạm kỷ luật, đạo đức, thiếu trung thực.

Thành viên Tronie của nhóm nhạc 365 đình đám một thời cũng quyết định "dừng cuộc chơi" khi tham gia nhóm không lâu. Khi đó, Tronie cho biết, lý do anh rời nhóm là mức lương 3 triệu đồng mà công ty trả hàng tháng quá ít ỏi, không đủ để anh trang trải cuộc sống. Bà bầu của nhóm, diễn viên Ngô Thanh Vân lên tiếng cho hay, 3 triệu chỉ là "lương cứng", số tiền thực tế mà Tronie cũng như các thành viên khác của nhóm nhận được gấp 3-4 lần.

Thực tế cho thấy, hoạt động của các nhóm nhạc nói chung, nhóm nhạc nam nói riêng gặp nhiều khó khăn. Để duy trì một nhóm nhạc không đơn giản, đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề tài chính. Mỗi thành viên trong nhóm là một cá thể độc lập với tính cách, năng lực, sở trường khác nhau. Mỗi tiết mục của nhóm cần sự ăn ý, hòa quyện của tất cả các thành viên.

Liveshow đầu tiên của Zero 9 hồi cuối tháng 12/2018 tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh nhận nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả.

Rõ ràng, việc quản lý một ca sĩ độc lập dễ dàng hơn nhiều so với việc quản lý một nhóm đông thành viên. Bên cạnh đó, "bầu sô" của các chương trình cũng hạn chế hợp đồng với các nhóm nhạc vì phải bỏ ra khoản chi phí cao hơn so với ca sĩ riêng lẻ.

Ngay cả các nhóm nhạc đình đám trên thế giới, không có nhóm nhạc nào tồn tại mãi vì nhiều lý do khác nhau. Sự bất đồng giữa ông bầu với các thành viên hay giữa các thành viên trong nhóm với nhau là nguyên nhân gây chia rẽ phổ biến của nhiều nhóm nhạc. Một xu thế phát triển tất yếu khác là sau thời gian hoạt động, nhiều thành viên trong nhóm muốn tách nhóm, phát triển sự nghiệp solo riêng.

Trong showbiz Việt, "đất" cho sự phát triển của các nhóm nhạc không nhiều, nhưng điều đó không có nghĩa rằng, các nhóm nhạc Việt đều "chết yểu". Nhu cầu của khán giả, nhất là khán giả trẻ, tính đa dạng của thị trường âm nhạc vẫn cần đến những nhóm nhạc. Thời gian gần đây, thị trường nhạc Việt xuất hiện nhiều nhóm nhạc thần tượng với thành viên là "trai xinh, gái đẹp" được tuyển chọn kỹ lưỡng về mặt hình thức. Tuy nhiên, chất lượng của các nhóm nhạc còn rất nhiều điều phải bàn luận.

Phong cách của các nhóm nhạc thần tượng "học hỏi" khá kỹ phong cách của các nhóm nhạc đình đám khác trên thế giới, nhất là Hàn Quốc. Các ông bầu không chú trọng xây dựng nhóm nhạc một cách chiến lược, tập trung đào tạo, nâng cao khả năng thanh nhạc, vũ đạo của các thành viên, chất lượng các sản phẩm âm nhạc mà định hướng phát triển bằng những ồn ào khác bên ngoài nghệ thuật. Đây chính là nguyên nhân khiến các nhóm nhạc ở Việt Nam không có được phong cách, màu sắc riêng, nên không nhận được sự đón nhận của công chúng.

Nhóm nhạc Việt không thể phát triển, đi đường dài nếu không phát triển dựa trên nền tảng tài năng và thực lực của các thành viên. Hào nhoáng bên ngoài hay sự bắt chước để chiều theo thị hiếu khán giả không phải là "bệ phóng" vững chắc cho các nhóm nhạc. Tất nhiên, nếu chỉ coi nghệ thuật giống như một lĩnh vực kinh doanh đơn thuần và đặt lợi nhuận lên trên các giá trị thì đó không phải là điều mà tác giả muốn đề cập trong bài viết này.

Tường Phạm
.
.