Thị trường ca nhạc cuối năm:

Nơi sôi động, chốn đìu hiu

Thứ Ba, 01/12/2015, 08:00
Những ngày này, nếu có điều kiện đi qua những địa điểm thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Nhà hát Lớn, Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô, Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình... sẽ thấy ngập tràn các pa nô, áp phích quảng cáo cho các chương trình ca nhạc. Dường như tại những vị trí dễ quan sát nhất luôn không còn một khoảng trống. Chương trình này vừa  kết thúc, ngay lập tức sẽ có pa nô của chương trình kia thế chỗ. 

Trong khi Hà Nội đang ngập tràn các chương trình ca nhạc thì TP Hồ Chí Minh - nơi vốn được coi là "miền đất hứa" của các loại hình giải trí - lại vắng lặng đến không ngờ. Thậm chí, đã xảy ra tình trạng một số chương trình ca nhạc có nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế lẫn các ngôi sao trong nước góp mặt nhưng đến phút chót đã phải hủy show vì lượng vé bán ra quá ít. Không ít ngạc nhiên, bất ngờ về câu chuyện "sao đổi ngôi" lần đầu tiên xuất hiện trong đời sống âm nhạc này, nhưng suy cho cùng đó cũng là kết quả tất yếu của một kiểu làm ca nhạc ít đầu tư kỹ lưỡng kéo dài lâu nay.

1.Những ngày này, nếu có điều kiện đi qua những địa điểm thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Nhà hát Lớn, Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô, Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình... sẽ thấy ngập tràn các pa nô, áp phích quảng cáo cho các chương trình ca nhạc. Dường như tại những vị trí dễ quan sát nhất luôn không còn một khoảng trống. Chương trình này vừa  kết thúc, ngay lập tức sẽ có pa nô của chương trình kia thế chỗ.

Liveshow “Bài ca không quên” của Trọng Tấn đã khiến khán giả thực sự hài lòng.

Lần lượt nhiều ca sĩ miền Bắc chọn thời điểm này để tổ chức liveshow như Minh Thu với "Khởi nguyên", Hoàng Quyên với "Rét đầu mùa", Trọng Tấn với "Bài ca không quên", Tùng Dương với "Thập kỷ hoan ca"... Liveshow Đàm Vĩnh Hưng vừa khép lại cũng là lúc diễn ra chương trình của  Hồng Nhung "Phố à phố ơi... Bống à bống ơi" đang được khán giả Hà Nội háo hức chờ đợi. Chưa kể tới những chương trình của các nhạc sĩ như liveshow "Trần gia nhã nhạc" của gia đình nhạc sĩ Trần Tiến, Trần Hiếu trước đó hay seri chương trình thường niên của nhạc sĩ Phú Quang.

Điều đáng nói là các liveshow ca nhạc này đều được khán giả ủng hộ nhiệt tình với những khán phòng không còn chỗ trống. Dù là chương trình của ca sĩ trẻ như Hoàng Quyên hay ca sĩ không thuộc diện tên tuổi như Minh Thu đều kín chỗ. Chưa nói đến những ca sĩ tên tuổi, có một lượng người hâm mộ tương đối ổn định như Hồng Nhung, Trọng Tấn, Đàm Vĩnh Hưng... thì chuyện bán được vé là điều đương nhiên.

Trái ngược với không khí sôi động ở phía Bắc, đời sống ca nhạc phía Nam lại vắng lặng hơn bao giờ hết. Lâu nay, TP Hồ Chí Minh vốn được coi là "miền đất hứa" cho các giọng hát trẻ nên không ít ca sĩ miền Bắc để mở rộng diện phủ sóng của mình đã chọn con đường Nam tiến. Thậm chí, có những thời điểm, phong trào Nam tiến rầm rộ tới mức Hà Nội chỉ còn là sân chơi của những ca sĩ thuộc dòng thính phòng, dân ca. Tuy nhiên, chỉ trong vòng mấy tháng cuối năm, tại nơi đây, một số chương trình ca nhạc đã được quảng cáo khá rầm rộ nhưng phải hủy diễn vào phút chót vì ế vé.

Tháng 9-2015, chương trình In the spotlight với nhân vật chính là danh ca Mỹ Peabo Bryson đã phải hủy buổi biểu diễn tại TP Hồ Chí Minh do không bán được vé. Trong khi đó, cũng chương trình này khi diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình lại khá thành công. Một số chương trình tổng hợp khác như "Young Hit Young Beat" tại Sân khấu Lan Anh dù có khá nhiều ca sĩ tên tuổi như Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Uyên Linh... hay đêm nhạc "Vũ Thành An - Tình khúc không tên" ở Nhà hát Hòa Bình quy tụ danh ca hải ngoại Tuấn Ngọc, ca sĩ Quang Dũng... đều chịu cảnh đìu hiu.

Được biết, phải tới 4 năm, Phương Nam film mới dám tổ chức một liveshow như "Tình khúc không tên" nhưng lượng khán giả không được như mong đợi. Nhưng dù sao đây cũng là chương trình biểu diễn ca nhạc thuần túy hiếm hoi trong năm nay tại TP Hồ Chí Minh. Gần đây nhất, đầu tháng 11, chương trình "Super X Festival" với sự có mặt của nam ca sĩ Hàn Quốc nổi tiếng Psy cũng đã bị nhà tổ chức hoãn show vì lượng vé bán ra quá ít so với mức chi phí bỏ ra.

Để không phải nhìn cảnh khán giả lèo tèo như những chương trình trước, một số ca sĩ trẻ đã phải thay đổi kế hoạch biểu diễn của mình. Ca sĩ Noo Phước Thịnh đã quyết định dời liveshow ca nhạc đầu tiên trong sự nghiệp của mình dự kiến vào tháng 12 sang năm sau vì chưa tìm được nhà tài trợ. Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, Hồ Trung Dũng... cũng ấp ủ thực hiện liveshow nhưng vẫn chưa có lịch cụ thể có lẽ vì muốn qua giai đoạn vắng vẻ này hoặc chắc chắn tìm kiếm được Mạnh Thường Quân. Bởi các ca sĩ thừa hiểu không có nhà tài trợ, chỉ trông chờ vào lượng vé bán tự do thì quả là một bài toán quá nhiều rủi ro.

2. Một trong những lý do khiến cho đời sống âm nhạc Thủ đô cuối năm trở nên sôi động phải kể tới lý do thời tiết. Tiết trời se lạnh của những ngày cuối thu, đầu đông luôn là "thời điểm vàng" để kể những câu chuyện bằng âm nhạc. Và người Hà Nội - vốn sống dựa nhiều vào cảm xúc cũng thường chiều chuộng mình và những người thân yêu bằng những tấm vé xem ca nhạc như thế. Nhưng quan trọng hơn là khán giả Hà Nội thường ưu ái cho những chương trình của những ca sĩ có giọng hát tốt được thực hiện công phu, nghiêm túc, có đầu tư cả về chuyên môn lẫn nghệ thuật dàn dựng.

Những chương trình ca nhạc tạp kỹ hổ lốn, "treo đầu dê bán thịt chó" - với phương thức là bên cạnh một số ngôi sao ca nhạc sẽ kèm những giọng hát ít người biết tới - từng làm mưa làm gió trong phía Nam đã không có đất sống ở miền Bắc. Khán giả Hà Nội có tiếng là kỹ tính hơn nên chỉ thường lựa chọn những chương trình ca nhạc được đầu tư công phu, kỹ lưỡng để thưởng thức. Dường như khán giả Hà Nội tiếp cận đời sống âm nhạc một cách điềm đạm, không hối hả chạy theo trào lưu nên cũng chưa từng phải chịu cảnh thoái trào. Với những ca sĩ có những tìm tòi, sáng tạo mới mẻ và đầu tư nghiêm túc trong nghệ thuật đều có điều kiện chinh phục thị trường ca nhạc khó tính này.

Với những bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Vũ Thanh An nhưng liveshow “Tình khúc không tên” cũng khá chật vật ở khâu bán vé.

Một nguyên nhân nữa khiến cho đời sống ca nhạc cuối năm ở Hà Nội sôi động vì ngoài một số chương trình ca nhạc trên Đài Truyền hình Quốc gia, họ ít bị tác động bởi những chương trình ca nhạc trên truyền hình khác. Và nhiều ca sĩ cũng luôn chọn Hà Nội làm nơi tổ chức liveshow bởi họ tin rằng, với sự khó tính trong thưởng thức âm nhạc của khán giả nơi đây thì chương trình thành công đồng nghĩa với việc tên tuổi, giá trị của họ đã được khẳng định.

Lý giải nguyên nhân khiến cho thị trường âm nhạc phía Nam trở nên đóng băng như vậy, các nhà tổ chức chuyên nghiệp cho rằng, vì lâu nay TP Hồ Chí Minh tràn ngập các chương trình ca nhạc miễn phí do các nhãn hàng hay các đơn vị phối hợp với Đài Truyền hình thực hiện. Chỉ cần ngồi nhà, không mất tiền nhưng vẫn được gặp gỡ các ngôi sao hay thần tượng của mình thì thật khó khiến họ bỏ tiền túi ra mua vé. Nhất là khi các chương trình đó cũng na ná nhau.

Ngoài ra, phải kể đến sự tấn công mạnh mẽ của các chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp dày đặc trên sóng. Ngoài các kênh của đài Truyền hình quốc gia, khán giả phía Nam còn là đối tượng hướng đến của những kênh làm giải trí khá mạnh như HTV, Đài Truyền hình Vĩnh Long, Đài Truyền hình Cần Thơ... Từ tháng 10, chiếm sóng các tối thứ bảy hằng tuần của VTV9 là lần lượt các chương trình "Âm nhạc và bước nhảy", "Sol vàng", "Sài Gòn đêm thứ bảy" và "Tình khúc vượt thời gian" của nhà sản xuất Jet Studio. Chưa kể tới những chương trình của Đài Truyền hình Vĩnh Long đang được khán giả yêu thích như "Solo cùng bolero", "Tình ca Việt"... Những chương trình này với sự tài trợ khá lớn của các Mạnh Thường Quân nên được đầu tư kỹ lưỡng về sân khấu, cũng như mời được khá nhiều giọng ca nổi tiếng tham gia, vì vậy không thua kém bất kỳ một chương trình ca nhạc bán vé nào.

Tuy nhiên, lý do cốt lõi khiến khán giả phía Nam không mặn mà với các chương trình ca nhạc bởi lâu nay, các nhà sản xuất ca nhạc nơi này đã chạy theo trào lưu sử dụng quá nhiều chiêu trò hay kỹ xảo thay vì đầu tư vào chất lượng nghệ thuật. Mỗi chương trình chỉ là phép cộng thuần túy, thậm chí hổ lốn của những bài hát chứ không theo chủ đề hay cho thấy sự thể nghiệm mới lạ của ca sĩ. Cách làm ca nhạc dễ dãi, ai cũng có thể làm ca nhạc đã khiến cho thị trường này trở nên bão hòa, các chương trình không được đầu tư kỹ lưỡng khiến người xem dần mất lòng tin. Đó có lẽ cũng chính là bài học cho bất kỳ nhà tổ chức âm nhạc nghiêm túc nào.

Thảo Duyên
.
.