Vấn đề "nữ quyền" trong văn học

Nữ tính và nữ quyền

Thứ Bảy, 29/10/2011, 08:00
Ý kiến của nhà phê bình Bùi Việt Thắng.

Tôi cho rằng, vấn đề nữ quyền không chỉ được phát ngôn bởi những nhà văn nữ, mà trong những trường hợp nào đó có thể là một nhà văn nam. Nữ quyền không chỉ đặt ra cấp thiết với văn học đương đại Việt Nam mà từ trong quá khứ đã có những tiếng nói nghệ thuật ngân vang trong thơ của "Bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương, thơ Tú Xương... Nữ quyền không phải là "đặc quyền đặc lợi" của các cây bút trẻ, cũng không phải chờ đến văn học đương đại mới được khai thác và thể hiện mà nó thực sự là một nguồn cảm hứng lớn trong toàn bộ văn mạch dân tộc chảy qua nhiều thế kỉ. Trong phạm vi quan sát, do yêu cầu nghề nghiệp, nên văn học đương đại nói chung và sáng tác của các nhà văn trẻ nói riêng (đặc biệt là sáng tác của các nhà văn nữ trẻ) luôn luôn mời gọi tôi không chỉ với tư cách một người nghiên cứu mà còn với tư cách một người thưởng thức có kinh nghiệm.

Tôi đã đọc thơ và văn của nhiều cây bút nữ, trước hết tôi thấy mừng vì hai lẽ: Thứ nhất, nếu thị trường văn chương nước nhà (và đặc biệt văn thơ nữ) phát triển như thế chứng tỏ bầu không khí dân chủ của đời sống xã hội là có thật; hai là nó chứng tỏ một trạng thái "trăm hoa  đua nở trăm nhà đua tiếng" - đó có thể coi là bầu dưỡng khí và là mảnh đất tốt tươi của nghệ thuật đương đại, trong đó có văn chương. Trên cái nền rộng lớn ấy, chúng ta sẽ chọn được người tài giỏi.

Theo tôi, dường như một vài người nữ viết văn có vẻ như thổi phồng vấn đề nữ quyền, lấy đó làm cái cớ để phô diễn những ý tứ, những ham muốn có vẻ chính đáng, có vẻ kín đáo nhưng hóa ra hơi phồn thực và lộ liễu trong tác phẩm của mình. Nhưng cách viết như thế lại có vẻ hấp dẫn độc giả trong cơ chế đọc đang xáo trộn hiện nay.

Các nhà văn nữ ở ta hiện nay, chủ yếu tôi muốn nói đến thế hệ 7X, 8X và 9X, dù đã rất cố gắng, tuy nhiên cái mức xà kỉ lục thì vẫn còn rất xa. Tôi cứ nghĩ, đến bao giờ có một cây bút nữ viết được một tác phẩm kiểu "Thiếu nữ đánh cờ vây" của nhà văn nữ Sơn Táp gốc Trung Hoa định cư ở Pháp. Các nhà văn nữ ở ta mới tạo ra dàn "đồng ca" nhưng chưa có ai vượt trội trong nhiệm vụ đề cao nữ quyền bằng nghệ thuật. Nói một cách văn hoa thì cần một người lĩnh xướng. Có một lĩnh vực không thể lợi dụng được và nếu lợi dụng sẽ bị "ăn đủ" - đó là nghệ thuật. Gần đây có một vài nhà văn nữ trẻ mượn vấn đề nữ quyền để thể hiện những ham muốn cá nhân một cách lộ liễu, làm mất đi tính nghệ thuật của tác phẩm văn chương. Đó là người "bóc ngắn cắn dài", họ sẽ không đi xa được trong sáng tác. Nhưng nên nhớ là những người ấy khi chia tay văn chương họ cũng không lấy làm đau khổ, dằn vặt gì nhiều vì họ coi văn chương chỉ là một "trò chơi vô tăm tích".

Tôi nghĩ, nếu có trường hợp như thế là vì họ thích nổi tiếng. Nói chính xác là háo danh, họ lầm tưởng và nghĩ "nhảy bổ" vào văn chương thì sớm nổi tiếng!? Nhưng mà như cổ nhân đã nói "mua danh ba vạn" nhưng bán danh thì có vẻ rất rẻ rúng, nhất là trong đời sống xã hội đang nhiều thay đổi như hiện nay. Điểm mạnh của nhà văn nữ là sự nhạy cảm và táo bạo (đôi khi quyết liệt đến mức bạo liệt), muốn phá cách trong đời sống và trong sáng tác. Họ có ý thức làm mới văn chương rất rõ ràng.

Từng có ý kiến cho rằng, các nhà văn nữ nói chung và các tác phẩm của họ nói riêng, đã đề cập đến vấn đề nữ quyền, song, trên thực tế, họ có thể nói lên tiếng nói giải phóng cá nhân ở các khía cạnh nhỏ trong đời sống như: sex, bếp núc gia đình, nuôi dạy con cái… nhưng chưa thực sự mang tầm xã hội, chưa có những tác phẩm đề cập về hình tượng những người phụ nữ của một xã hội mà ở đó phụ nữ nắm quyền thống trị và đại diện cho một tầng lớp "trên" của xã hội. Tôi không đồng tình với ý kiến này. Nhà văn nữ có thể viết về "sex", bếp núc gia đình, nuôi dạy con cái... và đừng lo ngại viết về chuyện nhỏ thì tầm cỡ nhà văn của mình nhỏ đi.

Ngày trước Nam Cao toàn viết về chuyện miếng ăn, chuyện đói mà vẫn cứ tầm cỡ, cứ kinh điển, cứ hiện đại. Nhà văn nữ cứ viết điều gì mình thuộc nhất, sống với nó mặn mà nhất và viết một cách tâm đắc nhất. Được như thế là chị em viết văn đã đem đến cho đàn ông và cả xã hội món quà quý giá nhất. Đừng đặt cho người nữ viết văn những mức xà quá cao, như thế sẽ gây choáng ngợp. Phụ nữ không nên bị choáng ngợp trong nghệ thuật

Thiên Kim (ghi)
.
.