Nốt lặng giữa rừng phim hài

Thứ Sáu, 02/06/2017, 08:02
Trong khi dòng phim mang yếu tố hài đang làm mưa làm gió trên màn ảnh thì dòng ngược lại – phim bi chỉ là điểm xuyết lặng lẽ. Vậy nhưng hướng đi tưởng chừng như mạo hiểm, ngược xu thế này lại chinh phục được khán giả. Không hiếm nghệ sĩ hài chuyển sang thử sức ở dòng phim chạm vào góc khuất rất người, thấm đẫm tính nhân văn...


Những thước phim đẫm phận đời

Khi phim hài nhảm dần nhạt bớt thì những phim mang hơi hướng hài pha tình cảm, hài pha kinh dị - hành động… vẫn chiếm lĩnh phòng vé. Dòng phim bi kịch - tâm lý chưa thực sự được chú trọng đào sâu trong nhiều năm qua dù nó không hẳn là “sở đoản” của phim Việt. Cho đến cuối năm 2016 và đầu năm 2017, phim Việt khai thác câu chuyện đẫm nước mắt mới bắt đầu rục rịch xuất hiện, tạo nên làn gió trên màn ảnh.

“Lô tô” là bộ phim khiến không ít khán giả sụt sùi dù đây là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh. Bộ phim lấy cảm hứng từ phim tài liệu đình đám năm 2015 “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm. Trong phim, NSƯT Hữu Châu vào vai Lệ Liễu, bà bầu đoàn lô tô Phù Hoa mang kiếp “thân sâu hồn bướm”.

Cũng đề tài đồng tính, chuyển giới, nhưng câu chuyện của “Lô tô” không đưa đẩy quá nhiều kiểu ỏng ẽo, vẻ thô thiển của nhân vật hòng chọc cười, mà tái hiện sự đùm bọc, che chở nhau đầy ấm áp của những người mang trò đùa trớ trêu của Con Tạo. Những định kiến khắc nghiệt đeo bám gây nên bi kịch của phận người chuyển giới được đưa lên phiên bản điện ảnh đầy xót xa, ám ảnh.

Gặt hái nhiều thành công ở các liên hoan phim nước ngoài, “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng khi chiếu trong nước đã gây ấn tượng mạnh. Tình phụ tử thiêng liêng được điện ảnh hóa một cách xúc động, đầy vị nhân sinh. Đó là câu chuyện về hai cha con Cá và Mộc tại vùng núi cao hẻo lánh. Cá mồ côi mẹ từ nhỏ nên sống cùng người cha Mộc.

Một cảnh trong phim “Lô tô”.

Hằng ngày cha Mộc đi bắt cá, rau cháo qua ngày nuôi con. Rồi Cá bị bệnh máu trắng, số tiền ít ỏi không đủ để Mộc cứu con mình. Để con thỏa nguyện ước mơ được một lần nhìn thấy thành phố sôi động, tràn ngập ánh sáng, ông đã cõng con qua hàng trăm bậc thang tòa cao ốc. Mạch phim lặng lẽ, đều đều không có cao trào nhưng lại khiến người xem thổn thức.

Giữa tháng 5, bộ phim mang cái tên rất gợi “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” của hai đạo diễn trẻ Bình Nguyên và Mai Thế Hiệp ra mắt khán giả. Bộ phim không hề có ngôi sao, mà chỉ quy tụ các gương mặt giàu kinh nghiệm diễn xuất như NSƯT Kim Xuân, NSND Ngọc Giàu… Trên hết bộ phim ca ngợi tình cảm gia đình, những nỗi đau và mất mát để ta biết yêu thêm mái nhà có mẹ có cha.

Trước đó, “Nắng” (đạo diễn Đồng Đăng Giao) không phụ lòng người hâm mộ dù có sự tham gia của “hoa hậu hài” Thu Trang và danh hài Hoài Linh. Người mẹ Mưa bị thiểu năng, ăn nói chậm chạp, khuôn mặt ngơ ngơ ngác ngác, hằng ngày lê la khắp phố phường bán vé số, lượm ve chai để nuôi bé Nắng (Kim Thư) được Thu Trang hóa thân xuất thần.

Dù bị thiểu năng nhưng tình yêu thương của mẹ Mưa dành cho bé Nắng luôn vô bờ. Khó có thể cầm nước mắt trước phân đoạn bé Nắng gào khóc, cầu xin tòa án đừng tử hình mẹ mình. Một số bộ phim tâm lý xã hội tuy không đi hẳn vào dòng bi kịch nhưng vẫn mạnh dạn thử nghiệm ở nhiều trường đoạn để chạm trái tim công chúng, như: “Cho em gần anh thêm chút nữa”(đạo diễn Văn Công Viễn), “Sài Gòn, anh yêu em”(đạo diễn Lý Minh Thắng), “4 năm, 2 chàng, 1 tình yêu” (Luk Vân)…

Cuộc sống đâu chỉ mỗi tiếng cười

Một số nhà làm phim tâm sự: “Bắt tay làm phim bi, tụi tui vừa làm vừa run”. Rõ ràng, nếu ai muốn thử năng lực của mình thì đây là dòng phim rèn tay nghề rất hiệu quả. Bởi điểm chung của các bộ phim này là xoáy vào những mảnh đời khốn khổ, thân phận đặc biệt trong xã hội và mang đến cho người xem cảm xúc trĩu nặng về thân phận, cuộc đời.

Trước đây, hỏi lý do tại sao phim Việt lại ưu ái phim hài đến vậy, các nhà sản xuất thường phân bua rằng: “Người ta đến phòng chiếu là để giải trí, để xả căng thẳng chứ không muốn cuộc sống nặng nề thêm”. Dựa vào lý lẽ này, hàng loạt phim hài nhảm ra đời vô tội vạ. Miễn chọc cười là đưa lên màn ảnh. Và dựa vào lý lẽ này, phim bi khó thu hút khách, trong khi khâu thực hiện rất “xương xẩu”, không dễ như phim hài.

Để lấy được cảm xúc khán giả, đạo diễn phải khá chắc tay. Phim bi chú trọng nội tâm nên đòi hỏi diễn viên không chỉ đủ năng lực diễn xuất, mà còn có trải nghiệm sống để lột tả nhân vật. Do vậy, các đạo diễn không thể “chọn mặt gửi vàng” cho những tên tuổi ngôi sao hay gương mặt hot không biết diễn. Ở các phim như “Dạ cổ hoài lang”, “Nắng”, “Lô tô”… có không ít vai diễn do các nghệ sĩ hài tham gia như Hoài Linh, Chí Tài, Thu Trang, Huỳnh Lập, Hải Triều…

“Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” là bộ phim xúc động về tình cảm gia đình.

Song, khả năng diễn xuất đa dạng của họ đã khiến khán giả phải trầm trồ thán phục vì quá hợp vai. Hoài Linh, Chí Tài vốn có thời gian dài vật lộn mưu sinh trên xứ người nên họ thấm thía nỗi lòng người viễn xứ. Hải Triều trở thành một hiện tượng của “Lô tô” với đôi mắt đẫm lệ u buồn của cô đào “bóng gió” Lệ Sa Sa.

Quả thật, doanh thu phòng vé của các bộ phim trên tuy không thể sánh bằng các phim hài – tình cảm đình đám như “Em chưa 18”, “Em là bà nội của anh”… nhưng vẫn thu hút một lượng khách nhất định. Điều quan trọng, chất lượng và ý nghĩa của phim được đánh giá rất cao. Các phim hầu hết không quá đao to, búa lớn mà gửi đi thông điệp một cách nhẹ nhàng, chân thực. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ: “Hài quá nhiều khiến khán giả bắt đầu chán. Họ cần có những món ăn mới để thay đổi khẩu vị. Nếu món đó ngon thì không sợ phim không hút khách”.

Khán giả yêu thích phim bi kịch còn vì giọt nước mắt như chất tẩy rửa, thanh lọc tâm hồn, nhất là khi xã hội đầy rẫy sự dửng dưng, vô cảm. Bởi ở đời, đâu phải chỉ có mỗi tiếng cười, mà còn có muôn vàn góc khuất bi đát, nỗi đau, tiếng kêu than… Khóc để thấu hiểu; khóc để thấy mình không thờ ơ với đồng loại; khóc để trân trọng, sống tốt hơn với người, với đời. Bởi vậy,  làm “Lô tô”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh muốn cho mọi người thấy rằng, phim Việt còn đó những tác phẩm sẵn sàng đi đến tận cùng mảng màu tối sáng, góc khuất của cuộc sống chứ không chỉ đơn thuần chạy theo tiếng cười, theo gương mặt hot câu khách….

Phải thừa nhận rằng, các phim khai thác đề tài nhân văn hiện nay vẫn chưa thật sự xuất sắc và số lượng còn khá khiêm tốn. Phim đòi hỏi kỹ năng diễn xuất cao nhưng người đảm nhận vai chính lại chủ yếu là nghệ sĩ xuất thân từ kịch nói nên không ít phim vẫn đẩy cao trào cảm xúc lên như kịch. Tuy vậy, khán giả sẵn sàng chấp nhận và yêu thích vì thông điệp rất đỗi nhân văn mà nó gửi gắm.

Đạo diễn Vinh Sơn kỳ vọng: “Nếu các bạn trẻ làm phim bây giờ biết vun đắp cho nghệ thuật, chú trọng ngôn ngữ điện ảnh trong sáng tạo thì dạng phim lấy nước mắt khán giả sẽ đạt đến một giá trị nghệ thuật cao”.

Phan Thi Uyên
.
.