Nuôi dưỡng tài năng nghệ thuật cổ điển

Thứ Hai, 14/08/2017, 08:00
Một tài năng, đặc biệt là tài năng trong các lĩnh vực âm nhạc cổ điển, thường được phát hiện, nuôi dưỡng từ khi các em còn rất nhỏ về tuổi đời. Tạo một bàn đạp, một cú đẩy khích lệ để cho tài năng được hoàn thiện, vươn xa, là câu chuyện không chỉ của riêng gia đình, mà còn là của toàn xã hội. Không ít tài năng được phát hiện khi còn nhỏ tuổi nhưng đã bị thui chột vì thiếu sự nuôi dưỡng, quan tâm, đối xử công bằng của người lớn. Đấy thực sự là những ví dụ rất đáng tiếc.


Muốn có đỉnh cao, phải đầu tư

Hội Quân

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, một huyền thoại dương cầm của Việt Nam, người đầu tiên lập nên kỳ tích cho châu Á khi đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin tháng 10 năm 1980 ở Ba Lan và trở thành một nghệ sĩ lớn của thế giới. Ông nói về việc đào tạo, nuôi dưỡng tài năng nghệ thuật cổ điển như thế này: “Nuôi một cái mầm thành công là phải nuôi nó từ khi cơ bản, từ cái móng, như mình xây một cái nhà phải có nền. Có những em học sinh Việt Nam rất tài năng nhưng thường đến lúc tôi phát hiện ra thì cũng đã đến một mức tuổi nào rồi. Thế nên cái nền móng càng chắc chắn thì mới mong tạo nên được thành tích tốt. Việc nuôi dưỡng cái mầm cho nó gặp thời, phát triển được ở ta đúng là còn nhiều cái hạn chế”.

Một tài năng, đặc biệt là tài năng trong các lĩnh vực âm nhạc cổ điển, thường được phát hiện, nuôi dưỡng từ khi các em còn rất nhỏ về tuổi đời. Tạo một bàn đạp, một cú đẩy khích lệ để cho tài năng được hoàn thiện, vươn xa, là câu chuyện không chỉ của riêng gia đình, mà còn là của toàn xã hội. Không ít tài năng được phát hiện khi còn nhỏ tuổi nhưng đã bị thui chột vì thiếu sự nuôi dưỡng, quan tâm, đối xử công bằng của người lớn. Đấy thực sự là những ví dụ rất đáng tiếc.

Evan Le, một em bé người Việt tại Mỹ được xem là thần đồng âm nhạc, từng xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình nổi tiếng.

Môi trường nghệ thuật của Việt Nam chúng ta còn rất nhiều khó khăn, chưa tạo ra những điều kiện đủ tốt, đủ thuận lợi, cho những tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật cổ điển. Các chương trình giải trí đang được quan tâm là chủ yếu, những nghệ sĩ giải trí đang thống soái đời sống nghệ thuật, trong khi những tài năng nghệ thuật cổ điển thường phải chịu lép vế vì không có khán giả, không có đất diễn.

Để tồn tại với niềm đam mê của mình, họ hoặc là phải ra nước ngoài học tập, sinh sống biểu diễn, hoặc phải ở trong nước hoạt động cầm chừng và làm thêm rất nhiều việc để kiếm sống. Riêng với các tài năng nhí, mặc dù rất hiếm hoi, có khi cả thập kỷ mới có được một vài cái tên nổi bật, sáng giá, đạt thành tích xuất sắc trong các cuộc thi lớn tầm cỡ thế giới, nhưng cũng nhận được sự quan tâm thích đáng của xã hội, của ngành văn hóa, ngành giáo dục và các nhà tài trợ.

Phần lớn câu chuyện trưởng thành hay không của các em phụ thuộc vào điều kiện của chính gia đình mình. Các em phải tự lực cánh sinh là chính. Thiếu bàn tay chăm lo, chung sức của toàn xã hội, đôi khi những tài năng đành ngậm ngùi lựa chọn một con đường khác dễ dàng hơn.

Chỉ cần một nghệ sĩ như Đặng Thái Sơn, Việt Nam đã có một câu chuyện để kể với thế giới. Nếu có thêm những Đặng Thái Sơn, câu chuyện văn hóa của Việt Nam sẽ được nâng tầm vóc hơn nữa trong sự đánh giá, nhìn nhận của thế giới. Câu hỏi đặt ra là chúng ta cần phải làm gì để phát hiện, bồi dưỡng, khuyến khích các tài năng nghệ thuật cổ điển từ khi mới bắt đầu? Bởi nuôi dưỡng một tài năng nghệ thuật cổ điển không bao giờ có chuyện ăn xổi ở thì, nay trồng mai hái, mà phải là một con đường dài, một quá trình khổ luyện mới có. Điều này đòi hỏi những sự đầu tư đủ sâu sắc, đủ kiên nhẫn, đủ sự trân trọng với nghệ thuật mới có thể tạo ra những nghệ sĩ lớn trong tương lai.  Cũng giống như một nền nghệ thuật thiếu đi những tinh hoa, đỉnh cao, chỉ toàn những thứ giải trí đơn thuần thì đừng mong nói chuyện đẳng cấp với thế giới...

Evan Le, một em bé người Việt tại Mỹ được xem là thần đồng âm nhạc, từng xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình nổi tiếng.

Có tài năng đã khó...

Quỳnh Trang

Mới 12 tuổi, đứng cao hơn cây đàn piano chút xíu, em Phạm Lê Phương, học sinh hệ Trung cấp, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã giành nhiều giải thưởng danh giá trong và ngoài nước. Mới đây nhất là chiến thắng ngoạn mục của em trong cuộc thi quốc tế mang tên Thailand 7th Mozart International Piano Competition 2017, một cuộc thi chuyên nghiệp và có tính cạnh tranh gắt gao dành cho những tài năng âm nhạc đến từ nhiều nước.

Bỏ qua bảng thi cùng lứa tuổi, Lê Phương đã “chiến đấu” trong bảng A, dành cho những nghệ sĩ tuổi đời từ 18-24. Với bản Piano Concerto No.23 in A major K.488 by Mozart, Lê Phương đã xuất sắc giành số điểm cao nhất từ Ban giám khảo. Phạm Lê Phương là một tài năng âm nhạc hiếm hoi của Việt Nam, một sự ngạc nhiên lớn trong đánh giá của những nhà chuyên môn quốc tế.

Phạm Lê Phương giành giải nhất bảng A tại cuộc thi Thailand 7th Mozart International Piano Competition 2017.

Phạm Lê Phương may mắn có sự đồng hành của gia đình. Em có bố mẹ đều công tác trong ngành nghệ thuật. Bố em là nghệ sĩ Phạm Anh Thông, mẹ em là nghệ sĩ Mai Dung, cùng công tác tại Đoàn nghệ thuật Phòng không không quân.

Nghệ sĩ Mai Dung kể: “Khi biết Lê Phương có năng khiếu chơi đàn, lại được thầy Đào Trọng Tuyên (Nghệ sĩ piano, TS Đào Trọng Tuyên - NV) hết lòng dìu dắt, gia đình đã định hướng cho Phương theo học chuyên nghiệp. Để có thể chơi được những bản nhạc khó, đứng ngang hàng với các nghệ sĩ tuổi đời gấp đôi mình, ngoài khả năng trời cho, Lê Phương phải khổ luyện ghê gớm. Có ngày con tập đàn 6-8 tiếng. Con gần như không có thời gian để chơi. Vì ngoài học đàn ra, con phải học văn hóa, học Tiếng Anh nữa”.

Để nuôi nấng được một tài năng nhí trong nhà, bố mẹ của Phạm Lê Phương phải sắp xếp lại thời gian, công việc cho hợp lý. Chị Mai Dung gần như rất ít tham gia vào công việc biểu diễn ở Đoàn, chủ yếu ở nhà dành thời gian cho con. Hằng ngày, chị tất bật lo đưa đón con đi học.

Lê Phương học văn hóa ở trường và học nhạc ở nhạc viện, lại còn học thêm ở nhà thầy, lại học tiếng Anh. Chị Mai Dung hóm hỉnh: “Từ ngày Lê Phương học đàn đến giờ, bố mẹ dành hết mọi điều kiện cho Lê Phương. Mẹ không dám mua quần áo đẹp, gia đình tiêu pha tùng tiệm, vì con học đàn rất tốn kém”.

Trong khi thu nhập của vợ chồng nghệ sĩ Phạm Anh Thông và Mai Dung có hạn. Anh chị đều đang mang quân hàm thiếu tá Quân đội. Tổng thu nhập của gia đình chỉ ngang với một gia đình công chức bình thường, lại phải gánh nặng nuôi 2 con (Lê Phương còn có một em gái). Khi biết con có tài năng về âm nhạc, anh chị đã dốc lòng dốc sức, vì anh chị hiểu rằng, để có một tài năng trong âm nhạc cổ điển là rất hiếm hoi.

Con học tốt, lại thường xuyên đi chinh phục những cuộc thi tầm cỡ quốc tế, nên việc sắm một cây đàn “xịn” cho con cũng là một bài toán khiến anh chị “toát mồ hôi”. Phương tiện tập luyện cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng đối với một tài năng như Lê Phương.

Tại các cuộc thi lớn, cây đàn piano mà các em biểu diễn sẽ phải là những cây đàn lớn, hiện đại. Nếu ở nhà các em tập trên những cây đàn nhỏ, lạc hậu, thì ra sân khấu, ngồi trước cây đàn biểu diễn, các em sẽ bị ngợp, khó mà làm quen nhanh với cây đàn để chơi tốt. Lê Phương được bố mẹ đầu tư cho cây đàn piano trị giá 25.000 USD.

Để có được cây đàn xịn cho Phương, bố mẹ phải dốc hết mọi nguồn lực, vay nợ bạn bè. Có bác bạn của bố là doanh nhân, vì quý mến tài năng của bé Phương, đã quyết định hỗ trợ 5.000 USD cho gia đình góp vào mua đàn cho Phương.

Nói đến chuyện tài chính, nghệ sĩ Anh Thông, bố của Phạm Lê Phương chia sẻ, có một đứa con tài năng đã khó, nuôi dưỡng tài năng ấy còn khó hơn. Vì cái gì cũng liên quan đến tiền. Riêng việc học của con đã tốn kém hơn người. Mỗi lần con tham gia các cuộc thi trong nước hay nước ngoài thì bố mẹ phải lo toàn bộ mọi thứ, vé máy bay, ăn ở, sinh hoạt cho con, mời thầy đi cùng con. Vì con đi thi phải có thầy đi kèm, hướng dẫn, giúp đỡ, thị phạm chuyện thi cử của con.

Dù mới 12 tuổi nhưng Phạm Lê Phương đã đạt tới một trình độ cao đáng ngạc nhiên, tương đương với trình độ của một người học xong hệ đại học. Mong muốn của thầy cô, gia đình, và cả bản thân Lê Phương nữa là em sẽ được ra nước ngoài, theo học tại các trung tâm âm nhạc lớn của thế giới.

Ở môi trường đó em có thể phát triển hết sở trường, tài năng của mình. Bố mẹ em hy vọng em sẽ nhận được học bổng của một trường âm nhạc quốc tế nào đó. Hoặc có một sự hỗ trợ của một “Mạnh Thường Quân” nào đó dành cho em. Bởi việc đi học ở nước ngoài, ngoài khả năng của Lê Phương còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tài chính của gia đình.

Đáng sợ nhất là sự thờ ơ (Phỏng vấn nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang)

Việt Hà (ghi)

- Có một thực tế, ở Việt Nam có những tài năng âm nhạc cổ điển nhưng các em và gia đình đang loay hoay tìm đường phát triển trong điều kiện khó khăn. Thưa nghệ sĩ Lê Hồng Quang, anh có thể chia sẻ đâu là cơ hội cho những bạn trẻ có tài nếu gia đình không có đủ điều kiện kinh tế?

+ Việc phát triển của một tài năng trẻ phụ thuộc nhiều vào người thầy của em. Một người thầy có tài, có tâm, có sự đánh giá chính xác về khả năng của các em và có thể giúp các em kết nối với các học bổng ở nước ngoài hoặc định hướng con đường đi cho các em.

Việc phát triển một tài năng âm nhạc cổ điển cần nhiều thứ, điều kiện kinh tế không nguy hiểm bằng sự thờ ơ, không quan tâm của Nhà nước, của xã hội. Ở nước ta, tiền tài trợ không phải không có, thực tế rất nhiều lĩnh vực nhận được sự tài trợ của các tổ chức nhưng trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển thì chưa nhiều. Điều này nói lên sự ghi nhận, trân trọng của xã hội dành cho những nghệ sĩ trong lĩnh vực này chưa đủ lớn.

Nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang.

- Nhân tài trong lĩnh vực cổ điển rất hiếm, nhiều em lóe sáng rồi vụt tắt vì thiếu sự định hướng. Vậy theo anh, việc nuôi dưỡng một tài năng cổ điển phải như thế nào?

+ Ở Việt Nam hiện nay, số lượng các trung tâm dạy nhạc mọc lên rất nhiều, mọi người kiếm được nhiều tiền từ công việc đó. Tuy âm nhạc có vẻ được phổ cập nhưng gốc rễ của sự đúng đắn nếu không xác định từ đầu sẽ bị lệch lạc.

Theo một thống kê trên thế giới, ở lứa tuổi 10-20, thì tỷ lệ các học sinh châu Á giành giải thưởng trong các cuộc thi lớn trên thế giới chiếm đến 80% chứ không phải châu Âu. Bởi châu Á, trong đó có Việt Nam học để thi nhiều hơn là học một cách tự nhiên, hứng thú và yêu thích. Vì thế, âm nhạc cổ điển của châu Âu vẫn đi xa hơn. Điều quan trọng không phải là sự khởi đầu mà 10 năm sau, các em có đi tiếp con đường đó không? Nhiều trẻ em Việt Nam hé lộ tài năng và bị thui chột sớm vì điều đó.

Rất không công bằng cho một đứa trẻ nếu không có định hướng đúng. Ở nhạc viện, các em bận rộn quá vì những thứ ngắn hạn. Tôi nghĩ, trong giảng dạy cũng không thể đốt cháy giai đoạn, không thúc các em phải thành công ngay, đó là cách dạy không tự nhiên, như cây hoa, bón thuốc sẽ nở nhưng nhanh tàn, còn chăm sóc tự nhiên sẽ lâu bền

- Nhiều năm giảng dạy ở Australia, và đi dạy ở nhiều nước, nghệ sĩ Lê Hồng Quang thấy việc nuôi dưỡng nhân tài cho âm nhạc cổ điển ở các nước như thế nào?

+ Ở nước ngoài có nhiều quỹ tài trợ cho những học sinh trẻ tài năng và các em tự thi với nhau để giành học bổng đó. Tuy nhiên, các quỹ đó cũng không thể xuể được vì bây giờ rất nhiều người giỏi. Ngoài ra, quan trọng là họ có môi trường để giúp các em duy trì niềm đam mê của mình và và cả một xã hội rất trân trọng nghệ sĩ.

Có lần tôi dự một lễ tôn vinh một nhạc công trong dàn nhạc đến tuổi nghỉ, họ làm một chương trình kỷ niệm rất bất ngờ trong đêm diễn cuối của người nhạc công đó. Đèn sân khấu tắt, chỉ còn một ánh đèn chiếu vào nghệ sĩ đó đang chơi đàn để tôn vinh họ. Đó là chưa nói đến nghệ sĩ solo. Một ví dụ để thấy họ trân trọng người nghệ sĩ như thế nào.

- Nhưng ở Việt Nam, có vẻ như âm nhạc cổ điển không dành cơ hội cho những gia đình nghèo?

+ Âm nhạc dành cho tất cả mọi người. Nhưng ở ta, tính chất âm nhạc đang bị méo mó, có phần biến thành cơ hội kinh doanh. Chúng ta đang làm vì cái tên của mình hay vì sự phát triển lâu dài của học sinh, cho âm nhạc? Ở nước ngoài, các festival nhạc cổ điển được quảng cáo ngay cả trong rạp chiếu phim để họ tiếp cận với giới trẻ.

Vấn đề không phải âm nhạc cổ điển dành cho ai mà chúng ta đã cải tiến cách thức quảng bá chưa. Thay đổi cách quảng bá, nhiều người biết đến âm nhạc cổ điển hơn thì cơ hội để tiếp cận các quỹ tài trợ cũng lớn hơn.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Truyền thông chỉ chú ý bề nổi (Phỏng vấn TS. Đào Trọng Tuyên, Giảng viên Nhạc viện Quốc gia Việt Nam)

- Thưa TS. Đào Trọng Tuyên, ông là thầy dạy trực tiếp của em Phạm Lê Phương, thí sinh vừa xuất sắc giành giải nhất tại cuộc thi Thailand 7th Mozart International Piano Competition 2017 diễn ra từ ngày 22 - 25-7 vừa qua. TS có thể nói gì về người học trò đặc biệt này của mình?

+ Bạn biết đấy, Thailand 7th Mozart International Piano Competition 2017 diễn ra từ ngày 22 - 25-7-2017 là cuộc thi âm nhạc quốc tế được đánh giá là rất chuyên nghiệp và mang tính cạnh tranh rất cao. Phạm Lê Phương, dù mới 12 tuổi, nhưng em đã đạt được thành tích vượt trội mà những thí sinh lớn tuổi, có khi gấp đôi tuổi em vẫn phải đứng sau, đây là một vinh dự cực kỳ lớn cho Việt Nam.

TS Đào Trọng Tuyên cùng người học trò xuất sắc của mình -  em Phạm Lê Phương.

Tôi dạy học đã 25 năm, nhưng có thể nói, Phạm Lê Phương là học sinh khá nhất mà tôi đã từng dạy. Lê Phương có một khả năng chơi đàn đặc biệt từ nhỏ. Em học tôi khoảng 5 năm nhưng sức tiếp thu và khả năng thẩm thấu các kỹ năng biểu diễn của em tương đương với một học sinh đã theo học 10 năm.

Dù mới 12 tuổi nhưng Lê Phương đã chơi thành thạo những bản nhạc mà một người học chuyên nghiệp từ 18-24 tuổi mới có thể chơi. Bảng 18-24 tuổi trong cuộc thi ở Thái Lan vừa rồi là bảng thi dành cho nghệ sĩ. Nghĩa là Phương phải biểu diễn chuyên nghiệp như một nghệ sĩ, chứ không phải như một học sinh. Lê Phương thực sự đã biểu diễn như một nghệ sĩ hoàn thiện về kỹ năng cũng như cảm thụ âm nhạc, thuyết phục hoàn toàn Ban giám khảo, vượt qua rất nhiều đàn anh đàn chị đến từ các nước, đó thực sự là một thành tích ấn tượng.

- Với trình độ vượt trội như vậy, theo TS, con đường sắp tới của Phạm Lê Phương sẽ đi cần phải có sự hỗ trợ như thế nào để em có thể phát huy tài năng của mình?

+ Lê Phương đã học xong hệ trung cấp, nếu theo lộ trình thông thường, em sẽ vào hệ đại học của Nhạc viện Quốc gia Việt Nam. Con đường của một nghệ sĩ piano chuyên nghiệp là không dễ dàng, là muôn vàn khó khăn mà bản thân em, cùng với gia đình của mình sẽ phải cố gắng, kiên trì dài lâu hơn nữa. Cá nhân tôi là một người thầy của Phương, tôi phải ghi nhận một điều, Phương đã nhận được sự giúp đỡ, khích lệ không mệt mỏi từ gia đình. Có thể nói, không có gia đình đồng hành, Phạm Lê Phương không thể có những thành tích như hôm nay.

- Theo TS, nhà trường, ngành văn hóa, và xã hội cần phải làm gì để khuyến khích, hỗ trợ, giúp đỡ những tài năng trẻ như Phạm Lê Phương?

+ Một em bé 12 tuổi mà có thể đạt tới trình độ ngang bằng với một sinh viên 18-24 tuổi, nghĩa là ngang với một người đã tốt nghiệp đại học, đã có thể đi biểu diễn trên sân khấu như một nghệ sĩ thực sự, thì chắc chắn rằng, em cần một môi trường rộng lớn hơn để cọ xát, học hỏi. Lê Phương đã đến lúc cần được học tập ở một giai đoạn cao hơn, trong môi trường chuyên nghiệp hơn. Việc đi học ở nước ngoài nếu gia đình có điều kiện thì tốt cho em, còn nếu em không có điều kiện để ra nước ngoài nâng cao trình độ thì tôi rất tiếc. Môi trường ở Việt Nam hiện chưa phải là môi trường lý tưởng để học tập và biểu diễn cho những nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật cổ điển, ai cũng biết điều đó.

- TS có thể đề xuất những giải pháp cụ thể hơn để giúp đỡ những tài năng trẻ như Phạm Lê Phương?

+ Thực ra với những học sinh tài năng như Phạm Lê Phương, trong môi trường hẹp là nhà trường, ở đây là Nhạc viện Quốc gia, cũng đã tạo điều kiện cho em tối ưu bằng cách miễn giảm học phí. Chúng ta không thể trông đợi nhiều hơn vào nhà trường, mà quan trọng là phải trông đợi vào sự giúp đỡ, khuyến khích của ngành Văn hóa, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và quan trọng hơn là của các “Mạnh Thường Quân”.

Tôi thấy rất nhiều đơn vị tư nhân sẵn sàng đầu tư cho tài năng trong các lĩnh vực thể thao, kể cả trong nghệ thuật. Nhưng những người sẵn sàng đầu tư cho tài năng trong nghệ thuật cổ điển còn rất hiếm hoi. Muốn như vậy, những tài năng như em Phương phải được truyền thông, dư luận ưu tiên chú ý. Đôi khi ngay về mặt thông tin, chúng ta đã không công bằng với các em rồi.

- Ý của TS là truyền thông không quan tâm đến các tài năng nghệ thuật cổ điển?

+ Tôi thấy là một cuộc thi tìm kiếm gì đó trên truyền hình thì rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Một cuộc thi nhạc pop chẳng hạn, cũng vô số thông tin. Rồi một vận động viên thể thao được giải quốc tế, báo chí rầm rộ tung hô… Nhưng một tài năng như em Phạm Lê Phương, hiếm hoi vô cùng trong đời sống nghệ thuật, được vinh danh trong một cuộc thi quốc tế tầm vóc, mà những ai trong nghề đều hiểu rằng rất cao quý, có khi rất lâu mới có một người đạt được như vậy, thì chẳng mấy được quan tâm.

Tìm thông tin trên mạng về một ca sĩ thường thường bậc trung thôi cũng nhan nhản, nhưng một tài năng thực sự quý giá như Lê Phương lại rất ít. Như vậy chẳng phải là truyền thông chỉ chú ý những gì bề nổi thôi sao? Các em không thể tự nói về mình, mà quan trọng là tài năng, thành tích của các em cần phải được thông tin trên truyền thông. Có như vậy, các em mới dễ dàng tìm kiếm học bổng tại các trường trên thế giới, cũng như được các “Mạnh Thường Quân” biết đến nhiều hơn và có thể đầu tư, giúp đỡ cho tài năng của các em được vươn xa.

Theo học nghệ thuật cổ điển thường tốn kém, đôi khi vượt xa khỏi sự nỗ lực của gia đình, nhờ vậy mà các em rất cần các nhà tài trợ giúp đỡ.

- Xin cảm ơn TS Đào Trọng Tuyên. 

PV
.
.