Nổi tiếng trên mạng xã hội: Càng lệch chuẩn, càng dễ “thành sao”?

Chủ Nhật, 14/04/2019, 08:07
Khá "bảnh" - một thanh niên với lý lịch bất hảo, lại nổi lên như một siêu sao YouTube khiến nhiều người băn khoăn tự hỏi: nổi tiếng trên mạng xã hội dễ vậy ư? Ở môi trường mạng xã hội, dường như cái gì càng nhố nhăng, dị hợm lại càng có đất sống.


Trơ + dị = nổi tiếng

Môi trường mạng xã hội hiện nay là môi trường mở. Gần như mọi thứ đưa lên đều không bị cấm dù nó có yếu tố bạo lực, dung tục hay trái thuần phong mỹ tục đi chăng nữa. Cùng lắm YouTube và Facebook dán nhãn cảnh báo hình ảnh bạo lực, rùng rợn và yêu cầu xác minh tuổi người dùng khi họ truy cập vào những clip có nội dung người lớn. Đã vậy, YouTube lại có chế độ kiếm tiền dành cho những clip có lượt xem cao. Do đó, nhiều cá nhân tận dụng để nổi tiếng, kiếm tiền bằng mọi cách.

Lệ Rơi, Bà Tưng, Tùng Sơn - Công chúa Thủy Tề, Kenny Sang, Quân Kun... và mới nhất "thánh chửi" Dương Minh Tuyền, Khá "bảnh" là những cái tên nổi lên từ mạng xã hội với đủ kiểu dị hợm, kì quặc. Họ không có tài cán gì nhưng lại phô diễn những điều lệch chuẩn mà thiên hạ vẫn chê bai.

Lệ Rơi hát như đấm vào tai người nghe; Bà Tưng nhảy nhót với kiểu áo thả rông ngực; Tùng Sơn xấu đớn xấu đau nhưng vẫn tự tin diện đồ thời trang chụp hình; Kenny Sang thì "nổ" như mình là người giàu nhất quả đất; Khá "bảnh" khoe chiến tích giang hồ, chửi bới tục tĩu, dạy dỗ đàn em ... Nếu bình thường, khi bị lên án, chê bai, họ sẽ xấu hổ mà lặng lẽ mất hút.

Những "hiện tượng mạng" nhờ lệch chuẩn như Tùng Sơn, Lệ Rơi, Kenny Sang (từ trái sang) đều nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Nhưng không, càng chửi thì những nhân vật này càng làm trò lố và lì đòn hơn để được mùa "gạch đá". Cá biệt, trường hợp Khá "bảnh" lại được nhiều học sinh tung hô như thần tượng, như anh hùng vì hành động ngông cuồng, côn đồ như đốt xe máy, dàn hàng ngang trên đường cao tốc để chụp ảnh... Còn Lệ Rơi, Tùng Sơn lại được nhiều người khen là biết vượt qua mặc cảm bản thân để được là chính mình, làm điều mình thích (!).

Phải thừa nhận rằng, một mình những nhân vật trên không đủ sức để khuấy đảo cư dân mạng dù họ có làm trò quái đản đến cỡ nào. Bởi có vô số nhân vật cũng bắt chước những cá nhân trên hòng đi lên bằng tai tiếng nhưng họ không thành công vì thiếu ekip hậu thuẫn.

Đằng sau Lệ Rơi, Khá "bảnh", Bà Tưng... có một đội ngũ để chia sẻ các clip lố lăng ấy, là người làm "chim mồi" khơi dậy làn sóng tranh cãi, là người lôi đội ngũ báo lá cải vào cuộc để biến nhân vật bất tài ấy trở thành ngôi sao. Khi độ nổi tiếng của những người này lên đến một mức độ nào đấy, ekip lại đánh tiếng dọn đường để họ nhảy vào showbiz.

Lệ Rơi, Bà Tưng từng được mời đi diễn, góp mặt trong MV, thậm chí Lệ Rơi còn đóng phim điện ảnh. Khá "bảnh" cũng tham gia vào một số phim về giang hồ trên mạng, các MV padory đình đám như "Động Thăng Thiên". Độ nổi tiếng của những nhân vật này nóng sốt đến nỗi nó khiến các nghệ sĩ làng giải trí cũng hốt hoảng.

Điều gì đã khiến những cá nhân lệch chuẩn này một bước thành sao? Nếu nhìn lại các chương trình chính thống trên tivi, người ta cũng dễ dàng nhận thấy nhà đài lăng xê điều đó như thế nào. Rất nhiều chương trình gameshow thực tế ra sức khai thác sự lệch chuẩn như phát ngôn gây sốc; hành động lố bịch như sàm sỡ, trưng nội y trên sân khấu; giả gái siêu thô và siêu xấu ...

Vietnam's Next Top Model hay The Face luôn bị ví như cái chợ và lăng xê những điều kệch cỡm. Không chỉ thí sinh mà ngay cả dàn giám khảo cũng nói móc, đánh chửi nhau trên truyền hình. Ban tổ chức dường như mặc định rằng: cái gì càng gây sốc, nhân vật nào càng đạp đổ lề lối xã hội thì càng khiến người ta tò mò. Bởi ở Việt Nam, cái gọi là văn hóa tẩy chay dường như quá nhạt nhòa.

Nghệ sĩ Việt cũng ào ào học theo

Xấu khoe nhanh nổi hơn tốt khoe nên rất nhiều nghệ sĩ ít tài, lắm tật quyết tâm học theo kiểu nổi tiếng của ngôi sao mạng xã hội. Sau màn nhảy nhót với trang phục phản cảm, Bà Tưng lại gây sốt với hình ảnh khoe mặt băng bó sưng húp sau ca phẫu thuật thẩm mỹ. Từ dạo đó, mốt khoe mặt sưng húp hậu phẫu thuật thẩm mỹ được nhiều nghệ sĩ Việt áp dụng.

Trước đây, nhắc đến chuyện dao kéo, gần như nghệ sĩ nào cũng ngại ngùng, hoặc im lặng hoặc chối bay chối biến. Bây giờ, nó lại thành mốt: không chỉ thừa nhận, hô hào phẫu thuật thẩm mỹ mà họ còn rình rang khoe ảnh băng bó. Mới đây nhất là hình ảnh nhạc sĩ, ca sĩ Lương Bằng Quang khoe ảnh anh và người yêu nằm trên giường bệnh và chờ phục hồi sau ca "đập mặt làm lại".

Từ khi các "giang hồ mạng" như Khá "bảnh", Dương Minh Tuyền... gây sốt trên YouTube thì nghệ sĩ Việt cũng đổ xô đi làm phim giang hồ, bạo lực. Dù biết rằng những web drama này không hẳn là vô bổ, nguy hại như của những tay giang hồ thứ thiệt nhưng việc hàng loạt web drama khai thác quá đà về đề tài giang hồ, bạo lực cũng khiến người xem đặt câu hỏi.

Có thể kể đến loạt phim như "Thập Tam Muội", "Vi Cá tiền truyện", "Chết thì chịu", "Ông trùm dẹp loạn giang hồ", "Người trong giang hồ", "Giang hồ Chợ Mới"... Khi cái lố bịch nổi như cồn và giới trẻ vẫn tung hô "giang hồ mạng" như thần tượng thì những bộ phim về giới xã hội đen cũng gián tiếp cổ xúy cho trào lưu này.

Cần sự mạnh tay từ cơ quan quản lý

Điểm lại các nhân vật đi lên từ mạng xã hội có thể thấy đa phần họ gây bão được một thời gian rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng. Bởi ngoài những chiêu trò dị hợm, gây sốc, họ không hề có tài cán gì. Nếu muốn lôi kéo công chúng, họ chỉ còn cách làm trò mới lố hơn, sốc hơn.

Khá “bảnh” nổi tiếng trên mạng xã hội với những clip sặc mùi giang hồ, chợ búa.

Khi vốn liếng cạn, họ cũng nhanh chóng bị khán giả quay lưng. Lệ Rơi, Bà Tưng ôm tham vọng nhảy vào làng giải trí cuối cùng phải nhận quả đắng. Lệ Rơi trở về trồng ổi rồi đi làm công nhân ở quê nhà. Còn Bà Tưng thì bán mỹ phẩm online kiếm tiền. Những nhân vật khác cũng lặn mất tăm không kèn không trống.

Tuy vậy, những gì họ đã làm tạo thành một tiền lệ xấu khiến nhận thức của giới trẻ bị méo mó, đảo lộn các giá trị chuẩn mực xã hội. Dù đã "về vườn" nhưng những clip độc hại, phản cảm của họ vẫn còn lưu lại trên YouTube, Facebook. Chưa kể, số tiền "khủng" lên tới hàng trăm triệu đồng từ các clip độc hại này khiến không ít bạn trẻ lao vào kiếm tiền bất chấp nội dung bẩn, bựa.

Kêu gọi sự tỉnh táo của cư dân mạng, khơi dậy văn hóa tẩy chay tại Việt Nam vẫn là câu chuyện rất dài. Do đó, việc ngăn chặn những "ngôi sao xẹt" đi lên từ các clip độc hại giờ đây được kỳ vọng vào sự mạnh tay của các cơ quan quản lý.

Từ đầu năm 2017 đến nay, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã triển khai một loạt biện pháp để chấn chỉnh tình trạng clip xấu độc tràn lan và ngăn chặn việc gắn quảng cáo lành mạnh của doanh nghiệp Việt Nam vào các clip này trên Facebook, Youtube. Thông điệp của Cục đối với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam là yêu cầu họ phải tuân thủ các quy định về quản lý nội dung thông tin và các hoạt động quảng cáo trên nền tảng của họ. Thế nhưng lâu nay, số clip độc hại bị gỡ bỏ vẫn rất khiêm tốn.

Tài khoản YouTube kiếm hơn 400 triệu/ tháng của Khá "bảnh", Dương Minh Tuyền chỉ bị xóa khi cơ quan chức năng can thiệp lúc Khá ''bảnh'' bị bắt vì tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc. Môi trường mạng xã hội vẫn bị bỏ ngỏ cho cỏ dại tha hồ hoành hành. Thuật toán tự động kiểm duyệt của YouTube, Facebook không giải quyết được triệt để vấn đề. Đó là chưa kể những kẻ muốn nổi tiếng và kiếm tiền bất chính từ mạng xã hội tìm cách lách bằng cách đặt những video clip vào mục văn hóa nghệ thuật, chèn nửa đầu video clip là nội dung lành mạnh còn nửa cuối là nội dung độc hại.

Phan Thi Uyên
.
.