Nỗi lo giang hồ mạng
- Ảo tưởng sức mạnh - Căn bệnh khó chữa của “giang hồ mạng”
- "Giang hồ mạng" Phú Lê bị khởi tố tội gì?
- Vì sao cặp vợ chồng "giang hồ mạng" Phú Lê bị bắt?
Ca sĩ Phú Lê có phải một nhân vật chuyên nghiệp trong làng nghệ thuật không? Chắc chắn không? Thế nhưng, Phú Lê có ca hát, thu âm và sản xuất các music video nên cũng được gọi là ca sĩ Phú Lê. Thực chất, ca sĩ Phú Lê là một giang hồ mạng, nổi tiếng không thua kém các tên tuổi đã xộ khám như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Quang Rambo, Huấn Hoa Hồng…
Ca sĩ Phú Lê tên thật Lê Văn Phú, năm nay 40 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Yên Bái. Ca sĩ Phú Lê được nhớ đến với bằng hình ảnh xăm trổ rằn ri khắp người và lúc nào cũng đeo vàng bạc phô trương. Kỳ lạ thay, ca sĩ Phú Lê lại có một lượng hâm mộ khủng khiếp, mà các ca sĩ ngôi sao cũng phải ganh tỵ.
Kênh Youtube của ca sĩ Phú Lê có hơn 2 triệu khách đăng ký, còn trang Facebook của ca sĩ Phú Lê có hơn 400 nghìn người theo dõi. Vì vậy, ca sĩ Phú Lê có nhiều bài hát như "Sống chết có nhau", "Chạm mặt cuộc đời" hoặc "Vì con" đạt con số vài chục triệu lượt thưởng thức.
Đặc biệt, bản music video "Đời là thế thôi" mà ca sĩ Phú Lê chọn làm bài hát chính cho bộ phim "Chạm mặt giang hồ" (đóng chung với gã giang hồ Đường Nhuệ cũng vừa bị bắt ở Thái Bình) đã đạt đến con số 130 triệu lượt xem.
Gần đây, ca sĩ Phú Lê lại gây sốt với ca khúc "Con xin lỗi mẹ". Đây là ca khúc do ca sĩ Châu Việt Cường sáng tác trong Trại giam Thanh Lâm - Thanh Hóa khi nghe tin mẹ mình qua đời vì bị tai nạn giao thông trong lúc đi nhặt ve chai.
Xin nói thêm, ca sĩ Châu Việt Cường đang thụ án 11 năm tù giam vì tội dùng chất gây nghiện làm chết người. Không biết ca khúc "Con xin lỗi mẹ" của ca sĩ Châu Việt Cường bằng cách nào đã lọt vào tay ca sĩ Phú Lê, và được thu âm.
Chất giọng của ca sĩ Phú Lê rất xoàng, nhưng ca khúc "Con xin lỗi mẹ" khá cảm động vì bày tỏ sự ăn năn của một đứa con ngỗ ngược lầm đường lạc lối. Ca khúc "Con xin lỗi mẹ" do ca sĩ Phú Lê thể hiện, cũng đạt 5 triệu lượt xem sau 3 tháng đưa lên Youtube.
Nhiều người cũng có chút thiện cảm khi nghe ca sĩ Phú Lê hát: "Mẹ trên cao soi đường con bước, cả đời mẹ vất vả vì con/ Mẹ yêu ơi, con xin lỗi mẹ/ Con đã làm mẹ phải đau lòng/ Một nén nhang cho mẹ, con vẫn chưa vẹn toàn/ Giờ mẹ đã yên giấc, làm bạn với cỏ cây/ Linh hồn mẹ…xin hãy hiểu cho con".
Thế nhưng, không thể ngờ ca sĩ Phú Lê và vợ là Lã Thúy Kiều đã tổ chức hành hung mẹ và dì của hotgirl Đào Chile. Vừa hát về mẹ nồng nàn, đã đi đánh mẹ của người khác một cách dã man, có phải là phẩm chất của giang hồ mạng?
Theo tường trình từ phía vợ chồng ca sĩ Phú Lê cũng như phía hotgirl Đào Chile, thì họ có quen biết nhau khi cùng làm sản phẩm hài chiếu mạng. Sau đó, hai bên mâu thuẫn, Đào Chile livestream trên Facebook cá nhân để nói ra những vướng mắc thì Lã Thúy Kiều cho đàn em đến dằn mặt. Chưa hết, không cho phép hotgirl Đào Chile hòa giải, ngày 3/8, ca sĩ Phú Lê và vợ đã cho lưu manh đến tận nhà Đào Chile để tính sổ bụi đời.
Hotgirl Đào Chile không có nhà, nên mẹ của Đào Chile là bà Nguyễn Thị Nga (69 tuổi) và dì của Đào Chile là bà Nguyễn Thị Bé (67 tuổi) đã bị "xử lý" bằng tuýp sắt, phải nhập viện cấp cứu.
Hành vi côn đồ của ca sĩ Phú Lê và vợ là Lã Thúy Kiều (35 tuổi, quê Bình Lục- Hà Nam) không thể dung thứ. Do đó, Công an Hà Nội đã bắt khẩn cấp và khởi tố vụ án hành hung người khác, gây rối trật tự công cộng đối với hai vợ chồng giang hồ mạng. Kết cục của ca sĩ Phú Lê cũng như bao giang hồ mạng coi trời bằng vung khác.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là tại sao giang hồ mạng lại được "hâm mộ" như vậy? Phải chăng, xu hướng thần tượng của giới trẻ hôm nay có vấn đề lệch lạc nghiêm trọng? Ca khúc "Đời là thế thôi" của ca sĩ Phú Lê có nội dung rất xàm xí, nhưng đi đâu cũng nghe tuổi teen hát như "thánh ca" siêu phàm: "Khổ trước sướng sau thế mới giàu/ Tình nghĩa anh em có chắc bền lâu/ Giàu trước khổ sau thế mới đau lòng/ Khi sa cơ không còn ai/ Khi mình đã có những gì người ta cần/ Người ta luôn quan tâm và chia sẻ/ Khi mình sa cơ thất thế trên cuộc đời/ Người ta mang mình ra đành rẻ bán/ Khi gian nan mới biết ai là bạn/ Hỏi thế nhân ơi có mấy người cũng như tôi…/ Nói nghe nè bạn ơi/ Tôi xin cám ơn bạn/ Nhờ bạn mà tôi có ngày hôm nay/ Một lần này nữa thôi/ Tôi xin cám ơn bạn/ Đã cho tôi biết/ Đời chỉ là thế thôi/ Khổ trước sướng sau thế mới giàu/ Tình nghĩa anh em có chắc bền lâu/ Giàu trước khổ sau thế mới đau…".
Giang hồ mạng đang là đề tài "hot" trên Youtube. Không chỉ có giang hồ mạng làm phim về đâm chém, mà nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng lao vào làm phim chủ đề này. Nhà sản xuất phim giang hồ để tung lên mạng, đều là ca sĩ, diễn viên, danh hài đã thành danh như Việt Hương, Nam Thư, Thu Trang, Lâm Chí Khang, Hồ Quang Hiếu, Ưng Hoàng Phúc…
Và những thước phim có hàng triệu lượt thưởng thức của họ đều xoay quanh các cảnh tranh giành giết chóc như "Thập tam muội", "Tay buôn, buông tay", "Chết thì chịu", "Trật tự mới", "Thập tứ cô nương", Người của giang hồ", "Hiếu bến tàu", "Đại ca đi học"…
Phim về giang hồ được chiếu trên mạng của Việt Nam có gì hay? Kịch bản rất ấm ớ, những góc quay cũng bình thường, diễn xuất không mấy ấn tượng. Vậy mà vẫn lôi kéo người xem bằng những cảnh đánh đấm, giành giật, múa dao, vung kiếm… Nói trắng ra, đó là loại sản phẩm giải trí rất rẻ tiền và vô bổ.
Sau khi bộ phim "Bụi đời Chợ Lớn" bị cấm chiếu vì quá nhiều cảnh bạo lực, những nhà sản xuất lập tức chuyển hướng khai thác. Họ không làm phim để chiếu rạp nữa, mà làm phim để chiếu mạng. Trên kênh Youtube, không có ai kiểm soát nội dung và sự dễ dãi của đám đông giúp dòng phim giang hồ ung dung đáp ứng thị hiếu và tìm kiếm lợi nhuận từ quảng cáo.
Vì sao dòng phim giang hồ tự do tác oai tác quái không gian giải trí internet? Vì các sản phẩm này không bị khống chế bởi Luật An ninh mạng lẫn Luật Điện ảnh. Ai cũng có thể làm nhà sản xuất, ai cũng có thể làm đạo diễn và ai cũng có thể làm diễn viên.
Sự ảnh hưởng tiêu cực của dòng phim giang hồ đến giới trẻ rất rõ ràng, nhưng những nhà quản lý văn hóa dường như chưa có biện pháp chấn chỉnh hiệu quả. Nâng cao sức đề kháng để công chúng khước từ sản phẩm độc hại là việc lâu dài, mà trước mắt cần cảnh tỉnh thái độ nghề nghiệp của giới nghệ sĩ. Không thể chống chế hồn nhiên như diễn viên Nam Thư bao biện "khán giả muốn xem thì nghệ sĩ chúng tôi sẽ thực hiện bằng những tâm huyết và công sức lao động của mình".
Từ trường hợp ca sĩ Phú Lê bị bắt giam và bị khởi tố, càng thấm thía rằng: Nếu không có biện pháp chấn chỉnh thì giang hồ mạng sẽ làm suy đồi thế hệ tương lai. Đó là lối ích khoa trương, ích kỷ, giành giật, và tự mình nhân danh công lý để giải quyết mọi xung đột bằng bạo lực.